Từ hơn nửa thế kỷ nay, hầu như người Việt xem ngày theo dương lịch, còn lịch âm thì chỉ được đa số chúng ta nhớ tới nhiều nhất trong vòng khoảng 1 tháng Tết, từ tháng Chạp cho tới rằm tháng Giêng. Ngoài ra thì ngày nay lịch âm cũng được sử dụng trong một vài trường hợp hãn hữu cụ thể như để cúng rằm, cúng giỗ, xem ngày để cưới hỏi, khai trương, cất nhà, và cả bói toán… hoặc tính vụ ngày mùa nếu trồng lúa như truyền thống. Ngoài mấy trường hợp đó ra thì lịch dương vẫn đang là lịch chính thức để xem hàng ngày.
Trước khi người Pháp tới, người Việt chỉ dùng lịch âm, tính theo chu kỳ của mặt trăng. Qua đầu thế kỷ 20, báo chí bắt đầu dùng Tây lịch (dương lịch, tính theo chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời) để tính ngày xuất bản, và làm căn cứ để viết thời sự. Tuy nhiên lúc đó để tránh nhầm lẫn giữa tháng âm lịch và tháng Tây lịch, người ta có cách gọi khác nhau. Ví dụ: Nếu ghi là “ngày 1 tháng Hai”, thì ta hiểu đó là gọi theo ngày tháng âm lịch, còn Tây lịch sẽ gọi là “ngày 1 Février…” Nghĩa là nếu muốn ghi ngày Tây lịch thì các tháng sẽ ghi bằng tiếng Pháp: Janvier, Février, Mars, Avril, Peut, Juin, Juillet, Août, Septembre, Octobre, Novembre, Décembre…
Thời gian sau này, cụ thể là từ giữa thập niên 1940 thì việc ghi ngày mới giống như hiện nay. Đó là nếu ghi bình thường: 1 tháng 2 năm 1945 thì hiểu đó là dương lịch, còn nếu ghi âm lịch sẽ là: 1 tháng 2 Ất Dậu (ghi thêm can chi của năm âm lịch).
Dấu mốc của sự chuyển đối cách ghi ngày đó có thể là từ năm 1945, đặc biệt là sau khi Pháp thất bại và đánh mất tầm ảnh hưởng ở Đông Dương. Ở đây xin lấy ví dụ cụ thể là tuần báo Trung Bắc Tân Văn Chủ Nhật, trong cùng tháng 7, số báo 254, họ vẫn ghi ngày theo lối cũ là Ngày 22 Julillet 1945, thì chỉ 1 tuần sau đó, Trung Bắc Tân Văn Chủ Nhật số 255, họ đã ghi ngày theo lối mới: 29-7-1945. Bên dưới hình là 2 trang báo đó:
Vì vậy, có thể lấy tháng 7 năm 1945 để làm dấu mốc quan trọng này trong quá trình sử dụng Tây lịch trên báo chí, không còn ghi theo chữ tiếng Pháp như trước nữa.
Sau 1945, tình hình Đông Dương có nhiều biến đổi quan trọng, hàng loạt báo chí cũ đóng cửa và cũng có nhiều báo chí mới ra đời, nhưng có một điểm chung là các báo đều ghi ngày tháng dương lịch theo dạng như ngày nay, và chỉ ghi ngày dương lịch, bỏ hẳn ngày âm lịch trên các số báo.
Việc người Việt chuyển đổi từ âm lịch thành dương lịch diễn ra dần dần trong thời gian rất dài, đến hàng thế kỷ. Tới nay, với sự hòa nhập cùng thế giới trong thời đại toàn cầu hóa, dương lịch đã là lịch chính thức ở Việt Nam, nhưng âm lịch vẫn là bộ lịch quan trọng vẫn được sử dụng trong các trường hợp kể trên, chứ không bị bỏ hoàn toàn.
Vào thập niên 1920, trên báo chí Việt Nam, mà nhiều nhất là tờ Phụ Nữ Tân Văn, bắt đầu có những lời kêu gọi chuyển sang dùng Tây lịch một cách chính thức, nêu rõ sự tiện lợi và khoa học của lịch này, đồng thời cho rằng các thứ mê tín đều xuất phát từ âm lịch. Những lời kêu gọi chuyển đổi đó cũng vấp phải sự phản đối, chỉ trích của rất nhiều người vẫn muốn tiếp tục dùng âm lịch với nhiều lý lẽ được đưa ra. Vấn đề này cũng tương tự như một vấn đề khác cũng được nêu ra cùng thời điểm, đó là bỏ Tết Nguyên Đán để chuyển sang ăn Tết Tây.
Để tìm hiểu về giai đoạn tranh cãi giữa âm lịch và dương lịch này, cùng đọc lại bài báo gần 100 năm trước, đăng trên báo Xuân của tạp chí Phụ Nữ Tân Văn.
—
Lịch mà thường gọi là lịch ta, hay là âm lịch, thì cũng là bắt chước Tàu chớ ra có lịch nào riêng đâu. Ngày nay đề xướng lên cái nghị án bỏ âm lịch theo dương lịch, thì có nhiều người phản đối. Kẻ làm bộ ái quốc thì nói: “Ấy chết! Phải giữ lịch ta, vì quốc tục nằm ở trong đó”. Người làm ruộng thì nói: “Bỏ âm lịch đi thì lấy gì mà nhờ thời tiết để cày cấy”. Người con thờ tổ tiên thì nói: “Ông bà tôi mất theo ngày ta, nếu bây giờ theo lịch tây, thì biết ngày nào mà cúng”. Còn những kẻ mê tín thì nói: “Lấy gì coi số? Lấy gì xem ngày? Lấy gì định hướng nhà? Lấy gì…?”.
Đại khái những người phản đối với cái nghị án bỏ âm lịch, là vì cái tư tưởng của họ còn bị trói chặt trong ba điều nầy: Một là sự mê tín, hai là thời tiết, ba là sự tế tự. Xét trong ba điều ấy, cần trừ cái hại mê tín mà bỏ âm lịch đi, là sự đã đành rồi, còn nói về thời tiết và tế tự, thì dầu bỏ âm lịch đi, cũng không có hại gì cho sự thật và đức tin một chút nào hết.
Dân ta mà có những cái hủ tục mê tín rất xấu, nào là quỉ thần, nào là bói toán, nào là kiêng cữ, nào là cúng quảy… là những thứ xiềng khóa, trói chặt ta, không cho ta lẹ bước trên đường tấn hóa văn minh, nguyên nhơn là do ở cuốn âm lịch cả. Muốn sống còn ở đời nầy, mà xem ngày mới xuất hành, mới tắm gội, coi giờ mới dựng nóc cất nhà, thử hỏi những người thức giả coi cái thứ dân còn giữ những thói như thế, có thể nào văn minh tấn bộ với người ta được không? Cái gốc mê tín ấy nằm cả trong âm lịch, cho nên phải bỏ âm lịch đi.
Còn nói về thời tiết để làm ăn, thì theo vào dương lịch cũng đúng, có sai chút nào đâu, có phần lại đúng hơn nữa. Thời tiết mà sanh ra, là do ở trái đất quay xung quanh mặt trời, chớ có dính chi tới mặt trăng, là cái gốc của âm lịch ở dân. Tế tự, theo dương lịch, cũng không giảm cái lòng thành kính tín ngưỡng của mình chút nào. Các nước khác, có dùng âm lịch đâu, vậy có lẽ họ không biết ghi nhớ tổ tiên của họ, và kỷ niệm những danh nhơn của họ chăng?
Huống chi lấy theo độ số thiên văn mà nói, thì mới biết dương lịch tính năm, tháng, ngày, giờ đúng hơn, chớ âm lịch có nhiều chỗ thiếu sót lắm.
Vậy thì ngày nay ta còn giữ âm lịch làm gì mà không bỏ?
Muốn đề xướng cho người ta bỏ âm lịch va theo dương lịch, thì tất nhiên ta phải bày tỏ ra dương lịch đối với âm lịch, có nhiều chỗ hay chỗ đúng ra thế nào. Người ta theo âm lịch lâu đời, đã thành thói quen có rễ sâu gốc chặt rồi, tưởng là nó hay; bây giờ phải bày tỏ dương lịch có chỗ đúng chỗ hay hơn, thì người ta mới có thể bó cái nọ mà theo cái kia được.
Thế nào là dương lịch?
Thứ lịch mà ra kêu là dương lịch, thì chính là lịch tây, ta vẫn dùng bây giờ. Dương là chỉ về mặt trời; tính theo độ số mặt trời mà làm lịch, cho nên kêu là dương lịch.
Thiệt vậy, dương lịch lấy mặt trời làm chủ, cứ tính trái đất quay quanh mặt trời được một vòng là một năm. Tính cho đúng ra, thì một năm có 365 ngày, 5 giờ, 18 phút, 46 giây. Tức là 365 ngày với 2422 phần muôn (10.000) của ngày; hay nói rõ hơn nữa, là một phần chia tư của ngày vậy. Song tính như vậy thì lôi thôi, nên người ta bỏ số lẻ đi, mà chỉ giữ lấy số chẵn cho gọn, mới định chắc chắn một năm là có 365 ngày.
Tuy vậy, mỗi năm còn cái số lẽ là 2422 phần muôn của ngày, hay là một phần tư của ngày kia thì làm sao? Nếu bỏ hẳn đi, không kể tới nữa, thì năm nay sai một chút, qua năm sai một chút, lâu rồi thành ra sai bậy cả đi, không đúng ngày tháng, không đúng thời tiết, và không đúng với cái số chắc của trái đất quay xung quanh mặt trời một vòng nữa. Muốn cho cái độ số của trái đất quay xung quanh mặt trời được đúng luôn luôn, nên người ta phải lượm cái số lẻ mỗi năm dư ra một phần chia tư ngày đó, góp lại bốn năm, mà đặt ra một ngày nhuận. năm nào có ngày nhuận đó thì kêu là năm nhuận, là vì lẽ như thế. Hỏi tại sao lại bày ra ngày nhuận làm gì vậy? Điều đó dễ hiểu lắm. Trên đây đã nói rồi, vì mỗi năm dư ra một phần chia tư ngày không kể, thì bốn năm phải gộp bốn cái dư đó lại mà làm một ngày nhuận, để cho đúng với độ số của trái đất quay xung quanh mặt trời vậy.
Muốn cho đúng hơn nữa, nên cứ mỗi khí tới cuối một thế kỷ (mỗi thế kỷ là 100 năm) thì bớt đi một ngày nhuận. Cứ 4 năm có một ngày nhuận, tức thị là 400 năm có 100 ngày nhuận mới phải, song vì tới cuối cùng một thế kỷ, bớt đi một lần nhuận, thành ra 400 năm chỉ có 97 lần nhuận mà thôi.
Đó là vì phép tính toán xếp đặt như vậy, cho nên san đi bớt lại, mà tính trung bình, thì mỗi năm trái đất quay xung quanh mặt trời một vòng, sai chạy không tới 26 giây đồng hồ.
Muốn cho rõ ràng hơn, thì ra phải làm toán ra như vầy:
Số ngày trong 400 năm:
400 x 365 ngày = 146.000 ngày.
cộng với 97 ngày nhuận thành ra 146097 ngày.
Số ngày mà trái đất quay xung quanh mặt trời được 400 vòng:
400 vòng x 365 ngày 2422 = 146.096 ngày 88
Số ngày mà trái đất quay xung quanh mặt trời trong 400 năm sai đi hết là bao nhiêu?
146097 ngày – 146096 ngay 88 = 0 ngày 12
Vậy là mỗi năm trái đất quay xung quanh mặt trời mỗi vòng chỉ sai có: 0 ngày 12 chia cho 400 vòng = 0 ngày 0008, hay là 25 giây 92.
[đoạn nói về cách tính âm lịch bị mờ không đọc rõ]
Nói đến sự bỏ cựu lịch, hay gọi là âm lịch, theo như người ta đã hiểu lầm, thì đã có mấy kẻ làm bộ ái quốc, nói rằng: “Ấy chết! chớ bỏ cựu lịch, vì có quốc hồn, quố túy nằm ở trong đó”. Than ôi! Có quốc túy quốc hồn nào nằm trong lịch cũ, hay là chỉ có những điều dị đoan mê tín, cúng quẩy, đồng bóng mà thôi! Lịch cũ phải bỏ đi mà theo dương lịch mới đặng, là vì có 4 cái lý do như sau:
1. Phép toán của dương lịch rõ ràng và cẩn thận hơn
Ở đoạn trên đã nói rõ rồi, theo như dương lịch đã tính thì trong 400 năm, trung bình mỗi năm trái đất quay xung quanh mặt trời, không sai tới 26 giây đồng hồ. Như vậy thì tất phải qua 3333 năm, mới sai có một ngày mà thôi.
Đếm như lịch cũ, năm thường có 354 ngày, năm nhuận thì tăng lên 384 ngày. Trong 19 năm tuy ta có 7 lần nhuận, nhưng cộng cả lại chỉ có 6939 ngày và 6018 phần muôn; so sánh như vậy thì thấy rõ rằng lịch cũ sai đi hết 4 giờ 33 phút mỗi năm. Té ra chưa đầy 6 năm, đã sai hết 1 ngày rồi.
Coi đó, một đằng 3333 năm mới sai một ngày, một đằng chưa đầy 6 năm đã sai một ngày, thì thiệt là dương lịch tính đúng hơn lịch của ta nhiều lắm.
2. Ngày tháng của dương lịch dễ nhớ hơn cựu lịch của ta
Lịch tây và lịch ta, tuy đều là có tháng thiếu tháng đủ cả, song lịch tây có qui định là tháng nào đủ, tháng nào thiếu, chớ không như lịch ta, năm nay vầy, sang năm lại khác.
Dương lịch, năm nào cũng vậy, có nhứt định những tháng: giêng, ba, năm, bẩy, tám, mười, mười hai, 7 tháng đó là tháng đủ; tháng hai thì là tháng bằng; còn những tháng tư, sáu, chín, mười một, tháng ấy là tháng thiếu. Tháng bằng 28 ngày, tháng thiếu 30 ngày, tháng đủ 31 ngày. Ngày tháng nhứt định như vậy đó, thì chẳng cần nói chi người lớn, đến những đứa con nít sáu bẩy tuổi cũng có thể nhớ rõ ràng, không bao giờ quên đặng.
Còn nói tới lịch ta, thì ôi thôi, khó lòng quá. Đã biết tháng đủ 30 ngày, tháng thiếu 29 ngày, là có nhứt định, nhưng mỗi năm một khác, nếu không mở cuốn lịch ra coi, thì đố ai biết trước tháng nào là tháng đủ, tháng nào là tháng thiếu. Thật là bất tiện và khó nhớ vô cùng!
3. Dương lịch định thời tiết không sai
[phần này bị mờ không đọc được]
4. Dương lịch đã thông dụng khắp cả các nước trong thế giới.
Dương lịch đúng như thế, rõ ràng như thế, hạp với thời tiết như thế, cho nên các nước trong hoàn cầu ngày nay, nước nào gọi là văn minh tấn hóa, thì đều dùng dương lịch hết thảy.
Nước Nhựt xưa kia, cũng theo lịch Tàu như mình, mà từ lúc duy tân cải cách đến giờ họ cũng thông dụng lịch tây rồi; cũng ăn tết ngày 1er Janvier theo dương lịch.
Mấy nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, trước cũng lấy âm lịch làm cái nền, đặng ghi chép ngày tháng, vậy mà lâu nay họ đều theo dương lịch.
Nước Nga, trước năm 1917, họ cũng thông dụng dương lịch, nhưng khác với dương lịch đôi chút, là bốn năm có một lần nhuận, mà trong 400 năm không bớt đi ba lần nhuận, tức là thứ dương lịch cũ. Nhưng từ năm 1917 trở đi, họ thấy dương lịch bây giờ tính đúng hơn, cho nên họ cũng dùng theo rồi.
Nước Tàu là tổ cựu lịch, thế mà ngày nay chánh phủ cũng hạ lịnh cho dân bắt bỏ lịch cũ đi, mà dùng dương lịch.
Nói tóm lại, ngày tháng dễ nhớ hơn, tính độ số trái đất và mặt trời đúng hơn, ngày nay nước nào cũng dùng cả rồi, vậy ta không theo như người ta, còn bo bo giữ lấy lịch cũ, thật là bướng vô lý. Lịch cũ chẳng những có mấy điều sai sót như đã nói ở trên, còn là cái gốc mê tín cho mình, như là xem bói, coi ngày, kiêng cũ, cúng quảy… Chính là những cái mê tín đó làm cho dân mình chậm bước trên con đường tấn hóa. Vậy thì lịch ra, chẳng nên xé nên vò, nên đổi, nên bỏ đi, còn để làm gì?
—
Bài viết bên trên của nhà báo Đào Trinh Nhất, một trong tứ đại của làng báo đương thời, cùng với Phan Khôi, Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ. Ông nguyên quán ở Thái Bình, sinh trưởng ở Huế nhưng thành danh ở Sài Gòn, từng cộng tác với các báo nối tiếng nhất ở Sài Gòn là Phụ nữ tân văn, Công luận, Thần chung, Tân Văn, Việt Nam, Điểm tin. Sau đó ông làm chủ bút báo Đuốc Nhà Nam (Flambeau d’Annam) của Bùi Quang Chiêu (năm 1930-1931), tự xuất bản báo Mai (tháng 2 năm 1936-1938).
Bài viết trên đăng trên báo Xuân Phụ Nữ Tân Văn số ra ngày 30/1/1930. Hai tuần sau đó, ông Đào Trinh Nhất còn trở lại với vấn đề này bằng bài viết tựa đề: Vấn đề bỏ âm lịch, đăng trên Phụ Nữ Tân Văn ngày 13/2/1930 như sau:
Tôi còn trở lại vấn-đề này, tức là để giải rõ cho những kẻ phản-đối biết rằng vì sao chúng tôi và các hạn đồng-chí lại chủ-trương sự nên bỏ âm-lịch.
Gọi là kẻ phản-đối vậy thôi, chớ kỳ thiệt không có ai phản-đối. Có những kẻ, còn thương xót âm-lịch vì cái chỗ nào và những lẽ gì đó không biết, mà coi ý binh-vực âm-lịch lắm. Ở đời, ai có ý binh-vực cho một việc gì, thi cần phải có lý-thuyết và cần phải có ý-nghĩa. Vây ai có lòng binh-vực cho âm-lịch, mà binh-vực vì những lý-thuyết nào? Nói ra! Có ý-nghĩa làm sao? Cũng nói ra! Con đường “bỏ âm-lịch theo dương-lịch” là một con đường rộng rãi thẳng băng như vậy, song tiếc thay những người còn muốn ôm giữ lãy cuốn lịch xem bói coi ngày, chỉ quanh-quẩn trong bụi rậm chớ không chịu đi ra chỗ phong quang. Thành ra không ai hiểu ý-kiến của họ là thế nào: Vì sao nên giữ âm-lịch? Vì sao không nên theo dương-lịch?
Vì những lẽ gì nên bỏ âm-lịch?
Đó là một vấn-đề mà tôi đã giải rõ trong số báo “Mùa Xuân” của Phụ-nữ Tân-văn xuất-bản ngày 30 Janvier mới rồi.
Cái lý-thuyết nên bỏ âm lịch, thứ nhứt vì âm-lịch là cái gốc mê-tín của người mình, như là coi bói coi giờ, ngày lốt ngày xấu, mà chính là những điều mê-tín đó làm mình chậm bước trên đường tấn hóa, vả nó không còn hạp với thời-đại này nữa. Ngoài ra, còn vì bốn lẽ khác thuộc về khoa-học:
1- Độ số trái đất quay xung quanh mặt trời, là bao nhiêu ngày giờ, thì dương lịch tinh đúng hơn;
2- Ngày tháng dương lịch dễ nhớ hơn là âm-lịch, vì theo âm-lịch tháng nào thiếu, tháng nào đủ, không có nhứt định, còn dương lịch thì tháng nào 30 ngày, tháng nào 31 đã nhứt định rồi, dễ nhớ lắm;
3- Thời tiết là do sự chuyển động của trái đất quay xung quanh mặt trời mà sanh ra; dương lịch là gốc ở mặt trời, cho nên dương lịch định kỳ thời tiết rất đúng;
4- Dương lịch ngày nay đã thông dụng khắp thế giới, ngay nước Tàu là nước tổ âm lịch, mà bây giờ họ cũng bỏ rồi, vậy ta còn khư khư giữ lấy làm gì nữa.
Trước là vì lẽ muốn trừ tục mê tín, sau là vì được bốn điều lợi ích như ở trên nầy, cho nên chúng tôi mới chủ trương sự bỏ âm lịch, theo dương lịch. Nếu có kẻ nào nói rằng những người chủ trương theo dương lịch, cốt là lấy ngày tháng dương lịch đặng ghi chép mọi việc lớn trong lịch sử, nói ví dụ như ngày kỷ niệm ông Tây Hồ, thì đó chính là một lẽ cố nhiên, song nó chỉ là một điều phụ thuộc cho việc cải cách ấy mà thôi, chớ không phải rằng cải cách mà chỉ trông mong kết quả có bấy nhiêu đó.
Họ lại còn nói chua chát những người chủ trương dùng dương lịch rằng: “Ý! cái tụi chỉ theo đuôi mất anh chệt!”. Họ nói: “Ta dùng âm lịch là theo người Tàu, bây giờ người Tàu bỏ âm lịch thì mình cũng đòi bắt chước. Nếu như nay mai người Tàu lại đề xướng lên theo thứ lịch nào khác, thì mình cũng bắt chước theo nữa”. Ôi! sự lý của những người muốn binh âm lịch chỉ có vậy; tôi đã nói rằng họ chỉ quanh quẩn trong bụi rậm, chớ không dám đi ra chỗ phong quang. Tôi tưởng cái tư tưởng bỏ âm theo dương, nó ngấm ngầm đã lâu ở trong dân gian, trong những người có kiến thức nước mình, chớ không phải là từ sau cái lịnh bỏ âm lịch của chánh phủ Nam kinh phát ra hồi cuối năm 1929, ta ở đây mới nẩy ra cái tư tưởng dùng dương lịch đâu.
Vả lại, có phải là bắt chước người Tàu đi nữa, cũng chẳng phải là sự xấu mà! Nước Tàu có sự nghiệp cách mạng, có người như ông Tôn Văn, có ghế ngồi ở hội Quốc liên, lại có nhiều việc cải cách mạnh bạo, vậy không đáng làm tiên phong cho những dân tộc yếu hèn bắt chước hay sao?
Tôi dám chắc ai có lòng hô hào bỏ âm lịch, là đều có mục đích trừ bỏ những điều mê tín hủ bại ở trong đó. Thật âm lịch là cái gốc mê tín của dân ta; bây giờ đem đốt ráo cả nó đi, thử coi những người mê tín lấy gì mà coi ngày, mà xem hướng. Không lẽ ngày nay dân tộc nào cũng chen vai lấn bước nhau đi vào con đường tấn hóa để tranh sống; mà dân ta, còn cứ coi ngày tốt mới xuất hành, xem giờ linh mới làm việc, như vậy thì liệu chừng muốn nằm co trong vòng diệt vong đến chừng nào?
Cái mê tín coi ngày có hại thế nào, trong lịch sử nước ta gần đây đã có một câu chuyện, là vào hồi Pháp Việt giao binh. Năm 1873, ông Francis Garnier đem binh ra lấy Hanoi; Tổng đốc Hanoi bấy giờ là ông Nguyễn Tri Phương phi báo vào Kinh cao cấp. Trào đình sai quân ra cứu viện, nhưng còn sai Khâm thiên giám coi ngày tốt xấu mới xuất sư; khi coi chưa được ngày xuất sư, thì đã có tin ở Hanoi nói thành đã thất thủ, mà ông Nguyễn Tri Phương đã bị đạn chết rồi. Mở cuốn âm lịch ra, là có cái kết quả đại khái như vậy đó.
Nói gì thì nói, hiện nay coi ra dư luận phần đồng đều tán thành việc theo dương lịch lắm rồi. Kẻ nào còn dám mở miệng nói giữ âm lịch tức là để giữ lấy quốc tục, ấy là một kẻ muốn ngăn đường không cho dân tộc nầy tấn hoa. Dầu cho còn có những kẻ ấy mặc lòng, nhưng sự theo dương lịch vốn là một việc thế nào cũng thiệt hiện nay mai, mà cái thọ mang của âm lịch, chắc cũng không còn bao nhiêu lâu nữa.
Đào Trinh Nhất
—
chuyenxua.net biên soạn