Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, gần như cùng một lúc, có 3 cây cầu lớn bằng sắt bắc qua 3 dòng sông lớn nhất ở 3 thành phố của 3 miền đất nước được khánh thành. Hà Nội có cầu Doumer (cầu Long Biên) bắc qua sông Hồng, ở Sài Gòn có cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn, còn ở Huế là cầu Thành Thái (cầu Trường Tiền) bắc qua sông Huế (sông Hương).
Cầu Trường Tiền được khánh thành ngay vào đầu thế kỷ 20 (năm 1900), nối liền con đường thiên lý Bắc – Nam cách trở đò giang suốt nhiều thế kỷ, đồng thời cũng chấm dứt sự chia cắt ngay giữa kinh đô Huế, nối liền Hoàng thành với khu dân cư mới ở bên kia sông.
Trong báo cáo về “Tình hình Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1901”, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ghi rõ: công trình (cầu Trường Tiền) được khởi công vào tháng 5-1899, hoàn thành vào tháng 10-1900, thông xe vào ngày 18-12-1900.
Năm 1896, trong chỉ dụ xây dựng cầu sắt, vua Thành Thái nhấn mạnh: “Chính trị nhân đức không gì quan trọng bằng gia ơn cho dân. Gần đây, phàm tiến hành làm các cầu đường là để tiện cho dân vậy. Nay theo lời Cơ Mật viện tâu nói phía trước sông Hương là quan lộ, nghĩ nên làm một chiếc cầu sắt để tiện thông hành, duy vì phí tổn rất lớn nên còn phải chờ tính toán trù biện”.
Đầu năm 1898 (năm Thành Thái thứ 10), Viện Cơ mật tấu lên vua cho biết chi phí để xây dựng cây cầu mở rộng này ước khoảng 500.000 đồng. Viện này đã chuyển cho cơ quan đại diện của Chính phủ Pháp tại Huế số tiền 190.000 đồng theo dự toán cho chiếc cầu ban đầu. Số còn lại chính phủ thuộc địa sẽ trích tiền hỗ trợ.
Khi cầu được xây xong đã được đặt tên ban đầu là Thành Thái, theo tên niên hiệu của vua lúc đó.
Có thông tin sai nhưng đã thành phố biến, nói rằng cầu Trường Tiền do hãng Eiffel xây dựng. Nhiều người truyền tụng cây cầu này cùng với tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris là “anh em ruột” cùng “cha” là kỹ sư Gustave Eiffel. Nhưng các tài liệu lưu trữ trong văn khố nước Pháp đã cho thấy không phải như vậy.
Theo bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ, có 5 hồ sơ dự án tham gia đấu thầu xây dựng chiếc cầu qua sông Huế (tức sông Hương), trong đó dự án của hãng Schneider et Cie et Letellier được đánh giá là vượt trội so với các nhà thầu khác. Việc xây dựng cây cầu này đã chính thức giao cho nhà thầu này vào ngày 23-11-1897.
Thực tế, hãng Eiffel cũng có liên quan đến cây cầu này, đó là tham gia sửa chữa mà mở rộng cầu vào năm 1937. Lúc đó hãng Eiffel đã mang tên mới là Anciens Etablissements Eiffel. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đã nhầm lẫn rằng hãng này tham gia xây dựng cầu thời kỳ ban đầu.
Chuyện một cây cầu đã nhiều lần gãy
Năm 1904, một cơn bão lớn đã làm câu hư hỏng nặng. Sách Đại Nam Thực Lục chép: “Nước dâng lên ngập hết cung điện trong Cấm thành và quan thự trong Kinh thành, nhà cửa nóc ngói bay tung… Cột cờ trên kỳ đài gãy ngang rơi xuống. Cầu sắt sông Hương cũng bị trôi đổ”.
Dân gian Huế đến nay vẫn còn truyền tụng câu chuyện giữa vua Thành Thái với quan khâm sứ Trung Kỳ J. Auvergne. Đó là khi đặt đá xây cầu qua sống Huế, nhà vua hỏi: “Cầu có vững chắc không?”. Khâm sứ Auvergne tự tin trả lời: “Khi nào cầu này gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam cho bệ hạ!”.
Không ngờ chỉ 4 năm sau khi đi vào hoạt động, cơn bão khủng khiếp năm 1904 đã làm đổ cầu, vua Thành Thái mới hỏi ông quan khâm sứ của Pháp: “Hôm xây cầu, ông đã nói khi nào cái cầu này gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam. Nay thì cầu đã gãy rồi đó”. Khâm sứ Auvergne tìm cách chống đỡ: “Cầu gãy là do cơn bão khủng khiếp, chứ đâu phải do tay người”.
Phải đến hai năm sau đó, cầu mới được tu sửa lại. Đến năm 1907, vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion. Chính quyền thực dân Pháp cho đổi tên là cầu Clémenceau, theo tên của Georges Clémenceau (tên của Thủ tướng Pháp khi đó).
Năm 1937, cầu Trường Tiền được trùng tu, cải tạo lớn với sự đảm nhiệm của hãng Eiffel. Cầu được mở rộng hành lang hai bên cho xe đạp và người đi bộ. Ở hành lang tại vị trí trụ cầu giữa 2 vài có các bao lơn (ban công) phình rộng ra – là nơi nghỉ chân, ngắm cảnh hay tránh nhau. Cuộc đại trùng tu này kéo dài trong 29 tháng, đến ngày 29-11-1939 thì hoàn tất.
Năm 1945 chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng – tên của vị chúa có công khai phá vùng đất Thuận Hóa.
Đầu năm 1947, cầu bị Việt Minh giật sập 3 nhịp cầu lúc thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Mãi đến năm 1953, việc tái thiết nguyên dạng cầu mới được thực hiện.
Mậu Thân năm 1968, cầu lại bị đặc công đánh sập một lần nữa.
Một năm sau đó, cầu được sửa chữa, nhưng lúc này đã bị tổn thương nặng nề nên chỉ được sửa tạm thời cho đến tận năm 1995 mới được tái thiết.
Mặc dù trải nhiều tên gọi, nhưng từ rất lâu, cái tên cầu Trường Tiền (vì chiếc cầu nằm gần một công trường đúc tiền, gọi tắt là Trường Tiền của nhà Nguyễn và phố Trường Tiền do vua Thành Thái lập năm 1899) vẫn được sử dụng rộng rãi nhất và là tên chính thức hiện nay. Sau 1975, cầu này bị gọi sai thành Tràng Tiền, nhưng thực ra Trường Tiền mới là tên gọi đúng.
Một số hình ảnh so sánh xưa và nay của cầu Trường Tiền:
–
–
–
–
chuyenxua.net
Cầu tái thiết ( bắt đầu sửa chữa) 1987 lúc đó tôi đang học tại Mo rin bây giờ !