Ở những bài trước, chuyenxua.net đã giới thiệu tên của khoảng 20 con đường đầu tiên của Sài Gòn thời điểm hơn 150 năm trước, khi người Pháp bắt đầu quy hoạch thành phố Sài Gòn. Hai bài trước đã kể về tên đường và ý nghĩa của tên đường qua các thời kỳ của các con đường quen thuộc là Nguyễn Công Trứ, Lê Thị Hồng Gấm, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Bình, Ngô Đức Kế, Thái Văn Lung, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn.
Xem Kỳ 1: https://chuyenxua.net/luoc-su-nhung-con-duong-dau-tien-cua-sai-gon-vao-nam-1865-ky-1/
Xem Kỳ 2: https://chuyenxua.net/luoc-su-nhung-con-duong-dau-tien-cua-sai-gon-vao-nam-1865-ky-2/
Sau đây là bài viết kỳ 3, những con đường tiếp theo được đánh số từ số 16 về sau:
Rue No16 – Catinat/Tự Do. Nay là đường Đồng Khởi
Con đường mang tên Catinat/Tự Do – nay là Đồng Khời, dài chưa tới 1km (tính từ bến Bạch Đằng đến Nhà Thờ), nhưng có nhiều cửa hàng, khách sạn sang trọng, sầm uất bậc nhất Sài Gòn suốt 3 thế kỷ qua. Đây cũng là ᴄᴏn đườnɡ đượᴄ tránɡ nhựa đầu tiên ᴄủa Sài Gòn.
Đường Catinat/Tự Do/Đồng Khởi đã có trước khi người Pháp tời, dẫn từ bờ sông vô thành bát quái. Khi Pháp quy hoạch Sài Gòn, đường được đánh số 16.
1/1/1865, đường được đặt tên Catinat. Đây là tên của chiếc hộ tống hạm từng tham gia vào cuộc tấn công Đà Nẵng năm 1858 và Sài Gòn năm 1859. Chiếc hộ tống hạm này lại vốn là được đặt tên theo tên của một thống soái người Pháp thời thế kỷ 17 tên là Nicholas de Catinat.
Ban đầu, đường Catinat kéo dài đến tận đường Mayеr (nay là Võ Thị Sáu), trong đó đoạn từ bờ sông đến đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn) mang tên là Catinat, đoạn còn lại tên là Catinat prolongéе (nghĩa là Catinat nối dài).
Ngày 24-2-1897 đoạn Catinat prolongéе lại được tách thành 2 đường: Đoạn từ Norodom (nay là Lê Duẩn) đến tháp nước (nay là Hồ Con Rùa) mang tên đường Blancsubé. Đoạn còn lại (từ tháp nước (Hồ Con Rùa) đến đường Mayеr – nay là đường Võ Thị Sáu) mang tên là đường Garcеriе. Năm 1952, chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại đổi tên đường Garcеriе thành đường Duy Tân. Sau năm 1955, đường Blancsubé sáp nhập vào đường Duy Tân (tức là đoạn từ Nhà Thờ cho đến Hiền Vương – nay là Võ Thị Sáu) để mang tên là đường Duy Tân cho đến năm 1985. Từ ngày 4/4/1985, đường Duy Tân đổi tên thành Phạm Ngọc Thạch cho đến ngày nay.
Năm 1880, Nhà Thờ Đức Bà được xây dựng ở giữa 2 đường Catinat và Catinat prolongéе. Trong cùng năm đó, khách sạn hạng sang đầu tiên của xứ Nam Kỳ là Continеntal Palacе cũng được xây dựng trên đường Catinat, chỉ cách Nhà Thờ vài phút đi bộ. Vài năm sau, Bưu Điện Trung Tâm cũng được xây dựng ở gần kề đó, vào năm 1886. Hơn 10 năm sau, Nhà Hát Lớn (Opеra Housе) cũng được khánh thành năm 1900 trên trục đường Catinat. Hiện nay, cả 4 công trình đồ sộ này vẫn còn giữ được nguyên kiến trúc sau hơn 100 năm.
Có thể thấy ngay từ thế kỷ 19, người Pháp đã quy hoạch cho đường Catinat trở thành một tuyến đường trọng yếu nhất của Sài Gòn với hàng loạt công trình, nhà hàng, khách sạn hạng sang. Sau khi Pháp rời khỏi Việt Nam, nền đệ nhất cộng hòa được thành lập, đường Catinat đổi tên thành đường Tự Do, tiếp tục kế thừa để trở thành một trong những tuyến đường đẹp nhất thủ đô Sài Gòn. từ năm 1976, đường Tự Do đổi tên thành Đồng Khởi, và từ đó đến nay, đây vẫn là con đường đắt đỏ nhất Sài Gòn.
19/2/1955, chính quyền Quốc Gia Việt Nam của Quốc trường Bảo Đại (thủ tướng Ngô Đình Diệm) đổi tên đường Catinat thành Tự Do. Ngày 14/8/1975, Uỷ ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định đổi tên đường Tự Do thành Đồng Khởi, tên của phong trào nổi dậy ở huyện Mỏ Cày – Bến Tre.
Đường Đồng Khởi ngày nay nằm trên địa bàn phường Bến Nghé, Quận 1, kéo dài từ đường Tôn Đức Thắng (Bến Bạch Đằng cũ) tới đường Nguyễn Du (Quảng trường Công Xã Pais trước Nhà thờ), dài khoảng 907m, lộ giới 20m, qua các giao lộ Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp, Mạc Thị Bưởi, Đông Du, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng.
Rue No17 – Nay là đường Lý Tự Trọng
Con đường Lý Tự Trọng ngày nay là một trong những con đường quan trọng bậc nhất ở Sài Gòn xưa. Tuy nó không nổi tiếng bằng đường Catinat và các đại lộ lớn, nhưng trên con đường này có nhiều cơ sở chính quyền quan trọng của thực dân Pháp ở Sài Gòn thuở ban đầu, như Dinh Thống Đốc (cơ sở đầu tiên), Dinh Phó Soái (Dinh Gia Long), Dinh Thượng Thơ, Tòa Hiến Binh, Khám Lớn (Nhà từ lớn nhất Sài Gòn)…
Ban đầu, con đường này được đánh số 17, sau đó được đặt tên là Gouverneur, tiếng Pháp nghĩa là Thống Đốc. Sở dĩ đường mang tên này, vì dinh Thống Đốc đầu tiên được xây dựng trên đường này, ở vị trí nằm trong khuôn viên trường Trần Đại Nghĩa ngày nay (trường Taberd cũ). Đó cũng là vị trí trung tâm của Thành Gia Định xưa. Trong hình bên dưới thể hiện rõ tên con đường Gouverneur và Dinh Thống Đốc:
Dinh Thống Đốc đầu tiên này làm bằng gỗ, được mua lại từ Singapore táo ra rồi chở tới Sài Gòn ráp lại.
Dinh Thống Đốc gỗ này được sử dụng tạm trong lúc xây dinh Norodom (xây từ năm 1868 dưới thời Thống đốc La Grandière), và khi Dinh Norodom được đưa vào sử dụng năm 1871, Dinh Đốc Đốc gỗ bị dỡ bỏ, và đó cũng là năm con đường Gouverneur được đổi tên thành La Grandière, theo tên của cựu Thống Đốc Nam Kỳ Pierre-Paul de La Grandière (nhiệm kỳ 1865-1868).
Ngày 14/8/1950, đường La Grandière đổi tên thành đường Gia Long, theo quyết định của chính quyền Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại. Đây cũng là một trong những con đường đầu tiên của Sài Gòn được chuyển từ tên Pháp sang tên người Việt.
Ngày 14/8/1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn đổi tên đường Gia Long thành Lý Tự Trọng.
Trên con đường mang tên Gouverneur/La Grandière/Gia Long này có một địa điểm nổi tiếng là Khám Lớn (nay là vị trí của Thư viện Tổng Hợp), nơi từng giam giữ người tù chính trị nổi tiếng là Lý Tự Trọng vào năm 1931. Ngày 21 tháng 11 năm 1931, Lý Tự Trọng bị thực dân Pháp kết án tử khi mới 17 tuổi. Sự kiện này làm dấy lên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở Khám Lớn khiến từ đó cai ngục tại đây luôn gọi Lý Tự Trọng là “Ông Nhỏ”. Có lẽ vì vậy mà vào năm 1975, Ủy ban Quân quản quyết định chọn tên Lý Tự Trọng để đặt cho con đường này.
Hình ảnh một số công trình nổi tiếng được xây dựng trên đường La Grandière từ cuối thế kỷ 19:
Đường Lý Tự Trọng ngày nay nằm trên địa bàn các phường Bến Nghé, Bến Thành của Quận 1, từ đường Tôn Đức Thắng tới đường Cách Mạng Tháng Tám, dài 1835m, lộ giới 20m, đi qua các giao lộ Phan Châu Trinh, Thái Văn Lung, Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Trương Định, Lê Anh Xuân, Đặng Trần Côn
Rue No18, No19 – Nay là đường Nguyễn Huệ
Khởi thủy của con đường này vốn là một con kinh dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định được chúa Nguyễn Ánh xây dựng từ năm 1790, người Việt gọi là kinh Chợ Vải. Khi chiếm được Gia Định và quy hoạch Sài Gòn, người Pháp gọi con kinh này là Kinh Lớn (Grand Canal), sau đặt tên là kinh Charner (tên của Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp chỉ huy đánh chiếm Gia Định năm 1859).
Hai bên bờ kinh có hai con đường, ban đầu được đánh số 18 (bờ trái), và 19 (bờ phải). Đến năm 1865, đường 18 được đặt tên thành rue Rigault de Genouilly (theo tên của thủy sư đề đốc Pháp, chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha trong giai đoạn mở đầu của chiến dịch Nam Kỳ (1858–1862), mở đầu cuộc chinh phục Việt Nam của Pháp. Còn đường 19 đổi thành đường Charner (tên của Đô đốc Charner như đã nói bên trên).
Bên cạnh Kinh Lớn là khu chợ sầm uất nhất ở Sài Gòn vào thế kỷ 19, chính là chợ Bến Thành đầu tiên (còn được gọi là Chợ Cũ). Vị trí chợ cũ nằm ở giữa 2 đại lộ Nguyễn Huệ – Hàm Nghi hiện nay, tương ứng với tòa Bitexco, Kho bạc nhà nước (tổng nha ngân khố cũ).
Vì Kinh Lớn nằm ngay trước chợ có tấp nập hàng hóa, nó bắt đầu bị ô nhiễm và bốc mùi nồng nặc, trong khoảng thời gian 1865-1870, chính quyền bắt đầu lấp dần đoạn phía trên của Kinh Lớn (từ khoảng đường Tôn Thất Thiệp tới đường Lê Thánh Tôn của ngày nay).
Sau nhiều tranh cãi kịch liệt trong Hội đồng thành phố, cuối cùng Kinh Lớn bị lấp hoàn toàn vào năm 1887, con đường này trở nên rộng lớn và mang tên đại lộ Charner. mãi tới nhiều năm sau, người dân Sài Gòn vẫn gọi đây là đường Kinh Lấp.
Ngày 22/3/1955, chính quyền Quốc Gia Việt Nam đổi tên đại lộ Charner thành đại lộ Nguyễn Huệ, tên đường này vẫn giữ nguyên cho tới nay.
Những hình ảnh lịch sử của đại lộ Charner/Nguyễn Huệ:
Công trình lớn nhất ở đại lộ Nguyễn Huệ chính là Dinh Xã Tây/Tòa Đô Chánh, nay là trụ sở UBND, là một trong những công trình có tuổi đời trên 100 vẫn còn lại ở Sài Gòn.
Dinh Xã Tây được khởi công xây dựng năm 1899, sau thời gian dài đến 30 năm kể từ lúc bắt đầu đưa ra thảo luận. Trong quá trình xây dựng, lại có nhiều sự cố xảy ra, nên phải mất 10 năm mới hoàn thành.
Ban đầu thì 2 dãy nhà 2 bên của Dinh Xã Tây chỉ có một tầng, đến thập niên 1950 được nâng thêm một tầng và nối dài thêm để mở rộng không gian.
Dinh Xã Tây thời Pháp là nơi làm việc của một Hội đồng thị xã, điều hành cả vùng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn.
Công trình có tuổi đời cao thứ 2 vẫn còn lại trên đường Charner/Nguyễn Huệ là Trésor Saigon, hay còn gọi là Kho Bạc Sài Gòn, sau 1955 là Tổng Nha Ngân Khố, được hoàn thành năm 1925, được xây dựng trên nền chợ cũ đã được giải tỏa:
Khu vực nổi tiếng nhất trên đường Nguyễn Huệ chính là ngã tư Bùng Binh Bồn Kèn, là nơi sầm uất nhất của đô thành Sài Gòn suốt hơn 100 năm qua, nơi có Thương Xá Tax nay đã trở thành dĩ vãng. Mời các bạn xem lại vị trí ngã tư này vào thời kỳ trước năm 1954 (Pháp thuộc).
Một công trình nổi tiếng khác từng nằm trên đại lộ này là Tòa Hòa Giải:
Nhắc đến đại lộ Nguyễn Huệ, không thể không nhắc đến chợ hoa xưa, mỗi dịp Tết thì nơi này chợ bán hoa xuân của người dân thành đô, tập trung mua bán hoa tết cây cảnh nên con đường này khi đó còn được gọi là Chợ Tết Nguyễn Huệ. Nhà vườn tập kết hoa ở bến Bạch Đằng sau đó phân bổ vào từng ô đã quy định sẵn trên đường Nguyễn Huệ.
Một số hình ảnh chợ hoa Nguyễn Huệ trước 1975:
Đường Nguyễn Huệ ngày nay nằm trên địa bàn phường Bến Nghé, Quận 1, từ đường Yôn Đức Thắng (Bến Bạch Đằng cũ) tới đường Lê Thánh Tôn, dài 821m, lộ giới 64m, qua các giao lộ Hải Triều, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Thiệp, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thiếp, Lê Lợi.
Kết thúc kỳ 3, ở kỳ tiếp theo chuyenxua.net sẽ giới thiệu lịch sử các tên đường Rue No20 – nay là Hồ Tùng Mậu, Rue No21 – nay là Nguyễn Du, Rue No22 – nay là Tôn Thất Đạm, Rue No24 – nay là Pasteur, Boulevard No25 – nay là Nguyễn Thị Minh Khai, và Rue No26 – nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Đông Kha – chuyenxua.net