Nếu Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của… là những người tiên phong đặt nền móng cho chữ quốc ngữ thì Hồ Biểu Chánh (1884-1958) là một trong những người đã làm cho chữ quốc ngữ được phong phú hơn.
Khi nói đến tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, người ta không thể không nói đến những đặc thù trong vệc dùng từ ngữ của ông. Những nhân vật trong truyện của ông, thường là những người bình thường và môi trường sinh hoạt hầu hết được diễn ra ở vùng đất phương Nam, vì vậy những từ ông dùng trong truyện hoàn toàn có tính cách Nam bộ.
Tiểu thuyết của ông là một bức tranh sống động về phong tục và cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân miền Nam trong thời kỳ đầu của thế kỷ 20. Trong cuộc đời văn chương, ông luôn giữ lập trường và mục đích sáng tác của mình.
Ðối tượng độc giả của ông là đại đa số người bình dân, giới trung lưu có học, không phải là giới trí thức cao siêu hay những bậc trưởng giả giàu có. Những người đương thời muốn góp ý với ông để ông thay đổi, nhưng Hồ Biểu Chánh không phải là con người của các trào lưu mà là của truyền thống.
Mặc cho thiên hạ khen chê, ông cứ thẳng tiến theo đường của ông. Các nhà văn của thế hệ 1913 không thuyết phục được ông đã vậy, mà ngay đến các văn gia thuộc các thế hệ 1932, hay 1945 cũng không làm sao thay đổi được ông.
Trong cuộc đời, ông có những bước thăng trầm, có lúc ông ra làm quan cho Pháp nhưng không lợi dụng vị trí này để hưởng lợi cho bản thân hay cho gia đình mình mà để dễ dàng truyền bá đạo lý cuộc sống theo lý tưởng của ông.
Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm thông ngôn, thăng dần đến chức Đốc Phủ Sứ (1936). Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ năm 1946, Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ được thành lập, ông được mời làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh nhưng chỉ được mấy tháng thì chính phủ sụp đổ.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung (nguyên Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn) khi viết về Hồ Biểu Chánh đã tâm sự: “Dạy văn học trên 20 năm ở miền Nam, nhưng mới chỉ đọc Hồ Biểu Chánh gần đây vì trước đây khinh chê, không thèm đọc“. Cuối cùng, ông giáo sư “di cư từ miền Bắc” nhận thấy tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thật cảm động, thật hay và thật hấp dẫn!
Văn Hồ Biểu Chánh “rặc” giọng điệu Nam Kỳ, mô tả đời thường của người dân Nam Bộ, ở cả nông thôn “miệt vườn” lẫn thành thị phồn hoa. Đó là điều khác biệt lớn với những tiểu thuyết mới của các nhà văn miền Bắc thuộc thế hệ Tự Lực Văn Đoàn.
Hồ Biểu Chánh viết văn từ năm 1910. Quyển tiểu thuyết đầu tay của ông “Ai làm được?” ra đời năm 1912 và chỉ trong 19 năm, ông cho xuất bản 18 quyển tiểu thuyết và nhiều kịch bản. Hồ Biểu Chánh say mê văn chương và viết liên tục cho đến khi mất ngày 4/9/1958 tại Sài Gòn với tổng cộng hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác như nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát…
Ông có 9 người con, 5 trai và 4 gái. Con trưởng là Hồ Văn Kỳ Trân là một nhà báo và cũng là dân biểu thời Việt Nam Cộng hòa, người con thứ 7 là Đại tá Hồ Văn Di Hinh, nguyên là Thị trưởng Đà Lạt. Cháu đích tôn của ông là Hồ Văn Kỳ Thoại, Phó đề đốc Hải quân của Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
Hồ Văn Kỳ Trân, người con trưởng của ông kể lại:
“Bệnh đã càng ngày càng thêm mà ba tôi không chịu nghỉ viết. Thầy thuốc cấm. Ba tôi vẫn viết. Con cháu năn nỉ lắm thì ba tôi chỉ nghỉ vài ngày rồi viết nữa và bảo rằng: “Ba còn viết được thì cứ để cho ba viết. Ba không viết được thì lòng thấy bứt rứt, người thấy khó chịu hơn. Có viết được lòng mới thấy yên ổn, người mới thấy thư thả dễ chịu. Viết là một phương thuốc, là một cách trị bịnh cho ba đó…”
Theo nhà phê bình văn học Thụy Khê, trong hồi ức “Đời của tôi về văn nghệ” của ông thì trong toàn bộ các tiểu thuyết có đến 11 cuốn cảm tác theo tiểu thuyết Pháp:
- “Chúa tàu Kim Quy” – Le Comte de Monte Cristo (Alexandre Dumas)
- “Cay đắng mùi đời” – Sans famille (Hector Malot)
- “Chút phận linh đinh” – En famille (Hector Malot)
- “Thày thông ngôn” – Les Amours d’Estève (André Theuriet)
- “Ngọn cỏ gió đùa” – Les misérables (Victor Hugo)
- “Kẻ làm người chịu” – Les deux gosses (Pierre Decourselle)
- “Vì nghĩa vì tình” – Fanfanet Claudinet (P. Decourselle)
- “Cha con nghĩa nặng” – Le calvaire (P. Decourselle)
- “Ở theo thời” – Topaze (Marcel Pagnol)
- “Ông Cử” – L’Aristo
- “Đoá hoa tàn” – Le Rosaire
- “Người thất chí” – Crime et Châtiment
Trong “Hồi ức Đời của tôi về văn nghệ” ông cho biết thêm:
“Đọc tiểu thuyết hay tuồng hát Pháp văn mà tôi cảm thì tôi lấy chỗ cảm đó mà làm đề, rồi phỏng theo ít nhiều hoặc lấy đó mà sáng tác một tác phẩm hoàn toàn Việt Nam. Tuy tôi nói phỏng theo kỳ thiệt chỉ lấy đại ý mà thôi, mà có khi tôi còn lật ngược tới đại ý, làm cho cốt truyện trái hẳn tâm lý, khác xa với truyện Pháp”.
Cũng theo bà Thụy Khê, qua lối viết của Victor Hugo trong “Les Misérables” và của Hồ Biểu Chánh trong “Ngọn cỏ gió đùa” không những chúng ta thấy sự khác biệt của hai văn tài, mà còn thấy hai lối viết hoàn toàn khác nhau.
Victor Hugo viết văn theo lối lãng mạn của thế kỷ 19, qua đó tác giả để tình cảm của mình xen vào ngòi bút, và dùng tình cảm của mình để lôi cuốn người đọc. Hồ Biểu Chánh lại viết theo lối hiện thực của thế kỷ 20, tác giả đứng ngoài nhận xét và ghi lại những diễn biến.
Nhân vật chính Jean Valjean trong “Les Misérables” là một thứ “homme du peuple”, một loại “nhân dân” theo đúng nghiã thời thượng lúc bấy giờ. Người dân này có thể trở nên tốt hoặc xấu, tùy theo hoàn cảnh và môi trường sống. Và chính môi trường mục nát của xã hội Pháp đã đầy đọa Valjean, bắt sống oan ức tù tội trong 20 năm.
“Ngọn cỏ gió đùa” của Hồ Biểu Chánh đã thành công trong việc khắc họa những chân dung con người đói khổ, khốn cùng, trong xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn. Ảnh hưởng đạo đức và triết lý Á Đông tạo một khuôn mặt “Jean Valjean Việt Nam” qua hình ảnh Lê Văn Đó, trở thành mẫu mực cho những khuôn mặt cùng đinh sẽ xuất hiện trong tiểu thuyết Việt Nam sau này.
Jean Valjean đã được “Việt hoá” dưới căn cước Lê Văn Đó, một nông dân khốn cùng, trong thời mất mùa đói kém, không kiếm được việc. Vì không đành lòng nhìn lũ cháu 7 đứa sắp chết đói, Lê Văn Đó lén bưng trộm nồi cháo cho heo ăn, bị người ta bắt, xông vào đánh đập. Bị đánh 100 trượng, bị án 5 năm về tội cướp của và nhiều lần vượt ngục, mỗi lần tăng án, tổng cộng 20 năm tù.
Jean Valjean – Lê Văn Đó, Giám mục Myriel – Hoà Thượng Chánh Tâm, Fantine – Ánh Nguyệt, Cosette – Thu Vân, Thénacdier – Đỗ Cẩm, Javert – Phạm Ký… là những “cặp bài trùng” trong cả hai tiểu thuyết Pháp-Việt.
Tuy chỉ là “phóng tác” nhưng Hồ Biểu Chánh với văn tài đặc biệt của mình đã biến tiểu thuyết theo lối “kể chuyện” của Pháp trong khi Hồ Biểu Chánh lại mang câu chuyện đó vào văn chương Việt Nam, dựa vào bối cảnh của vùng đất Nam Bộ.
Đôi nét về Hồ Biểu Chánh – Nhà văn tiên phong miền Nam
Đầu thế kỷ 20 ở niền Nam xuất hiện nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884–1958) với tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh. Sự nghiệp văn học của ông rất đồ sộ với hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác như nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát. Ngày nay, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã được đặt tên đường ở quận Phú Nhuận (Sài Gòn) và thị xã Gò Công, Tiền Giang.
Văn phong Hồ Biểu Chánh “rặc” chất Nam Kỳ, mô tả đời thường của người dân Nam Bộ, ở cả nông thôn “miệt vườn” lẫn thành thị phồn hoa. Đây là điều khác biệt lớn với những tiểu thuyết mới của các nhà văn miền Bắc thuộc thế hệ Nhất Linh – Khái Hưng hay Hoàng Ngọc Phách.
Ông đã có lần tâm sự:
“Đổi xuống làm việc tại Cà Mau, mới thử viết quyển “Ai làm được?” là quyển tiểu thuyết thứ nhứt viết văn xuôi tại Cà Mau với nhơn vật cũng ở Cà Mau. Đổi lên Long Xuyên năm sau [tức là năm 1913] viết quyển thứ nhì, cũng văn xuôi, nhan đề “Chúa tàu Kim Quy”, phỏng theo quyển “Le Comte de Monte-Cristo” của Alexandre Dumas, viết điệu phiêu lưu, nghĩ có lẽ hấp dẫn hơn…”
Văn Hồ Biểu Chánh mộc mạc, hồn nhiên như hơi thở. Trong truyện “Ai làm được?”, sáng tác đầu tay năm 1912, về một chuyện xảy ra ở Cà Mau năm 1894, ông viết:
“Ông Bạch Khiếu Nhàn tuổi đã quá lục tuần mà sức hãy còn mạnh khỏe. Từ khi con gái ông bất hạnh, tủi phận thon von [đơn chiếc] nên ít muốn đi chơi, cứ lui cui ở nhà hoặc sửa kiểng xem hoa, hoặc uống trà đọc sách.
“Năm 1894, một buổi chiều kia gió xuân mát mẻ, nước lớn đầy sông, cỏ cây tươi tốt, Bạch Khiếu Nhàn mình mặc áo quần toàn bằng lụa trắng, vai vắt khăn nhiễu đỏ, thủng thẳng đi dọc theo mé sông Cà Mau mà hứng mát. Khi ông dừng chơn đứng coi sắp nhỏ lội đua, khi ông mỉm cười bầy chó rượt nhau cắn lộn…”
Khiếu Nhàn, Bạch Tuyết, Chí Đại là mẫu người tốt trong “Ai làm được?”. Ông Phủ, bà Phủ, nhất là bà Phủ thuộc loại người chẳng ra gì, thậm chí là một kẻ sát nhân. Người nhân hậu như Khiếu Nhàn, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ. Người tàn ác như bà Phủ không bỏ một dịp nào để thi hành độc thủ. Người quyết tâm trả thù cho mẹ như Bạch Tuyết luôn luôn tìm mọi cách để lật mặt thủ phạm đã giết mẹ mình dù có phải sống cuộc đời ba chìm bẩy nổi.
Đối thoại trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng rất tự nhiên như trong truyện “Bỏ chồng” (viết năm 1938) giữa người vợ có tính hay sua, đua đòi và người chồng không được giàu sang cho lắm:
“- Đôi bông tai hột nhỏ xíu đeo mắc cở hết sức. Muốn cặp hột trồng trộng một chút, nói với mình mấy năm nay, mà mình làm lơ hoài.
– Tôi muốn sắm cho mình lắm chớ, ngặt vì tiền không có dư tôi biết làm sao.
– Một cặp hột đeo coi cho được chừng bốn năm trăm chớ bao nhiêu.
– Mình nhớ lại coi có khi nào tôi có tới số bạc đó hay không? Nếu tôi có mà không sắm cho mình hãy trách tôi chớ.
– Hễ nói thì mình cứ than không tiền. Thôi thì bữa nào tôi mua một đôi bông đầm tôi đeo, chớ đeo xoàn mà hột nhỏ quá như đồ con nít, coi kỳ cục lắm. Mà sắm được bộ đồ còn thiếu đôi giày đây nữa…”
Ngược lại với chuyện “Bỏ chồng”, Hồ Biểu Chánh viết “Bỏ vợ” kể lại câu chuyện người vợ thủy chung và anh chồng bất nhân, đã bạc tình mà lại còn tham lam vật chất, tiền bạc. Người vợ “không hôn thú” ôm đứa con 10 tháng, chờ chồng đi thi tuyển chọn 20 “thầy ký lục” về Lục Tỉnh:
“Trời tối lần lần, thầy thợ đi làm về nói chuyện om sòm. Cô Huyền ngóng trông mà không thấy dạng chồng. Cách một hồi thầy Thanh đạp xe máy về ngang thầy thấy cô Huyền thì hỏi:
– Mông xừ [monsieur] Bình về chưa? Thi Đậu hay không?
– Thưa, chưa về nên em không biết có đậu hay không. Sao tối rồi mà biệt mất vậy không biết!
– Thôi, để qua về ăn cơm rồi tối qua sẽ lại thăm.
“Cô Huyền thấy cha đã đốt đèn trong nhà rồi, cô mới bồng con trở vô và hỏi:
– Tối rồi, thôi để con dọn cơm cho cha ăn trước nghe hôn cha?
– Thôi, để đợi nó về ăn rồi sẽ ăn luôn thể.
– Sợ về trễ rồi cha đói bụng chớ.
– Không có đói đâu.
– Sao mà về trễ dữ vậy không biết?
– Có lẽ quan chấm bài vở lâu, nên nó phải ở chờ chớ sao. Vái trời Phật phò hộ cho nó thi đậu đặng vô làm việc nhà nước cho chắc chắn một chút.
– Con cũng vái van dữ lắm. Hổm nay cha thằng Nghiệp cứ nói chắc đậu hoài. Tuy nói như vậy, song con cũng lo quá. Con vái nếu thi đậu thì con ăn chay một năm, ăn ngày mùng một với ngày rằm.”
Nền tảng triết lý trong văn chương Hồ Biểu Chánh dựa vào những quan niệm đơn giản của người miền Nam như “ở hiền gặp lành”, “thiện thắng ác”, “nhơn quả nhãn tiền” hay “trọng nghĩa khinh tài”. Người tốt kẻ xấu phân biệt rõ ràng, đoạn kết luôn có hậu, các nút thắt đều được tháo gỡ.
Ta hãy nghe người chồng bỏ vợ lý luận với ông bố vợ về vật chất, tiền bạc:
“Phải đổi dời mới được chớ. Cha nghĩ đó mà coi, đời xưa là đời nhơn nghĩa, thì thiên hạ ai cũng làm nhơn nghĩa hết thảy, đời nay là đời tiền bạc, thì thiên hạ ai cũng ham tiền bạc hết thảy, đời nào cũng xuôi thuận quá, có nghịch đâu. Mình sanh đời tiền bạc mà mình làm nhơn nghĩa, đó mới thiệt là nghịch”
Quan niệm sống của thày ký Bình là vậy. Phái nữ cũng có những suy nghĩ “nổi loạn” chứ không riêng gì phái nam như trong tác phẩm “Ở theo thời”:
“Lời thánh hiền hay là hay hồi đời thánh hiền đó kìa, chớ theo bây giờ thì em coi dở quá, mà mình làm theo lại hại cho mình nữa chớ. Thầy nghĩ đó coi, như thánh hiền xưa nói “hoạnh tài bất phú”, trời ơi, sao lại bất phú? Không nhọc sức mà được tiền, thì là sướng lắm, mà hễ được tiền thì làm giàu ngay, tại sao mà nói bất phú? Còn câu “tiền tài như phấn thổ” thì sai nhiều nữa. Tiền tài là tiền tài, chớ tiền tài như phấn thổ sao được.
Em nhớ câu “nhơn nghĩa thắng thiên kim” em bắt tức cười. Ðời nầy nhơn nghĩa thắng thiên kim không nổi đâu. Mình nghèo mình nói nhơn nghĩa ai thèm nghe chớ, họ có thiên kim họ nói bậy thiên hạ cũng dạ rân. Lại có câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, thầy xét cho kĩ mà nói, nghèo mà sạch giống gì, rách mà thơm sao được, phải giàu người ta mới khen sạch, phải lành người ta mới khen thơm chớ.”
“Con Nhà Nghèo” là bức tranh về đời sống xã hội ở vùng quê nơi mà chỉ tồn tại những giai cấp thống trị tàn bạo, cướp bóc. Có 3 thành phần trong xã hội này: Điền chủ, Hội đồng xã, Tá điền. Giai cấp thấp nhất là những tá điền, họ suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.
“Con Nhà Giàu” lại là một bức tranh tương phản trong xã hội thời đó. Truyện xoay quanh cuộc đời của Công tử Chừng Thượng Tứ mới 19 tuổi nhưng lại là người ham vui, đua đòi, xài tiền như nước. Những mưu kế, tính toán của mẹ cậu (vốn là vợ hai của ông Kế) để chia tài sản và cuộc đời của Công tử trở thành kẻ “phá gia chi tử”.
Ngoài các tiểu thuyết hiện thực, Hồ Biểu Chánh còn ảnh hưởng sâu sắc lên nghệ thuật cải lương và sau này là các bộ phim truyền hình dài tập. Điều này chứng tỏ ông là nhà văn tiên phong của nền văn học Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Chính