Ngày nay, ở Đà Lạt có 3 dinh thự lộng lẫy, được người dân gọi là Dinh Bảo Đại, tên chính thức là Dinh I, II và III. Trong 3 dinh này, có Dinh I và Dinh III đã gắn liền với cuộc sống của Hoàng đế Bảo Đại (cũng là Quốc trưởng Bảo Đại thời kỳ 1949-1954).
Palais Impérial (Hoàng Cung) – Nay là Dinh III
Đà Lạt thập niên 1930 được xem là một đại công trường với rất nhiều công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng được người Pháp xây dựng để trở thành một trạm nghỉ dưỡng. Đây cũng là thời điểm biệt thự đầu tiên của hoàng đế Bảo Đại được xây dựng, kéo dài trong 4 năm (1934- 1938), được gọi là Palais Impérial (dịch là Hoàng Cung), nằm trên đường Darles (nay là đường Triệu Việt Vương). Xung quanh căn biệt thự lớn này là quần thể rừng thông mang tên Bois d’amour (Rừng Ái Ân). Đây là một trong những Dinh thự ở Đà Lạt được người dân gọi là Dinh Bảo Đại. Sau năm 1975 đổi thành Dinh III.
Trước năm 1945, đây là nơi sinh hoạt của gia đình vị vua cuối cùng của vương triều Nguyễn.
Năm 1945, hoàng đế Bảo Đại thoái vị và trải qua nhiều cương vị khác nhau trước khi thành Quốc trưởng của chính thể Quốc Gia Việt Nam sau Hiệp định Élysée năm 1949. Cùng lúc đó, người Pháp trao quyền quản lý vùng Cao nguyên Trung phần với Xứ Thượng Nam Đông Dương cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Quốc trưởng Bảo Đại đã tách riêng phần Cao nguyên Trung bộ ra và lập quy chế hành chính đặc biệt có tên là Hoàng triều Cương thổ qua Dụ số 6 ngày 15 tháng 4 năm 1950. Thủ phủ của Hoàng triều Cương thổ đặt ở Đà Lạt.
Đó cũng là lúc Quốc trưởng Bảo Đại đã sử dụng Palais Impérial để ở và tiếp khách, sau hơn 4 năm để trống (1945-1949).
Palais Impérial – Hoàng Cung (nay là Dinh III) nằm trên một ngọn đồi cao thuộc khu rừng Ái Ân, cách trung tâm Đà Lạt ngày nay khoảng 2km về hướng Tây Nam, nay thuộc địa phận phường 4, Thành phố Đà Lạt.
Khu biệt điện được khởi công xây dựng vào năm 1939 và hoàn tất vào năm 1943, theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, người đã từng tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một kiến trúc sư cung đình làm việc ở bộ Công của triều đình Huế. (Có tài liệu ghi là KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế).
Khu dinh thự được xây dựng có vị trí đặc biệt, vừa có ưu thế về chính trị, lại dễ dàng về mặt hành chính và an ninh quốc phòng. Theo ý tưởng của Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh lúc bây giờ thì đây phải là “một công trình kiến trúc bề thế, hiện đại, độc đáo (không giống với bất kỳ biệt thự nào trước đó), hài hòa với không gian kiến trúc, tương xứng với vị thế của chủ nhân, kết hợp thật nhuần nhuyễn giữa kiến trúc Á – Âu, Việt – Pháp, phù hợp với khí hậu nơi đây, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, hòa đồng với cảnh sắc thiên nhiên hoa lá, chim muông và không khí ngát hương của mùa xuân và mùa thu; nội thất tiện nghi, lộng lẫy, sang trọng mà không cầu kỳ, nghiêm cẩn mà ấm cúng.
Tòa nhà gồm có hai tầng mang dáng dấp kiến trúc dinh thự kiểu châu Âu được bố trí trong một khuôn viên thoáng đẹp với sự sắp đặt hài hòa, khéo léo cũng như tạo dáng cho các bồn hoa trong không gian phía trước tiền sảnh và sân dạo phía sau đã làm toát lên vẻ sang trọng uy nghi của một biệt điện – nơi ở của bậc vương giả. Toàn bộ tòa nhà từ ngoài vào trong đều được quét ve màu vàng trang nhã tượng trưng cho quyền lực hoàng gia. Khi bước vào bên trong thì người ta thật sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước sự sắp xếp bài trí hài hòa của các phòng ốc, tuy có sự hiện đại, thông thoáng của phương Tây nhưng vẫn giữ được nét không gian thuần Việt. Trang trí trong các phòng cũng khá đơn giản và thoáng đạt nhưng vẫn toát lên sự thanh lịch quyền quý.
Mặc dù hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu đều được du học ở Pháp từ rất sớm, song văn hóa phương Tây cũng không xóa nhòa được văn hóa gia đình thuần Việt. Ngay khi bước vào tiền sảnh dinh thự sẽ là phòng đợi ở bên trái (khách ngồi chờ tới lượt được tiếp kiến), bên phải sâu vào trong là phòng làm việc của vua. Chính giữa là phòng khách chính có thảm lớn trải dài với bộ ghế nệm sa-lon sang trọng, vua ngồi ở vị trí riêng biệt và trang trọng. Ở phòng khách chính còn có cây đàn piano của Nam Phương Hoàng hậu. Đặc biệt, bên cạnh phòng khách chính còn có “phòng tiếp khách thân mật” nơi dành cho vua và Hoàng hậu tiếp những người thân trong hoàng tộc. Phòng này được bố trí sâu vào phía trong, không gian và cách bài trí nhẹ nhàng, thanh thoát tạo được cảm giác ấm cúng, gần gũi thân thiết.
Ở tầng trệt, ngoài các phòng khách và phòng làm việc còn có phòng yến tiệc, phòng bếp, phòng ăn và một số phòng phụ khác.
Tầng lầu của biệt điện cũng giống như hầu hết các dinh thự khác là nơi bố trí phòng ngủ, sinh hoạt riêng của những người trong gia đình. Ở đây, mặc dù các phòng bài trí đơn giản, ít vật dụng và không có tranh tường nhưng vị trí và màu sắc của rèm cửa, gối, ga trải giường đã tuân theo sự quy định của hoàng tộc.
Phòng của vua và phòng của Hoàng hậu, thái tử dùng màu vàng, còn phòng của các Công chúa và Hoàng tử thì màu xanh. Đặc biệt, ở đây điều gây sự chú ý và ấn tượng cho du khách đó là phòng sinh hoạt gia đình, nó cho người ta cảm nhận được phần nào phong cách của hoàng tộc Việt. Nó được thể hiện qua sự sắp xếp theo chỗ ngồi, thứ bậc được phân định trên dưới rõ ràng: ở giữa ghế trên nhất và to nhất là chỗ của vua và Hoàng hậu, tiếp đến là của thái tử, Hoàng tử rồi các Công chúa, rất trật tự và nền nếp.
Theo lời kể của ông Hòa – cựu quản gia của vua Bảo Đại tại dinh thự này thì thường sau bữa ăn tối, các Hoàng tử, Công chúa đều phải tập trung quây quần tại đây để hàn huyên và nghe vua và Hoàng hậu giáo huấn. Điều này cho thấy dù đã từng được giáo dục đào tạo và ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhưng hoàng đế Bảo Đại vẫn rất quan tâm đến việc giáo dục con cải theo phong cách, nề nếp của gia đình hoàng tộc và cũng “rất Việt Nam”.
Ngoài các phòng của chủ nhân còn có phòng của bảo mẫu và cận vệ của vua, phòng đọc sách, giải trí, nguyệt vọng lầu.
Sau 1955, tổng thống Ngô Đình Diệm lấy nơi này làm nơi nghỉ mát, đặt tên là “Nghinh Phong lâu”, sau đó tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp quản và đặt tên là “Thanh Sơn”. Sau năm 1975, dinh thuộc sự quản lý của Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Lâm Đồng; sau đó được giao cho Công ty Du lịch dịch vụ Xuân Hương quản lý từ giữa năm 2000, tên chính thức là Dinh III. Hiện nay, dinh thuộc cơ quan Nhà khách Tỉnh ủy Lâm Đồng, đồng thời có mở cửa cho du khách tham quan.
Dinh III hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật, tài liệu quý giá về Vua Bảo Đại và gia đình. Đặc biệt đây cũng là một dinh thự con giữ được không gian bài trí nội thất bên trong của một biệt thụ cô ở Đà Lạt. Đông thời cũng là nơi ở cuối cùng của Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trước khi rời khỏi Việt Nam ra sống lưu vong ở nước ngoài.
Domain Bourgerie – Biệt điện Quốc trưởng, nay là Dinh I
Ngoài Dinh Bảo Đại (Dinh IIII), khi trở thành Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam, Bảo Đại còn mua lại Domain Bourgerie, trở thành Biệt điện Quốc Trưởng (sau 1975 được gọi là Dinh I). Dinh được thiết kế theo lối kiến trúc vùng Savoie của nước Pháp, mang dáng dấp sang trọng như một lâu đài. Toàn bộ tòa nhà được xây dựng trên một đỉnh đồi khá bằng phẳng trong một khuôn viên cây xanh đẹp hài hòa với các công trình phụ khác như: nhà bồi, hầm rượu và hồ nước,… để tổ chức tiệc tùng, vui chơi.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã viết trong cuốn sách “Một trăm năm vui buồn Hoàng hậu Nam Phương” cho biết Dinh Quốc Trưởng thực tế đặt ở Palais Impérial (Hoàng Cung), tức Dinh III ngày nay, còn Domain Bourgerie là nơi dành cho các cơ quan phục vụ Quốc Trưởng. Cụ thể như sau:
“…Dinh Quốc trưởng đặt ở Palais Impérial, tất cả các cơ quan phục vụ “Quốc trưởng” ở rải rác nhiều nơi gây ra lắm điều bất tiện. Trong lúc đó, chiến tranh ở Việt Nam ngày càng trở nên quyết liệt. Một số người Pháp tính đến chuyện bán tài sản để về Pháp. Một người Pháp có ý định rút lui đó là ông Bourgerie (Robert Clément Bourgery – nhà triệu phú người Pháp. Ông là chủ Nhà máy điện Thượng Hải và năm 1940, ông đã quyết định xây dinh thự này). Ông Bourgerie kêu bán một khu (domain) rừng thông rộng khoảng 40-50 ha, trên ấy có một dinh thự lớn và một quần thể biệt thự nhỏ nằm về phía đông Đà Lạt ở độ cao 1550m, gọi là Domain Bourgerie, vốn cũng thuộc khu nhượng địa (concession comloniale). Con đường cụt từ ngã ba Trại hầm Domain Bourgerie cũng mang tên Bourgerie (nay là đường Trần Quang Diệu).
Khoảng cuối năm 1951, Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại đã mua lại Domain Bourgerie để dành cho các cơ quan phục vụ Quốc trưởng mà trước đây phải đặt rải rác ở nhiều nơi trên đại lộ Yersin (nay là đường Trần Phú). Từ đó Domain Bourgerie đổi thành Văn Võ phòng Quốc trưởng. Lúc ấy, ông Nguyễn Đệ là Đổng lý Văn phòng, thiếu tá Nguyễn Tuyên làm Chánh Vô phòng. Ở gần Văn Võ phòng có doanh trại dành cho cận vệ, cho nhân viên Văn Võ phòng túc trực làm nhiệm vụ…”
Đến thời VNCH, Domain Bourgerie trở thành nơi ở và làm việc của các nguyên thủ quốc gia tại Đà Lạt nên mới có tên là Dinh Tổng thống.
Sau năm 1975, Dinh Tổng thống ở Đà Lạt được gọi là Dinh I.
Tháng 12 năm 2014, Tập đoàn Hoàn Cầu được tỉnh Lâm Đồng chấp thuận “Dự án nâng cấp Khu Du lịch Dinh I Đà Lạt”. Trong ngày khai trương (19-09-2015), Tập đoàn Hoàn Cầu đã nhận được Giấy phép đầu tư của tỉnh Lâm Đồng và cam kết tiếp tục đầu tư 600 tỷ đồng trong giai đoạn 2, nâng số vốn đầu tư lên 700 tỷ đồng, để xây mới 27 biệt thự 5 sao (200 phòng), trung tâm hội nghị, nhà hàng, tiệc cưới… Công ty Hoàn Cầu thuê lại Dinh I và các biệt thự, đất trong khuôn viên để thực hiện dự án King Palace, đồng thời mở cửa cho du khách tham quan.
Năm 2023, báo chí đưa tin UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấm dứt hợp đồng cho thuê Dinh I (King Palace) đối với công ty Hoàn Cầu, và việc thuê lại này phải thông qua hình thức đấu giá.
Dinh thự mùa hè của Toàn quyền Đông Dương, nay là Dinh II
Ngoài Dinh I và Dinh III, ở Đà Lạt còn có Dinh II cũng được gọi là Dinh Bảo Đại, vì trên danh nghĩa nó thuộc sở hữu của quốc trưởng Bảo Đại thời kỳ 1949-1954, tuy nhiên thực tế ông rất ít khi lưu trú tại đây.
Ban đầu Dinh II là vốn là Dinh Toàn Quyền, biệt thự nghỉ mát của Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux. Dinh thự này là nơi ở và làm việc của Jean Decoux vào mùa hè hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10, nên cũng được gọi là Dinh thự mùa hè. Toàn quyền Jean Decoux nhiệm kỳ 1940-1945, thời gian Pháp đã suy yếu và bị mất quyền cai trị Đông Dương vào tay Nhật, nên Jean Decoux cũng là ông Toàn quyền cuối cùng của Đông Dương. Sau năm 1946, khi Pháp quay lại Đông Dương thì không còn chức vụ quan Toàn quyền, mà thay vào đó là Cao ủy Pháp – chức vụ có quyền lực tương đương với Toàn quyền Đông Dương trước 1945.
Dinh Toàn quyền Decoux được các kiến trúc sư người Pháp là A.Léonard, P.Veyssere và A.T.Kruze thiết kế, do nhà thầu Sa Đéc xây dựng và hoàn tất năm 1937. Dinh có dáng dấp của một kiến trúc được kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cổ điển và hiện đại. Với mục đích vừa là nơi ở, làm việc vừa là nơi tiếp khách, do đó các phòng lớn ở tầng trệt được bố trí quanh một đại sảnh và tạo thành tổng thể rộng với không gian thoáng đãng sang trọng nhưng không phá đi bầu không khí ấm cúng bên trong của tòa nhà. Dinh vừa có cửa ra vào ở tầng dưới lại có cửa thoát ra ngoài riêng biệt ở tầng trên.
Thời gian 1949-1954, Dinh thự này bỏ trống, tới năm 1955 đã trở thành nơi nghỉ mát của gia đình ông Ngô Đình Nhu. Sau đảo chánh, tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền và dùng Dinh này àm tổng hành dinh.
Sau 1975, nơi đây trở thành nhà khách Trung ương và hiện nay được dùng làm nhà khách của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đồng thời mở cửa cho du khách tham quan.
Dinh thự dành cho thứ phi của Bảo Đại
Năm 1949, quốc trưởng Bảo Đại đã mua lại Biệt thự đá nằm trên đường René Robin (nay là đường Quang Trung, Phường 9, Đà Lạt) từ viên chức Pháp để tặng cho thứ phi Phi Ánh. Từ đó, biệt thự đá còn có tên gọi là “biệt thự Phi Ánh”. Đây là tòa nhà bằng đá mang kiến trúc Tây Ban Nha duy nhất ở Đà Lạt.
Biệt thự được xây dựng theo lối kiến trúc xứ Basque (Tây Ban Nha) trên khu đất rộng hàng nghìn mét vuông. Công trình được xây theo ý tưởng của một viên chức người Pháp, có 2 tầng nổi, một tầng hầm, gồm hai khối nhà.
Cũng trong thời gian sinh sống tại đây, bà Phi Ánh và vua Bảo Đại có với nhau hai người con chung. Đó là con gái Nguyễn Phúc Phương Minh (sinh năm 1950) và con trai Nguyễn Phúc Bảo Ân (sinh năm 1951).
Biệt thự có nhiều cửa sổ nhỏ xung quanh tường với đủ kích thước và hình dạng vuông, tròn, chữ nhật, vòm cung, chữ thập… Tường được xây dày 60-80 cm. Vật liệu chính để xây biệt thự là đá granite nên màu sắc chủ đạo của công trình cũng mang sắc màu này.
Sau 1975, ngôi biệt thự trở thành nhà tập thể cho gần chục hộ dân sinh sống rồi bị bỏ hoang một thời gian dài sau đó. Năm 2007, một công ty tiếp nhận tòa biệt thự và tiến hành tu sửa.
Khi trùng tu, người ta phát hiện nhiều bức phù điêu chạm trổ tinh xảo được trang trí ở các bức tường. Đặc biệt là bức phù điêu cô gái Chăm cao khoảng 1,5m, đầu đội mũ vàng hình 3 ngọn tháp Chăm, chân quấn 3 vòng vàng còn nguyên vẹn, được đắp nổi ở phần tường vòm và gần cửa chính. Đây được coi là điều bí ẩn của biệt thự Phi Ánh về sự hòa trộn giữa một chi tiết trang trí mang đặc trưng văn hóa Á Đông trong một ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây.
Ngoài ra, cựu hoàng Bảo Đại còn mua các biệt thự cho thứ phi Bùi Mộng Điệp trên đường Graffeuille (nay là đường Hùng Vương ở Đà Lạt), cho bà Jenny Woong ngôi biệt thự số 3 đường Babey (nay là đường Nguyễn Du – Đà Lạt)…
chuyenxua.net biên soạn
Trong bài viết thì Ad đã đặt nhầm 2 bức ảnh Nội thất Dinh I sang Dinh III. Xin lưu ý là toàn bộ nội thất Dinh I đã gần như ‘bay màu’ sau 1954 và 1975. Nhà đầu tư Dinh 1 chỉ phục dựng để du khách tham quan, chứ thời 1990-2010 tôi có lẻn vào thăm 2 lần (khi còn nhỏ) thì chẳng còn gì bên trong. Dinh III gần như còn nguyên vẹn là do ÔNG HÒA quản gia tận tụy đã ra sức gìn giữ. Nếu được, Ad có thể cho thêm thông tin về Ông Hòa. Ông nguyện ở lại Dinh III đến cuối đời, lúc ông còn sống thì luôn chăm sóc Dinh III, cắm hoa tươi trong các phòng, nhìn phong cách cắm hoa rất tự nhiên và tận dụng nguyên liệu tại đây.
Rất cảm ơn Ad đã tổng hợp kiến thức.
Trân trọng!