Lâu nay, người ta đã quen với 2 chữ Thủy Tạ, để nói về một căn nhà (nhà hàng, quán ăn, khu giải trí) được xây trên mặt nước (hoặc có 1 phần trên mặt nước), thường là nằm ở giữa hồ.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng không phải là Thủy Tạ, mà tên đúng phải là Thủy Tọa, với chữ Tọa nghĩa là ngồi (ví dụ Tọa sơn quan hổ đấu).
Khi xem lại những tấm hình chụp Nhà Thủy Tạ Bờ Hồ nổi tiếng của Hà Nội được khánh thành vào cuối năm 1936 ở bờ hồ Hoàn Kiếm và vẫn còn cho tới nay, tất cả các hình này đều ghi là Thủy Tọa. Ngoài ra, trong một bài báo năm 1936 cũng ghi là Thủy Tọa, như trong hình bên dưới.
Tuy nhiên, cũng trong những bài báo xưa, không khó để tìm thấy những bài báo ghi là “Thủy Tạ” như trong hình sau:
Như vậy có thể thấy ngay cả người Việt xưa cũng chưa thống nhất cách gọi Thủy Tạ hay là Thủy Tọa.
Thủy Tọa thì dễ hiểu, còn Thủy Tạ là gì? Có người nói rằng Tạ chỉ là biến âm (đọc chệch) từ chữ Tọa. Tuy nhiên theo giáo sư tiến sĩ Kiều Thu Hoạch (Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, người đã tham gia dịch sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí từ tiếng Hán ra tiếng Việt) cho biết, chữ “Tạ” ở đây là 榭, thuộc bộ Mộc, được giải thích là: “Sàn, nhà tập võ, cái đài có nhà ở gọi là tạ”. Vì thế, Thuỷ Tạ là ngôi nhà trên mặt nước và gọi Thuỷ Tạ là chính xác.
Nhà Thủy Tạ có lẽ đã có ở Việt Nam từ xa xưa. Trong các đời vua, hầu như vị quân vương nào cũng có sở thích hóng mát trên hồ, trên sông, nơi đó vua sẽ cho xây những đài vọng cảnh để nghỉ ngơi giải trí. Sinh thời, vua Tự Đức đã cho xây khu lăng mộ của mình ngay khi còn sống, để làm khu nghỉ ngơi thư giãn sau những giờ căng thẳng việc triều chính. Trong hệ thống lăng này, nhà vua đã cho đào Hồ Lưu Khiêm, giữa hồ có một căn nhà nghỉ mát được gọi là Xung Khiêm Tạ. Chữ Tạ ở đây tương đương trong chữ Thủy Tạ.
Xung Khiêm Tạ cũng có thể xem là một nhà thủy tạ, vì nó có hình thức giống như nhà Thủy Tạ Bờ Hồ ở Hà Nội như đã nói ở bên trên, có diện tích nhô một phần ra hồ nước, một nửa còn lại vẫn còn ở trên bờ.
Thời thuộc địa, người Pháp đã cho xây nhiều nhà thủy tạ ở khắp cả 3 miền, nổi tiếng trong số đó là nhà Thủy Tạ ở Hà Nội, vẫn còn cho tới nay:
Nhà Thủy Tạ ở Hà Nội còn được gọi là Thủy Tạ Bờ Hồ, mang hình dáng của một con thuyền hoàng gia ngày xưa. Theo bài viết của tác giả Đỗ Hoàng Anh thuộc trung tâm lưu trữ quốc gia 1, sự ra đời của nhà Thủy Tạ xuất phát từ ý tưởng của Đốc lý Hà Nội Henri Virgitti (1/1/1934 – 10/11/1938) khi ông ta thấy cần thay ngôi nhà cũ bằng một ngôi nhà mới để hòa điệu với không gian hồ Gươm, nơi có đền Ngọc Sơn, tháp Bút… Mỗi tối, nhìn từ phố Paul Bert (nay là đoạn phố Hàng Khay), thì góc phố này rất thiếu ánh sáng còn ban ngày thì cảnh sắc không được đẹp mắt. Để làm đẹp các góc của Hồ Gươm, Đốc lí đã đưa ra ý tưởng về một cuộc thi tuyển để xây dựng một quán trà hoặc cà phê với kiến trúc phù hợp khung cảnh nơi đây và có thêm du thuyền qua lại tô điểm cho công trình.
Ý tưởng của Đốc lí được triển khai. Toàn thể thành viên Hội đồng thành phố đánh giá việc xây dựng một nhà thuỷ tạ ở đại lộ Beauchamp sẽ làm đẹp Hồ Hoàn Kiếm và họ đã nhất trí thông qua dự án tổ chức thi tuyển nhà thầu xây dựng và khai thác công trình này. Một Ủy ban được thành lập để nghiên cứu mời thầu xây dựng và khai thác Nhà Thuỷ tạ gồm Đốc lí làm chủ tịch và các thành viên Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông, cựu Tổng đốc Nguyễn Năng Quốc, các uỷ viên Hội đồng Thành phố Lesterlin, Trần Văn Lai, Lacollonge và kiến trúc sư Lagisquet làm thư kí.
Theo báo cáo của của Đốc lí Virgitti tại cuộc họp ngày 12/12/1935, trong số 3 dự án tham gia thi, dự án của nhà thầu Nguyễn Huy Ái ở số 51 phố Hàng Đào được lựa chọn. Hợp đồng được kí kết giữa nhà thầu Nguyễn Huy Ái với Đốc lí Hà Nội Virgitti ngày 20/1/1936, được Thống sứ Bắc Kì thông qua ngày 31/1/1936. Thời hạn khai thác là 14 năm.
Công trình được thiết kế theo kiểu Á – Đông, khánh thành vào ngày 30/12/1936.
Theo bản thiết kế của kiến trúc sư Lagisquet, Nhà Thủy tạ được thiết kế theo kiểu Á – Đông, với mái cong cong và hệ thống cột trụ tròn thả chân xuống mặt hồ rất lãng mạn, nhưng lại phục vụ các dịch vụ kiểu Âu như bar, dancing, concert. Bên cạnh việc kinh doanh đồ uống và cho thuê thuyền, Nhà Thuỷ tạ nổi tiếng hơn về các hoạt động như khiêu vũ, hoà nhạc vào các buổi tối. Việc đóng thuế đóng cửa muộn được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 600 ngày 28/11/1934 của Đốc lí Hà Nội. Thuế được trả bằng vé chợ mua tại Phòng Coi thuế chợ ở Toà Đốc lí ở phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay và dán vào cuốn sổ thuế được cấp.
Nhà thầu Nguyễn Huy Ái khai thác Nhà thuỷ Tạ đến cuối năm 1949 và được chính quyền thành phố Hà Nội yêu cầu bàn giao vì hết hạn hợp đồng. Theo bản hợp đồng kí kết năm 1936 thì thời gian kết thúc khai thác là ngày 20 tháng 01 năm 1950. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhà thầu Nguyễn Huy Ái cũng có khiếu nại về việc kéo dài thời hạn đến 14 tháng 12 năm 1950 vì thực tế hợp đồng năm 1936 chỉ thực sự kí kết và bản giao ngày 14 tháng 12 năm 1950 để đảm bảo quyền lợi của mình. Thêm vào đó, nhà thầu cũng trình bày về việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 1939 – 1941 và năm 1945 – 1946 do tình hình chính trị và chiến tranh. Mặc dù nhà thầu nhiều lần khiếu nại cũng như thỉnh cầu gia hạn gửi chính quyền thành phố Hà Nội[2] nhưng mọi yêu cầu đều không được chấp thuận. Ngày 22 tháng 12 năm 1950, nhà thầu Nguyễn Huy Ái đã bàn giao lại Nhà Thuỷ tạ cho chính quyền thành phố.
Ngày 04 tháng 9 năm 1951, Thị trưởng thành phố Hà Nội kí Quyết định cho phép Hội Tân Văn hoá được tạm dùng Nhà Thuỷ tạ và sẽ lấy lại khi cần. Theo Quyết định, “bất động sản này có diện tích 600 thước vuông gồm một nhà có gác, một hiên sau trông ra hồ Hoàn Kiếm, một sân thượng, các phòng phụ thuộc” .
Sau đó, vào thời điểm năm 1954, Bình dân Thư viện thuộc Ty Thanh niên và Bình dân Giáo dục Hà Nội từng được đặt tại Nhà Thuỷ tạ. Chính quyền Hà Nội cũng từng được đề nghị để cho thuê lại bất động sản này để thu lợi cho thành phố. Tuy nhiên, do tình hình chính trị nên các quyết định sau đó hầu như không được triển khai.
Sau năm 1954, công trình này được khai thác làm nhà hàng. Tầng hai được lợp mái ngói và thêm cửa kính. Tầng một vẫn để ngỏ cửa ra vào và các khung cửa sổ. Đặc biệt, phần hàng hiên là nơi hấp dẫn nhất đối với du khách ngồi thưởng ngoạn ngay sát mặt hồ.
Một nhà thủy tạ nổi tiếng ở miền Trung là CLB Thể thao dưới nước (Cercle Sportif de Hué) ở Huế, nằm bên bờ sông Hương, gần cầu Đập Đá ngày nay:
Sau 1975, nơi này được sử dụng làm Nhà Văn hóa Hữu nghị, nay là Trung tâm dịch vụ du lịch Hương Giang, chủ yếu là hệ thống nhà hàng Festival và quán cafe.
Một nhà thủy tạ nổi tiếng khác được xây từ thời Pháp thuộc và vẫn còn cho tới nay là nằm giữa hồ Xuân Hương ở Đà Lạt:
Đọc bài chi tiết về nhà Thủy Tạ Đà Lạt tại đây.
chuyenxua.net biên soạn