Nhạc sĩ Y Vũ được biết đến nhiều nhất với các ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông (đồng tác giả với Nhật Ngân), Ngày Cưới Em, Kim, Những Tâm Hồn Hoang Lạnh, Thuỷ Thủ Và Biển Cả, Điên, Hận…
Nhạc sĩ Y Vũ tên thật là Trần Gia Hội, sinh năm 1940 tại Hà Nội, là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Trong đó người chị đầu đã mất sớm tại Hà Nội, người thứ 2 là Trần Tấn Hậu – tức nhạc sĩ Y Vân nổi tiếng, người chị kế là Tường Vi – chuyên viên hoá trang điện ảnh của thập niên 1990 tại Sài Gòn.
Năm 1954, Y Vũ theo gia đình di cư vào Nam và sinh sống ở Sài Gòn. Ông không được sinh ra trong gia đình có truyền thống văn nghệ, nhưng may mắn có được người anh nổi tiếng là nhạc sĩ Y Vân, được Y Vân chỉ dạy về sáng tác – hoà âm và có ca khúc đầu tay là Tôi Đưa Em Sang Sông khi vừa tròn 20 tuổi.
Nhạc sĩ Y Vũ sáng tác bài hát này để dành cho một mối tình buồn để lại nhiều day dứt, sau đó ông còn viết thêm 2 ca khúc khác nữa cho mối tình này là Ngày Cưới Em và Chuyện Tình Đầu.
Bút danh khi sáng tác là Y Vũ được ông tự chọn dựa theo cái tên Y Vân của người anh mà ông lúc nào cũng yêu mến. Cũng theo chân anh trai Y Vân, nghề đầu tiên của nhạc sĩ Y Vũ là nhạc công, chơi đàn contrabass trong ban nhạc Y Vân, thường tham gia ở các đại nhạc hội, như nhạc hội ở rạp Quốc Thanh nổi tiếng.
Nhạc sĩ Y Vũ cũng học được nghề hoà âm từ anh trai, nhưng không nổi tiếng bằng, chủ yếu là hoà âm cho tác phẩm của một vài bạn bè thân thiết.
Click để nghe những ca khúc của nhạc sĩ Y Vũ thu âm trước 1975
Trước năm 1975, công việc mưu sinh chính của nhạc sĩ Y Vũ là viết nhạc, chơi nhạc, dạy nhạc và dạy khiêu vũ. Có một thời gian ông tham gia trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Ông nói rằng cuộc sống của ông thời đó rất thoải mái và có phần phóng túng, thường đi nhậu và nhảy đầm cùng bạn bè.
Về lĩnh vực khiêu vũ, ông mua sách nước ngoài về tự học, sau đó học từ những vũ công chuyên nghiệp trong vũ trường, và học từ các bạn bè là vũ sư.
Cũng vì thường đi vũ trường, nhạc sĩ Y Vũ quen biết nhiều vũ nữ, trong đó có một cô người yêu tên Kim mà ông đã viết tặng cho ca khúc nổi tiếng tên là Kim. Ngoài ra ông cũng sáng tác bài Những Tâm Hồn Hoang Lạnh với nội dung thương xót cho thân phận của những người vũ nữ.
Tuy nổi tiếng với rất nhiều ca khúc sáng tác từ trước năm 1975, nhưng nhạc sĩ Y Vũ chưa bao giờ nhận mình là nhạc sĩ mà chỉ tự gọi mình là một người chơi nhạc, và danh hiệu nhạc sĩ là do những nhà sản xuất âm nhạc, những khán giả yêu mến gán cho.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Y Vũ gần như bị mất hết tài sản vì thời cuộc, nên phải làm đủ nghề để mưu sinh. Có thời gian ông phải mỗi ngày dậy từ 4h đi làm công nhân hứng mủ cao su ở Bù Đăng, Bù Đốp ở Sông Bé (nay thuộc Bình Phước). Sau đó ông về Sài Gòn làm phụ hồ cho công trường xây dựng Tân Quy Đông 2, đó là thời kỳ vất vả nhất vì mỗi ngày ông phải kéo hàng chục chuyến xe chất đầy bao xi măng.
Không trụ nổi với nghề khuân vác, sau đó Y vũ chuyển sang đi buôn ve chai gần 10 năm trời.
Đến năm 1990, ông mới được trở lại nghề nhạc khi được nhạc sĩ Nhật Bằng gọi về phụ trách chung ban nhạc ở CLB Bến Nghé.
Sau đó có một người bạn bên Mỹ về mở nhà hàng Arnold, nhạc sĩ Y Vũ sang phụ trách ban nhạc tại đây và được cấp một căn phòng nhỏ để ở. Trong cùng thời gian đó, ông cũng bắt đầu sáng tác trở lại nhờ sự đặt hàng của nhạc sĩ Vinh Sử.
Nhạc sĩ Y Vũ kể rằng đã có rất nhiều người phụ nữ đi qua đời, có nhiều người yêu, nhưng rồi sau đó tất cả đều ra đi. Chỉ đến năm ông 66 tuổi thì mới tìm thấy được người phụ nữ của cuộc đời. Bà tên là Hồng Loan, sống cùng ông những ngày tháng cuối đời, êm đềm giản dị trong một căn nhà ở ngoại ô Sài Gòn.
Nhạc sĩ cho biết: “Tôi đã về ở quận 12, nhà có một cái vườn nhỏ coi như ẩn dật rồi, mà cũng không muốn hoạt động về nhạc nữa. Sau này có mấy cháu phóng viên hỏi thăm liên hệ tôi mới hoạt động góp vui, chứ sau khi nghỉ ở Arnold là tôi không muốn sống về nghề nhạc nữa”
Tháng 7 năm 2023, nhạc sĩ Y Vũ phát hiện bị ung thư tá tràng, nhưng từ chối phẫu thuật. Ông qua đời lúc 3 giờ sáng ngày 28/9/2023, chỉ nửa tháng sau khi đón sinh nhật lần thứ 83 (13/9/2023).
Câu chuyện về những ca khúc của nhạc sĩ Y Vũ:
Trong nhạc vàng trước 1975, có khá nhiều bài hát viết cho thân phận của người vũ nữ, trong số những ca khúc nổi tiếng thì có đến 2 ca khúc cùng của nhạc sĩ Y Vũ viết về chủ đề này, đó là Kim và Những Tâm Hồn Hoang Lạnh.
Nhạc sĩ Y Vũ cho biết hoàn cảnh sáng tác ca khúc Kim, vốn nổi tiếng với giọng hát Hùng Cường:
Năm 1963, Y Vũ làm việc ở Bà Rịa, nhưng đến tối thường sang Vũng Tàu nhảy đầm rồi quen với một vũ nữ tên Kim ở vũ trường Blue Star, sau đó họ trở thành tình nhân. Mặc dù trước đó, Y Vũ đã từng trải qua rất nhiều mối tình thoáng qua với nhiều vũ nữ, nhưng với cô gái tên Kim, ông thật sự nghiêm túc khi đã dẫn cô Kim về giới thiệu cùng gia đình, và cả nhà đều mến thương cô. Một ngày kia ông đang ở Saigon thì nhận được tin Kim qua đời vì bệnh tim. Trong niềm thương tiếc, ông hồi tưởng lại những ký ức tươi đẹp rồi viết thành bài hát Kim để tưởng nhớ người yêu.
Thời gian bên nhau, sợ nhạc sĩ Y Vũ phải lo buồn nên Kim đã giấu chuyện là cô bị mắc bệnh tim. Đáng lẽ bệnh này cần tĩnh dưỡng, nhưng vì hoàn cảnh nên hàng đêm cô vẫn phải đi làm kiếm sống nơi vũ trường.
Trong bài hát có 2 câu nói lên nỗi buồn tủi cho thân phận người vũ nữ Kim, ví như một bông hoa nở trong mùa mưa nên bị dập vùi:
Em như hoa nở trong mùa mưa
Sống giữa khi trời đất giông tố
Nhạc sĩ Y Vũ cũng cho biết là trước đó ông đã trải qua rất nhiều mối tình, đến hơn 30 người, nhưng đều không lâu dài vì nhiều lý do. Nhiều người đã bỏ ông để sang ngang, hoặc chính ông cũng từng thừa nhận là ông từng rất bê bối trong các mối tình của mình vì có khi quen một lúc nhiều vũ nữ. Đó là một giai đoạn tuổi trẻ mà khi nhìn lại, ông cho biết cảm thấy rất hối hận.
Click để nghe Hùng Cường hát Kim
Một bài hát khác viết về thân phận người vũ nữ là Những Tâm Hồn Hoang Lạnh. Nhạc sĩ Y Vũ cho biết ông có trình độ khiêu vũ tốt và đã quen một số vũ nữ để kèm thêm nâng cao trình độ cho họ. Sự gần gũi đó đã làm cho ông thương cảm cho hoàn cảnh cuộc sống của những người vũ nữ nơi vũ trường, và viết thành bài hát Những Tâm Hồn Hoang Lạnh để tặng riêng cho họ.
Anh hai mươi vào quân ngũ
Em mười sáu đến vũ trường
Trót sinh giữa thời loạn ly
Khát khao bao nhiêu tình thương
Tâm hồn lạnh như băng giá
Sống trong cô quạnh từng đêm
Anh về thành phố tìm em chia mối sầu
Anh sinh ra làm lính chiến
Em trọn kiếp đến vũ trường
Những băn khoăn của lòng anh
Những chua cay của đời em
Chôn vùi vào trong câu hát
Lãng quên theo từng nhịp chân
Thôi thì vì chút tuổi xuân chóng tàn
Xin em đừng phụ lòng anh
Đời xa hoa không làm em phũ phàng
Xin em đừng phụ lòng anh
Đời son phấn chỉ là mãi bẽ bàng
Anh hai mươi vào quân ngũ
Em mười sáu đến vũ trường
Biết ai thương hoài tuổi xuân
Chúng ta mái đầu còn xanh
Anh về rồi mai xa vắng
Hãy vui cho trọn một đêm
Thôi đừng thầm trách đời ta lỡ làng
Click để nghe Thanh Thuý hát Những Tâm Hồn Hoang Lạnh
Bài hát này ông viết chung với người bạn thân là nhạc sĩ Trúc Sơn (Trúc Sơn cũng là tác giả bài Nói Với Người Tình viết cùng nhạc sĩ Thăng Long). Ngoài ra Y Vũ cũng cho biết ông có hai người bạn nghệ sĩ thân thiết khác là sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa và ca – nhạc sĩ Trường Hải.
Nhắc đến nhạc sĩ Y Vũ, người ta nhắc tới nhiều nhất là ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông, trong tờ nhạc in xưa được ghi tên đồng sáng tác là Nhật Ngân – Y Vũ. Dù cả 2 nhạc sĩ này đều từng lên tiếng khẳng định họ là người duy nhất sáng tác Tôi Đưa Em Sang Sông, nhưng hiện nay người ta vẫn luôn ghi tên cả 2 người để không phải loại bỏ tên nhạc sĩ nào khỏi bài hát bất hủ này, bởi cả 2 đều là những nhạc sĩ đáng kính trọng.
Thông qua nhiều bài báo, nhạc sĩ Y Vũ cũng từng tâm sự về hoàn cảnh sáng tác của Tôi Đưa Em Sang Sông như sau:
“Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt. Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết… đá cái lon sữa bò khua vang đường phố.
Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc “xế nổ” hiệu Roumie ngày ngày đi học. Mỗi chiều khi thay ba ra trông cây xăng, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng… chùa. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc, lãng mạn. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thanh biến mất khỏi cuộc đời tôi vì một đám cưới ép gả với chàng bác sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi uống chén đắng đầu đời và nếm trải mùi vị của “thất tình”. Tỉnh cơn say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitare và thế là Tôi đưa em sang sông ra đời. Bài hát với giai điệu buồn da diết được coi là tài sản chung cho nhiều chàng trai lâm vào cảnh như tôi thời đó.
Mối tình đầu làm tôi trắng tay, nhưng nỗi bất hạnh ấy đem lại cho tôi xúc cảm để có được hai bài hát tâm đắc. Sau Tôi đưa em sang sông gắn liền với tiếng hát Lệ Thu, ca khúc Ngày Cưới Em lại thành công vang dội: “Hôm nay ngày cưới em, nào men nồng nào hoa thơm, nào môi hồng nào da phấn, khăn áo muôn sắc đua chen…”
Nghe Đan Nguyên hát Ngày Cưới Em
Ngoài ra, khi nhạc sĩ Trịnh Hưng còn sống, ông từng là một ký giả ở hải ngoại. Nhạc sĩ Y Vũ tâm sự với Trịnh Hưng trong 1 bài báo như sau:
”Đó là nhạc ghi lại mối tình đầu của em. Dạo đó, em còn là học sinh trung học tư thục Hàn Thuyên ở phố Cao Thắng, gần nhà và lớp nhạc của anh, yêu một nữ sinh cùng lớp tên Thanh. Đó là mối tình học trò, trong trắng. Tình yêu chúng em chỉ cảm nhận qua ánh mắt trao đổi, chứ chưa một lần nắm tay nhau. Nhà nàng giàu sang, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ, còn em thì nghèo, chỉ có chiếc xe gắn máy hiệu Bromic do anh Y Vân mua cho. Nàng dặn em, mỗi ngày cứ vào buổi chiều, canh đúng giờ nàng ra thay thế cho cha mẹ nàng về nhà nghỉ ngơi, thì tới để nàng đổ đầy bình xăng cho, không phải trả tiền. Và cứ thế, rồi bẵng đi một tuần không thấy Thanh đi học và ra cây xăng. Em nhớ Thanh quá, mới lấy hết can đảm tới nhà nàng, hỏi thăm cô em gái nàng, thì được biết mấy hôm nay nhà bận rộn vì phải tiếp nhận lễ hỏi cưới chị Thanh, do cha mẹ gả cho một ông bác sĩ lớn tuổi”.
Nghe Trường Hải hát Tôi Đưa Em Sang Sông trước 1975
Âm nhạc xưa ở miền Nam vào vàng son đã từng phát triển rực rỡ với đa dạng thể loại, mỗi ca khúc như là một bông hoa rực rỡ trong vườn hoa âm nhạc đầy sắc màu. Trong những chủ đề âm nhạc phong phú và đa dạng đó, có nhiều bài nhạc vàng viết về nỗi đau của một kiếp nhân sinh, như là Trong Tầm Mắt Đời của nhạc sĩ Tú Nhi, Túy Ca của Châu Kỳ, Những Chuyến Xe Trong Cuộc Đời của nhạc sĩ Hoài Linh, Về Với Cát Bụi của nhạc sĩ Minh Kỳ, Hận Tình của nhạc sĩ Anh Bằng, hay nổi tiếng nhất là Thói Đời của nhạc sĩ Trúc Phương. Ngoài ra nhạc sĩ Y Vũ cũng sáng tác Điên, Hận, Trần Lụy, đều là những ca khúc về chủ đề nỗi đau kiếp nhân sinh.
Click để nghe Thanh Thúy hát Trần Lụy trước 1975
Nhạc sĩ Y Vũ cho biết ông sáng tác Trần Lụy vào khoảng giữa thập niên 1960, cùng thời điểm với những bài Hận, Điên…
Click để nghe Thanh Thúy hát Điên trước 1975
Sau khi tác ca khúc mang tên chỉ 1 chữ: Hận, với nội dung mang cảm xúc nội tâm có thật, là cảm giác bơ vơ khi người yêu bỏ ra đi, thì ngay sau đó nhạc sĩ Y Vũ cũng sáng tác bài Trần Lụy, là những lời tự ti trước cõi nhân sinh, cảm nhận về một kiếp người có lắm bi ai và sầu đắng.
Click để nghe Thanh Lan hát Hận trước 1975
Đông Kha – chuyenxua.net