Tiếp theo 3 phần trước, đã giới thiệu những hình ảnh chọn lọc của Sài Gòn trong những năm đầu của thời kỳ đệ nhất cộng hòa, đó là 1955, 1956, 1957.
Sau đây xin giới thiệu những hình ảnh của Sài Gòn năm 1958.
Xin nói thêm về tòa nhà Hội Trường Diên Hồng ở bên trên, nơi mà sau này từ năm 1967 trở thành trụ sở của Thượng Nghị Viện, thuộc Quốc Hội. Tòa nhà này được chính quyền Pháp xây năm 1927 để làm trụ sở phòng thương mại mới (trụ sở cũ nằm ở công trường Mê Linh, đến nay vẫn còn, trở thành 1 quán bar). Trụ ở mới này được thiết kế phong cách tân cổ điển, có chút ảnh hưởng từ cả kiến trúc Chăm và Khơ Me.
Năm 1945, khi quân Nhật nắm quyền ở Đông Dương, quân đội đã sử dụng toà nhà này như là một trung tâm thẩm vấn. Sau đó Pháp tái chiếm Đông Dương rồi dùng toà nhà này để làm trụ sở quân đội.
Năm 1955, khi quân đội Pháp đã rời Đông Dương, toà nhà này trở thành một trung tâm Hội Nghị và được đặt tên là Hội Trường Diên Hồng như đã thấy ở hình trên, là nơi tổ chức những phiên họp quan trọng thời đệ nhất cộng hoà.
Xin nói thêm về tòa nhà CEE ở bên trái của hình bên trên, hiện nay là trụ sở của Tổng công ty Điện Lực Miền Nam.
CEE là chữ viết tắt của Compagnie des Eaux et d’Électricité de Saigon, nghĩa là Công ty Điện Nước Sài Gòn được thành lập năm 1900, ban đầu có nhiệm vụ cung cấp nước cho các vùng Chợ Lớn, Sài Gòn và cả Nam Vang (Phnompenh).
Đến năm 1909, CEE đã mua lại SEVS – là một công ty điện khác – để chính thức trở thành nhà cung cấp cả điện lẫn nước cho Sài Gòn, Chợ Lớn và Phnom Penh.
Mặc dù nước Pháp đã chấm dứt sự hiện diện tại Việt Nam từ năm 1954, nhưng công ty CEE của Pháp vẫn hoạt động đến năm 1967 theo hợp đồng ký với chính quyền VNCH, rồi sau đó mới chuyển giao lại cho công ty Sài Gòn Điện Lực.
Xin nói thêm về phim Người Mỹ Trầm Lặng được quay tại Sài Gòn năm 1958, vì có 1 số chi tiết thú vị.
Từ năm 1956, đạo diễn người Mỹ Joseph L. Mankiewicz tới miền Nam Việt Nam cần tuyển một thiếu nữ châu Á tóc dài để đóng vai chính là một thiếu nữ người Việt tên là Phượng cho phim The Quiet American, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Graham Greene, có bối cảnh là thành phố Sài Gòn năm 1952.
Trong thành phần Ban Giám Khảo lựa chọn diễn viên có tài tử Lê Quỳnh và vài người Pháp khác, và người đẹp xứ Đà Lạt 18 tuổi tên là Huỳnh Thị Bê đã được chọn vào vai diễn này. Có một điều đặc biệt, đó là Huỳnh Thị Bê chính là người vợ đầu của danh ca Hùng Cường, là mẹ của ca sĩ Quang Bình.
Tuy nhiên khi hãng phim dự tính mời cô Huỳnh Thị Bê sang Hawaii đóng những cảnh đầu của phim, cũng là lúc đám hỏi giữa cô và Hùng Cường vừa tổ chức xong, nên Hùng Cường không đồng ý cho cô đi một mình sang ngoại quốc, vì thế cô Huỳnh Thị Bê đành từ chối hợp đồng đóng phim trên.
Sau đó đoàn làm phim chuyển hướng sang mời một người mà sau đó đã trở thành minh tinh nổi tiếng nhất của Miền Nam, đó là Kiều Chinh.
Kiều Chinh kể lại rằng năm 1956, khi cô đang đi lễ nhà thờ về và dạo bước trên đường Tự Do, thì vị đạo diễn nổi tiếng Hollywood Joseph L. Mankiewicz đang ngồi trong quán cafe tầng trệt Contentinal Palace đã phát hiện ra và ngay lập tức mời cô đóng vai Phượng cho phim The Quiet American. Ông đạo diễn đưa script kịch bản cho Kiều Chinh để cô về đọc thuộc và ngày hôm sau sẽ lên thử vai.
Khi Kiều Chinh trở về, trình bày với cha mẹ chồng sự việc này. Khi đó cô mới lấy chồng, ở nhà cha mẹ chồng. Lúc đó điện ảnh chưa thịnh hành ở Việt Nam, nên việc một cô gái được Hollywood mời đóng phim là một việc gì đó rất lạ lẫm, và sau khi nghe sơ qua kịch bản, cha mẹ chồng của Kiều Chinh không đồng ý để cô tham gia đóng vai chính trong phim.
Kiều Chinh quay trở lại gặp vị đạo diễn, trình bày lại và cáo lỗi vì không tham gia được, ông cảm thấy rất ngạc nhiên, nhưng cũng đành chịu, và mời Kiều Chinh đóng một vai cameo chỉ xuất hiện có vài giây trong phim và không có thoại.
Đến 1 năm sau, Kiều Chinh mới chính thức bén duyên với điện ảnh trong bộ phim Hồi Chuông Thiên Mụ năm 1957 và trở thành nữ minh tinh nổi tiếng nhất của miền Nam từ trước đến nay.
Sau nhiều lần hụt vai chính, khi các cô gái người Việt gốc không thể tham gia đóng phim được, đoàn làm phim Mỹ chấp nhận một sự thật rằng văn hóa của Việt Nam thời đó không cho phép các cô gái “nhà lành” đóng những vai có hoàn cảnh rất “éo le” như trong phim The Quiet American, cuối cùng họ đành mời một cô diễn viên người Ý tên là Giorgia Moll, hóa trang thành người Việt để đóng vai Phượng.
Dưới đây là một hình ảnh khác của xưởng đóng tàu Ba Son năm 1958, với hình ảnh ụ đóng tàu đã có từ thời Pháp thuộc.
bài: Đông Kha
nguồn: chuyenxua.net
nguồn ảnh: manhhai flickr