Cuộc đời vua Bảo Đại qua hình ảnh – Phần 2: Cựu hoàng lưu vong

Bảo Đại là hoàng đế thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam. Cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm giữa thời cuộc nhiều biến động, Từ là một vị vua trong thời thuộc địa, sau năm 1945 ông trở thành cố vấn của chính phủ VNDCCH, rồi sau đó là quốc trưởng của Quốc Gia Việt Nam, trước khi bị truất phế năm 1955 rồi phải lưu vong cho đến cuối đời.

Bài viết ở phần 1 đã giới thiệu bộ sưu tập hình ảnh vua Bảo Đại trước năm 1945, ở phần 2 này sẽ là bộ ảnh cựu hoàng sau năm 1945.

Quốc trưởng Bảo Đại năm 1951 trong lần về thăm lại kinh thành Huế. Ngay phía sau là Thủ hiến Trung Việt Phan Văn Giáo, người đứng đầu ở miền Trung thời Quốc Gia Việt Nam đầu thập niên 1950. Bảo Đại ghi trong hồi ký: Ngày 12/7/1951, tôi trở về Huế là cố đô của Việt Nam mà tôi rời bỏ đã bốn năm qua. Tôi đọc một diễn văn vào ngày 14 tháng 7, trước cửa Ngọ Môn, nơi đó đã tập trung rất đông dân chúng

Khi cựu hoàng đang sống ở Hongkong, người Pháp đã tiếp xúc với ông và ngỏ ý muốn mời về nước nắm quyền, được gọi là “giải pháp Bảo Đại”. Ngày 7/12/1947, tại cuộc họp trên tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, Bảo Đại và Pháp đàm phán rồi ký kết Hiệp ước Sơ bộ Vịnh Hạ Long. Hiệp ước thể hiện sự đồng thuận của hai bên về việc thành lập Quốc gia Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp. Tuy nhiên hiệp ước này bị các chính trị gia Việt Nam chỉ trích nên Bảo Đại chấm dứt đàm phán và đi Châu Âu du lịch. Người Pháp cử các nhà ngoại giao theo để thuyết phục ông tiếp tục đàm phán và thành lập Chính phủ.

Cựu hoàng ở London, ngày 4/1/1948
Cựu hoàng Bảo Đại ở Pháp, 24/2/1948

Tháng 1/1948, Cao ủy Pháp tại Đông Dương E. Bollaert tìm gặp Bảo Đại ở Genève, Thụy Sĩ để thuyết phục ông quay về Việt Nam tiếp tục đàm phán và thành lập Chính phủ. Bảo Đại tuyên bố nếu Hiệp ước Vịnh Hạ Long không được bổ sung ông sẽ không quay về Việt Nam. Sau đó ông đi Cannes, Paris rồi quay về Hồng Kông.

Cựu hoàng Bảo Đại rời Điện Elysee tháng 2-1948 sau một buổi họp về việc trao trả quyền tự trị cho Việt Nam

Ngày 5 tháng 6 năm 1948, Bảo Đại đã gặp gỡ Cao ủy Pháp Bollaert ở vịnh Hạ Long, trên chiến hạm Duguay Trouin, để đàm phán về việc thành lập chính phủ Quốc gia Việt Nam. Kết quả của cuộc gặp này là Thông cáo chung Vịnh Hạ Long theo đó Pháp công nhận Quốc gia Việt Nam, và Việt Nam gia nhập Liên hiệp Pháp. Tháng 1 năm 1949, Bản tuyên ngôn Việt – Pháp được công bố, theo đó nước Pháp công nhận chính phủ Quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ của khối Liên hiệp Pháp.

Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp định Élysée, thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam, đứng đầu là Bảo Đại. Bảo Đại yêu cầu Pháp trao Nam Kỳ cho Quốc gia Việt Nam và Pháp đã chấp nhận yêu cầu này.

Quốc trưởng trong 1 lần ra Hà Nội

Sau khoảng 4 năm sống lưu vong, cựu hoàng Bảo Đại trở về Việt Nam. Hình ảnh sau đây là hình thủ hiến Trung kỳ Phan Văn Giáo đón Bảo Đại ở Đà Lạt ngày 28/4/1949. Bên cạnh có cao ủy Pháp Leon Pigon, tướng Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu.

Trước đó 1 năm, khi Bảo Đại đang ở Hongkong thì Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu đã đến gặp và xin thành lập Chính phủ Lâm thời cho Việt Nam.

Một số hình ảnh cựu hoàng ở Hongkong tháng 6/1948:

Ngày 15 tháng 5 năm 1948, Bảo Đại gửi thông điệp cho tướng Xuân, tán thành sự thành lập Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam do tướng Xuân điều khiển “để giải quyết vấn đề Việt Nam đối với Pháp và dư luận Quốc tế”.

Bảo Đại ngày 28/8/1948

Gia đình Quốc trưởng Bảo Đại năm 1950

Quốc trưởng Bảo Đại ngày 29/12/1951, cùng với tướng Pháp Raoul Salan, trong một buổi lễ duyệt binh ở Hà Nội

Lễ mãn khóa Khóa 5 Hoàng Diệu tại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt năm 1952

Quốc Trưởng Bảo Đại trao gươm cho Sinh viên Thủ khoa Dương Hiếu Nghĩa năm 1952, trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt

Quốc trưởng Bảo Đại 5/11/1952

Ông Letourneau (bộ Pháp quốc Hải ngoại) và quốc trưởng Bảo Đại

Hoàng đế Bảo Đại giới thiệu với ông Letourneau một trong những con voi yêu thích của mình, tháng 5 năm 1953

Quốc trưởng Bảo Đại ở Pháp, 28/8/1953

Quốc trưởng Bảo Đại và tướng Navarre ngày 6/11/1953

Bên tay phải Quốc trưởng Bảo Đại là Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, Bộ trưởng quốc phòng Phan Huy Quát. Phía sau ông Tâm là Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh, Tham mưu trưởng quân đội Quốc gia Việt Nam

Quốc trưởng Bảo Đại và nội các chính phủ của thủ tướng Bửu Lộc, ngày 17/1/1954

Quốc trưởng Bảo Đại và hoàng thân Bửu Lộc (thủ tướng Quốc Gia Việt Nam)

Thời quốc trưởng Bảo Đại lãnh đại Quốc Gia Việt Nam, trải qua 4 đời thủ tướng: Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Bửu Lộc, sau cùng là Ngô Đình Diệm. Trong hình này thủ tưởng Ngô Đình Diệm mặc áo đen

Quốc trưởng Bảo Đại tháng 3 năm 1954 tại sân bay Gia Lâm – Hà Nội

Chân dung quốc trưởng Bảo Đại thời điểm năm 1955

Ngày 16 tháng 6 năm 1954, thủ tướng Bửu Lộc từ chức. Quốc trưởng Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm về nước, ngày 6 tháng 7, Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới.

Ngày 4 tháng 10 năm 1955, Ủy ban trưng cầu dân ý thành lập đưa ý kiến đòi truất phế Quốc trưởng Bảo Đại và đưa Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng.

Hình nộm Bảo Đại được chính quyền của Ngô Đình Diệm dựng lên sau khi truất phế cựu hoàng khỏi chức quốc trưởng nhân dịp vận động bầu cử, nhằm chỉ trích lối sống xa hoa của cựu quốc trưởng ở Pháp

Cựu hoàng Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu ở Paris, sau khi ông đã bị Ngô Đình Diệm truất phế khỏi chức vụ quốc trưởng. Hình chụp ngày 25/10/1955, một ngày trước khi Ngô Đình Diệm lên chức vụ tổng thống

Cựu hoàng Bảo Đại cùng công chúa Phương Mai xem đua xe thể thức 1, những ngày đầu sống lưu vong sau khi bị truất phế

Năm 1972, cựu hoàng Bảo Đại sống với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp kém Bảo Đại hơn 30 tuổi (Monique Baudot sinh năm 1946), đến năm 1982 thì kết hôn.

Cựu hoàng Bảo Đại và người vợ sau cùng (bà Monique Baudot). Hình chụp năm 1992, năm năm trước khi Bảo Đại qua đời (1997). Trong hình này bà Monique 46 tuổi

Hình chụp ngày 20/2/1992

Cựu hoàng rất thích nuôi chó, lúc về già ông luôn có một con chó bên mình

Cựu hoàng Bảo Đại và vợ Monique Baudot. Hình chụp tại Paris năm 1996, khoảng 8 tháng trước ngày ông từ trần

Cựu hoàng Bảo Đại đã sống những năm cuối đời trong lặng lẽ tại một căn hộ nhỏ ở số 29, đường Fresnel, quận 16, Paris. Tất cả gia tài đồ sộ và quyền lực một thời đều đã không còn, ông sống dựa vào khoản trợ cấp 20.000 Franc/tháng của chính phủ Pháp. Ông qua đời vào 5 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1997 tại Quân y viện Val-de-Grâce, hưởng thọ 83 tuổi.

Mộ vua Bảo Đại trong nghĩa trang Passy ở Paris

chuyenxua.net
Hình ảnh: manhhai flickr

1 bình luận về “Cuộc đời vua Bảo Đại qua hình ảnh – Phần 2: Cựu hoàng lưu vong”

Viết một bình luận