Thành Thái là vị vua thứ 10 của triều đình nhà Nguyễn, do tinh thần dân tộc nên bị Pháp ép thoái vị và đưa đi Châu Phi ở trong 31 năm ròng rã. Năm 1947, cựu hoàng trở về quê hương, nhưng gia đình bị phân tán, các hoàng tử mỗi người một nơi.
Nguyễn Phước Vĩnh Giu – một trong những hoàng tử của vua Thành Thái, kể lại: “Mẹ tôi sinh con đầu ở Huế khi vua Thành Thái đương ngôi. Năm 1907, thực dân Pháp truất ngôi vua Thành Thái đưa về an trí ở Vũng Tàu, tại đây mẹ tôi sinh được 2 con. Năm 1916, vua Thành Thái bị đày đi đảo Réunion (châu Phi), mẹ tôi đi theo và sinh 6 người con nơi lưu đày, trong đó có tôi sinh năm 1922. Năm 1947, vua Thành Thái được đưa về Sài Gòn thì mấy mẹ con tôi cùng theo về”.
Vì Thành Thái là một ông vua có tư tưởng dân tộc mạnh mẽ, thực dân Pháp không thể để mấy cha con quây quần, sợ sức mạnh cố kết nên đưa ông Vĩnh Giu xuống Cần Thơ vào năm 1949 và cấp cho căn nhà số 3 đường Trịnh Tấn Truyện (nay là đường Ngô Hữu Hạnh). Ông sống theo nghề cầu đường, làm đốc công, cái nghề ông học ở trường Pháp.
Câu chuyện tình của hoàng tử Vĩnh Giu trên đảo Réunion
Trước khi về nước, Hoàng tử Vĩnh Giu có 2 con trên đảo Réunion. Người yêu của ông là cô gái gốc Pakistan, nhân viên kế toán của một công ty xuất nhập khẩu có trụ sở đối diện với nhà của ông.
Họ yêu nhau say đắm và sinh được 2 con trai vào năm 1944, 1946. Nhưng tình duyên của họ không được vua Thành Thái chấp nhận, nên khi về Việt Nam, ông Vĩnh Giu không được đưa theo.
Vua Thành Thái rất nghiêm khắc. Ở đảo xa lạ song con cái sinh ra đều được dạy tiếng Việt chu đáo và trong nhà chỉ nói tiếng Việt. Khi mới sang đảo, chính quyền Pháp bố trí cho vua Thành Thái và vua Duy Tân mỗi người một ngôi biệt thự, chu cấp chi phí sinh hoạt đầy đủ.
Tuy nhiên, có 2 điều kiện: Không được tự tiện ra sân bay, bến cảng và vật dụng trong nhà hư hỏng phải giữ lại báo cáo để đổi thứ mới. Vua Thành Thái không chấp nhận nên ở được 2 năm, ông mướn một trang trại có căn nhà gỗ rộng lớn, đưa gia đình ra ở.
Ông Vĩnh Giu sinh ra trong căn nhà gỗ này, tình yêu với cô kế toán diễn ra trước cổng căn nhà gỗ. Lúc nhỏ, ông theo anh trai đi học chữ ở trường dòng (con cháu hoàng tộc nhưng từ đời ông Vĩnh Giu về sau lại theo đạo Thiên Chúa), lớn lên sang cơ quan công chánh học nghề và đã hành nghề cầu đường trên đảo.
Anh em ông là những trang công tử khỏe mạnh, gan góc, từng lập chuồng nuôi ngựa và tham gia đua ngựa có bận cả 3 anh em cùng thắng giòn giã. 21 tuổi các ông mới được vua Thành Thái cho phép tự do ra ngoài và viết thư hẹn hò yêu đương và các ông đã làm nhiều cô gái trên đảo say mê.
Tình yêu trên đảo Réunion của ông Vĩnh Giu phải vượt qua nhiều khó khăn. Trong nhà không được vua cha chấp thuận, ngoài xã hội bị nhiều kẻ cản ngăn. Nhất là ở cty lại có ông kế toán trưởng đang theo đuổi cô Magaritte Morugama. Ông này người Trung Quốc và có lần đã mướn một tay dao búa tính trừ khử ông, nhưng may mắn là ông thoát chết trong gang tấc.
Ông Vĩnh Giu về nước, năm 1958 nhận được thư của con trai đầu Augrustin báo tin mẹ và em trai đã qua đời. Thời trước 1975, ông còn khá giả, muốn gửi ít tiền sang cho con nhưng do địa lý xa xôi nên không thực hiện được. Cũng từ đó, ông bặt tin con.
Ký ức về vua cha, vua anh
Thời gian trên đảo Réunion, cả hoàng gia sống quần tụ trên con đường Saint Denis mà đến năm 1992, chính quyền Pháp đặt tên là đại lộ Hoàng tử Vĩnh San – Duy Tân. Có một chuyện xảy ra vào năm 1942 mà những người trong hoàng gia bị lưu đày đều khó có thể quên: chính quyền đảo tổ chức đua ngựa. Tất cả có 8 nài, nhưng dòng tộc vua An Nam có đến 3 nài là Vĩnh Chương, Vĩnh Khôi và Duy Tân, còn lại là người Pháp. Sau lệnh xuất kích, cả ba nài Việt Nam đều dẫn đầu và giành hết giải thưởng.
Ông Giu nhớ lại: “Khi đó, tôi 20 tuổi. Ngồi cạnh thị trưởng Saint Dennis, tôi nghe rõ mồn một câu vua cha Thành Thái nói với ông ta: Việt Nam đã thắng Pháp rồi”. Đã vậy, anh Duy Tân từ mình ngựa nhảy xuống còn nói thêm với cha Thành Thái, nhưng cố tình cho thị trưởng nghe: “Không phải riêng gì gia đình ta mà cả dân tộc Việt Nam đang thắng Pháp”. Thị trưởng nghe và giận tím người. Duy Tân sau đó xin gia nhập quân đội sang châu Âu tham gia thế chiến 2. Ông đã tìm gặp tướng De Gaulle để trình bày quan điểm nước Pháp nên trả lại độc lập cho Việt Nam. Ngày 25/12/1945, ông bị tử nạn máy bay.
Trong câu chuyện, mỗi lần nhắc đến 2 chữ “lưu đày”, ông Vĩnh Giu lại giải thích: “Lưu đày nhà vua, để cắt đứt liên hệ giữa vua Thành Thái với dân, còn điều kiện sinh sống vẫn được bảo đảm đầy đủ.
Đảo Réunion là nơi lưu đày nhiều nhà yêu nước trong khối thuộc địa của Pháp, đảo chỉ có nửa triệu dân mà còn có vua Ma Rốc và vua một số nước khác.
Năm 1947, gia đình chúng tôi về nước bằng tàu thủy, mười mấy người ở phòng thượng hạng có bác sỹ chăm sóc, ăn uống dùng ly chén bằng bạc. Chuyến đi đúng một tháng”.
Trở về cố hương
Về nước, từ tháng 6/1948 đến tháng 7/1949, ông Vĩnh Giu được Pháp bố trí làm phó giám thị một nhà tù giam chính trị phạm ở Vũng Tàu. Ông làm nhiều việc nới lỏng chế độ hà khắc giúp cho tù nhân đỡ khổ.
Với tù nhân nữ, ông cho tắm ngày 2 lần và mở cửa thông gió phòng giam. Với tù nhân biết tiếng Pháp, ông đưa lên làm việc ở văn phòng và những người này đã tổ chức liên lạc, tiếp tế rất tốt cho cả trại tù.
Chỉ một năm, thực dân Pháp phát hiện việc làm của ông, lập tức đưa ông xuống Cần Thơ. Năm 1950 ông cưới vợ ở Cần Thơ rồi sống ở đây đến lúc qua đời năm 2007.
Những ngày đầu sau năm 1975, không có việc làm, ông Giu phải sống nhờ người em bên vợ. Ngày ngày, ông bơi xuồng qua sông Cần Thơ, len lỏi khắp địa bàn Hưng Phú, tìm mua những chiếc xe đạp cũ về sửa chữa lại, bán kiếm tiền nuôi vợ và bầy con. Ông kể: “Biết tôi vất vả, có người cùng hoàng tộc gửi thư về xin bảo lãnh cả gia đình sang Mỹ, nhưng tôi dứt khoát không đi. Trước đó, Chính phủ Pháp cũng có văn bản gửi sang cho phép chúng tôi trở về đảo Réunion bất cứ lúc nào, nhưng tôi cũng đã từ chối!”. Ông giải thích lý do từ chối: “Đơn giản, tôi là người Việt Nam”.
Hoàng tử Vĩnh Giu có 7 người con, 6 trai, 1 gái. Con trai trưởng là Nguyễn Phước Bảo Bời. Người được học nhiều nhất là con gái thứ hai Công Tôn Nữ Thanh Các. Trước năm 1975, cô đang là sinh viên Văn khoa, nhưng rồi chuyện học dở dang và sau đó đi làm phụ bếp. Người con thứ ba, ông Nguyễn Phước Bảo Thọ, mưu sinh bằng nghề xe ôm. Anh kế của Thọ là Nguyễn Phước Bảo Cao cũng chạy xe ôm tận quê vợ ở Đà Lạt. Kế đến ông Nguyễn Phước Bảo Lộc làm bảo vệ cho xí nghiệp nhựa tư nhân tại Cần Thơ. Nguyễn Phước Bảo Hoàng thất nghiệp.
Con trai út là Nguyễn Phước Bảo Tài, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về, lập gia đình, nhưng vì ông túng thiếu quá nên vợ đã bỏ, sau đó đi làm phụ hồ. Sau đó ông lấy vợ lần thứ 2, làm nghề chạy xe ôm và vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Như vậy cả gia đình của vị hoàng tử này đều lâm vào cảnh khốn khó. Hoàng tử Vĩnh Giu đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 18/3 năm 2007.
Hoàng tôn chạy xe ôm
Ông Nguyễn Phước Bảo Tài (sinh năm 1964, con trai hoàng tử Vĩnh Giu, là cháu nội vua Thành Thái) sinh sống ở gần con rạch Ba Hiệp (ấp Nhơn Hưng, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, Cần Thơ). Lối đến nhà vị hoàng tôn (cháu vua) là con đường mòn sâu hun hút dọc theo con rạch, hai bên cỏ dại mọc ngang người. Nơi “thâm sơn cùng cốc” này lại là nơi thờ tự của một vị vua, một hoàng tử.
Theo bài báo trên báo Pháp Luật đăng năm 2014, khi bước vào cửa nhà ông Bảo Tài thì hình ảnh đầu tiên đập vào mắt khách là bàn thờ đơn sơ nhưng toát lên vẻ trang trọng với di ảnh là vua Thành Thái chỉnh tề trong áo bào màu đỏ, đội mũ xung thiên (loại mũ chỉ dành cho vua triều Nguyễn), phía dưới là di ảnh của hoàng tử Vĩnh Giu, phong thái rất trí thức với áo vest và cặp kính trắng.
Năm 1949, hoàng tử Vĩnh Giu về sống ở Cần Thơ. Sau mấy chục năm bôn ba khắp miền Tây làm công nhân xây dựng cầu đường, ông tha thẩn về ở rể trên đường Phan Đình Phùng (phường An Lạc, quận Ninh Kiều, Cần Thơ), trưng biển sửa chữa, bơm vá xe đạp.
Cuộc sống càng thêm khó khăn khi vợ chồng hoàng tử Vĩnh Giu sinh đến 6 người con trai và 1 con gái. “Để có tiền nuôi chúng tôi, má bán mía lạnh, chuối nướng ở trước cửa nhà. Còn ba ngoài sửa xe đạp còn đi mua ve chai, đóng bàn ghế cho những người chở cá ở chợ. Nhờ ca hát, vũ công giỏi, đặc biệt có khiếu đánh đàn tỳ bà, đàn tranh nên ban đêm ba tôi đi làm thêm ở một số phòng trà, quán bar kiếm thêm tiền”, ông Bảo Tài kể lại.
Ông Tài cho biết, cả gia đình ông sống ở Cần Thơ đến 50 năm mà không ai biết cha con ông là hậu duệ vua Thành Thái. Chỉ đến khi vào khoảng năm 2005, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghé thăm ông Vĩnh Giu, mọi người mới giật mình biết chuyện.
“Cha tôi sống ẩn dật và kín tiếng, chỉ nói những gì cần nói”, ông Tài nhớ về cha. Có lẽ được trực tiếp vua cha dạy dỗ trong thời gian lưu đày, ông Vĩnh Giu vẫn giữ được phong thái của một hoàng tử, dù thất thế. Dù phải làm những nghề không được nhiều người coi trọng, sống trong nghèo khó nhưng ông vẫn giữ được cho mình một lối sống kiểu cách, nho nhã.
“Cha tôi từ nhỏ đến lúc mất chỉ ăn bằng dĩa chứ không ăn bằng chén bát như những người bình thường. Đôi khi bữa ăn rất đơn giản, chỉ cần một dĩa cơm với bát muối ớt, bát mỡ hành. Đặc biệt cha tôi thích ăn bánh mỳ chấm sữa và khoai tây chiên”, ông Tài hồi tưởng. Những buổi sáng và chiều tối, ông hay đeo giày thể thao, mặc quần cộc, áo phông đi tập thể dục, uống cà phê thư giãn.
Những lúc rảnh rỗi, vị hoàng tử này mở đài phát thanh nghe tình hình thời sự, thậm chí còn nghe cả đài tiếng Pháp. “Cha tôi hay theo dõi mảng chính trị thế giới, đọc vanh vách tên và tiểu sử các vị nguyên thủ quốc gia, những người nổi tiếng thế giới. Ông không chỉ nghe, mà còn đoán biết được xu thế thời cuộc”.
Hoàng tộc chạy xe ôm
Gặp Bảo Tài khi ông đưa đứa con duy nhất – Nguyễn Phước Thanh Tuyền đi Bệnh viện Nhi đồng 1 để trị bệnh bại não bẩm sinh, ông Bảo Tài nhìn càng thêm tiều tụy. Cuộc sống khổ cực lam lũ khiến ông già cỗi, hắt hiu.
Ông cho biết: Thanh Tuyền thiếu khả năng tự tư duy và đi lại, thỉnh thoảng bé lại bị co giật, té ngửa. Lúc chào đời, bé chỉ cân nặng 0,9 kg. Bác sĩ khuyên phải chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt mới hy vọng bé phát triển bình thường nhưng vợ chồng ông làm đầu tắt mặt tối mà chỉ đủ mua cho con được 4 hộp sữa giấy loại rẻ tiền.
Có lần nghe người mách về một loại sữa bột bổ não gì đó, Bảo Tài cũng muốn cho con dùng thử nhưng khi đến tiệm, ông đành tiu nghỉu ra về vì không đủ tiền mua.
“Bác sĩ nói cháu nó bị bại não. Hồi mang bầu, mẹ nó bị sốt cao chắc làm ảnh hưởng. Chi phí khoảng 15 triệu đồng. Bác sĩ khuyên nên cho cháu nhập viện nhưng vợ chồng tui chưa có tiền. Đành mang cháu về quê đã” – ông buồn rầu.
Vợ chồng ông Bảo Tài sống ở Cái Răng, Cần Thơ, hàng ngày ông chạy xe ôm, bà phụ bán cơm bụi. Hai vợ chồng chung lưng đấu cật cũng chỉ kiếm được chừng hơn trăm nghìn, vừa đủ sống tằn tiện. Đứa con bệnh tật từ lúc chào đời khiến cảnh nghèo càng thêm lay lắt.
Hoàng thân Bảo Tài sinh năm 1964, đến năm 2004 lấy vợ và sinh được bé gái Nguyễn Phước Thanh Tuyền. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Bích Thủy, cũng con nhà nghèo miền sông nước. Ông cùng vợ sống trong ngôi nhà có đến 3 đời họ Nguyễn Phước cùng chung sống trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều, Cần Thơ.
Chật chội khổ cực trăm bề, gia đình nhỏ dắt díu nhau về quê vợ ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền cách đó tầm hai chục cây số mượn đất cất nhà ở tạm.
Những ngày đầu, vốn liếng không có, cục đất chọi chim cũng không. Năm 2005, những người đi cùng đoàn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Hoàng tử Vĩnh Giu, thấy ông nghèo khổ nên tặng cho một chiếc xe máy cũ. Ông dùng làm phương tiện mưu sinh từ đó đến nay. Vợ ông lúc đầu phải bán vé số ở chợ. Được bao nhiêu tiền dành cả cho việc thuốc thang chạy chữa cho đứa con tật nguyền.
Tháng 2/2014, dì vợ của Bảo Tài thương tình cho vợ chồng ông miếng đất 32m2. Một doanh nghiệp ở Cần Thơ đầu tư 42 triệu đồng cất căn nhà cấp bốn tặng hai vợ chồng.
Gia đình nhỏ thoát cảnh chòi lá nhưng niềm vui chưa lâu thì bệnh tình cháu bé trở nặng. Vợ chồng ông quần quật cả ngày nhưng vẫn không thể nào thoát khỏi cảnh đời éo le…
Nỗi niềm hoàng thân
Hồi còn ở nhà căn nhà tranh vách lá rộng chừng 20m2, nằm khuất trong một xóm nghèo heo hút, gia sản ông Bảo Tài không có gì đáng giá, ngoài một số kỷ vật của gia chủ. Trong đó, có cả cặp nạng gỗ mà ông đã từng sử dụng khi ông bị tai nạn nghề nghiệp gãy chân.
Kệ thờ được chắp vá từ nhiều mảnh gỗ vụn đặt trang trọng hai bức ảnh vua Thành Thái lúc còn trên ngôi và khi bị đày ở đảo Réunion, phía dưới là ảnh ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu và hoàng phi Chí Lạc.
Đến khi chuyển sang căn nhà cấp bốn, tài sản vật dụng cũng không mấy thay đổi. Tôi thấy ông vui khi bàn thờ gia tộc được sáng sủa, sạch sẽ hơn.
Ông kể: “Hồi trước đại gia đình có đến gần 20 người nhưng chỉ anh hai Bảo Bời là có việc làm ổn định, những người con trai còn lại đều chạy xe ôm hoặc làm thuê. Không có tiền mua xe, nhiều người phải thuê để chạy. Năm 2007, cha tôi mất, 2 năm sau thì anh Bảo Bồi cũng theo ông”.
Sau đó, những người trong gia đình Nguyễn Phước ở Cần Thơ đã dần vượt qua được khó khăn nhờ con cháu họ lớn lên có việc làm ổn định. Riêng ông Bảo Tài, nghèo đói cực khổ bám nhẵng lấy ông như một lời nguyền.
Cực khổ như thế, ông chưa bao giờ kêu ca với ai về cảnh đời. Ông Bảo Tài chưa bao giờ nhắc chuyện thân thế hoàng tộc của mình. Những nơi vợ chồng ông đến, người ta chỉ thấy một đôi vợ chồng lam lũ nhưng hiền lành cam chịu.
“Trong thâm tâm, tôi luôn tự hào về các bậc tiền nhân của mình và tự nhủ với lòng phải sống sao cho xứng đáng với họ. Cha cũng như ông nội tôi và bác là vua Duy Tân đều là những người bất khuất trước kẻ thù xâm lược và không màng danh lợi” – ông Bảo Tài nói. “Chính niềm tự hào ấy là sức mạnh giúp tôi nỗ lực trong cuộc sống dù có nghèo khổ và bất hạnh đến đâu chăng nữa”.
“Có lần ông khách xe ôm đọc báo thấy mình nói ông mà có dính dáng tới vua chúa à? Cháu vua sao khổ dữ vậy?. Mình chỉ cười qua chuyện thôi” – ông nói – “Quan trọng mình là ai chứ không phải xuất thân như thế nào. Bây giờ chỉ mong chạy được nhiều cuốc xe ôm, có thêm tiền chạy chữa cho con thôi chú à”.
Bà Nguyễn Bích Thủy, vợ ông Bảo Tài kể: Bận đi làm nên hai vợ chồng phải gửi cháu cả ngày cho người dì giữ hộ. Cháu vẫn nhận thức được nhưng chậm, đôi khi muốn nói vài từ đơn giản cũng phải suy nghĩ hồi lâu mới cất tiếng được. Do không thể chơi đùa nên cháu chỉ thích ngồi xem tivi.
Có lần cháu phát bệnh mà trong nhà không có tiền, nhìn đi nhìn lại chỉ còn chiếc tivi, ông đành mang đi cầm lấy 200.000 đồng để mua thuốc. Chủ tiệm cầm đồ thấy ông khổ quá mới đồng ý cầm chứ chiếc tivi ấy có bán cũng chẳng được giá như vậy…
“Tui lấy chồng vì thương ổng chứ cũng đâu nghĩ tới chuyện con cháu vua chúa gì. Vợ chồng tui cực khổ cả đời rồi, giờ chỉ mong sao trời thương cho con chúng tôi mạnh khỏe. Vợ chồng tui bây giờ chỉ có nó là tài sản lớn nhất thôi” – bà nghẹn ngào.
Bài báo bên trên được báo chí đưa tin từ năm 2014. Đến năm 2020, ông Bảo Tài đã qua đời trong cảnh nghèo khó, được xe từ thiện đưa về an táng tại quê nhà Cần Thơ.
Tổng hợp