Hội Khai Trí Tiến Đức và buổi lễ tôn vinh “Truyện Kiều” 100 năm trước

Hội Khai Trí Tiến Đức, một hiệp hội tư được thành lập cách đây hơn 100 năm và có khoing ít đóng góp cho việc phát triển văn hóa Việt Nam vào thời kỳ nhiều biến động.

Hội Khai Trí Tiến Đức – AFIMA (viết tắt nguyên tên tiếng Pháp của hội l’Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) được thành lập với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 (1919-1945).

Trụ sở hội Khai Trí Tiến Đức 100 năm trước

Hội được thành lập ngày 5 tháng 2 năm 1919 với học giả Phạm Quỳnh (cha của nhạc sĩ Phạm Tuyên) làm Tổng thư ký, Phạm Duy Tốn (cha của nhạc sĩ Phạm Duy) làm Phó tổng thư ký. Cử nhân Hoàng Huân Trung (cha của phó đề đốc Hoàng Cơ Minh) làm Hội trưởng.

Phạm Quỳnh – Phạm Duy Tốn – Nguyễn Văn Vĩnh

Những nhân vật khác có tên tuổi cũng đứng tên trong hội là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (con trai của Kinh lược đại thần Hoàng Cao Khải) và Thượng thư Bộ Binh kiêm Bộ học Thân Trọng Huề (người mà vua Bảo Đại gọi là cậu). Ngoài ra Louis Marty, chánh sở Liêm phóng và Nha Chính trị Đông Dương cũng đứng tên trong Hội. Nguyên Tổng đốc Bắc Ninh, Nam Định Đoàn Triển, nhà thơ Trần Tuấn Khải, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Trác, nhà văn Nguyễn Bá Học. Toàn quyền Albert Sarraut có đến khai trương và nhận “Hội trưởng danh dự”.

Mục đích và tôn chỉ của hội là “Mở mang trí tuệ” (Khai trí), “Bồi dưỡng đạo đức” (Tiến đức) trước hết là cho các hội viên của mình, sau đó là cho toàn dân. Hình thức sinh hoạt theo kiểu câu lạc bộ ngày nay, chủ yếu là diễn thuyết, nói chuyện, bình văn và một số hình thức giải trí như cờ người, tổ tôm…

Hội Khai Trí Tiến Đức được thành lập trong bối cảnh biến động trong giai đoạn xã hội Việt Nam đang chuyển mình trong khuôn khổ truyền thống tam giáo sang xã hội tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa Tây phương. Thành kiến lúc bấy giờ thường không đánh giá ảnh hưởng Tây học với mấy thiện cảm. Hội Khai Trí Tiến Đức chủ trương mở rộng con đường thâu nhận kiến thức Tây phương để phát triển xã hội người Việt cùng lúc kén chọn và duy trì những điểm hay nét đẹp của văn hóa truyền thống.

Những cố gắng của hội tập trung vào việc đề cao tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, danh nhân văn hóa… Năm 1922, Hội khởi xướng mở “ấu trĩ viên” ở Việt Nam, để làm môi trường đào tạo theo phương thức mới, chú tâm đến đức dục lẫn thể dục cho trẻ em.

Thành tựu lớn nhất của Hội là việc soạn cuốn từ điển tiếng Việt mang tựa Việt-Nam Tự-điển do nhà in Trung-Bắc Tân-Văn xuất bản năm 1931. Tiểu ban phụ trách soạn thảo gồm các ông Phạm Quỳnh (chủ bút), Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, và Đỗ Thận. Đó đều là những học giả lớn của Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.

Cuốn từ điển này là tác phẩm công phu, dày 663 trang, tra cứu cả chữ Nho lẫn tiếng Pháp hầu tạo chữ để diễn tả những tư tưởng mới du nhập vào Việt Nam, nhất là những danh từ kỹ thuật. Hơn nữa từ điển Khai Trí Tiến Đức còn thâu nhận những danh từ thổ ngữ của các địa phương cả ba miền Nam, Trung, Bắc. Cuốn từ điển này sang thế kỷ 21 vẫn thường được lấy làm mẫu mực chính tả và từ mục.

Những cuốn từ điển tiếng Việt sau này được biên soạn đều có tham khảo từ những bộ từ điển đầu tiên của chữ Quốc ngữ, đó là Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của và Việt Nam Tự điển của Khai Trí Tiến Đức.

Có thể xem trọn vẹn từ điển này tại link: https://www.vietnamtudien.org/vntd-kttd/

Trụ sở cũ của hội Khai Trí Tiến Đức do Đỗ Văn Y thiết kế, sau gọi là câu lạc bộ Thống Nhất, tọa lạc ở số 16 phố Lê Thái Tổ, nay tòa nhà Không Gian Văn Hóa Việt ở số 79 Hàng Trống, Hà Nội.

Năm 1920, Hội mở cuộc thi tuyển chọn kiến trúc xây hội quán. Đỗ Văn Y thắng giải thiết kế và năm 1922 thì công việc xây cất hoàn thành để khánh thành hội quán trên phố Hàng Trống, ngay phía tây bờ hồ Gươm. Có thời gian, đây còn là trụ sở của tòa soạn tạp chí Nam Phong nổi tiếng với chủ nhiệm kiêm chủ bút Phạm Quỳnh, như được ghi trên mặt trong bìa 1 tạp chí Nam Phong số 65, tháng 11 năm 1922.

Nơi đó trở thành địa điểm tổ chức nhiều sinh hoạt như các cuộc hội thảo, diễn thuyết, triển lãm tranh cùng các trò giải trí tiêu khiển như bi da, đánh cờ, yến tiệc. Thoại kịch của Nguyễn Văn Vĩnh như vở Trưởng giả học làm sang (nguyên tác là Le Bourgeois gentilhomme của Molière) cũng được Hội bảo trợ. Hoạt động của Hội có những mốc lịch sử đáng kể như “Giải thưởng văn chương năm 1925” (trao cho tác phẩm Quả dưa đỏ của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật), truy niệm thi hào Nguyễn Du (1924), truy điệu doanh gia Bạch Thái Bưởi (1932), diễn thuyết về các đề tài như Truyện Kiều, quốc học… Có những cuộc trao đổi không kém gay cấn về chính trị giữa giới trí thức người Việt và chính quyền Bảo hộ của người Pháp đã diễn ra tại hội quán tuy chủ ý của Hội là văn hóa chứ không phải chính trị.

Năm 1924, Phạm Quỳnh đề nghị Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du vào dịp giỗ 10/8 Âm lịch (ngày 8/9/1924). Hội gửi hơn một nghìn giấy mời đến khắp cả hội viên; đồng thời thông báo rộng rãi qua báo chí.

Theo mô tả trên báo xưa, vào 8 giờ tối ngày đó, cửa hội mới mở được vài phút, đã có đến hơn hai nghìn người vào chật khắp trong sân, ngoài vườn, dưới nhà, trên gác, đâu đâu cũng chật ních những người, trong đó có nhiều hội viên các tỉnh về dự. Các bà, các cô trong thành phố Hà Nội đến cũng rất nhiều. Hội viên là người Pháp và các bà vợ ước chừng ba bốn chục người, có cả mấy bà giáo mới ở Pháp sang, cứ khẩn khoản xin được dự để tận mắt thấy “người An Nam tôn trọng một bậc danh sĩ trong nước thế nào”.

Trên bệ cao cuối vườn, có đặt cái kỷ, bày một lư đồng lớn. Bên trên là chiếc đèn giấy kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”, tựa dáng bức hoành phi, trong có đề mấy chữ nho Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh kỷ niệm nhật (Tức: Ngày kỷ niệm Tiên sinh họ Nguyễn Tiên Điền). Hai bên là hai đèn giấy hình đôi câu đối trúc, đề hai câu bằng chữ Nôm:

Trăm năm để tấm lòng, còn nước, còn non, còn truyền cổ lục,
Tấc thành dâng một lễ, nhớ người, nhớ cảnh, nhớ buổi hôm nay.

Có tờ báo hồi ấy đã nhận xét: “Ở Hà Thành ta từ xưa đến nay, có lẽ chỉ có tiệc trà đón quan toàn quyền Sarraut diễn thuyết ở Văn Miếu năm 1919 là họp được đông người đến thế”.

Trong buổi lễ, Phạm Quỳnh đọc hai bài diễn văn. Một tiếng ta, một tiếng Pháp. Rồi Trần Trọng Kim “diễn thuyết về lịch sử Cụ Tiên Điền và văn chương Truyện Kiều”. Kế đó là phần biểu diễn của kép Thịnh và đào Tuất, thuộc rạp Sán Nhiên Đài, nổi tiếng đương thời là người kể Truyện Kiều hay. Cuối cùng là một cô đào đứng hát Bài ca kỷ niệm do Nguyễn Đôn Phục soạn.2

Mở đầu lễ kỷ niệm, Phạm Quỳnh trang trọng nói:

– Ban Văn học Hội Khai Trí chúng tôi muốn nhân ngày giỗ này đặt một cuộc kỷ niệm để nhắc lại cho quốc dân nhớ đến công nghiệp một người đã xây dựng cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hoả” rất quí báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi

Rồi ông hào hứng nói, Truyện Kiều “vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc”. Cho nên, “sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp rung đùi, lên giọng cao ngâm:

Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai.

hay là

Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm xá gì.

…bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhảy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ…”

Và ông sôi nổi nhấn mạnh: “Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này. Trong mấy nghìn năm ta chôn rau cắt rốn, gửi thịt gửi xương ở cõi đất này, mà ta vẫn hình như môt giống ăn trọ ở nhờ, đối với đất nước non sông vẫn chưa từng có một cái văn tự văn khế phân minh, chứng nhận cho ta có cái quyền sở hữu chính đáng. Mãi đến thế kỷ mới rồi, mới có một đấng quốc sĩ, vì nòi giống, vì đồng bào, vì tổ tiên, vì hậu thế, rỏ máu làm mực “tá tả” một thiên văn khế tuyệt bút, khiến cho giống An Nam được công nhiên, nghiễm nhiên, rõ ràng, đích đáng làm chủ nhân ông một cõi sơn hà gấm vóc.”

“Đấng quốc sĩ ấy là ai? Là Cụ Tiên Điền ta vậy. Thiên văn khế ấy là gì? Là quyển Truyện Kiều ta vậy…Thiên văn tự tuyệt bút kia là gồm bao nhiêu giọt máu, bao nhiêu giọt lệ kết tinh lại mà thành ra.”

Đi xa hơn, Phạm Quỳnh còn tự hào nói lớn: “Văn chương Tàu thật là mông mênh bát ngát, như bể như rừng. Nhưng trong rừng văn bể sách đó, tưởng cũng ít quyển sánh được với Truyện Kiều; mà xét cho kỹ, có lẽ không có sách nào giống như Truyện Kiều”. Rồi lại nữa: “Truyện Kiều có một cái đặc sắc mà những nền kiệt tác trong văn chương Pháp không có. Đặc sắc ấy là sự “phổ thông”…”Người Pháp không phải là ai ai cũng biết đọc kịch Racine hay là đọc văn Bossuet. Người Nam thì ai ai cũng biết ngâm Kiều, kể Kiều, “lẩy” Kiều để ứng dụng trong sự ngôn ngữ thường, kẻ thông minh hiểu cách thâm trầm, kẻ tầm thường hiểu cách thô thiển, nhưng ngâm nga lên thảy đều lấy làm vui tai, sướng miệng, khoái trí, tỉnh hồn.”

“Thử hỏi cổ kim, Đông Tây đã có một áng văn chương nào cảm người được sâu và được rộng như thế chưa. Tưởng dễ chỉ có một Truyện Kiều ta là có thể tự cao với thế giới là văn chương chung của cả một dân tộc 18, 20 triệu người, già, trẻ, lớn, bé, giỏi, dốt, sang, hèn, đều thuộc lòng và đều biết hay cả.”

Kết thúc bài diễn văn, ông thành kính nói:

– Cuộc kỷ niệm hôm nay là chủ ý tỏ lòng quốc dân sùng bái, cảnh mộ Cụ Tiên Điền ta… Nhưng, còn có một cái ý nghĩa nữa, là nhân ngày giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn quốc sĩ,

Thác là thể phách còn là tinh anh.

“ánh tinh trung thấp thoáng dưới bóng đèn, trập trùng trên ngọn khói, xin chứng nhận cho lời thề của đồng nhân đây. Thề rằng :” Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh tao, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của Tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây”.

Bài diễn văn kết thúc bằng lời thề tâm huyết đã được cử toạ nhiệt tình tán thưởng.

Sau khi Việt Minh đoạt chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim, Hội Khai Trí Tiến Đức bị giải tán theo nghị định của Bộ Nội vụ ngày 24 tháng 9 năm 1945 vì bị cho là “một cơ quan văn hóa phụng sự đế quốc Pháp và Nhật và đã làm những việc đồi bại phong tục”. Động sản và bất động sản của hội bị tịch thu và giao cho Hội Văn hóa Cứu quốc. Tòa nhà của hội sau đó làm nơi đặt Câu lạc bộ Thống nhất cho người miền Nam tập kết ra Bắc sau năm 1954. Lúc đó tòa nhà trở thành nơi sinh hoạt và biểu diễn nghệ thuật, ăn uống theo phong cách miền Nam.

Năm 1975, tòa nhà lại thành nơi bán vé máy bay của hãng Vietnam Airlines, lúc đó vẫn mang tên cũ là Air Vietnam. Mãi đến đầu những năm 1990, Bộ Văn Hóa lấy lại cơ sở văn hóa này để làm trụ sở Trung Tâm Phương Pháp Câu Lạc Bộ Trung Ương. Nhưng trung tâm hoạt động không mấy suôn sẻ, câu lạc bộ ít khi sáng đèn. Sau đó, tòa nhà cổ kính bên hồ Gươm này lại xa rời chức năng văn hóa vốn có của mình, đã có thời bị cho thuê làm nhà hàng ăn Nhật Bản.

Tới tháng 9/2009, tòa nhà Hội quán Khai Trí Tiến Đức năm xưa chính thức trở thành Không Gian Văn Hóa Việt.

Người có công lớn nhất của việc thành lập hội Khai Trí Tiến Đức là Tổng thư ký Phạm Quỳnh, là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt – thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp – để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi (尚之), bút danh: Hoa Đường (華堂), Hồng Nhân. Một trong những người con của Phạm Quỳnh là nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Thuở nhỏ ông học giỏi, có học bổng, đỗ đầu bằng Thành chung (tốt nghiệp) Trường trung học Bảo hộ (tức Trường Bưởi, còn gọi là trường Thông ngôn).

Năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội lúc vừa tuổi 16.

Từ năm 1916, ông tham gia viết báo cho một số tờ có uy tín đương thời; làm chủ bút kỳ cựu của Nam Phong tạp chí từ ngày 1 tháng 7 năm 1917 cho đến năm 1932 nhằm khai dân trí, giữ gìn đạo đức, truyền bá khoa học phương Tây, bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông ủng hộ quan điểm “Pháp Việt đề huề”.

Cũng trong thời kỳ 1924–1932, ông còn là giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội.

Ngày 2 tháng 5 năm 1919, ông sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức.

Năm 1922, với tư cách đại diện cho Hội Khai trí Tiến Đức, ông đã sang Pháp dự Hội chợ triển lãm Marseille rồi diễn thuyết cả ở Ban Chính trị và Ban Luân lý Viện Hàn lâm Pháp về dân tộc giáo dục.

Năm 1924, ông được mời làm giảng viên Khoa Bác ngữ học, Văn hóa, Ngữ ngôn Hoa Việt, Trường Cao đẳng Hà Nội, trợ bút báo France – Indochine.

Từ năm 1925–1928, Phạm Quỳnh là Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ; năm 1926 ông làm ở Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ và đến năm 1929 được cử vào Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương.

Năm 1930, Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp, để quy định rõ ràng quyền căn bản của nhân dân Việt Nam, vua quan Việt Nam và chính quyền bảo hộ.

Năm 1931, ông được giao chức Phó Hội trưởng Hội Địa dư Hà Nội. Năm 1932, giữ chức Tổng Thư ký Ủy ban Cứu trợ xã hội Bắc Kỳ.

Ngày 11 tháng 11 năm 1932, sau khi Bảo Đại lên làm vua thay Khải Định, ông được triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế tham gia chính quyền, thôi không làm chủ bút Nam Phong tạp chí nữa. Tại Huế thời gian đầu ông làm việc tại Ngự tiền Văn phòng, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại (1942–1945).

Phạm Quỳnh được coi là người đi tiên phong trong việc dùng tiếng Việt để viết lý luận. Dương Quảng Hàm đánh giá các công trình của ông là đã “luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới”.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Ông lui về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phủ Cam, Huế.

Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Phạm Quỳnh bị Phan Hàm và Võ Quang Hồ bắt giữ theo lệnh của Mặt trận Việt Minh và áp giải ra khỏi Huế cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh cùng cha khác mẹ với Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi). Ba người bị xử tử không lâu sau đó.

Ông để lại hàng trăm tác phẩm trong nhiều lĩnh vực như triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, báo chí… Ông muốn dung hòa văn hóa Đông Tây, dùng tiếng Việt trong học thuật chứ không dùng tiếng Hán hoặc tiếng Pháp để phát triển nền học thuật mang tính dân tộc và đại chúng trong khi hai ngôn ngữ này đang được dùng phổ biến. Ông phê phán giới trí thức Việt Nam sùng bái chữ Hán hay tiếng Pháp đều là nô lệ tinh thần cho nước ngoài.

Ông là tác giả và dịch giả nhiều bài viết và sách văn học, triết học, cách ngôn, ngụ ngôn, tuồng hát tiếng Pháp dịch ra tiếng Việt và tùy bút. Gần như toàn bộ các tác phẩm của ông đều đăng trên tạp chí Nam Phong. Nhiều bài sau đó in lại thành sách do Đông Kinh ấn quán ở Hà Nội xuất bản. Kể từ năm 2000, nhiều tác phẩm của Phạm Quỳnh đã được xuất bản tại Việt Nam:

  • Mười ngày ở Huế, Nhà xuất bản Văn học – 2001
  • Luận giải Văn học và Triết học, Nhà xuất bản Thông tin, 2003
  • Pháp du hành trình nhật ký, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2004
  • Thượng Chi văn tập, Nhà xuất bản Văn học, 2007
  • Du ký Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ, 2007
  • Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp, Nhà xuất bản Tri thức, 2007 (gồm những bài diễn thuyết, bài báo ông viết bằng tiếng Pháp từ 1922 đến 1932)

Ngày 28 tháng 5 năm 2016, hội đồng họ Phạm Việt Nam phối hợp cùng gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên tổ chức lễ khánh thành công trình trùng tu mộ phần và dựng tượng Phạm Quỳnh tại Thành phố Huế. Bức tượng bán thân Phạm Quỳnh do chính người cháu ngoại của ông là kiến trúc sư Tôn Thất Đại thiết kế với chiều cao 60 cm, bề ngang 50 cm, được đặt ở bục cao gần 2 m nằm ngay sau ngôi mộ ông ở trước chùa Vạn Phước (phường Trường An, Thành phố Huế). Phía trước bia mộ được ốp tấm bia đá đen khắc ghi câu nói nổi tiếng của ông: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận