Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của Vũng Tàu/Cap Saint Jacques

Là người Saigon, có lẽ hầu như ai cũng đã ít nhất lần ghé biển Vũng Tàu. Trước năm 1975 ở miền Nam cũng có nhiều bãi biển khác nữa, có thể đẹp hơn Vũng Tàu, như là Mũi Né (Phan Thiết), Ninh Chữ (Phan Rang), hoặc xa hơn nữa ở Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Đà Nẵng… Nhưng đối với dân Saigon xưa, và cho đến tận ngày nay, đi du lịch tắm biển Vũng Tàu vẫn là một chọn lựa lý tưởng.

Từ thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, phố biển Vũng Tàu (còn được gọi là Cap Saint Jacques) trở thành địa điểm đi nghỉ quen thuộc tầng lớp thượng lưu ở phía Nam, tuy nhiên cơ sở hạ tầng ở đây còn khá hoang sơ.

Đến thời đệ nhất cộng hòa, Vũng Tàu được củng cố và phát triển để đáp ứng nhu cầu của một nơi nghỉ mát và du lịch quan trọng ở phía Nam Việt Nam.

Ngoài nghề đánh bắt, chế biến hải sản và trồng trọt nương rẫy truyền thống, nhiều cơ sở hạ tầng được xây dựng, cửa hàng cửa hiệu, cơ sở dịch vụ, phục vụ cho việc ăn chơi, giải trí đã được chính quyền khẩn trương hoàn thiện, khiến cho bộ mặt thành phố ngày một hoa lệ.

Ngày xưa dân Sài Gòn và miền Nam thường gọi Vũng Tàu là Ô Cấp. Cách đây 60 năm Vũng Tàu đã có rất nhiều bãi biển đẹp và xanh mát như bãi Sau (Thùy Vân), bãi Trước (Tầm Dương), bãi Dứa (Hương Phong), bãi Dâu (Phương Thảo) cùng bãi tắm Long Hải. Thời trước 1975, mỗi lần đi Vũng Tàu, người ta thường quen gọi là “đi Cấp”, hoặc đi Ô Cấp.

Ngày nay, tên gọi Ô Cấp vẫn được người ta biết đến khi là tên gọi của quán cafe hướng biển nổi tiếng ở Vũng Tàu mà du khách nào cũng đã từng ghé chân.

Biển Vũng Tàu năm 1969

Vì sao có tên gọi Ô Cấp? Cái tên này xuất phát từ thế kỷ 19, khi các nhà hàng hải Bồ Đào Nha khi đi qua mũi đất này đã lấy tên Thánh Jacques đặt cho nó, do đó người Pháp gọi nơi này là Cap Saint Jacques (do mũi đất mang tên thánh Jacques), người Việt nói gọn thành Cấp. Còn chữ Ô Cấp xuất phát từ câu alle au Cap, tiếng Pháp là đi tới Cấp, người Việt nói thành Ô Cấp.

Về nguồn gốc của tên gọi Vũng Tàu, đó là ngày xưa toàn khu vực này là vùng đất bãi lầy, nơi thuyền buôn của người ngoại quốc thường vào trú đậu nên gọi là Vũng Tàu.

Vũng Tàu có những cảnh đẹp tự nhiên phong phú và khí hậu tương đối dễ chịu, có biển một bên và đồi núi một bên, quanh năm nắng đẹp, thuận tiện phát triển du lịch. Mời các bạn ngắm lại baic biển Vũng tàu xưa kia với biển xanh và cát trắng tuyệt đẹp, nhìn không khác nào một bãi biển ở Địa Trung Hải:

Sau đây là sơ lược lịch sử hình thành và lịch sử tên gọi của thành phố Vũng tàu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay:

Địa bản toàn Bà Rịa – Vũng Tàu trước kia thuộc huyện Phước An, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa, là một trong 6 tỉnh Nam kỳ từ thời nhà Nguyễn. Cuối năm 1861, khi Pháp đánh chiếm tỉnh Biên Hòa, họ đánh phủ thành Phước Tuy ở Bà Rịa và chiếm được quyền kiểm soát nơi này từ 8/1/1862. Từ đó toàn tình Biên Hòa tạm thời gọi là Tiểu khu quân sự (Cercle militaire) của người Pháp.

Ngày 7/7/1862, Soái phủ Sài Gòn tách địa bàn huyện Phước An cũ ra khỏi tình Biên Hòa để thành lập tiểu khu quân sự rieeng, đặt lỵ sở tại Bà Rịa. Năm 1864, Tiểu khu quân sự Bà Rịa được cải thành Hạt thanh tra Bà Rịa.

Năm 1876, Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chánh, mỗi khu vực có một số tiểu khu hay hạt tham biện, từ đó Hạt thanh tra Bà Rịa trở thành Hạt tham biện Bà Rịa, thuộc khu vực hành chánh thứ 1.

Khi đó địa bàn của vùng đất được đặt tên chính thức là Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay) là một thị trấn, lúc thì là một đơn vị hành chánh độc lập, khi là khu tự trị, lúc thì lại trực thuộc hạt Bà Rịa. Trong quá trình tách – nhập các địa giới hành chánh, vùng đất này không tuân theo một quy tắc nhất định nào cả. Quá trình đó diễn ra theo trình tự như sau:

Năm1895, Cap Saint Jacques được nâng cấp thành thị xã. Đến năm 1898, hạt Bà Rịa được sáp nhập vào Cap Saint Jacques, trở thành hạt Cap Saint Jacques. Như vậy lúc này thị xã Cap Saint Jacques trực thuộc hạt Cap Saint Jacques. Lúc này người Việt đã gọi Cap Saint Jacques bằng cái tên Vũng Tàu, nhưng là cái tên không chính thức.

Chợ ở Cap Saint Jacques

Nghị định ngày 14/1/1899 quyết định giải thể thị xã Cap Saint Jacques, đổi thành tổng Vũng Tàu. Cái tên này trở thành tên hành chánh chính thức chỉ được 10 tháng, vì đến ngày 11/11/1899, chính quyền thu hồi nghị định thành lập tổng Vũng Tàu, nơi này lại trở thành thị xã Cap Saint Jacques như quyết định năm 1895.

Nghị định ngày 25/11/1899, đổi tên hạt Cap Saint Jacques thành hạt Bà Rịa, đồng thời tách thị xã Cap Saint Jacques khỏi hạt Bà Rịa để thành hạt tham biện riêng.

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ thành Tỉnh (Province) kể từ ngày đầu tiên của thế kỷ 20 (1/1/1900), từ đó Hạt tham biện Bà Rịa được gọi là tỉnh Bà Rịa tồn tại suốt thời kỳ Pháp thuộc.

Khi đó hạt tham biện Cap Saint Jacques được xem là một thành phố tự trị, cho đến năm 1905 thì hạt này bị giải thể, nhập địa bàn vào tỉnh Bà Rịa, được gọi trở lại là tổng Vũng Tàu. Lúc này, dường như 2 tên gọi Vũng Tàu và Cap Saint Jacques cùng được sử dụng song song.

Năm 1929, chuyển tổng Vũng Tàu trở lại thành khu vực hành chánh tự trị của Nam kỳ, được gọi là tỉnh Cap Saint Jacques, ngang hàng với các tỉnh khác.

Ngày 27/11/1934, hạ tỉnh Cap Saint Jacques trở lại thành thị xã, các làng Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam đổi thành 3 khu phố.

Năm 1947, sau khi người Pháp trở lại Đông Dương thì thị xã Vũng Tàu lại được nâng lên thành tỉnh Vũng Tàu (Cap Saint Jacques). Nghị định ngày 3/5/1947 của chính phủ lâm thời Cộng hòa Nam kỳ lập quận Cần Giờ thuộc tỉnh Cap Saint Jacques.

Đến năm 1952, Vũng Tàu lại bị hạ xuống thành thị xã, trả lại Cần Giờ cho tỉnh Gia Định.

Năm 1956, thời VNCH, địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu được đổi tên thành tỉnh Phước Tuy, trong đó Vũng Tàu trở thành một quận của tỉnh này.

Năm 1964, Vũng Tàu được nâng lên trở lại thành thị xã trực thuộc trung ương mang tên gọi là Đặc khu Vũng Tàu.

Trụ sở hành chánh của Đặc Khu Vũng Tàu từ 1964-1975

Sau 30/4/1975, thị xã Vũng Tàu được chuyển thành thành phố Vũng Tàu. Năm 1976, tỉnh Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Phước Tuy, Long Khánh, Biên Hòa cũ, lúc này Vũng Tàu lại hạ cấp thành thị xã trực thuộc tỉnh Đồng Nai.

Tháng 8 năm 1991, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập từ Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo và 3 huyện thuộc tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, thành phố Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở 11 phường và xã Long Sơn của đặc khu vừa giải thể và trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Một số hình ảnh đường ven biển Quang Trung – Vũng Tàu (ngày nay vẫn giữ tên cũ, nhưng có 1 đoạn đổi thành đường Trần Phú):

Những quầy bar rất phổ biến ở dọc đường Quang Trung

Từ năm 1968, Bãi Sau của Vũng tàu có một tàu hàng lớn bị đắm. Hình ảnh con tàu bị bỏ hoang, rỉ sét nằm phơi mình trên mép nước này rất quen thuộc với du khách Vũng tàu trong suốt hơn 20 năm sau đó.

Ngày 3-1-1968, sau chuyến vận chuyển hàng từ Singapore về Sài Gòn theo hợp đồng với Cơ quan viện trợ Mỹ (USAID), trên đường quay ra biển, tàu Ioannis đã bị mắc cạn khi vừa qua mũi Nghinh Phong…

Nhật ký hải hành còn lưu lại sau khi tàu mắc cạn cho thấy lúc vượt qua mũi Nghinh Phong, để tránh những dải đá ngầm chìm dưới nước xung quanh Hòn Bà, thuyền trưởng Klaus đã cho tàu vòng qua bên trái, thay vì chạy ra vùng nước sâu, bởi ông tin rằng tàu đã dỡ hết hàng, độ nổi lớn nên khó có thể vướng đá. Theo thiếu tá Dunne, trước lúc xuống ca nô, ông đã chỉ vào bản đồ hàng hải, báo cho thuyền trưởng Klaus biết vị trí của những dải đá ngầm nhưng chẳng hiểu sao sự cố lại xảy ra!

Con tàu mắc cạn nằm đó suốt hơn 20 năm cho đến khi được xử lý tháo dỡ vào khoảng đầu thập niên 1990.

Đây là Bạch Dinh nằm bên sườn núi Lớn. Người Pháp từng giam lỏng vua Thành Thái tại đây khi ngài về nước sau khi bị đày. Từ năm 1934, dinh này thành nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại.

Ngày nay, Bạch Dinh vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cũ, và là địa điểm tham quan nổi tiếng của Vũng Tàu:

Bạch Dinh ở rìa bên trái hình

Bạch Dinh từng là nhà nghỉ mát của các Toàn quyền Đông Dương

Hình bên dưới là ngọn hải đăng trên Núi Nhỏ (còn được gọi là núi Tao Phùng). Ngày nay là một địa điểm tham quan nổi tiếng của Vũng Tàu.

Hải đăng Vũng Tàu cao 18m, xây dựng năm 1911 trên đỉnh Núi Nhỏ

Còn đây là đường lên Hải Đăng, ngày nay con đường này vẫn rất nhỏ như xưa:


Hình bên trên là từ trại lính Úc nhìn về phía căn cứ Radar trên Núi Lớn

Căn cứ Radar của quân đội Mỹ trên Núi Lớn, vì vậy người nước ngoài gọi Núi Lớn là “đồi Radar”

Một số hình ảnh nhà thờ ở Vũng Tàu:

Chùa ở Vũng Tàu:

Sân bay ở Vũng Tàu, trước đây là hỗn hợp cả dân dụng lẫn quân sự, là cảng hãng không quan trọng ở miền Nam. Ngày nay sân bay này chỉ chuyên dụng cho ngành dầu khí.

Cuộc sống làng chài:

Hình ảnh khác về tắm biển ở Vũng Tàu xưa:

Những hình ảnh khác:

Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu nhìn từ Núi Lớn, là cơ sở đào tạo nam thiếu niên trên hai phương diện: Văn hóa Phổ thông và Cơ bản Quân sự. Tiêu chí của trường là đào tạo và huấn luyện cho lớp thiếu niên khi ra trường sẽ trở thành binh sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan hoặc trở thành những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… để phục vụ trong quân đội.

Hình ảnh Vũng Tàu thời Pháp thuộc:

Đông Kha (chuyenxua.net) biên soạn
Nguồn ảnh từ manhhai flickr
Những hình ảnh này của các nhiếp ảnh gia người Mỹ, Úc chụp trước măm 1975: Terry Maher, Rod Allen, Barry Connors, Michael Holt, John Hansen, Tom Harkless, Bruce Tremellen, Jeff Lander…

5 bình luận về “Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của Vũng Tàu/Cap Saint Jacques”

  1. Quá hay ạ. Tự liệu hiếm mà em nghĩ mình sẽ không bao giờ gặp trong đó có ba em năm 1979 đang là trưởng đặc khu vũng tàu côn đảo mà em chỉ được nghe ba kể về vũng tàu nay mới được xem qua ảnh ???

    Trả lời
  2. Cảm ơn tác giả đã cho thế hệ sinh sau đẻ muộn của thành phố biết đến những hình ảnh đặc biệt này. Ngày ấy thật vui, thật yên bình. Sinh ra và lớn lên tại làng chài bến đá, bến đình với thiệt nhiều kỉ niệm. Nhà thờ sao mai và bãi dâu là nơi đám trẻ hay lui tới để bày đủ trò🥰

    Trả lời

Viết một bình luận