“Rạp chiếu bóng” đã xuất hiện ở Việt Nam hơn 100 năm trước qua loạt ảnh hiếm

Nếu như những thước phim đầu tiên được quay và trình chiếu vào năm 1895 của anh em nhà Lumière ở nước Pháp, thì chỉ khoảng 2-3 năm sau đó, người dân Sài Gòn – Chợ Lớn đã được thưởng thức môn nghệ thuật kết hợp giữa thành tựu khoa học kỹ thuật với nghệ thuật biểu diễn này.

Tuần báo Nam Kỳ số 50 ra ngày 6/10/1898 có một bài quảng cáo với tựa đề “Hát hình máy” để giới thiệu để người dân biết tới buổi chiếu phim diễn ra ở Chợ Lớn như sau:

Hát hình máy

Tại Châu thành Chợ Lớn (Phía trước nhà quan Tổng đốc Chợ Lớn). Tối bữa nay và mỗi tối đúng 9 giờ. Ông D’Arc có hát hình máy hay quá sức. Bọn này là bọn hát hình cá thể và giỏi hơn hết thảy trên thế gian. Hát nhiều thứ tuồng. Như nhiều tích kể sau đây:

Tuồng những kép hát tài nghệ trong trào.
Những thằng hề quá sức
Những hình múa tay múa chân hay lắm.
Ông Barbe bleue (Râu xanh).
Nhiều lớp tuồng đẹp đẽ, đổi màu, khác xa nhau.
Tuồng một người vượt biển chiêm bao.
Đồ chưng tuồng lộng lạc – Bận y phục quý trọng quá chừng
Buồng (4 chỗ ngồi)… 5 đồng 00.
Ghế bực nhất… 1 đồng 00.
Ghế bực nhì… 0 đồng 50.
Ghế bực ba… 0 đồng 30.

Lính bộ, lính thủy và con nít chưa tới 12 tuổi đi coi ngồi ghế bực nhất, bực nhì thì trả nửa tiền mà thôi. Tám giờ tối mở cửa. Chín giờ khởi sự hát…”


Phim Barbe bleue (Râu xanh) năm 1901

Trước khi chiếu ở Chợ Lớn, rạp “hát hình máy” lưu động này đã chiếu cho người dân Sài Gòn coi ở đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ).

Tuần báo Nam Kỳ cũng ghi nhận: “Từ hôm rạp hát hình nầy dời vô Chợ Lớn tới nay, thì đắt quá chừng, thiên hạ đi coi chật như nêm, tối bữa nào cũng có nhiều người giành xé nhau mà mua giấy đặng vào coi, kẻo hết chỗ ngồi”.

Các số sau đó, tuần báo Nam Kỳ đã cho đăng những ý kiến của người dân bản xứ khi lần đầu thụ hưởng sản phẩm điện ảnh:

“Cách ít ngày rày, ta có dắt vợ con ta đi coi một bữa hát hình… Thật khi thấy mấy cái hình nhỏ nhỏ đó nó đi, nó nói chuyện, đầu ngó qua ngó lại, còn hai tay múa lia múa lịa, ai nấy cũng đều tưởng là hình sống”. (Nam Kỳ, số ra ngày 20-10-1898).

“Khi mới vào coi, không ai rõ là đồ máy, mà thấy những hình nhỏ nhỏ, chạy vô chạy ra, nhảy múa hát xướng như vậy, thì tưởng là con người ta, chớ không dè là hình máy bao giờ”. (Nam Kỳ, số ra ngày 27-10-1898).

Trên tuần báo Nam Kỳ số 81 ra ngày 18/5/1899 có đăng bài thơ mang tên Hát bóng máy xây (cinématographe) trong mục Tiếu đàm truyện của tác giả Trương Minh Ký (học trò của Petrus Ký) như sau:

Sài Gòn phía chợ dựa bên đường
Rạp lá gây nên một hý trường
Chiêng dậy vang tai người rộn rực
Đèn chong chói mặt chúng chàng ràng

Dọi hình nhân vật dường như sống
Nghe tiếng đầu không cũng dị thường
Tay khéo tài hay bày cuộc lạ
Ước trông ai nấy thấy cho tường.

Sau đây là bộ ảnh mô tả hoạt động của một đơn vị chiếu bóng (còn gọi là chớp bóng) lưu động:

Người ngồi giữa là René Tétart – trưởng của một đơn vị chiếu bóng lưu động, chủ yếu người bản xứ
Nhiều đoạn đường phải đi trên sông nước
Vì chiếu phim tài liệu là loại phim tuyên truyền thường phải di chuyển tới những vùng xa, địa hình hiểm trở

Đoàn chiếu phim lưu động đang di chuyển dụng cụ tới nơi chiếu
Tập trung thiết bị chiếu phim
Dựng màn chiếu phim. Hình ảnh này vẫn còn được nhìn thấy ở VN vào những năm thập niên 1990, tức là sau thời điểm hình chụp này tới 90 năm

Màn chiếu bóng tại bãi chiếu phim lưu động

Di chuyển máy phát điện
Máy phát điện phục vụ buổi chiếu phim
Phòng chiếu được dựng trên cao
Dân chúng đứng xem poster quảng cáo phim. Bên phải là một tờ quảng cáo ghi chữ quốc ngữ
Toàn cảnh buổi chiếu phim

André Touzet, sau này là Thống sứ Bắc kỳ, có viết một bài (trên tờ Revue Indochinoise ngày 19/12/1916) mô tả buổi chiếu phim rất sát với những hình ảnh này, cho biết rằng mỗi địa điểm chiếu trong 3 ngày, với nhiều chương trình, nên chung quanh bãi chiếu có nhiều hàng quán, ngoài phục vụ ăn uống, còn cho thuê cả chỗ ngủ để có thể dự được cả 3 tối chiếu phim…

Hát hình máy (cinématographe) lưu động là hình thức chiếu phim sơ khai nhất đã xuất hiện ở Sài Gòn ngay sau khi nó được phát minh ra. Thời kỳ này các phim được chiếu chủ yếu là tuồng hát hoặc quay cảnh sinh hoạt thông thường mang tính tư liệu, thời sự. Trong những năm đầu thế kỷ 20, chỉ một thời gian ngắn, các nhà làm phim Pháp đã quay được rất nhiều phim tài liệu ca ngợi “nền văn minh Pháp” và công cuộc khai thác thuộc địa, giới thiệu về tài nguyên cao su, thuốc lá, mỹ thuật bản địa, lễ Nam Giao, lăng tẩm Huế, cảng Sài Gòn, Hà Nội, hoặc các sự kiện có tính thời sự ở Đông Dương.

Nhóm làm phim của Pháp đến Huế gặp các quan chức để làm phim

Năm 1906, cuốn phim của Úc mang tên The Story of the Kelly Gang được xem là phim điện ảnh thực thụ đầu tiên của lịch sử điện ảnh, mở đầu cho sự phát triển như vũ bão của nền nghệ thuật này.

Ngày 19/9/1923, công ty sản xuất phim đầu tiên được thành lập ở Đông Dương (Công ty phim và Chiếu bóng Ðông Dương (Société Indochine Films et Cinéma) và bắt tay ngay vào sản xuất phim ở Việt Nam. Từ đó cho tới năm 1938, công ty này sản xuất được 10 phim, trong đó có 3 phim truyện.

Vào năm 2004, Viện Tư Liệu Phim Ảnh Pháp đã gửi tặng lại cho Việt Nam 2 cuốn phim câm (không có tiếng động) mà họ làm trong thời gian này là:

Phim truyện Dưới Mắt Của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sản xuất năm 1923, dài 45 phút gồm năm phần kể về câu chuyện của chàng trai trẻ tên Lý – một người say mê sân khấu đã phải trải qua trăm nghìn bất trắc để trinh phục trái tim con gái ngài Quận trưởng Trần. Cuốn phim này được công ty Dịch vụ Điện ảnh Đông Dương sản xuất, do một họa sĩ được coi là người Đông Dương mang tên A.Joyeux thực hiện.

Phim thứ hai là Phim tài liệu Các Miền Phụ Cận Của Hà Nội (Aux environs de Hanoi: à travers la campagne Tonkinoise, Bouddhas et génies), sản xuất năm 1910, được giới thiệu qua 12 chủ đề về các công trình kiến trúc văn hóa một thời của Hà Nội, như các đền thờ, chùa Một Cột, chùa Tứ Trụ, chùa Trấn Quốc, chùa Từ Đạo Hạnh và nhiều những danh thắng nổi tiếng của Hà Nội.

Ngoài ra, giai đoạn từ năm 1920-1945 cũng đã có nhiều phim do Việt Nam làm, hoặc do Pháp sản xuất với diễn viên là người Việt Nam, đó là: Kim Vân Kiều, Huyền Thoại Bà Đế, Một Đồng Kẽm Tậu Được Ngựa, Săn Cọp Ở An Nam, Cánh Đồng Ma, Trận Phong Ba, Một Buổi Chiều Trên Sông Cửu Long, Thầy Pháp Râu Đỏ, Trọn Với Tình, Toét Sợ Ma…

Thập niên 1920 là thời gian của phim câm (không có tiếng động), nhưng nó nhanh chóng bị lạc hậu và nhường chỗ cho kỷ nguyên phim có tiếng được ra đời vào những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ 20.

Trong một bài báo trên tờ Sài Thành Họa Báo, số ra ngày 25/4/1935 có nhắc qua về sự chuyển đổi đó như sau:

Mới trong một nửa thế kỷ nay, nghề chớp bóng phát sanh, mà nay đã tiến bộ tới cái trình độ, ta có thể gọi là cực điểm, chẳng phải ngoa ngôn. Mới năm sáu năm trước, hết thảy trên trái đất chỉ có chớp ảnh câm mà thôi. Từ ba bốn năm nay thì đâu chưa có chớp ảnh nói, còn là hủ lậu. Có lẽ chỉ trong ít tháng nữa thì cách “chớp ảnh lồi hình” sẽ làm cho các rạp “chớp ảnh nói lại” đều bị thất bại.

Chớp ảnh lồi hình, tức là trên màn ảnh, in hệt cảnh vật thiệt, người ta và cảnh vật đều lồi hình, cử động không khác cuộc diễn kịch trên sân khấu.

“Chớp ảnh lồi hình” chính là tên gọi khác của phim 3D mà chúng ta đã biết sau này. Ít người biết rằng nó được chính Louis Lumière nghiên cứu và sáng tạo. Như đã nhắc bên trên, anh em nhà Lumière là những nhà làm phim đầu tiên trên thế giới). Thậm chí trong bài báo này, tác giả còn nhắc tới loại kính 3D đầu tiên của Lumière phát minh ra, có 2 màu xanh và đỏ giống như sau này.

Bài báo có đoạn:

“Mấy năm xưa, ai nói đến cuộc chớp bóng lồi hình thì cho là một giấc chiêm bao, chẳng bao giờ thực hành đặng! Ngày nay cách chớp bóng này đã có kết quả mỹ mãn rồi và chẳng bao lâu sẽ thành ra thực nghiệp phổ thông khắp thế giới. […]

Bài báo về “chớp bóng lồi hình” năm 1935

Tác giả bài báo này được chính ông Louis Lumière giải thích về cấu tạo của mắt kiếng để coi được phim lồi hình (nổi hình) như sau:

“Chẳng phải là đích thân tôi đã sáng kiến ra cái nguyên tắc cách chớp bóng lồi hình; tôi chẳng làm cách nào khác hơn là lợi dụng cái nguyên tắc của ống rọi hình (stéreoscope) là cái hòm có hai mắt kính rọi, nếu ra đặt những tấm hình ngay phía sau hai mắt kính rồi để mắt vô hai mắt kính, thấy hình trong ảnh lớn ra và lồi như cảnh vật thực, hình này xưa nay vẫn có, là cái ống dòm, thường có người mang đi khắp làng chợ, ai trả một xu thì để mắt vào hai mắt kính mà xem hình. Nói cho đích xác thì cách rọi hình chìm thành ra hình nổi đã phát hiện từ năm 1855, hồi này nhà khoa học Almeido thí nghiệm nếu chiếu vào màn ảnh hai tấm cùng một hình, nghĩa là trong hòm rọi hình nổi thì hình nào cũng 2 tấm (double) [đoạn này bị mất chữ]

Hai hình đối chiếu ở trên màn ảnh thì một tấm biến ra màu đỏ, và tấm kia màu xanh.

Khán giả đều mang cặp mắt kiếng, nhưng một mắt kiếng thì màu đỏ và mắt kiếng kia màu xanh. Như vậy thì mắt kiếng màu nầy làm cho nhìn thấy hình đúng mầu với tấm hình rọi. Hai tấm hình rọi phản chiếu nhau trong khi rọi qua hai mắt kiếng thì hỗn hiệp, in hệt lồi thành hình thiệt vậy.

Cho được thực hành cái nguyên tắc chớp bóng nổi hình (hoặc lồi hình), chẳng phải bỏ vốn bạc muôn để cất rạp và sắm máy như các rạp chớp bóng nói. CHỉ hệ trọng nhứt là cặp mắt kiếng hai màu. […]

Tác giả bài báo kể lại trải nghiệm khi được xem phim lồi hình (3D) hồi 90 năm trước:

Sau khi đã giảng thuật cho tôi đầu đuôi tiểu sử của thuật chớp bóng lồi hình rồi thì ông Lumière đặt cuốn phim vô máy chiếu bóng, máy nầy cũng chiếu bằng hai kính. Đưa cho tôi mỗi người một cặp mặt kính, ai cũng để kính vào mắt, đoạn rồi tắt hết đèn khí. Từ đây xả máy cho chạy, trước mắt thiệt là một cảnh vật ly kỳ, cổ quái hết sức. Kia chính là một bãi biển Địa Trung Hải. Tưởng hồ như chúng tôi đã bay tới đích thiệt chỗ nầy, chỉ quơ tay cũng với bắt được những người đương tắm, đương bơi trên làn sóng, nam phụ lão ấu cùng nhau đề huề đi lại trên bãi hát, chằng có chút gì khiến mình nhớ lại chỉ là kẻ đứng trong xó buồng tối tăm, phía bên cái máy chớp bóng lồi mà thôi.

Kỳ quá nữa là hải đăng Tonlon: một con thuyền tự động chạy bon bon trên mặt biển đương lượn vô. Nhìn cái muiz thuyền nhảy qua làn sóng, như là đã chạy ra ngoài màn ảnh, làm cho chúng tôi đều khiếp nhược, muốn né mình ra ngoài cho khỏi bị nó đụng nhầm mình.

Hai con voi lớn… nó ngửng đầu lên, cái vòi nó hình như lòi ra phía ngoài màn ảnh, muốn như quơ hết mọi người đứng trong phòng.

Ai cũng bị kinh hãi nhứt là chợt nhìn thấy xe lửa đương chạy. Hình như chỉ chớp mắt thì bị xe lửa chạy thẳng vô mình, không sao thoát khỏi cái nạn bị nó nghiến nát bấy thân thể… Tôi bị hoảng hồn, đã toan nhảy ra phía bên cho khỏi bị xe lửa đè…

Đó thực sự là những trải nghiệm điện ảnh sống động được đăng trên báo chí Việt Nam từ năm 1935, không khác gì phim 3D thời hiện tại.

Sau thời kỳ “hát hình máy lưu động” thì rạp chiếu bóng cũng có mặt ở Sài Gòn từ rất sớm, chỉ 3-4 năm sau khi phim điện ảnh đầu tiên trên thế giới được sản xuất, đó là rạp Casino Saigon được mở năm 1910, của thương gia Pháp Léopold Bernard – ông chủ công ty Société anonyme pour l’exploitation des cinemas, nằm ở địa chỉ số 30 Bonard (nay là Lê Lợi). Ngoài rạp này, ông Bernard còn xây dựng nhiều rạp hát mang tên Casino ở khắp Nam kỳ lục tỉnh để phục vụ nhu cầu xem xi-nê (chiếu bóng – chớp bóng) cho người dân.

Thời gian sau đó, rạp Casino Saigon được chuyển sang bên cạnh (số 28 Bonard) rộng rãi hơn, nằm ở góc đại lộ Bonard – Pellerin (nay là Lê Lợi – Pasteur). Rạp Casino chiếu các phim mới thịnh hành ở Paris, như phim hài Ce bon Lucien ra mắt năm 1918 thì không lâu sau đó Casino Saigon đã chiếu.

Năm 1955, rạp Casino ở số 28 Bonard (lúc này đã đổi tên thành Lê Lợi) bị đập bỏ và xây rạp mới gần bên cạnh, nằm trên đường Pasteur (số 59).

Sau năm 1975, rạp này đổi tên thành rạp chiếu phim Vinh Quang, thuộc quản lý của công ty nhà nước, cùng hệ thống rạp với các rạp Thăng Long (đường Cao Thắng), Đống Đa (đường Trần Hưng Đạo), rạp Tân Sơn Nhất (đường Phổ Quang). Hiện nay rạp Vinh Quang cũng không còn, khu đất này mọc lên khách sạn Liberty Central Hotel.

Một trong những rạp chiếu phim đầu tiên của Sài Gòn thời 100 năm trước là rạp Modern Cinema ở số 212 đường d’Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn), xây năm 1922, ngoài chiếu xi-nê còn dùng để diễn tuồng cải lương. Năm 1925 có thêm rạp Eden Cinema ở đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm). Ngoài ra thời kỳ này, bên trong khách sạn nổi tiếng Majestic cũng có một rạp chiếu phim sang trọng được trang bị đúng theo tiêu chuẩn bên Pháp. Trong rạp được chia ra ba hạng ghế. Hạng nhất là gần cửa ra vào, phân từng lô, cứ hai ghế kê sát nhau là một lô. Ghế bọc nệm nhung có nỉ màu tím, hay đỏ bầm trông rất sang. Cách mỗi lô lại có một bức vách xây cao hơn thước chắn ngang để người ngồi ở lô bên cạnh không nhìn thấy. Hình thức chia lô này để cho các cặp vợ chồng hay tình nhân dễ dàng nói chuyện hay tâm sự mà không bị ai trông thấy.

Những năm đầu thập niên 1950, rất nhiều rạp chiếu phim khác mang tên Việt được mở ra ở khắp Sài Gòn – Chợ Lớn, như Nam Việt, Văn Cầm, Khải Hoàn, Thanh Bình… và đó cũng là lúc hình thức “phụ diễn tân nhạc” được ra đời. Các rạp xi-nê này trở thành nơi đầu tiên mang tân nhạc đến với khán giả.

Vào thời điểm mà sân khấu cải lương đang trên đỉnh vàng son, thì tân nhạc ở Sài Gòn mới có những bước đi chập chững đầu tiên. Nghệ sĩ Trần Văn Trạch là một trong những người đầu tiên tổ chức biểu diễn tân nhạc, và nơi thích hợp nhất để làm việc đó chính là rạp xi-nê, nơi dành cho những người yêu thích nghệ thuật đương đại và sẵn sàng chào đón thể loại nhạc mới được gọi là nhạc cải cách. Trước khi tới giờ chiếu phim, trong lúc chờ khán giả tới và ổn định chỗ ngồi, đó là thời gian dành cho các ca sĩ tân nhạc ra trình diễn, hình thức này được gọi là “phụ diễn tân nhạc”. Từ đóng vai phụ như vậy, tân nhạc dần dần được yêu thích và ngày càng lấn áp cải lương, cổ nhạc trong đời sống văn hóa tinh thần của công chúng.

Thời gian sau 1954, có thêm nhiều rạp chiếu phim các với đủ hạng, từ thượng lưu sang trọng cho tới bình dân, dễ dàng cho người dân chọn lựa phù hợp với túi tiên. Nổi tiếng trong số đó là REX Cinema trong khách sạn REX, Eden cinema trong Eden passage và một loạt rạp bình dân là Văn Hoa, Kinh Thành, Vĩnh Lợi, Cao Đồng Hưng, Đại Đồng, Đại Nam, Kim Châu, Kinh Đô, Long Phụng, Long Vân, Nam Quang, Lệ Thanh… không thể kể tên hết. Trong số đó có nhiều rạp “chiếu thường trực”, một hình thức chiếu phim rạp tồn tại đến tận những năm cuối thập niên 2000 thì mới chấm dứt.

Với hình thức “chiếu thường trực”, người mua vé có thể vô rạp lúc phim đang chiếu giữa chừng, khi phim kết thúc thì có thể ngồi lại để coi tiếp chính phim đó được chiếu lại từ đầu. Việc vào giữa phim như vậy thường sẽ không còn nhiều ghế trống (vé không ghi số ghế), vì khách xem trước đó chưa chịu đứng dậy về.

Hình thức chiếu phim rạp này thuận tiện cho người xem về giờ giấc, nhưng không phải là trải nghiệm điện ảnh trọn vẹn, vì phim điện ảnh bom tấn hiện đại thường có kết thúc bất ngờ, nếu biết kết quả đoạn cuối thì xem lại đoạn đầu sẽ không còn hay nữa. Vì vậy những năm gần đây hình thức chiếu thường trực đã không còn.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận