Xuất xứ và ý nghĩa của bài hát Scarborough Fair (Giàn Thiên Lý Đã Xa)

Nói về tài năng phổ nhạc cho thơ trong âm nhạc Việt, khó ai có thể xuất sắc hơn nhạc sĩ Phạm Duy, và xét về tài năng đặt lời Việt cho các ca khúc ngoại quốc thì nhạc sĩ Phạm Duy cũng tài tình không kém.

Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ đầu tiên đặt lời Việt cho nhạc nước ngoài, bắt đầu từ thập niên 1940. Trong sự nghiệp của mình, ông có khoảng hơn 1000 bài hát thì một phần ba trong số đó là những ca khúc nhạc ngoại lời Việt. Rất nhiều những nhạc phẩm trong đó đã đi vào lòng công chúng yêu nhạc và trở thành bất tử. Thành công đó của Phạm Duy là bởi không chỉ đặt lời, chuyển ngữ mà ông còn thổi vào hồn cốt âm nhạc những chất liệu, ý tứ quen thuộc của văn hóa Việt. Tiêu biểu nhất trong số đó là bài Ôi Giàn Thiên Lý Đã Xa.

Nguyên gốc bài hát là Dân ca Anh, nhưng trong tờ nhạc bài Giàn Thiên Lý Đã Xa ghi nhầm thành Dân ca Hoa Kỳ


Click để xem Thanh Lan thể hiện ca khúc Ôi Giàn Thiên Lý Đã Xa, cả lời Việt lẫn lời Pháp

Về nhạc phẩm Ôi Giàn Thiên Lý Đã Xa.nguyên tác ca khúc là một bài dân ca cổ của Anh Quốc khá nổi tiếng và phổ biến mang tên “Scarborough Fair“, tức Lễ hội Scarborough. Scarborough Fair có nhiều dị bản khác nhau ở những địa danh mà nó xuất hiện, như Whitingham Fair, Southampton Fair, Westborough Fair,… Nhưng nội dung chính đều viết về chuyện tình của một đôi trai gái, mà ở đó chàng trai hoặc cô gái “thách đố” người kia làm những việc phi thường, bất khả để chứng minh tình yêu và để có được tình yêu chân thành từ mìnhHãy xem thử một dị bản của “Scarborough Fair” đã được dịch nghĩa sang lời Việt như sau:

Có phải bạn đang đi đến Scarborough Fair?
Thoảng mùi ngò tây, ngải đắng, hương thảo và xạ hương
Xin hãy nhắc về tôi cho một chàng trai sống ở đó
Chàng ấy một thời là tình yêu chân thành của tôi

Hãy nói với chàng ấy làm cho tôi một chiếc áo vải lanh
Dệt bởi mùi ngò tây, ngải đắng, hương thảo và xạ hương
Mà không cần khâu vá hay kim chỉ
Rồi chàng sẽ mãi là tình yêu chân thành của tôi

Bảo chàng ấy tìm cho tôi một mẫu đất
Rau mùi tây, ngải đắng, hương thảo và xạ hương
Giữa vùng nước muối và bờ biển
Rồi chàng sẽ là tình yêu chân thành của tôi

Có phải bạn đang đi đến scarborough
Thoảng mùi ngò tây, ngải đắng, hương thảo và xạ hương
Tôi nhớ về một chàng trai đã từng ở đó
Chàng ấy đã từng là tình yêu rất chân thành của tôi

Một điều đặc biệt khiến người ta dễ dàng nhận ra dị bản của ca khúc này nằm ở câu hát “ngò tây, ngải đắng, hương thảo và xạ hương” – “Parsley, Sage, Rosemary and Thyme”. Đây là 4 loại thảo mộc rất quen thuộc của người phương Tây, là linh hồn của bài ca. Dù nội dung bài dân ca này có thể được biến tấu khác nhau, nhưng nhất định phải giữ lại câu hát này. Nguyên nhân là bởi vì ở trong văn hoá phương Tây, 4 loại thảo mộc này có một vị trí khá đặc biệt, mang nhiều hàm ý tốt đẹp.

Vào thời trung cổ, các loại thảo mộc với hương thơm đặc biệt của chúng chính là biểu tượng biểu trưng cho tình yêu. Các chàng trai Hy Lạp xưa kia thường đem lá hương thảo tặng cho người yêu với ý nghĩa trao tặng tình yêu chung thuỷ, vững bền cho cô gái. Do ý nghĩa tốt đẹp đó của loài hương thảo mà ngày nay, nhiều nơi tại Châu Âu vẫn giữ truyền thống cài lá hương thảo lên tóc cô dâu. Bên cạnh đó, húng tây cũng được coi là một loài thảo mộc cao quý, tượng trưng cho lòng can đảm của những chàng trai. Bài hát ra đời trong hoàn cảnh ᴄhιên tɾɑnh, có lẽ vì vậy húng tây được đưa vào để gợi nhớ đến những chàng trai anh hùng ngoài ᴄhιến trận.

Việc nhắc đến 4 loài thảo dược này trong lời hát, giống như một bức mật ngữ của những người tình gửi cho nhau, chỉ có những người yêu nhau mới có thể hiểu và lý giải được sự “vô lý”, huyền hoặc của lời ca.


Click để nghe Scarborough Fair (tiếng Anh)

Với giai điệu bay bổng, lãng mạn cùng những lời ca dân gian giản dị, đầy ẩn ý, cuốn hút, không quá khó để “Scarborough Fair“ trở thành một ca khúc được yêu thích và truyền bá rộng rãi qua nhiều thứ tiếng.

Tại nước Pháp, “Scarborough Fair“ có một phiên bản tiếng Pháp mang tên là Chèvrefeuille que tu es loin. “Chèvrefeuille” trong tiếng Pháp, nghĩa là cây kim ngân hoa, là một loài cây thảo dược có hoa màu trắng khi mới nở và ngả màu vàng sau vài ngày.


Click để nghe Chèvrefeuille que tu es loin (Tiếng Pháp)

Nhạc sĩ Phạm Duy đã dựa vào phiên bản Pháp này để soạn lời Việt cho “Scarborough Fair“ để thành ca khúc Ôi Giàn Thiên Lý Đã Xa, ông chọn một loài hoa có hình dáng và sắc màu tương tự kim ngân hoa, nhưng phổ biến và thân thuộc ở Việt Nam là hoa thiên lý để đặt lời cho ca khúc.

Trong âm nhạc và văn chương thời kỳ thơ mới, nhạc mới, hoa thiên lý cũng là một hình ảnh gắn kết chặt chẽ với tình yêu đôi lứa. Ví dụ như trong bài thơ “Nhà Tôi” của nhà thơ Yên Thao, ông viết: “Nhà tôi ở cuối thôn Đồicó giàn thiên lý, có người tôi thương”. Bài thơ sau này đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành ca khúc vào thập niên 1990 lấy tên là Chuyện Giàn Thiên Lý rất nổi tiếng và làm nên tên tuổi ca sĩ Mạnh Đình.

Do sự ảnh hưởng của lời Pháp, “Ôi Giàn Thiên Lý Đã Xa” vì vậy cũng có đôi chút khác biệt so với lời ca gốc của các dị bản “Scarborough Fair”, tuy khác biệt nhưng vẫn giữ được ý tưởng bay bổng, hư thực, phiêu lãng của lời ca:

Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa
Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi
Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi

Nhạc sĩ Phạm Duy đã chọn kể lại câu chuyện tình “phiêu lãng” bằng những lời ca da diết, bay bổng, đầy rung cảm của người du ca. Cuộc tình đã trôi xa tự bao giờ nhưng vẫn còn ám ảnh, vương vấn mãi trong tâm hồn của những người yêu nhau, không thể buông bỏ. Chàng trai dù “đã rời xa” tình yêu của mình vẫn mãi thương nhớ da diết về một hình bóng “quê nhà” xa xưa. Tình cảnh tội nghiệp đó của chàng trai, được người du ca Phạm Duy cảm thán bằng một hình ảnh khá lạ là “đứa bé”. Bởi tình yêu của chàng cũng khờ khạo, si dại và hồn nhiên như một đứa trẻ.

“Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi”, tâm trạng, cảm xúc vấn vương không thể dứt đó cũng từng xuất hiện trong âm nhạc, trong một câu hát khá nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “tình ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng”. Và vì chẳng thể quên, nên từ trong sâu thẳm trái tim vẫn muốn gửi đến người tình xa những hoài vọng yêu thương. Và nhạc sĩ Phạm Duy không ngại ngần, đem lời yêu gửi vào lời hát, ngầm truyền ước vọng của chàng trai đến tai cô gái nơi xa:

Này nàng hỡi! nhớ may áo cho người
Giàn thiên lý đã xa tít mù khơi
Tấm áo cắt ngay, đã cắt trên khăn lụa là
Là chiếc chăn đắp chung những ngày qua 

Ở đoạn hát này, nhạc sĩ Phạm Duy đã sử dụng những chất liệu của bài ca cổ xa xưa để đưa vào lời ca, tương đồng với đoạn trong phần lời tiếng Anh:

Hãy nói với chàng ấy làm cho tôi một chiếc áo vải lanh
Dệt bởi mùi ngò tây, ngải đắng, hương thảo và xạ hương
Mà không cần khâu vá hay kim chỉ
Rồi chàng sẽ mãi là tình yêu chân thành của tôi

Câu hát “Này nàng hỡi! nhớ may áo cho người” như một lời nhắc nhớ với cô gái về chàng trai si tình và mối tình xa xưa. “Tấm áo cắt ngay, đã cắt trên khăn lụa là”, mối tình tựa như tấm áo mới cắt, được cắt trên tình yêu “lụa là” của hai người và trở thành “chiếc chăn đắp chung những ngày qua” trong cuộc tình hạnh phúc, êm ấm đó. Nhưng “tấm áo” chỉ mới được “cắt” thôi, chứ chưa hề được “may” lại thành một chiếc áo hoàn chỉnh. Tình yêu của họ chỉ mới đi qua chặng đường yêu đương đầu tiên ngọt ngào, chứ chưa hề có một cái kết viên mãn. Vậy nên, sự hụt hẫng, quyến luyến về mối tình xưa cũ của chàng trai là điều dễ hiểu.

Tìm một miếng đất cho gã si tình
Giàn thiên lý đã xa mãi nghìn xanh
Miếng đất cát hoang, miếng đất ngay bên giáo đường
Biển sẽ ru tiếng hát bên trùng dương 

Những lời ca huyền hoặc đan xen với những hình ảnh tưởng như chẳng ăn nhập gì với nhau lại chứa đầy ẩn dụ về một tình yêu vĩnh cửu của “gã si tình”. Dù cuộc tình “đã xa mãi nghìn xanh”, thì tình yêu của chàng trai vẫn ở đó, cắm dùi nơi “miếng đất cát hoang”. Dẫu biết rằng sẽ chẳng ai thấu hiểu, chẳng ai đón đợi, biết rằng sẽ hoang lạnh, cô độc một mình nơi miền đất hoang cằn, chàng trai vẫn nguyện xây một “giáo đường” tình yêu trong tim mình, vẫn ngày ngày “bên giáo đường” cất lời thề nguyện. Và biển đời vẫn sẽ vang vọng mãi những lời tình say đắm của chàng, sẽ ru tiếng hát từ trái tim chàng vào lòng đại dương sâu thẳm.

Giờ đã đến lúc tan ánh mặt trời
Giàn thiên lý đã xa mãi người ơi!
Lấp đất hố tôi, lấp với đôi tay cô nàng
Thì hãy chôn trái tim non buồn thương

Ở đoạn hát sau cuối, chàng trai trong nỗi niềm tuyệt vọng bi thương, trong cơn nhớ nhung gào thét cõi lòng, đã chẳng còn kiên nhẫn đón đợi, mong chờ bất cứ điều gì dù là mong manh, xa vời. Niềm tin, hy vọng trong chàng giờ đã lụi tắt: “Giờ đã đến lúc tan ánh mặt trời”. Lời tình thắm thiết đã gửi, lời thề nguyện chân tình đã trao nhưng vẫn chẳng thể làm rung chuyển trái tim nàng, thì xin nàng hãy “lấp đất hố tôi, lấp với đôi tay cô nàng”, xin nàng hãy “chôn trái tim non buồn thương” của chàng đi. Bởi tình yêu sâu đậm, vĩnh cửu này của chàng sẽ chẳng bao giờ có thể tự tan biến, phôi phai.


Click để nghe bản thu âm của Thanh Lan trước 1975

Có thể nói, với nhạc phẩm“Giàn Thiên Lý Đã Xa”, dù chỉ một ca khúc viết lại, nhạc sĩ Phạm Duy bằng tài năng âm nhạc thiên bẩm của mình, đã “phù phép” khúc hát dân gian huyền hoặc, ly kỳ của xứ Âu Châu xa lạ thành một khúc nhạc tình buồn mang giai điệu đồng quê phiêu lãng, thanh thoát mà sâu lắng, gần gũi đậm chất Á Đông.

Ca khúc dù đã kết lại nhưng dư vị của nó vẫn phảng phất đâu đó, những lời tình đắm say vẫn còn vang vọng mãi. Tình yêu dù đã rời xa, đã như “giàn thiên lý xa tít mù khơi” vẫn quyện hồi trở lại, quanh quẩn đâu đó, ẩn dấu những mơ ước mong manh, xa vời, vẫn dùng dằng, co kéo giữa dòng cảm xúc nhớ thương, tuyệt vọng.

Bài: Niệm Quân

Viết một bình luận