Tầm ảnh hưởng của sân khấu cải lương đối với đời sống tinh thần của công chúng, vốn đã không còn mạnh mẽ từ những năm 1960, lại càng ảm đạm hơn kể từ sau năm 1975. Tuy nhiên từ khoảng đầu thập niên 1990, ánh đèn sân khấu cải lương bỗng nhiên sáng rực trở lại và có sức ảnh hưởng lớn trong làng nghệ thuật Việt Nam. Một trong những người góp công lớn nhất cho sự trở lại này của cải lương chính là nghệ sĩ Vũ Linh.
Vào thời vàng son của sân khấu cải lương đó, khi Báo Sân Khấu Thành Phố có lần tổ chức cho khán giả bình chọn “Đôi nghệ sĩ diễn chung trên sân khấu được yêu thích nhất”, thì Vũ Linh – Tài Linh xếp hạng thứ nhì (chỉ đứng sau cặp nghệ sĩ kỳ cựu Minh Vương – Lệ Thủy). Điều đó cho thấy, sức hút của Vũ Linh – Tài Linh trong giới mộ điệu cải lương là rất lớn.
Vũ Linh luôn là nghệ sĩ được khán giả quý mến bởi tài nghệ ca diễn xuất thần. Còn Tài Linh đã chiếm được vị trí “đào thương” trong lòng công chúng. Cả hai tạo nên một “mối tình sân khấu” ấn tượng. Mối đồng cảm lớn nhất của họ là sự phấn đấu không ngừng để được tồn tại lâu dài trên sân khấu.
Cải lương – Giọt Máu Oan Khiên
Vũ Linh và Tài Linh đã có 16 năm diễn chung trên sân khấu lẫn truyền hình. Một điều đặc biệt là đôi “Song Linh” này là khi đã trở thành “ngôi sao”, họ vẫn sống giản dị, chan hòa tình cảm với mọi người. Họ cũng không dễ dãi chấp nhận những vai diễn thiếu chiều sâu để đánh mất tên tuổi của mình.
Nói bằng ngôn từ của giới nghệ thuật thì Tài Linh – Vũ Linh được “tổ đãi”, bởi sự xuất hiện của họ trong bất kỳ vở diễn nào cũng được khán giả tán thưởng nồng nhiệt.
Thời mà Vũ Linh nổi danh ở các đoàn cải lương An Giang – Khánh Hồng, rồi Lâm Đồng, Sông Bé thì Tài Linh vẫn còn làm nhân viên bán vé ở Đoàn Sài Gòn 3. Sau đó, được vợ chồng nghệ sĩ Thanh Điền – Thanh Kim Huệ phát hiện và động viên, Tài Linh mới chập chững làm quen với nghề hát, rồi từng bước rèn luyện nghề nghiệp qua các sàn diễn: Nha Trang, Tiếng Ca Sông Cửu, Tây Ninh, Long Giang, Cửu Long 1…
Đến khi về Sân khấu Tuồng cổ Minh Tơ, cô mới nổi danh với vai Lý Thần Phi trong vở Bích Vân cung kỳ án. Khi Tài Linh nghỉ hát ở Minh Tơ thì lúc bấy giờ, Vũ Linh đang diễn cho Đoàn Trần Hữu Trang II. Khi ấy, đoàn đang dựng vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, chính Vũ Linh đã đề nghị với Trưởng đoàn là nghệ sĩ Lê Thiện mời Tài Linh về tăng cường, vì ông biết rằng Tài Linh có khả năng diễn tốt những vai tuồng cổ.
Vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài là vở diễn trong đó cặp Vũ Linh – Tài Linh xuất hiện lần đầu tiên trước khán giả và nhanh chóng trở thành một “hiện tượng” sân khấu.
Trích đoạn Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài năm 2011
Người thầy dẫn dắt Vũ Linh vào nghề là nghệ sĩ Diệu Hiền đánh giá rằng không ai vừa hát vừa diễn xuất sắc hơn ông với vai Lương Sơn Bá, đặc biệt trong phân cảnh Chúc Anh Đài lên xe hoa, làm lễ vu quy. Nét diễn tài hoa kết hợp lối hát nghẹn ngào, chất chứa tâm tình của Vũ Linh đi vào ký ức khán giả đương thời, trở thành chuẩn mực ca diễn cho nhiều thế hệ hậu bối.
Sau Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, đôi Song Linh còn tiếp tục đóng cặp trong vở xã hội Bản Tình Ca Còn Đó, Không Bán Tình Em, cũng “cháy vé”.
Khi cả hai cùng về đóng chánh cho Đoàn Minh Tơ qua các vở: Thanh Xà – Bạch Xà, Tôi Không Làm Hoàng Hậu, Chiêu Quân Cống Hồ, Nặng Gánh Giang Sơn, Gánh Cải Trạng nguyên… càng tạo nên “thương hiệu” lẫy lừng cho sân khấu này.
Ngoài ra, Vũ Linh – Tài Linh cùng xuất hiện rất nhiều trong các vở cải lương video, đình đám nhất phải kể đến vở Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ.
Cải lương Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ
Nghệ sĩ Thanh Tòng đã nhận xét:
“Sự hỗ trợ từ cách ca, cách diễn đến những “bài toán” vũ đạo đẹp mắt. Có xem vở mới thấy rõ nét sáng đẹp trong diễn xuất của họ. Trong vai diễn Thần Nữ, Tài Linh từ điệu bộ “chạy gối” đến những chiêu võ loạn phá “phủ soái” giải vây cho chàng Tiết Ứng Luông – Vũ Linh thật điêu luyện. Còn chàng võ tướng họ Tiết qua cách diễn của Vũ Linh đã lột tả được cái nét “đa tình” và khí phách của một trang dũng tướng. Còn trong các vai diễn “kiểu mẫu” thuộc dạng tuồng tâm lý xã hội thì sức thuyết phục của họ với người xem là sự vận dụng cái “duyên” của mình, tạo thành “đất dụng võ” có giá trị cho vai diễn. Ở đó họ như có sự hòa quyện với nhau, diễn xuất chân thật, tinh tế, điêu luyện nhưng không kém phần hồn nhiên giản dị”.
Ngoài ra, Vũ Linh – Tài Linh còn hát chung trên sân khấu tân nhạc với vai trò ca sĩ ở khắp các tụ điểm của thành phố qua các ca khúc như Chuyện Tình Ngưu Lang – Chức Nữ, Hoa Học Trò, Cô Thắm Về Làng, Giăng Câu, Nỗi Buồn Hoa Phượng, Tình Đời… cũng nhận được những tràn pháo tay của khán giả giống như trên sân khấu cải lương.
Năm 2003, nghệ sĩ Tài Linh định cư cùng gia đình tại Mỹ để lại sự luyến tiếc trong lòng người hâm mộ về một cuộc chia tay của đôi nghệ sĩ được cảm mến trên sân khấu Việt Nam.
Thời gian sau đó, thỉnh thoảng họ có tái hợp trên một vài sân khấu, nhưng lúc này thì sân khấu cải lương đã thoái trào, hiệu ứng mà đôi nghệ sĩ này mang lại đã không bao giờ có thể vang dội như thời vàng son nữa.
chuyenxua.net biên soạn