Có một sự thật có thể ít người biết, đó là trước năm 1975, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là cán bộ “nằm vùng” ở miền Nam. Ông cũng chính là tác giả của những bài nhạc lính bất tử suốt 60 năm qua, như Trăng Tàn Trên Hè Phố, Đan Áo Mùa Xuân, Những Ngày Xưa Thân Ái…
Nghe podcast: Nhạc sĩ “nằm vùng” Phạm Thế Mỹ và ca khúc Trăng Tàn Trên Hè Phố
Nhà nghiên cứu nhạc Việt người Mỹ tên là Jason Gibbs có lần chia sẻ như sau:
“Vợ chồng tôi được gặp và nói chuyện với Phạm Thế Mỹ năm 2001 ở nhà riêng của ông ở Quận Tư, Sài Gòn. Ông vui tính, cởi mở, hiền và kể nhiều chuyện hay. Thời chιến tranh Việt, Mỹ, ông là một người cộng sản nằm vùng. Đất Việt thống nhất, ông được tham gia mọi hoạt động âm nhạc ở một miền Nam giải phóng, nhưng thực ra ông không ưa chính sách văn hóa lúc bấy giờ”.
Có một điều, hẳn sẽ có người thắc mắc.
Nếu Phạm Thế Mỹ là một “việt cộng nằm vùng”, vậy ông sáng tác bài nhạc lính bất tử là, Trăng Tàn Trên Hè Phố, người lính trong bài hát này là lính nào?
Tôi lại gặp anh người trai nơi chiến tuyến
súng trên vai bước về qua đường phố.
Có thể bài hát này viết cho người lính thủy quân lục chiến, vì hình ảnh có thể hiên ngang vác súng trên vai, từ núi đồi rừng sâu trở về đường phố để thăm bạn cũ trong một quán nhỏ, trong một lần nghỉ phép. Còn hình tượng “súng thù từ rừng sâu vẫn còn đó” là nói về phe đối địch.
Cũng không thể đảo ngược sự thật rằng, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là người của miền Bắc, rất có thể ông viết ca khúc này dành cho những người đồng đội của mình, một người giải phóng quân, hoặc có thể là 1 du kích?
Tuy nhiên, với người nghe nhạc, thì người lính đó là ai cũng không quan trọng lắm, vì bất cứ người lính nào thuộc phe nào cũng đều có thể yêu thích bài này với cảm nhận của riêng họ.
Click để nghe Giao Linh hát
Click để nghe Trúc Mai hát
Sau năm 1975, dù được nhận vào làm trong một cơ quan nhà nước, nhưng tài năng của ông không được công nhận đúng đắn khi chỉ là 1 công chức nhỏ và qua đời trong hoàn cảnh khó khăn.
Một bài báo trong nước đã mô tả hoàn cảnh khó khăn tạm bợ của ông trong những năm cuối đời như sau:
Thời gian sống ở căn phòng tạm của Nhà Văn hóa Quận tư là khi ông cho ra đời nhiều sáng tác nhất. Cường độ làm việc của ông gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần nhạc sĩ khác. Những hôm cúp điện, ông thắp đèn dầu cắm cúi viết nhạc đến sáng. Suốt một thời gian dài như thế, sức khỏe ông ngày càng sa sút. Từ đó, những cơn đột quỵ đến với ông thường xuyên. Bệnh tình chưa lành hẳn, bác sĩ khuyên ông nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng ông lại lao vào làm việc như thể “thèm thuồng” lắm. Vì thế, ông lại bị tai biến nặng. Có thời kỳ ông không thể tự đi lại được.
Theo tiểu sử chính thức của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, ông sinh trưởng ở Bình Định và làm công tác tuyên huấn kiêm phóng viên cho báo Quân Đội Nhân Dân, ở Liên Khu 5 của Việt Minh. Liên khu 5 gồm 5 tỉnh. Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, con Tom, Gia Lai. Đó là vào đầu thập niên 1950, khi ông mới hơn 20 tuổi .
Sau Hiệp định Geneve năm 1954, ông được tổ chức phân công ở lại miền Nam để hoạt động. Năm 1959, ông theo học trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ năm 1959 đến 1970, ông dạy Việt văn và âm nhạc tại nhiều trường trung học tư thục ở Đà Nẵng, đó là trường Bồ Đề, Tây Hồ, Sao Mai, Nguyễn Công Trứ, Tân Thanh…
Trong những năm 1965 -1966, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ từng bị bắt giam vì tham gia tích cực phong trào chống chính quyền. Đó cũng là thời gian ông sáng tác ca khúc bất tử Bông Hồng Cài Áo.
Ra tù, ông sáng tác các bài hát có nội dung về quê hương đất nước, như Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương, Người Về Thành Phố, Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam, Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ Non, Thương Quá Việt Nam, được phổ biến trong phong trào học sinh, sinh viên ở Sài Gòn. Nếu để ý kỹ, người ta có thể cảm nhận được chút ít khuynh hướng “phản chiến” hoặc chống đối chính quyền trong những bài ca này.
Từ năm 1970 đến 1975, ông là trưởng phòng Văn Mỹ Nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh.
Trong thời gian công tác tại Viện Đại học Vạn Hạnh, ông quen với một nữ sinh viên của trường tên là Nguyễn Thị Diệu Lý, người đã hát bài “Bông Hồng Cài Áo” trong lần đầu tiên được chọn vào Đội văn nghệ Vạn Hạnh. Cả hai đều có quê quán ở Bình Định, trong đó cô Diệu Lý ở thành phố Qui Nhơn. Họ kết hôn vào năm 1975.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin Quận 4. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát thuộc dòng nhạc đỏ, như “Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng”, là bài được Giải nhì Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh), “Thắm đượm duyên quê, “Lêna Bêlicova”…
Tuy nhiên những bài hát này hầu như không ai biết tới. Vợ của ông, bà Diệu Lý, nói rằng sở dĩ như vậy là vì những ca khúc này mang tư tưởng “đi trước thời đại”, nên công chúng chưa thể đón nhận được, mà phải chờ một thời gian sau.
Sau khi nghỉ hưu, ông sống âm thầm, thiếu thốn tại căn nhà chung cư ở Quận tư. Cuộc sống khó khăn của Phạm Thế Mỹ thời gian đó được báo chí kể lại như sau:
Sau một thời gian dạy học, Nhà nước cấp cho bà Diệu Lý, (vợ Phạm Thế Mỹ), một căn nhà ở Tân Thuận. nhưng họ chỉ ở đó một thời gian vì không tiện cho cả hai vợ chồng trong việc đi lại ca hát, làm việc. Vì thế, lãnh đạo Nhà Văn hóa quận tư tạo điều kiện cho vợ chồng ông về ở trong một căn phòng tạm của Nhà Văn hóa. Trong khi có nhiều người mong được có chỗ an cư, thì ngược lại nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bàn với vợ trả căn nhà ấy.
Bà Diệu Lý nhớ lại:
“Thời gian đó, đồng lương nghề giáo không đủ sống, tối đi ca hát nhưng bữa ăn chỉ có cơm với tương, chao và rau. Anh Mỹ bảo mình cũng chưa đến nỗi thiếu chỗ ở, thôi thì trả lại để Nhà nước cấp cho người khác khó khăn hơn mình”.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ qua đời vào lúc 3 giờ sáng, ngày 16 tháng 1 năm 2009, sau thời gian dài bị bệnh, hưởng thọ 79 tuổi.
Sau khi qua đời, tang lễ của ông được tổ chức tại Nhà tang lễ Quận 3, nơi chỉ dành cho cán bộ nhà nước.
chuyenxua.net biên soạn