Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và những ca khúc bất tử: Tiếng Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự, Ngọc Lan

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là nhạc sĩ thế hệ đầu của tân nhạc Việt Nam với những ca khúc bất từ: Đêm Tàn Bến Ngự, Ngọc Lan, Tiếng Xưa… đặc biệt là những bài hát được viết chung với danh ca Minh Trang – là ngời bạn đời của ông: Bến Xuân Xanh, Bóng Chiều Xưa, Chiều Lữ Thứ, Khúc Nhạc Dưới Trăng… Ngoài ra còn một ca khúc viết về cha mẹ mà cho đến nay hầu như tiệc cưới nào cũng vang lên lúc làm lễ, đó là bài Ơn Nghĩa Sinh Thành.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915 ở Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Xuất thân trong gia đình Nho học truyền thống, ông là cháu nội của cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, nguyên Đốc học Nam Định, là bạn đồng khoa thân thiết với Nguyễn Khuyến. Khi ông Dương Khuê mất, cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến đã viết bài Khóc Dương Khuê để thương tiếc.

Thân sinh Dương Thiệu Tước là ông Dương Tự Nhu làm bố chính tỉnh Hưng Yên. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước mê đàn từ nhỏ, 7 tuổi ông đã được học đàn nguyệt rồi đàn tranh và cổ nhạc, 14 tuổi đã học piano của giáo sư người Pháp tại Viễn Đông Âm nhạc Viện và học guitar cổ điển cùng các tiết tấu dạ vũ.


Click để nghe Thanh Thúy hát Tiếng Xưa của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (thu âm trước 1975)

Trong thập niên 1930, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa lưu ly) gồm có các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh… Ông là người có sáng kiến soạn nhạc “bài Tây theo điệu ta”, ca khúc đầu tay của ông có lời Việt là Tâm Hồn Anh Trao Em được sáng tác vào khoảng năm 1936. Nói vậy bởi vì trước đó Dương Thiệu Tước đã sáng tác một số ca khúc và đã được Thẩm Bích (bảo huynh của Thẩm Oánh) đặt lời bằng tiếng Pháp, như là hai bản nhạc mang tên Joie d’aimer và Souvenance. Mặc dù học nhạc phương Tây nhưng nhạc của ông vẫn thắm đượm hồn dân tộc.

Năm 1934, khi 19 tuổi, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước lập gia đình với bà Lương Thị Thuần, cũng xuất thân từ một dòng họ khoa bảng. Thời đó việc kết hôn thường được các cụ dàn xếp theo truyền thống “môn đăng hộ đối”. Họ có với nhau 5 người con trước khi chia tay với nhau.

Năm 1938, ông cùng nhóm Myosotis đã cho xuất bản những nhạc phẩm đầu tiên của tân nhạc Việt như Đồi Oanh Vàng, Hoa Tàn, Phút Vui Xưa… Cũng trong năm này, Myosotis đã có buổi trình diễn trước đông đảo công chúng tại rạp Olenpia (nay là rạp Hồng Hà đối diện chợ Hàng Da – số 51 Đường Thành, Hà Nội), sau đó thường xuyên được Hội Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn mời biểu diễn. Ông cũng thành lập hội khuyến nhạc cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh để cổ động và phổ biến cho tân nhạc Việt Nam.

Có thể nói Dương Thiệu Tước là nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của thế hệ các nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc. Không chỉ là nhà soạn nhạc, ông còn là một danh cầm, sử dụng được nhiều nhạc cụ khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất và có lẽ không ai thể sánh bằng là đàn Hạ Uy cầm. Chính ông đã sáng tác một bản nhạc không lời có tựa tiếng Pháp là Tondoux souire cgo riêng nhạc cụ này. Thính giả của Đài Phát Thanh Sài Gòn năm xưa hẳn vẫn còn nhớ tiếng Hạ Uy Cầm dịu dặt ngọt ngào của ông trong hai thập niên 1950-1960, hàng đêm vẫn ru hồn người qua các tình khúc nổi tiếng như Bến Xuân, Suối Mơ của Văn Cao, và cả bản Ngọc Lan của chính ông sáng tác.

Là người chủ trương soạn nhạc theo âm điệu của Tây phương và chịu ảnh hưởng nhiều của loại nhạc khiêu vũ, nhưng Dương Thiệu Tước lại có sự hiểu biết sâu xa về cổ nhạc dân tộc, và có khả năng chơi đàn tranh, đàn bầu một cách điêu luyện. Tất cả những tinh hoa ấy đã được ông kết hợp lại để cho chúng ta những tác phẩm soạn theo cung điệu, thể điệu Tây phương nhưng lại mang âm hưởng đặc thù của nhạc dân tộc như bản Tiếng Xưa viết năm 1939, và sau đó là Đêm Tàn Bến Ngự, được xem là 2 trong số tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông.


Click để nghe Minh Trang hát Đêm Tàn Bến Ngự

Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng
Nhớ chăng non nước Hương Bình
Có những ngày xanh lưu luyến bao tình
Vương mối tơ mành…

Khi sáng tác bài hát này, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đang lênh đênh sông Hương và Bến Ngự, để rồi tức cảnh sinh tình mà viết thành ca khúc, nhưng mở đầu bài hát lại là nỗi lòng của một người đang ở cách xa Huế với tình lưu luyến trào dâng, chỉ có thể gửi gắm niềm thương nhớ non nước Hương Bình thông qua “Ai về bến Ngự”.

Hàng cây soi bóng nước Hương,
Thuyền xa đậu bến Tiêu Tương
Lưu luyến thay phút say hương dịu buồn.
Nhưng thoảng nghe khúc ca Nam Bình sầu than
Như nức nở khóc duyên bẽ bàng…

Thấp thoáng trăng mờ
Ai than ai thở đời vui chi trong sương gió.
Ai nhớ thương ai
Đây lúc đêm tàn tình đã lạt phai…

Thuyền ơi đưa ta tới đâu
Tìm trăng, trăng khuất đã lâu,
Sương xuống trên bến cô liêu, thêm sầu.
Bèo nước gió mây đêm ngắn tình dài.
Có ai nhớ, ai nơi giang đầu…


Click để nghe Ngọc Cẩm hát (trước 75)

Bài hát đã gần như mượn hết những cặp hình ảnh mô tả tình yêu đôi lứa trong ca dao Việt Nam : thuyền – bến, gió – trăng, bèo – nước… Mượn hình bóng để viết thành lời ca ai oán, nức nở và than thở cho một mối tình bẽ bàng.

Xứ Huế có một sự gắn bó định mệnh với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Từ thời trẻ tuổi, ông hay có những chuyến đi từ Hà Nội đến phế đô để tìm hiểu về các làn điệu dân ca. Huế với những thánh quách cổ rêu phong, từng lưu dấu bao tình này cũng là nơi xuất thân của danh ca Minh Trang, người đã cùng với Dương Thiệu Tước trở thành đôi tài tử – giai nhân nổi tiếng của làng nghệ thuật. Và bài hát Đêm Tàn Bến Ngự sáng tác vào cuối thập niên 1940 cũng đã được giọng hát Minh Trang cất lên lần đầu tiên trên đài phát thanh Pháp Á, cũng như thu thanh vào dĩa than Phillips hồi 70 năm trước.


Click để nghe bản thu của Minh Trang gần 70 năm trước

Danh ca Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này, danh ca Minh Trang kể lại như sau:

“Anh Tước viết bài đó sau hai tháng trời sống dưới đò trên sông Hương, nghe ca Huế. Viết xong anh gửi cho Minh Đỗ, nhưng nhạc miền Trung có một cái nét đặc thù của nó mà Minh Đỗ không quen hát, nên không hát. Sau đó anh gửi cho tôi.

Mỗi ca sĩ có một cách hát, nhưng riêng bài Đêm Tàn Bến Ngự, có thể nói là tôi hát một cách tự nhiên, vì từ nhỏ tôi đã đàn tranh, đã hát Kim Tiền – Lưu Thủy rồi, nên khi cầm bản Đêm Tàn Bến Ngự lên đọc qua đã thấy quen thuộc. Những chỗ láy cho ra Huế, nó đến với tôi một cách tự nhiên, không một chút cố gắng nào cả. Tuy tôi nói giọng Quảng nhưng vì ca Huế nó nằm sẵn trong huyết quản mình…”

Mặc dù nhạc sĩ Dương Thiệu Tước theo học nhạc Tây từ thuở nhỏ, nhưng từ thời kỳ cuối thập niên 1940, nhạc của ông thấm đẫm tính dân tộc. Lúc sinh thời, ông từng nói: “Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền”.

Điều đó được thể hiện rõ qua các ca khúc như Ơn Nghĩa Sinh Thành, Đêm Tàn Bến Ngự, đặc biệt là Tiếng Xưa của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.


Click để nghe Thái Thanh hát Tiếng Xưa trước 1975

Ca khúc Tiếng Xưa là những tâm sự bàng bạc của một người lữ khách khi đứng trước những thành quách cũ rêu phong đã thành phế tích, cảm nhận được những oai linh uy vĩ, người nhạc sĩ chợt nhớ về câu chuyện Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị năm xưa, và nghe như khúc nghê thường vọng về từ ngàn năm trước:

Hoàng hôn lá reo bên thềm
Hoàng hôn tơi bời lá thu
Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh
Bâng khuâng phím loan vương tình


Click để nghe Giao Linh hát Tiếng Xưa trước 1975

Khung cảnh của bài hát được giới thiệu là một buổi hoàng hôn với lá thu rụng tả tơi bên thềm, xa xa là sương mờ giăng khuất lối. Một cảnh gợi buồn và làm lòng người bâng khuâng, vương tình lên những phím loan. “Phím loan” là một từ cổ, có nghĩa là cung đàn, mà ở phần sau đó nhạc sĩ nhắc lại trong câu hát “cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương”.

Đâu bóng trăng xưa mơ khúc nghê thường
Phai tàn một thời liệt oanh
xa đưa gió may lạnh lùng…

Bài hát này được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước viết trong hoàn cảnh ông thường xuyên đi về giữa Hà Nội và Huế để tìm hiểu về những làn điệu dân nhạc và cổ nhạc xa xưa. Huế với những phế tích u buồn trầm mặc suốt trăm năm, làn gió heo may lạnh lùng như từ cõi nào xa xăm thoảng qua hồn người lữ khách, mang theo cả linh khí của những đấng quân vương đã một thời liệt oanh còn in hằn trên những rêu phong thành quách, như khúc nghê thường bàng bạc sương khói mông mênh của những ngày xưa cũ.

Trước cảm giác có vẻ rất mơ hồ, nhưng trong lòng người lại cảm nhận được sự đau xót thực sự, và 2 dòng châu đã tuôn trào niềm xót xa trong tâm khảm:

Chiều thu nhớ nhung vì đâu,
Thắm đôi giòng châu
Tiếc thay tại sao đành lỡ làng

Man mác khói hương bay dịu dàng
Như tóc mây vương
Dáng liễu mơ màng
Cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương
ai đó tri âm biết cùng.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng có nhận xét về tân nhạc thời kỳ đầu, đại loại, ông nói rằng cả một dòng nhạc tiền chiến được “thoát thai từ Đường thi”. Và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (rồi sau này là Đoàn Chuẩn, Cung Tiến, Nguyễn Văn Đông…) đã thường xuyên đưa những điển cố, điển tích vào trong âm nhạc.


Click để nghe Hoàng Oanh hát Tiếng Xưa trước 1975

Với bài Tiếng Xưa, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã sử dụng nhiều hình ảnh trong bài thơ Tỳ Bà Hành của thi sĩ Bạch Cư Dị, và có thể nói rằng Tầm Dương đã vượt thoát ra khỏi một địa danh cụ thể ở bên Trung Hoa để trở thành Tầm Dương chung của muôn triệu lòng người.

Trước đó, những hình ảnh như “bóng trăng”, “khúc nghê thường”, “giòng châu” hay “ai đó tri âm” cùng đều liên quan đến bài thơ “Tỳ Bà Hành” nổi tiếng.

Bến Tầm Dương từ thơ của Bạch Cư Di với nét phong sương lãng đãng của tài tử cùng nỗi sầu của người kỹ nữ truân chuyên vì đã quá tuổi và nhan sắc tàn tạ. Trong hơi thu quạnh quẽ vào lúc đêm tàn, người kỹ nữ dáng liễu mơ màng rung lên khúc nghê thường để mong tìm chút đồng cảm tri âm của người khách qua đường.

Lần thứ nhất, tiếng tỳ bà mời khách vang lên từ xa “nghe vẳng bên sông” hòa với hơi thu, với tiếng lau lách đìu hiu.

Lần thứ hai, tiếng tỳ bà réo rắt với bao thanh âm huyền diệu nhặt khoan, sầu thương giữa tiệc hoa.

Lần thứ ba, tiếng tì bà ai oán rung lên cuối tiệc rượu.

Tiếng đàn người kỹ nữ, chén rượu tiệc hoa, giọt lệ trên chiếc áo xanh lam của quan Tư Mã trong đêm thu tượng trưng cho những phận người gian truân và chìm nổi ở trên đời. Hơn 1000 năm sau đó, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đứng giữa trời đất và thành quách xưa cũ, nghe gió thu về vọng âm như khúc nghê thường năm xưa, chính là Tiếng Xưa đã làm dâng lên bao nhiêu niềm xúc cảm.


Click để nghe Thanh Thúy hát Tiếng Xưa trước 1975

Ngoài ra, những sáng tác khác của Dương Thiệu Tước được ra đời từ cuối thập niên 1940 – 1950 và được công chúng biết đến cho đến nay gồm có: Kiếp Hoa, Áng Mây Chiều, Xuân Tươi, Dưới Nắng Hồng Thiếu Niên Xuân Khúc, Nhạc Ngày Xanh, Thuyền Mơ…


Click để nghe Minh Trang hát Áng Mây Chiều

Dù viết theo thể điệu gì, nhạc của Dương Thiệu Tước vẫn mang nét sang cả, trang trọng, vì thế mà nhạc sĩ Phạm Duy đã xếp nhạc của ông vào loại nhạc quý phái. Có người nói Dương Thiệu Tước chỉ sáng tác một bản nhạc tình là bản Bóng Chiều Xưa. Nhưng thực ra, chỉ trừ một vài ca khúc đặc biệt như Tiếng Xưa, Ơn Nghĩa Sinh Thành, thì hầu hết các ca khúc còn lại của ông đều là tình ca.

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã có nhận xét chi tiết như sau:

“Trong các ca khúc của Dương Thiệu Tước, tình thường lẫn với cảnh. Người ta không biết ông yêu người hay yêu cảnh hơn? Cũng có thể vì yêu người nên yêu cảnh và ngược lại”

Năm 1940, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước có mở cửa hiệu bán và sửa chữa đàn tại số 57 Hàng Gai – Hà Nội, nhưng sau đó phải đóng do tình hình đất nước.

Năm 1949, Dương Thiệu Tước lần đầu được gặp mặt nữ danh ca Minh Trang, trước đó đã rất nổi tiếng trên đài Pháp Á. Khi đó Thủ hiến Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Trí mời Minh Trang từ Sài Gòn ra Hà Nội dự Hội chợ đấu xảo tại Hà Nội. Đây là dịp để các nhạc sĩ hào hoa xứ Bắc được chiêm ngưỡng nhan sắc của một giai nhân ở trời Nam. Tuy đã có hai con nhưng Minh Trang lúc ấy vẫn giữ được một vẻ đẹp quý phái làm say đắm nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Danh ca Minh Trang và 2 người con (bên phải là ca sĩ Quỳnh Giao)

Sang đầu thập niên 1950, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước lập gia đình với danh ca Minh Trang. Đó cũng là cuộc hôn nhân thứ 2 của cả 2 người, chồng cũ của Minh Trang là cụ hoàng thân Ưng Quả đã qua đời năm 1951.

Để kỷ niệm cho mối tình này, Dương Thiệu Tước viết tặng cho vợ ca khúc nổi tiếng mang tên Ngọc Lan.

Bài Ngọc Lan được dựa vào tên thật là Ngọc Trâm của Minh Trang. Nếu nhìn lại tờ nhạc bản gốc của Nhà xuất bản Tinh Hoa sẽ thấy tất cả những chữ Ngọc Lan trong bài hát đều được viết hoa:

Ngọc Lan
giòng suối tơ vương
mắt thu hồ dịu ánh vàng.

Ngọc Lan
nhành liễu nghiêng nghiêng
tà mấy cánh phong
nắng thơm ngoài song.


Click để nghe Lệ Thu hát Ngọc Lan

Một ca khúc nổi tiếng khác được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước viết cho Minh Trang là Bóng Chiều Xưa. Nếu như bản Ngọc Lan là lời tỏ tình, thì Bóng Chiều Xưa chính là sự hòa điệu của đôi uyên ương đã thành đôi. Bóng Chiều Xưa không chỉ là sáng tác chung của Dương Thiệu Tước và Minh Trang, mà còn được chính hai người loan phụng họa minh trên Đài Phát Thanh Pháp Á. Cũng cần nói thêm Dương Thiệu Tước ngoài biệt tài sáng tác, ông còn có tài ca hát với nghệ danh Vân Hải.


Click để nghe Anh Ngọc hát Bóng Chiều Xưa

Năm 1954, Dương Thiệu Tước – Minh Trang di cư vào Sài Gòn sinh sống. Từ giữa thập niên 1960 qua thập niên 1970 trở đi, ông sáng tác ít dần, thay vào đó tập trung giảng dạy và điều hành. Ông làm chủ sự phòng văn nghệ tại đài phát thanh Sài Gòn, đồng thời được mời làm giáo sư dạy Lục Huyền Cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc.

Thời kỳ này, ông ấp ủ ý nguyện hội nhập cá tính và hồn Việt Nam vào tân nhạc, nên cho ra đời một chương trình có tên là “Cổ Kim Hòa Điệu”, phát thanh thường xuyên tại đài phát thanh Sài Gòn vào những năm cuối thập niên 1950. Trong chương trình này, ông sử dụng cả hai nhạc cụ Tây Phương và cổ truyền Việt Nam để trình diễn tân nhạc.

Sau năm 1975, Dương Thiệu Tước ở lại Việt Nam vì bệnh tật. Tuy nhiên nhạc lãng mạn của ông bị cấm hoàn toàn, và ông cũng không được được tiếp tục dạy nhạc ở trường Quốc Gia Âm Nhạc nữa.

Dương Thiệu Tước và Minh Trang

Năm 1978, Minh Trang cùng các con sang định cư ở nước ngoài, vài năm sau, Dương Thiệu Tước về chung sống với bà Nguyễn Thị Nga tại quận quận Bình Thạnh và được bà chăm lo lúc tuổi về chiều, cho đến lúc qua đời ngày 1/8/1995, hưởng thọ 80 tuổi.

Bài: Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận