Trúc Hồ – Nhạc sĩ hòa âm được yêu thích nhất của làng nhạc hải ngoại

Có thể nói Trúc Hồ là nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng và được yêu thích nhất của thế hệ sau năm 1975 tại hải ngoại.

Khi nghe nhạc, khán giả thường chỉ quan tâm đến ca sĩ và nhạc sĩ sáng tác. Tuy nhiên riêng trường hợp Trúc Hồ thì có rất nhiều khán giả tìm nghe những phiên bản bài hát do Trúc Hồ phụ trách hòa âm. Đó là các bản thu của trung tâm Asia trong suốt gần 3 thập niên, kể từ thập niên 1980 cho đến đầu thập niên 2010.

Có thể nói nhạc sĩ Trúc Hồ là 1 trong những người có ảnh hưởng nhất đối với làng nhạc hải ngoại. Ai cũng phải công nhận tài hòa âm điêu luyện của anh – người làm nên sự khác biệt của nhạc Asia đối với nhạc của các trung tâm khác. Với nhiều khán giả yêu nhạc, phần hòa âm của Trúc Hồ đã trở thành linh hồn của trung tâm Asia thời cực thịnh.

Nhạc sĩ Trúc Hồ tên thật là Trương Anh Hùng, sinh ngày 2 tháng 4 năm 1964 tại Sài Gòn, là con trưởng trong một gia đình ngoan đạo có 4 anh em. Cha của Trúc Hồ là nhạc sĩ Trúc Giang, một trong những tay trống jazz nổi tiếng nhất Sài Gòn thời đó, từng phục vụ trong dàn quân nhạc của Sư Đoàn 5, sau đó là phủ tổng thống.

Nhạc sĩ Trúc Giang – thân phụ của Trúc Hồ

Thập niên 1970, nhạc sĩ Trúc Giang mở lớp nhạc tại nhà tại đường Trần Bình Trọng, đối diện nhà thờ Chợ Quán, nhờ vậy nên Trúc Hồ đã được tiếp xúc với tiếng kèn trống từ nhỏ.

Năm lên 4 tuổi Trúc Hồ đã biết chơi trống, 6 tuổi đánh được keyboard, đánh đàn và theo các chú bác trình diễn tại đám cưới. Năm lên 7 tuổi, Trúc Hồ được học đàn organ và sau đó thụ giáo đàn piano với Đại tá Trần Văn Tín, là cấp trên của nhạc sĩ Trúc Giang trong quân nhạc.

Chưa tới 10 tuổi, Trúc Hồ đã có thể chơi được hầu hết các nhạc cụ và làm quen với nhạc cổ điển. Vì mê nhạc nên anh bỏ bê học hành và rớt vào trường công. Bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời anh chính là biến cố năm 1975, khi anh mới 11 tuổi.

Năm 1976, Trúc Hồ vào được trường Lê Hồng Phong, nhưng 3 năm sau lại bỏ trường và theo học với nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, rồi bắt đầu viết ca khúc đầu tiên năm 16 tuổi là Dòng Sông Kỷ Niệm, viết tặng cho người yêu đầu đời là cô bạn thời trung học.


Nghe Lâm Thúy Vân hát Dòng Sông Kỷ Niệm

Năm 1981, Trúc Hồ sang đến Hoa Kỳ, bắt đầu một thời kỳ tăm tối khi tất cả đều xa lạ, không bạn bè và người thân và không biết cả tiếng bản xứ. Suốt thời gian đầu, anh buồn rầu và nhớ về quê nhà, nhớ cả người yêu xưa nên hoàn tất ca khúc Dòng Sông Kỷ Niệm.

Tại đây Trúc Hồ theo học trung học tại trường Fountain Valley High. Đến năm 18 tuổi, khi đang học lớp 11, nhận thấy không thể phụ thuộc mãi vào người bảo trợ, vào một buổi chiều Trúc Hồ đã viết thư để lại cám ơn người bảo trợ mình và ra đi. Anh đến ở với gia đình một người bạn là Đỗ Phủ. Hoàn cảnh tại chỗ ở mới cũng khó khăn khi 5 người cùng ở chung một căn phòng nhả: Trúc Hồ, Đỗ Phủ, 2 người em và 1 người share phòng khác.

Sau đó, Trúc Hồ đi dạy nhạc và nhận làm nhiều công việc chân tay khác như rửa bàn bida, đi giao báo… để kiếm tiền đi học piano. Anh kể lại thời gian này như sau:

Trúc Hồ vào Community College để học Toán, nhưng mới học xong một semester, Hồ lại nghĩ ngày trước mình xin cha đi Mỹ là cốt để có cơ hội học nhạc, bây giờ học Toán ra để làm gì và tương lai ra sao? Hồ bắt đầu đi học piano với Dr. Gile, học phí mỗi giờ là $45.00, mỗi tháng Hồ phải đóng $180.00 tiền học nhạc. Để có đủ số tiền này, Hồ đi chùi rửa bàn bida tiệm ở thành phố Grden Grove, đi làm cho báo cho Orange County Register (công việc là bỏ quảng cáo vào tờ báo) mỗi cuối tuần được $40.00, mỗi tháng được $160.00, như vậy là cũng tạm ổn.

Sau đó Trúc Hồ bắt đầu kiếm sống được từ nghề nhạc khi chơi nhạc trong ban nhạc Chí Tài, sau đó chuyển đến Long Beach để đàn cho ban Anh Tài, rồi vào làm thu âm và chơi piano cho trung tâm Dạ Lan của nhạc sĩ Anh Bằng, tiền thân của trung tâm Asia.

Thời gian này anh đàn cho rất nhiều trung tâm sản xuất băng nhạc và tạo được danh tiếng trong lĩnh vực hòa âm. Tuy nhiên dần dần Trúc Hồ chán cảnh phải xách đàn để đi hết trung tâm này đến trung tâm khác, anh nhận lời mời của nhạc sĩ Anh Bằng và con gái là Thy Vân để về làm giám đốc âm nhạc cho trung tâm Asia, được góp cổ phần trong trung tâm này.

Thời gian đó các video ca nhạc đều được dàn dựng và quay trong studio không có khán giả, chính Trúc Hồ là người đầu tiên đề xuất để đưa chương trình ra rạp để trực tiếp thu hình. Đó chính là chương trình Asia số 1 chủ đề Đêm Sài Gòn 1 năm 1992. Từ đó trung tâm Asia tạo ra rất nhiều tên tuổi rực sáng của nhạc hải ngoại là Như Quỳnh, Mạnh Đình, Lâm Thúy Vân, Lâm Nhật Tiến…

Ngoài nghề hòa âm, sử dụng nhạc khí, Trúc Hồ còn sáng tác rất nhiều ca khúc nổi tiếng để các ca sĩ của trung tâm Asia hát là Cơn Mưa Hạ, Điều Gì Đó, Em Đã Quên Một Dòng Sông, Làm Thơ Tình Em Đọc, Mãi Yêu Người Thôi, Như Vạt Nắng, Trái Tim Mùa Đông, Yêu Em Âm Thầm…

Đặc biệt anh còn sáng tác chung với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng nhiều ca khúc nổi tiếng: Đã Qua Thời Mong Chờ, Bên Em Đang Có Ta, Một Ngày Việt Nam, Việt Nam Niềm Nhớ, Việt Nam Về Trong Niềm Nhớ.

Trúc Hồ có sự gắn bó đặc biệt với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng vào những năm cuối đời. Bắt đầu từ năm 1992, xảy ra sự kiện các trại tạm cư người Việt tị nạn tại các nước ở Đông Nam Á bị đóng cửa, Trúc Hồ viết ca khúc Bên Em Đang Có Ta và nhờ nhạc sĩ Anh Bằng viết lời, nhưng Anh Bằng từ chối vì ông viết loại nhạc này không hay. Trúc Hồ nhờ đến nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và ca khúc này đã rất nổi tiếng trong thời kỳ có nhiều người Việt tị nạn khắp thế giới.

Sau đó Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng còn hợp tác viết thêm nhiều ca khúc cùng thể loại này là Bước Chân Việt Nam, Một Ngày Việt Nam, Việt Nam Niềm Nhớ…

Khi được hỏi về những ca khúc tâm đắc nhất, Trúc Hồ tâm sự:

Bản nhạc đầu tiên của Hồ là bản nhạc viết ở Việt Nam, lẽ cố nhiên vào thời tuổi trẻ là một bản nhạc tình “Dòng Sông Kỷ Niệm” viết cho người yêu đầu tiên năm 16 tuổi. Bài hát viết dang dở thì Hồ sang đến Mỹ, trong thời gian đầu, buồn quá lại đem ra viết tiếp, hoàn tất, gởi về lại xóm cũ. “Trái Tim Mùa Đông” viết trong tâm trạng buồn nản, ảnh hưởng cuốn phim “Un Coeur d’ Hiver” khi Hồ yêu âm thầm một người người con gái. Đời Hồ quá lận đận, anh nghĩ coi, Hồ thi vào lớp 6 trung học rớt, vào lớp 9 cũng rớt, thi vào Quốc Gia Âm nhạc trước 75 không xong, sau 75 vào Quốc Gia Âm Nhạc cũng không đậu. Cái câu “suốt đời anh vẫn là người đến sau” mô tả tâm trạng “trái tim mùa đông” của Hồ.

“Em Đã Quên Một Dòng Sông” đoạn đầu viết cho một người con gái bên này và phần sau viết cho một người con gái bên kia, coi như đoạn kết của “Dòng Sông Kỷ Niệm” khi người yêu đầu tiên đi lấy chồng.

Sau này, theo thời gian, thực tình Hồ đã trưởng thành hơn, từ những câu chuyện của một dòng sông nhỏ cá nhân, riêng tư, Hồ đã gặp một dòng sông khác mạnh mẽ hơn là Trầm Tử Thiêng, để cùng nhau đổ ra biển với những tình yêu lớn hơn, cao thượng hơn, đó là tình yêu đồng loại, yêu đất nước và quê hương đang còn khổ đau. Đó là “Bước Chân Việt Nam”, “Bên Em Đang Có Ta”.

Trúc Hồ sang Mỹ khi mới được 16 tuổi, không có nhiều cơ hội để nói tiếng Việt nhiều, không trau dồi được tiếng Việt để sáng tác nên anh mua các loại sách văn thơ tiếng Việt để đọc. Anh cho biết thích đọc thơ Nguyên Sa, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Tô Thùy Yên… và thích đọc truyện Kim Dung, học hỏi về cách xử thế trong loại truyện chưởng này.

Trúc Hồ cũng cho biết anh học cách tả cảnh trong nhạc của Phạm Duy, cách chơi chữ trong nhạc Trịnh Công Sơn, học lấy ý tưởng cho bài hát của Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên và Phạm Đình Chương. Ngoài ra sau này được làm việc và gần gũi với nhạc sĩ Anh Bằng thì anh cũng học hỏi được rất nhiều.

Năm 2016, Trúc Hồ rời trung tâm Asia sau rất nhiều năm gắn bó. Đó cũng là nơi mà anh đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết để đóng góp xây dựng phát triển. Hiện nay Trúc Hồ dồn hết tâm trí cho đài truyền hình SBTN (Saigon Broacasting TV Network), nơi anh đang là tổng giám đốc điều hành của đài truyền hình phát sóng 24/24 đầu tiên của người Việt hải ngoại này.

Đài truyền hình SBTN được thành lập từ năm 2002 và trải qua thời gian đầu rất khó khăn. Sau một thời gian dài có sự trợ giúp về tài chính từ trung tâm Asia, cho đến nay SBTN có được một chỗ đứng vững mạnh trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Trúc Hồ lập gia đình năm 1990 với Nguyễn Khoa Diệu Quyên (trước kia cùng hoạt động trong cùng ca đoàn Hungtinton Beach tại nam California) và có hai con là Trương Ngọc La La và Trương Anh Lý Bạch (được đặt tên theo nghệ sĩ nhạc cổ điển danh tiếng Bach).

Nhắc tới nhạc sĩ Trúc Hồ, khán giả nhớ tới những ca khúc hits hồi thập niên 1990-2000, đặc biệt là qua giọng hát của Lâm Nhật Tiến. Tuy nhiên một lĩnh vực anh đạt được thành công nhiều hơn tất cả là hòa âm, và anh được mệnh danh là người tạo hits bằng tài hòa âm tuyệt đỉnh của mình. Chính Trúc Hồ là người hòa âm cho liên khúc Tuấn Vũ đình đám một thời, và các liên khúc Tình Yêu của trung tâm Asia (Ngọc Lan – Kiều Nga).

Trúc Hồ từng là học trò của nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng trước 1975 là Nghiêm Phú Phi, ngoài ra anh còn chịu ảnh hưởng từ nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng khác là Lê Văn Thiện. Tuy nhiên có thể thấy phong cách hòa âm của Trúc Hồ sau này không hề giống với các bậc tiền bối. Anh sử dụng nhiều nhạc khí hiện đại hơn, kết hợp đa dạng với các lớp âm thanh đầy đặn hơn, và cũng có thể xem Trúc Hồ là người đầu tiên kết hợp phong cách nhạc bán cổ điển vào trong hòa âm nhạc vàng, luôn ưu tiên dàn nhạc giao hưởng, nhất là bộ dây, đồng thời kết hợp hài hòa với giai điệu bolero hay rumba bằng tiếng guitar xuyên suốt nhạc phẩm. Điều đó đã tạo ra được nét mới lạ đặc trưng cho phong cách hòa âm Trúc Hồ.

Khả năng hòa âm tuyệt vời của Trúc Hồ đã góp phần làm nên những “big hit” của trung tâm Asia, đặc biệt là với những tác phẩm lần đầu được giới thiệu với công chúng, như là Chuyện Hoa Sim, Chuyện Tình Hoa Trắng với tiếng hát Như Quỳnh, Chuyện Giàn Thiên Lý 1,2 với tiếng hát Mạnh Đình, Dù Nắng Có Mong Manh (Nguyên Khang), Em Đã Quên Một Dòng Sông (Lâm Nhật Tiến), Cỏ Úa (Don Hồ và Lâm Thúy Vân), Trái Tim Mùa Đông (Don Hồ), Tiễn Đưa (Vũ Khanh)…


Click để nghe Như Quỳnh hát Chuyện Hoa Sim

Ngoài ra, hàng loạt những ca khúc cũ đã được hát đi hát lại nhiều lần trước đó, nhưng khi được thực hiện lại với phần hòa âm của Trúc Hồ đã làm cho bản thu âm nổi trội lên trên tất cả, điển hình là Kiếp Đam Mê (Duy Quang), Mùa Thu Chết (Julie), Rồi Mai Tôi Đưa Em (Vũ Khanh), Một Mai Em Đi (Thùy Dương), Nỗi Lòng Người Đi (Tuấn Ngọc), Vườn Tao Ngộ (Tuấn Vũ – Sơn Tuyền), Ba Tháng Tạ Từ (Phi Nhung), Căn Nhà Ngoại Ô (Trường Vũ)…


Click để nghe Một Mai Em Đi (Thùy Dương)

Nhắc đến những bản hòa âm tiêu biểu của Trúc Hồ thì không kể hết, bởi vì chính anh cũng không nhớ được mình đã hòa âm bao nhiêu bài hát, sau đây xin nhắc đến những bài liên khúc nổi tiếng có sự góp công sức của nhạc sĩ Trúc Hồ.

Vào năm 1990, Trung tâm Asia thực hiện Liên khúc Tình Yêu với ba giọng hát Ngọc Lan, Kiều Nga và Trung Hành, cùng với phần hòa âm của Trúc Hồ. Cho đến nay, CD Liên Khúc Tình Yêu này đã trở thành một huyền thoại, là một trong những CD ăn khách nhất của trung tâm Asia. Sau thành công của cuốn CD đầu tiên đó, trung tâm Asia còn thực hiện thêm Liên khúc tình yêu 2,3.


Click để nghe Liên khúc Tình Yêu (Ngọc Lan – Kiều Nga – Trung Hành)

Liên khúc tình yêu của trung tâm Asia đã tạo nên một trào lưu mới, một cơn sốt trong làng nhạc,  sau đó các ca sĩ và trung tâm băng nhạc khác thi nhau làm nhạc liên khúc, trong đó nổi tiếng nhất là 5 CD Liên Khúc Tuấn Vũ của trung tâm Thúy Anh thực hiện năm 1991. Người hòa âm cho những CD này cũng chính là Trúc Hồ cùng với cố nghệ sĩ Chí Tài.


Click để nghe Liên Khúc Tuấn Vũ

Liên tục sau đó, trung tâm Asia tung ra các CD liên khúc khác, cũng có sự tham gia của Trúc Hồ, đó là Liên khúc tình yêu tuyệt vời, Liên khúc chiều mưa, Liên khúc Tình xanh, Liên khúc cho người tình…


Click để nghe Liên khúc Cho người tình (Tuấn Vũ – Thiên Trang – Sơn Tuyền)

Ngoài ra, các track Liên khúc nổi tiếng nhất của trung tâm Asia cũng do Trúc Hồ hòa âm, có thể kể đến Liên khúc Dấu Chân Kỷ Niệm với 3 tiếng hát Tuấn Vũ và Thanh Tuyền, Sơn Tuyền:


Click để nghe Liên khúc Dấu Chân Kỷ Niệm

Liên khúc Trúc Phương với 3 tiếng hát Duy Khánh, Thanh Thúy, Phương Hồng Quế:


Click để nghe Liên khúc Trúc Phương

Liên khúc Tình Yêu Lính với tiếng hát Duy Khánh – Hoàng Oanh:


Click để nghe Liên khúc Tình yêu lính

Liên Khúc Mười Năm Yêu Em – Mười Năm Tình Cũ của Elvis Phương:


Click để nghe Liên Khúc Mười Năm Yêu Em

Cuối cùng là liên khúc mà nhạc sĩ Trúc Hồ nói rằng anh tâm đắc và hài lòng nhất sau đây:


Click để nghe

Nhiều người nghe nhạc phổ thông Việt Nam nói chung, thường không có thói quen để ý đến nhạc sĩ hòa âm cho ca khúc. Khi nghe một bài nhạc yêu thích, điều đầu tiên là người ta tìm hiểu để biết tên ca sĩ. Tiếp theo mới đến tên ca khúc và sau cùng là tên người sáng tác. Chỉ có những người mong muốn tìm hiểu rất sâu về ca khúc thì mới đi tìm thông tin về hoàn cảnh sáng tác bài hát, và người hòa âm cho bản thu âm đó.

Nhạc sĩ hòa âm cho ca khúc, tuy ít được nhắc tới nhưng lại đóng một vai trò rất quan trọng trong sứ mạng truyền tải ca khúc từ người sáng tác đến với đại chúng nghe nhạc.

Hòa âm cho một ca khúc là công việc dùng âm thanh của các loại nhạc khí để khắc họa lại nội dung bài hát theo một bố cục nhất định. Để có được một bản hòa âm thành công cho một ca khúc, người nhạc sĩ hòa âm cần lĩnh hội được một số kiến thức nhất định về thanh nhạc và cá tính của từng nhạc khí. Nhưng ngần ấy thì chưa đủ. Người nhạc sĩ hòa âm còn cần một khả năng sáng tạo phong phú để mang những âm thanh của các nhạc khí hòa quyện với giai điệu của bài hát tạo thành một cấu trúc không thể tách rời để nâng giọng hát của người ca sĩ đang trình bày ca khúc lên một tầng cao mới và mang cảm xúc đến giới thưởng ngoạn một cách sâu lắng nhất, tuyệt vời nhất có thể.

Khi các hãng băng đĩa quyết định thu âm cho một ca khúc, đều đầu tiên là họ chọn ca sĩ để hát, sau đó đặt hàng các nhạc sĩ soạn hòa âm. Trước năm 1975, những nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất là Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Lê Văn Thiện, Y Vân… Thời điểm đó không có công nghệ kỹ thuật số như ngày nay, các nhạc sĩ phải viết hoà âm ra giấy rồi đưa cho các nhạc công trình diễn thu âm trực tiếp, đòi hỏi nhiều công phu. Không như hiện nay, kỹ thuật hòa âm đã được sự trợ giúp rất nhiều của công nghệ và máy tính.

Đối với dòng nhạc vàng, các bản tình ca về lính, tình yêu… theo điệu bolero, rhumba, trước 1975 có nhạc sĩ Văn Phụng, Lê Văn Thiện, sau năm 1975 có Trúc Sinh, Tùng Châu, Thanh Lâm, Chí Tài, và tiêu biểu nhất là Trúc Hồ.

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận