Đại lộ Đồng Khánh, nhà hàng Đồng Khánh và bánh trung thu Đồng Khánh của Sài Gòn xưa

Từ nhiều năm nay, cứ tới khoảng đầu tháng 7 Âm lịch, giáp Tết trung thu, là các quầy bánh trung thu lại rục rịch mở bán trên khắp các nẻo đường, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Trong đó, thương hiệu bánh trung thu lâu đời và quen thuộc nhất với đa số người Việt có lẽ là Đồng Khánh.

Cái tên Đồng Khánh dễ làm người ta liên tưởng tới trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng ở Huế và Hà Nội hoặc đại lộ Đồng Khánh sầm uất một thời ở Chợ Lớn mà ngày nay đã ghép chung với đường Trần Hưng Đạo. Thật ra, tất cả những cái tên Đồng Khánh này đều xuất phát từ một nguồn gốc, đó là niên hiệu của vua Đồng Khánh – Nguyễn Phúc Ưng Thị, vị vua thứ 8 của triều Nguyễn.

Điều gì làm cho cái tên Đồng Khánh được “ghi danh” nhiều đến vậy? Từ đường xá, trường học đến cả thương hiệu bánh trung thu?

Quay lại với lịch sử 140 năm trước, năm 1883, vua Tự Đức băng hà cũng là lúc toàn bộ đất nước đã rơi vào tay thực dân Pháp. Tiếp theo sau đó là thời kỳ tứ nguyệt tam vương, nội bộ triều đình Huế lục đục, các vị vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi lần lượt được đưa lên ngôi rồi bị truất phế với sự thao túng của các quan đại thần.

Năm 1885, triều đình Huế tiếp tục thất bại trước quân Pháp ngay tại Kinh thành Huế. Vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết bỏ chạy ra Quảng Trị. Nhân cơ hội này, người Pháp lập Nguyễn Phúc Ưng Thị (con nuôi vua Tự Đức) lên làm vua, lấy hiệu là Đồng Khánh, chấm dứt thời kỳ hỗn loạn của triều đình và lập ra chính quyền Nam triều dưới sự bảo hộ của Pháp.

Trong khoảng thời gian trị vì ngắn ngủi của vua Đồng Khánh, thực dân Pháp bắt tay vào việc thiết lập chính quyền đô hộ kéo dài hơn 60 năm ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ngược lại, triều đình Huế lúc này chọn lối ngoại giao hòa hoãn, tránh gây xích mích với người Pháp, đồng thời tranh thủ xây dựng và quản trị nội bộ.

Vua Đồng Khánh chủ trương tiếp thu nền văn minh Pháp, sử dụng hàng hóa Tây Âu, cách tân và áp dụng các chính sách từ phương Tây, nội địa hóa để quản trị đất nước. Vì những điều này mà sau năm 1945, trong sử sách Việt Nam, Đồng Khánh được khắc họa là một ông vua bù nhìn thân Pháp, vì tư lợi mà làm tay sai cho ngoại bang.

Nhờ những chính sách “được lòng” người Pháp như vậy, vua Đồng Khánh được trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, đồng thời được “ghi công” bằng việc lấy tên ông đặt cho nhiều địa điểm mà nổi bật nhất là hai trường nữ sinh danh giá bậc nhất ở Trung kỳ và Bắc kỳ.

Trường Đồng Khánh ở Huế xưa

Trong khi trường nữ sinh Đồng Khánh ở Huế (nay là trường trung học Hai Bà Trưng) là nơi học tập của những tiểu thư trong các gia đình quyền quý ở đất kinh đô, thì trường nữ sinh Đồng Khánh ở Hà Nội (nay là trường trung học Trưng Vương) cũng tập trung hầu hết các ái nữ khuê các xứ Bắc kỳ. Ở Sài Gòn lẫn Hà Nội đều từng có những đại lộ mang tên Đồng Khánh, đó là đại lộ Đồng Khánh nối Chợ Lớn với Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo B), và đại lộ Đồng Khánh ở Hà Nội, nay là phố Hàng Bài.

Xe điện đang đi từ đường Francis Garnier (nay là Đinh Tiên Hoàng) vào đại lộ Đồng Khánh. Rẽ trái chỗ tòa nhà Godard là phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền)
Đại lộ Đồng Khánh ở Chợ Lớn xưa

Ngoài vua Đồng Khánh, trong lịch sử cũng có những vị vua chịu “nghe lời”, không chống đối chính quyền thực dân, được người Pháp dùng tên hoặc niên hiệu đặt cho các công trình như vua Khải Định. Niên hiệu Khải Định từng được dùng để đặt cho ngôi trường lớn nhất Huế là Lycée Khải Định (nay là trường Quốc Học Huế).

Vua Thành Thái thì lại là một trường hợp khác, năm 1899, khi ông mới lên ngôi cũng là thời điểm cầu Trường Tiền được xây dựng hoàn thành. Để thể hiện sự ủng hộ nhà vua mới và lấy lòng triều đình, thực dân Pháp đã chọn tên Thành Thái để đặt tên cho cầu. Tuy nhiên, sau khi trưởng thành, Thành Thái lại trở thành một vị vua chống Pháp nên đã bị ép thoái vị và lưu đày đi xa. Cây cầu Thành Thái bị đổi tên thành cầu Clémenceau, cầu Nguyễn Hoàng, rồi cuối cùng mới mang tên Trường Tiền như ngày nay.

Ở Đông Dương, còn có một vị vua chịu “nghe lời” khác được người Pháp lấy tên đặt cho công trình là vua Norodom của Campuchia. Tên ông được đặt cho Đại lộ Norodom, con lộ lớn nhất ngay trung tâm Sài Gòn (nay là đường Lê Duẩn), và Dinh Norodom, hay còn gọi là Dinh Thống Đốc Nam Kỳ (Dinh Độc Lập ngày nay) nằm trực thẳng đại lộ Norodom.

Cho tới nay, rất nhiều người thắc mắc về cách đặt tên này. Sở dĩ như vậy là bởi thời điểm xây dinh Thống đốc ở Sài Gòn bắt đầu xây dựng (1868) cũng là thời điểm vua Norodom đã ký hiệp ước đặt xứ Cao Miên dưới sự “bảo hộ” của Pháp. Việc lấy tên Norodom để đặt cho một công trình quan trọng ở Nam kỳ là để thể hiện sự ủng hộ của Pháp đối với vị quốc vương này, vì chính nhờ vua Norodom mà Pháp không tốn một viên đạn nào để xâm chiếm Cao Miên làm thuộc địa.

Trở lại với cái tên Đồng Khánh. Năm 1952, chính quyền Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại (chính phủ thuộc Liên hiệp Pháp) đã đổi tên đường des Marins ở Chợ Lớn thành đường Đồng Khánh.

Thời điểm này, dù Chợ Lớn và Sài Gòn đã được sáp nhập thành đô thành Sài Gòn, nhưng hai bên vẫn tách biệt nhau về mặt văn hóa và lối sống. Chợ Lớn vẫn là thủ phủ của người Hoa ở Việt Nam và Đồng Khánh chính là đại lộ nối Chợ Lớn với Sài Gòn.

Đường Đồng Khánh được tiếp tục giữ lại tên sau năm 1955 (thời VNCH), cho tới tháng 8 năm 1975 thì nhập chung vô đường Trần Hưng Đạo (Quận 1), gọi là đường Trần Hưng Đạo B.

Thập niên 1950, một ông chủ người Hoa đã mở Đại Tửu Lầu Đồng Khánh ở góc ngã tư Đồng Khánh – An Bình – Trần Hưng Đạo, vị trí giáp ranh giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Sau khi làm ăn phát đạt, người chủ này mở rộng cơ sở kinh doanh thành nhà hàng Đồng Khánh, nổi danh khắp đất Sài Gòn – Chợ Lớn.

Sẵn có đội ngũ đầu bếp giỏi nghề bánh, ông chủ cho mở quầy bán bánh ngay tại nhà hàng mỗi dịp Tết Trung Thu. Qua nhiều năm tháng, bánh trung thu Đồng Khánh trở thành một thương hiệu nổi tiếng, được nhiều người ưa chuộng. Bánh có hương vị đặc trưng riêng, vỏ mỏng, màu sắc hấp dẫn, nhân bánh cũng được cải tiến và phong phú hơn theo thời gian, đủ các loại mùi vị từ nhân đậu, nhân thập cẩm, gà quay vi cá,… kết hợp với lòng đỏ trứng muối.

Hằng năm, cứ đến trung thu, dãy đại sảnh tầng trệt nhà hàng Đồng Khánh mở quầy san sát bán bánh thưởng nguyệt. Nổi bật trên cao là tấm pa nô hoành tráng họa cảnh bầy tiên nữ thướt tha, vui đùa cùng ngọc thố, dựa theo tích xưa Đường Minh Hoàng du nguyệt trong đêm trăng rằm tháng 8. Đêm đêm, đèn lồng giăng sáng cả góc phố, lung linh níu bước chân khách qua lại.

Để chứng minh quy trình làm bánh tuân thủ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ông chủ Đồng Khánh đem tất cả dụng cụ, nguyên liệu, cách thức làm bánh bày biện công khai. Các thợ bánh người Hoa nhịp nhàng nhào bột, vo nhân, in khuôn, nướng bánh, trổ tài phô diễn ngay trước mắt thực khách.

Nhà hàng Đồng Khánh bên tay phải

Trong khi ông chủ nhà hàng Đồng Khánh sau một thời gian đã dấn thân vào con đường chính trị, trở thành một nghị sĩ quốc hội, thì cũng trong suốt 20 năm đó, bánh trung thu Đồng Khánh in đậm trong ký ức bao thế hệ người Sài Gòn. Thuở ấy, người Sài Gòn vẫn ưa chuộng cái thú tao nhã của cổ nhân khi thưởng nguyệt là: vào đêm trăng sáng, đem bàn ra sân, cả nhà đoàn tụ quây quần bên bình trà nóng, thơm lừng, vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi từng miếng bánh nhỏ, cảm nhận mùi vị tinh tế, hài hòa của các loại nhân bánh.

Bên cạnh thương hiệu bánh trung thu Đồng Khánh đã trở thành huyền thoại, có thể kể đến một vài thương hiệu khác như Long Xương, Tân Tân, Đông Hưng Viên, Đại Chúng Thị Tràng cũng là những thương hiệu từng một thời quấy đảo thị trường bánh trung thu Sài Gòn – Chợ Lớn.

Sau 1975, nhà hàng Đồng Khánh bị “quốc hữu hóa”, nhưng cái tên Đồng Khánh thì vẫn giữ nguyên cho tới ngày nay. Nhà hàng cũng mở lại quầy bánh trung thu, nhưng thợ thầy ngày xưa đã tản mác đi cả cùng với bí quyết làm bánh nên chất lượng bánh không bao giờ còn được như xưa nữa.

Từ thập niên 90, nhà hàng khách sạn Đồng Khánh (lúc này thuộc Saigontourist quản lý) đã nhập dây chuyền thiết bị sản xuất công nghiệp, mời các nghệ nhân làm bánh nhiều kinh nghiệm về, nhằm khôi phục thương hiệu bánh trung thu Đồng Khánh. Tuy nhiên, lúc này, trên thị trường lại có hàng loạt thương hiệu nhái mang tên Đồng Khánh ra đời, như Song Long Đồng Khánh, Sơn Long Đồng Khánh, Thiên Long Đồng Khánh, Sài Gòn Đồng Khánh, Tân Đồng Khánh…

Một điều bất ngờ mà không phải ai cũng biết, đó là trong nhiều năm qua, tất cả các quầy hàng bánh trung thu mang thương hiệu Đồng Khánh trên các đường phố đều không phải là của chính gốc nhà hàng Đồng Khánh. Trên website chính thức, nhà hàng Đồng Khánh của Saigontourist cho biết: “…chúng tôi chỉ có một thương hiệu duy nhất mang tên “Bánh trung thu Nhà Hàng Đồng Khánh và chỉ phân phối tại khách sạn Đồng Khánh, số 2 Trần Hưng Đạo B, P7, Q5. Bất kỳ các cửa hàng phân phối bánh trung thu nào có tên Đồng Khánh đều không có liên quan đến thương hiệu “Bánh Trung Thu Đồng Khánh” của chúng tôi.

Không như các thương hiệu khác hiện nay trên thị trường, “Bánh Trung Thu nhà hàng Đồng Khánh” được chế biến từ nguyên liệu chọn lọc đạt chất lượng cao, cùng với phương pháp thủ công với tay nghề kinh nghiệm hơn 61 năm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với phương châm của thương hiệu chính là “Bánh trung thu nhà hàng Đồng Khánh – hyowng vị truyền thống” khiến chất lượng bánh nướng sau 3 ngày ra lò sẽ tươm dầu và có hương vị truyền thống đặc trưng thơm ngon”.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận