Tại Phương Đông, kể cả Việt Nam, có ngày Rằm Tháng 7, hay còn được gọi là ngày Xá tội Vong nhân. Người ta tin rằng vào ngày này cánh cửa địa ngục sẽ rộng mở để các linh hồn người chết được về “đoàn tụ” với gia đình!
Phương Tây lại chọn ngày cuối cùng của tháng 10, bắt đầu từ chiều tối cho đến 12 giờ đêm, để tổ chức lễ hội được gọi là Halloween, tên viết tắt từ “All Hallows’ Evening”.
Theo Thiên Chúa Giáo, ngày đầu tiên của tháng 11 được chọn làm lễ cầu siêu cho các linh hồn đã mất cho nên trước đó các hồn ma sẽ lưu lạc trần thế lần cuối cùng trong đêm Halloween.
Theo truyền thuyết Ireland, ngày Halloween sẽ là ngày ăn mừng kết thúc mùa hè, chuẩn bị cho năm mới, tương tự như Giao thừa ở các nước Phương Đông.
Người Ireland kể rằng: Có một anh chàng tên Jack lúc sống rất keo kiệt và bủn xỉn. Trong làng có một con quỷ luôn quậy phá nên dân làng đã mời thầy về “ếm” để mọi người an tâm sinh sống.
Kẻ bị “ếm bùa” lại là người bạn hay chơi đùa với Jack… thế là Jack gỡ lá bùa ra giúp bạn. Con quỷ hứa sẽ đền ơn Jack bằng cách không bao giờ bắt linh hồn anh xuống địa ngục, khi anh gặp nạn linh hồn anh tìm cách lên thiên đàng nhưng ở đó lại không chấp nhận bởi vì anh không sống tốt. Thế cho nên, linh hồn Jack cứ lang thang lạnh lẽo ỡ trần gian.
Con quỷ thấy vậy bèn đưa cho anh ít than hồng nơi địa ngục để giữ ấm, anh lấy một quả bí ngô đục lỗ cho có không khí, than cứ rực sáng trên con đường anh đi nơi trần gian. Đó chính là sự tích chiếc đèn bí ngô “Jack O’Lantern” phổ biến trong dịp Halloween.
Theo phong tục tại các nước Phương Tây, trẻ em trong trang phục ma quái thường đến các gia đình trong đêm Halloween với lời “đe dọa”: “Trick-or-Treat”, tạm dịch là “cho kẹo hay bị ghẹo”! Chủ nhà phải lựa chọn giữa Trick và Treat, hoặc chịu những trò ma quái còn Treat là đãi ngộ bằng kẹo hoặc đôi khi bằng tiền!
Vì vậy, một số nhà sẵn sàng chọn Treat bằng cách treo các trang trí Halloween bằng kẹo bên ngoài cửa ra vào hoặc chỉ cần để lại kẹo sẵn trên hiên nhà để trẻ em tự do lấy đi.
“Trick or Treat” ở Phương Tây trong tối Halloween có những ý nghĩa tương đồng với việc “cướp cháo” ngày Rằm Tháng 7, hay còn gọi nôm na là “giựt cô hồn”, ở Phương Đông.
Nguồn: Nguyễn Ngọc Chinh