Chùa Từ Hiếu là nơi hòa thượng Thích Nhất Hạnh xuất gia tu hành từ năm 16 tuổi, cũng là nơi ông quay về tịnh dưỡng trong những năm cuối đời và viên tịch vào một ngày đầu năm 2022.
Chùa Từ Hiếu là ngôi cổ tự lớn và có lịch sử đặc biệt ở cố đô Huế, có vị thế đẹp nằm trên núi Dương Xuân ở phía tây thành phố Huế, cách Hoàng thành 5km. Trước chùa có một con suối nhỏ nước mát lạnh chảy róc rách quanh năm, bước qua cổng tam quan là khu hồ bán nguyệt với rất nhiều cá lớn tung tăng bơi lội, được nuôi từ hàng trăm năm.
Rảo bước trên con đường đầy dấu rêu phong, bên trái chùa hiện ra một khu nghĩa địa u tịch mang một cái tên thật đặc biệt: “Nghĩa địa thái giám”. Đây là nơi chôn cất những thái giám cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn. Chính vì lý do này, chùa Từ Hiếu còn được gọi bằng cái tên dân dã là Chùa thái giám.
Chùa Từ Hiếu, còn được biết đến với cái tên tổ đình Từ Hiếu, được hòa thượng Thích Nhất Định khai sơn dựng am năm 1843 trên một ngọn đồi nhỏ hoang vu để tịnh tu và phụng dưỡng mẹ già. Ngôi chùa khi đó mang tên là Thảo Am An Dưỡng, bởi nó vốn chỉ là một thảo am làm bằng tre lợp mái tranh. Trước đó, hòa thượng Nhất Định đã được vua Minh Mạng mời về làm trụ trì chùa Linh Hựu, sau đó là tăng cang chùa Giác Hoàng nằm bên trong kinh thành Huế. Chùa Linh Hựu và chùa Giác Hoàng đều là những ngôi chùa lớn nằm ngay sát ngoài Đại Nội. Vốn chỉ muốn vân du và chuyên tâm tu tập chứ không muốn làm quản đốc một quốc tự, hòa thượng Nhất Định xin vua từ chức, rồi tìm đến ngọn đồi hoang xa hoàng thành Huế để mở Thảo Am An Dưỡng.
Tương truyền, hoà thượng Nhất Ðịnh nổi tiếng là người con có hiếu. Có lần, mẹ của ông bị bệnh rất nặng, dù thuốc thang tận tình nhưng vẫn không khỏi. Có người ái ngại khuyên thầy Nhất Định nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ mau chóng được hồi sức. Nghe xong, vị thiền sư liền băng rừng lội bộ xuống chợ cách đó hơn 5 km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ già ăn, mặc cho thiên hạ đàm tiếu chê bai là sư ăn mặn.
Chuyện này đồn đến tai vua Tự Đức, vốn là một người rất hiếu thảo với mẹ, nhà vua bèn cho người tìm hiểu mới hay thiền sư nấu cháo cho mẹ ốm đau còn mình ngày ngày vẫn chay tịnh, một tâm tu hành. Vua nghe chuyện, vô cùng cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của vị thiền sư ở chốn thâm sơn cùng cốc. Năm 1848, một năm sau ngày thiền sư Nhất Định viên tịch, có lẽ vì cảm động trước sự đức độ của vị sư già mà việc xây dựng mở rộng Thảo Am thành chùa Từ Hiếu luôn được triều đình, các quan thái giám và các phật tử cúng tiến. Khi chùa được hoàn thành, vua Tự Đức nhớ đến chuyện xưa nên đã đặt cho chùa tên là “Từ Hiếu tự”. Trong tấm bia ghi lại quá trình xây dựng chùa giải thích:
Từ: là đức lớn của Phật, nếu không từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại.
Hiếu: là đầu hạnh của Phật, nếu không hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời.
Ngôi chùa được mở rộng và xây dựng quy mô với sự ủng hộ lớn nhất của một vị thái giám tên là Châu Phước Năng. Chính ông cũng là người vận động để vua Tự Đức và Từ Dụ thái hậu cùng các quan triều đình góp tiền xây dựng. Vị thái giám này khi đứng ra vận động xây chùa có lẽ cùng phần nào nghĩ đến một chốn nương thân lúc tuổi già bệnh tật và khi nằm xuống.
Năm 1893, đời vua Thành Thái năm thứ 5, chùa Từ Hiếu tiếp tục được hoà thượng Cương Kỷ tổ chức trùng tu, rất nhiều thái giám lại tiếp tục quyên tiền đóng góp và thể hiện ý nguyện được an nghỉ tại đây sau khi qua đời. Bởi phận làm thái giám, họ không chỉ bị tuyệt tự, không con nối dõi mà hầu như bị chia cắt với gia quyến. Họ vào cung từ khi còn nhỏ, một lòng phụng sự vua chúa, triều đình, đến khi già yếu bệnh tật thì bị đưa ra ngoài cung dưỡng bệnh, chờ ngày nằm xuống. Cửa Phật đối với họ là chỗ nương náu cuối cùng và an yên nhất. Từ những đóng góp và ý nguyện của nhiều đời thái giám mà chùa Từ Hiếu dần dần được dân gian truyền tai thêm tên mới là “Chùa Thái Giám”, người Pháp gọi là “Pagode des Eunuques”. Đây chính là nơi lưu giữ những dấu tích cuối cùng của một lớp người đặc biệt, hiếm có, đã không còn tồn tại từ hàng thế kỷ qua.
Ngày nay, khu nghĩa trang vẫn còn lưu giữ và nhang khói cho 25 ngôi mộ thái giám. Một con số thật khiêm tốn bởi nghĩa trang này trong chùa Từ Hiếu được dựng lên vào thời điểm suy tàn của chế độ phong kiến, nhu cầu sử dụng thái giám trong cung cấm cũng đã giảm rất nhiều so với trước đó.
Theo sách sử thì thái giám đã có từ khoảng 2400 năm trước, vào thời Tây Chu ở bên Tàu. Trước khi được đưa vào hoàng cung để hầu hạ các bậc vua chúa, các thái giám phải bị loại bỏ phần sinh thực khí của đàn ông bởi họ sẽ phải làm việc, phục dịch bên cạnh các phi tần mỹ nữ của nhà vua. Điều này sẽ loại bỏ những khuất tất giữa thái giám và phi tần mà không một vị quân vương nào muốn xảy ra. Ngoài việc hầu hạ cho vua, hoàng hậu, các phi tần mỹ nữ, hoàng tử, công chúa,…các thái giám còn được điều sang phục dịch cho các cung phi góa bụa của các đời vua trước. Thái giám là người người trực tiếp tuyển lựa, hầu hạ và ghi chép tên của các cung phi được vua “sủng ái hằng đêm”, sau đó báo với quốc sử quán để theo dõi đối chiếu khi các phi tần mang thai.
Vào thời nhà Nguyễn, mỗi triều có hàng trăm thái giám phục vụ trong hoàng cung. Ở vị trí kề cận vua chúa, tuy là người hầu kẻ hạ, thái giám vẫn có những quyền hạn và ưu ái đặc biệt không thua kém gì nhiều vị quan trong triều. Tuy nhiên, từ thời Minh Mạng trở về sau thì có quy định rõ các thái giám tuyệt đối không được tham gia triều chính, không được xếp vào quan phẩm. Nguyên nhân là bởi thời Gia Long có một vị quan thái giám cho quyền lực rất lớn là tả quân Lê Văn Duyệt, là một trong ngũ hổ tướng khai quốc công thần triều Nguyễn.
Sau khi vua Gia Long băng hà, vì nhiều lý do khác nhau nên tả quân Lê Văn Duyệt không còn được lòng tân vương là Minh Mạng. Tuy nhiên, do quyền lực của tả quân Lê Văn Duyệt ở phương Nam quá lớn, được xem “vua một cõi”, nhà vua đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Chỉ đến sau khi tả quân Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng mới xuống tay “dẹp trừ” hoàng loạt cận tướng thân tín của cựu tổng trấn thành Gia Định. Chính điều này đã gây nên cuộc nổi loạn của người con nuôi của tả quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi mà sử sách gọi là “loạn Lê Văn Khôi”. Cuộc bạo loạn đã khiến thành Gia Định chìm trong bể máu sau khi vua Minh Mạng vất vả dẹp yên.
Ngày nay, chỉ dụ cấm thái giám tham gia triều chính của vua Minh Mạng vẫn còn lưu lại trong tấm bia bên trong Võ Miếu ở Đại Nội, khắc ngày 17/3/1836, nói rằng các thái giám trong nội cung không được liệt vào hạng người có thể tiến thân. Thay vào đó, đội ngũ thái giám được chia thành 5 đẳng trật: Thủ đẳng, Thứ đẳng, Trung đẳng, Á đẳng và Hạ đẳng, mỗi đẳng trật lại chia thành 2 cấp với bổng lộc hằng tháng từ 24 quan tiền, 24 bát gạo đến 72 quan tiền và 72 bát gạo.
Đến đời Vua Thành Thái năm thứ 2 (1890), chế độ lương trả bằng tiền và lúa bị xóa bỏ, thay bằng lương trả chỉ bằng tiền với 7 mức từ 180 đồng đến 540 đồng/năm.
Có 2 loại thái giám, gọi là Giám sinh và Giám lặt. Giám lặt là những nam nhân sinh ra bình thường, nhưng do hoàn cảnh, có thể vì nhà nghèo nên tự nguyện bị cắt bỏ sinh thực khí (tịnh thân) để vào hoàng cung làm thái giám. Còn Giám sinh là những người mới sinh ra đã phi nam phi nữ, bẩm sinh không có sinh thực khí của đàn ông hoặc đàn bà.
Theo nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, Luật triều Nguyễn năm Minh Mạng thứ 16 (1836) quy định khi có “giám sinh” chào đời, cha mẹ đứa bé phải báo ngay cho làng, xã để lập danh sách báo lên cho Bộ Lễ nắm. Khi đứa bé lên 10, Bộ Lễ sẽ đưa nó vào cung để dạy dỗ cho đứa trẻ đầy đủ từ những nghi lễ phức tạp trong cung cho đến kiến thức, cư xử… để khi lớn lên sẽ sung vào đội thái giám.
Luật cũng quy định làng nào có “Giám sinh” mà giấu không báo sẽ bị phạt nặng. Làng nào có “Giám sinh” được báo lên nghiễm nhiên sẽ được miễn thuế 3 năm. Bởi vậy, những “Giám sinh” thời đó không những không bị coi thường mà còn được người làng cung kính gọi là “ông Bộ”. Tài liệu của Công sứ A. Laborde ghi nhận, dân quê một số vùng ở Huế thời đó, người ta vẫn bảo nhau câu cửa miệng rằng: “Ăn mà đẻ “ông Bộ” cho làng nhờ”. Làng nào ở Huế thời đó mà có được một cậu bé như vậy thì được coi là điềm tốt. Khi cậu bé “giám sinh” này được tiến cử cho vua, cả làng đó sẽ được hưởng bổng lộc vua ban.
Tuy nhiên, những “Giám sinh” thường là khó phát hiện và không an toàn tuyệt đối, nên việc tuyển chọn thái giám từ nguồn thứ hai là khá phổ biến. Đó là những gia đình hoàn cảnh quá khó khăn nên họ tự nguyện cho con làm thái giám.
Cũng theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, các thái giám được mặc một trang phục riêng, trong đó có chiếc áo dài bằng lụa màu xanh dệt một bông hoa ở mảng trước ngực và loại mũ của họ đội cũng khác các loại quan khác để dễ phân biệt.
Lúc sống thì thái giám ăn ở, phục dịch trong Đại nội, nhất là trong Tử cấm thành, còn lúc ốm, lúc đau, lúc nhắm mắt xuôi tay thì như thế nào? Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, triều đình có xây một tòa nhà gọi là cung Giám Viện ở phía ngoài Hoàng thành, góc Tây bắc. Cạnh đó, còn có một cung khác gọi là cung Bình An Đường. Cung Bình An Đường dành cho các nữ quan, nữ tì, cung phi khi đau ốm thì ra đó dưỡng bệnh hoặc chờ trút hơi thở cuối cùng thì cũng ở ngoài Hoàng thành. Sau lưng Bình An Đường là cung Giám Viện dành cho các thái giám khi đau ốm thì ra đó để thuốc men. Nếu khỏe mạnh thì trở lại phục vụ trong Tử cấm thành. Nếu chẳng may không qua khỏi thì cũng ở bên ngoài Hoàng cung.
Để chống chọi với sự cô quạnh lúc về già, nhiều thái giám đã nhận con nuôi, một số khác chọn cách lấy vợ. Tuy nhiên do mất khả năng sinh con, nên họ thường chọn lấy phụ nữ lớn tuổi – chủ yếu để bầu bạn trong những ngày tháng cuối đời. Số ít thái giám may mắn hơn thì được quay về với bà con, họ hàng… Cũng có những vị thái giám – vì lo lắng không có chốn khi nằm xuống, bát hương sẽ lạnh trong ngày giỗ nên khi còn sống, họ đã liệu tính trước cho mình một nơi an nghỉ. Dấu tích duy nhất còn lại về một nghĩa trang thái giám, như đã nói, chính là khu đất bên trên một ngọn đồi nhỏ nằm bên trái ở trong khuôn viên chùa Từ Hiếu. Có thể còn nhiều nghĩa trang khác như vậy nữa, nhưng đã bị tàn lấp theo thời gian.
Đặc biệt là trong dãy nhà sau chùa Từ Hiếu (Quảng Hiếu Đường) còn có một án thờ tả quân Lê Văn Duyệt, là khai quốc công thần của triều Nguyễn, theo phò giúp chúa Nguyễn Ánh. Khi vua Gia Long lên ngôi, ông được phong làm tổng trấn thành Gia Định và có công ổn định cuộc sống người dân ở phương Nam, được dân chúng tôn kính gọi là Đức Thượng Công. Khi qua đời, lăng mộ của ông được gọi là Lăng Ông, được cúng tế theo nghi thức thờ thần. Tả quân Lê Văn Duyệt vốn là một thái giám, sau khi qua đời đã bị vua Minh Mạng kết tội, lăng mộ của ông ở Bà Chiểu bị san phẳng, núm mộ bị xiềng xích. Đến 13 năm sau đó (1848) thì vua Tự Đức xét lại công trạng và giải oan, bài vị của ông được đưa vào chùa Từ Hiếu để ngày đêm hương khói.
Theo bài viết của tác giả Tường Minh, nghĩa trang thái giám trong chùa Từ Hiếu là một khu mộ hình chữ nhật với diện tích gần 1.000m2, có chiều dài 26,03m và rộng 19,05m, được bao quanh bởi bốn bức tường dày 0,79m; cao 1,78m, ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao đóng góp của các thái giám đối với chùa Từ Hiếu.
Các ngôi mộ có 3 dãy, hàng thứ nhất mộ to, hàng thứ ba mộ nhỏ hơn hàng thứ hai vì được xếp theo chức vụ của quan thái giám xưa.
Số mộ đếm được là 25 ngôi, có 2 ngôi mộ gió. Trong đó, 21 ngôi còn nguyên vẹn, có bia khắc tên tuổi, quê quán, pháp danh, chức vụ và ngày mất. Đặc biệt, tại nghĩa trang có một tấm bia ký sắc nằm ở phía mặt tiền. Bia chỉ cao quá 1m, rộng hơn 0,5m nhưng nội dung khiến người đọc không khỏi xót xa:
“Nhân nghĩ rằng nếu không lo kể về sau, khi còn sống thì nương nhờ chốn Phật, mà khi chúng ta chết thì biết nương tựa vào đâu? Nhận thấy ở góc thành phía tây nam có một đám đất, lấy gạch xây thành để về sau làm nơi chôn mộ. Ở đó làm một cái am lợp ngói để hằng năm thờ cúng, gần nơi của Phật mới là nơi thừa tự lâu dài và ngày thường cùng bằng hữu nếu ai ốm đau có chỗ ra vào dưỡng bệnh, khi nằm xuống có chỗ tống táng”.
Cổng chính giữa có đặt một tấm bia đá được dựng từ năm 1901 do Cao Xuân Dục soạn, ghi lại những tâm sự của thái giám triều Nguyễn:
“Trong khi sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến lánh mình và sau khi qua đời được an táng cùng nhau. Sống hay thác, ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh”.
Số lượng thái giám trong hoàng cung triều Nguyễn được duy trì hàng trăm người cho đến cuối thế kỷ 19, nhưng đến đời vua Thành Thái thì giảm mạnh xuống còn 15 người. Đến đời vua Duy Tân vào đầu thế kỷ 20, vua chỉ duy nhất một lần “nạp thiếp” (bà Hoàng Quý Phi Mai Thị Vàng) cho nên các thái giám bị “thất nghiệp”. Đến đời vua Khải Định thì việc tuyển chọn thái giám thật sự chấm dứt, chỉ còn lại 9 vị thái giám còn được lưu lại trong cung để sống nốt những ngày cuối cùng của năm tháng tuổi già.
Vua Khải Định vốn thể chất ốm yếu, hầu như không có nhu cầu về chuyện phòng the. Ông chỉ có duy nhất một người con là Vĩnh Thụy, sau đó lên ngôi lấy niên hiệu Bảo Đại. Vào ngày 20/3/1934 tại Điện Dưỡng Tâm (Tử Cấm Thành – Huế), vị vua cuối cùng triều Nguyễn là Bảo Đại làm đám cưới với Nguyễn Hữu Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng Hậu, là một người công giáo, đi kèm theo đó là những thỏa thuận trước đó chưa từng có:
– Thứ nhất là vua phải giải tán tam cung lục viện, tuân thủ chế độ một vợ một chồng, không còn chuyện năm thê bảy thiếp như những vị vua trước.
– Thứ hai, hoàng đế tấn phong hoàng hậu sau khi cưới, chứ không phải là chỉ được phong sau khi hoàng đế qua đời như trước.
– Thứ ba, con trai sinh ra phải được phong là thái tử.
Khi đó, vì tam cung lục viện đã bị giải tán nên đội ngũ thái giám cũng không còn nhiệm vụ. Từ sau đó, một lớp người từng tồn tại cả ngàn năm trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã vĩnh viễn biến mất. Khoảng những năm 1950, vị thái giám cuối cùng còn sót lại cũng quy tiên vì tuổi tàn lực kiệt.
chuyenxua.net Tổng hợp