Nhớ về căn nhà tranh vách đất ngày xưa

Bây giờ, thỉnh thoảng gặp một mái nhà tranh ở đâu đó từ hình ảnh trên sách báo, chúng ta đều có cảm xúc mênh mang trước một hình ảnh mái nhà xưa của nông thôn Việt Nam, nay chỉ có còn ký ức. Riêng tôi, mái nhà tranh đã trở thành kỷ niệm khó quên, vì tôi đã từng làm nên và đã từng ở trong mái tranh nghèo này.

Vợ chồng ra riêng không có đất để cất nhà, may thay trong xóm có miếng đất của người ta về lại quê miền Trung, nên bỏ hoang. Tôi viết cái đơn đưa lên ông xóm trưởng, ổng gật đầu ký ngay, vì miếng đất này nằm gần bìa rừng, đất lại toàn sỏi đá không chút màu mỡ nào. Lại chẳng có đường để đi vào vườn vì đường sá đã bị người ta chiếm làm ruộng lúa hết.

Là miếng đất bỏ hoang không ai thiết tha ngó ngàng gì đến, nhưng đối với chúng tôi, đó là cả một giang sơn thu nhỏ lại. Một mái nhà tranh không chỉ hai trái tim vàng thôi, mà sau này còn có thêm mấy trái tim kim cương là những đứa con nhỏ dại.

Ở vùng trung du xung quanh là núi rừng, vật liệu gỗ, tranh, tre để làm một cái nhà tranh có sẵn ở trên rừng, mình chỉ tốn công đi chặt rồi nhờ thêm người vần công đổi công thồ về nhà. Lần đầu tiên sắp có một mái nhà, tôi vui lắm nên đi rừng kiếm cây gỗ hoặc cắt tranh, làm suốt cả canh trưa mà không biết mệt. Tư tưởng luôn hình thành một ngôi nhà mơ ước khiến tinh thần phấn chấn, làm công việc nặng nhọc mà coi như không hề gì.

Qua bao ngày trông đợi rồi mái nhà tranh cũng được dựng lên, nhân công gồm 10 người tất cả đều là bà con hàng xóm đến dựng nhà giúp chứ không tính công cán. Chỉ là mái nhà tranh nên công việc đơn giản chỉ trong một ngày là hoàn tất: sườn nhà dựng lên xong rồi lợp tranh, bốn bên vách dựng mầm trĩ bằng cây le và tre chẻ mỏng đan thành những ô vuông nhỏ để nhét đất bùn trộn rơm.

Nhà tranh vách đất (và nứa) năm 1915 ở ngoại ô Hà Nội

Làm nhà vui nhất là khi đạp rơm trộn với bùn để làm vách đất. Ban đầu đào một hố đất rộng để chứa đất bùn trộn rơm, đất đập nhỏ rồi gánh nước và rải rơm xuống trộn chung, xong tất cả 10 người quay vòng tròn nối chân nhau vừa đi vừa đạp, sao cho rơm trộn đều với bùn nhuyễn để tạo thành thứ nguyên liệu đặc thù miền quê kết nên thành vách đất. Bọn người làm vừa đạp đất vừa nắm tay nhau đi vòng tròn, họ kể cho nhau nghe những chuyện tiếu dân gian rồi phá lên cười đùa vui vẻ.

Dân làng quan niệm cả đời người mới có một lần làm nhà, nên mỗi khi trong làng xóm có ai làm nhà thì mọi người đều vui vẻ ủng hộ công làm nhà. Riêng chủ nhà thì lo cho thợ làm nhà ăn 5 bữa trong ngày dựng nhà, thêm hai bữa ăn phụ gọi là ăn bữa lỡ và ăn bữa xế.

Đến xế chiều thì xong nhà, ăn bữa xế xong thì mọi người tự nguyện cùng nhau đào và gánh đất đổ sân, họ bảo nhau là “đông tay hay làm” đông người thì mau xong việc. Người gánh đất kẻ đầm nện sân, chẳng mấy chốc mà cái sân đất vuông vắn được thành hình. Và bữa cơm chiều được dọn lên trên cái sân mới này, ly rượu được chuyền tay nhau, mọi người chúc mừng cho tôi có một mái nhà tranh và cuộc sống như ý. Còn tôi thì cảm động trước lòng tốt của bà con hàng xóm và vui mừng quá vì có mái nhà mới, không nói nên được lời nào.

Ở nhà tranh vách đất mùa hè thì mát mẻ và mùa đông thì ấm áp bởi mái tranh cách nhiệt và vách đất giữ độ ẩm. Hồi đó có được cái nhà tranh vách đất là như đang sống trong mơ rồi vì phần nhiều dân quê nghèo ở toàn cả nhà tranh vách lá.

Trước cái sân đất, tôi làm một cái giàn bằng tre để có bóng xanh mát che mái hiên. Không phải là “Một giàn thiên lý giăng ngang- Đường tình hai đứa thênh thang” như lời của một bài ca tình yêu lý tưởng, mà là đơn sơ một giàn mướp mướt mắt có những trái mướp treo lủng lẳng và những bông hoa vàng rung rinh theo gió.

Trước sân đất này, dưới bóng mát của giàn mướp này, thường ngập tiếng cười đùa của các con nhỏ của tôi đã vui chơi suốt thời gian thơ ấu. Mỗi bữa cơm chiều thường bày ra trên cái nia rách dọn trên sân đất, những bữa cơm nghèo mà mặn mà tình yêu thương ấm áp gia đình…

Bây giờ mỗi lần về quê cũ, nhìn lại vườn xưa đã mấy lần thay đổi chủ, tôi bồi hồi tìm trong vườn xoài cổ thụ đã hơn 30 năm tuổi, cái nền đất ngày xưa đã có mái nhà tranh vách đất của mình.

Trương Đình Tuấn

_____

Nhà tranh nằm bên cạnh những đồng ruộng và là một biểu tượng của nông thôn Việt Nam ngày xưa, thậm chí ngày nay, loại hình này vẫn còn tồn tại tương đối nhiều như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhà tranh vách đất là kiểu nhà được thiết kế từ những nguyên liệu từ thiên nhiên như tre, nứa, lá, bùn, rơm,… Mái nhà thường được lợp bằng tranh, giá, xà gồ. Đây là kiểu kiến trúc nhà ở mang đậm nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam.

Nhà tranh vách đất thường thiết kế khung xương theo một kích thước và độ rộng tiêu chuẩn. Các loại nguyên liệu để làm khung xương thường dễ kiếm. Đó có thể lấy gỗ từ các loại cây trong vườn như cây mít, cây xoan, cây đào,…

Sau khi đã tìm loại cây mong muốn, người dân sẽ chặt, tỉa để phù hợp với khung xương nhà. Công đoạn này cần sự chính xác cao, do đó người nông dân phải hết sức tỉ mỉ để cho ra khung nhà hoàn hảo nhất.

Trong trường hợp không có gỗ để làm khung thì chủ nhà có thể thay thế bằng tre hoặc trúc. Tuy nhiên, tre và trúc cần phải được xử lý thật cẩn thận để không bị mối, mọt. Cây thường được ngâm trong bùn từ 5 – 7 ngày trước khi sử dụng.

Vách nhà tranh được lấy từ nguyên liệu khá đơn giản. Người nông dân sẽ trộn bùn cùng rơm rạ cùng với nhau. Sau đó hỗn hợp này sẽ được trét lên các khung nhà. Nhờ vậy, căn nhà được che chắn một cách tương đối kín đáo giúp gia chủ giữ ấm vào mùa đông.

Tùy vào từng vùng miền mà mái nhà có thể được lợp từ những nguyên liệu khác nhau, quen thuộc nhất là lá cọ, rơm, cỏ tranh, lá dừa,…

Viết một bình luận