Cung văn hóa Lao Động ngày nay (nằm bên trong công viên Tao Đàn) từng mang tên Cercle Sportif Saigonnais (Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn), được thành lập từ năm 1902. Các cơ sở còn lại đến ngày nay của sân thể thao này được người Pháp xây dựng từ năm 1925, từng là nơi xuất phát đầu tiên của các môn thể thao đá banh, quần vợt và xe đạp… ở Việt Nam.
Ngay sau khi chiếm được 3 tỉnh Nam Kỳ là Biên Hòa, Định Tường và Gia Định, đô đốc Louis Adolphe Bonard đã dự định xây dựng một dinh thống đốc. Vị trí được quy hoạch là khu đất rộng tại khu vực Vườn Ông Thượng (nay là khu vực Dinh Độc Lập + Công viên Tao Đàn). Tuy nhiên lúc này ngân quỹ rất hạn chế nên họ xây tạm một tòa nhà bằng gỗ nhỏ làm nơi ở và làm việc của quan chức đứng đầu chính quyền Pháp ở vùng thuộc địa mới chiếm được. Căn nhà này được mua từ Singapore mang đến Sài Gòn lắp ráp tại vị trí ngày nay là trường Trần Đại Nghĩa (đường Nguyễn Du), là vị trí trung tâm của thành Gia Định cũ.
Đến tận năm 1867, dinh Thống Đốc Nam Kỳ mới được xây dựng quy mô ở vị trí đã quy hoạch trước đó ở Vườn Ông Thượng (nay là vị trí dinh Độc Lập), hoàn thành năm 1871 và đặt tên là dinh Norodom. Trước khi dinh Thống đốc này được xây dựng chỉ 1 năm, tức là năm 1866, các sĩ quan Pháp đã sử dụng một khu đất rộng của khu quy hoạch này để làm một sân thể thao không chính thức, ban đầu là dành cho các môn điền kinh, bắn súng, đua ngựa… và các môn thể thao khác.
Sau khi dinh Thống đốc được khởi công xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Hermite (như trong hình bên trên), vào năm 1869, người Pháp cho xây con đường Miss Clavell (nay là đường Huyền Trân Công Chúa) để tách phần còn lại của khu vườn khỏi khuôn viên Dinh Thống Đốc. Khu vườn được tách ra đó chính thức mang tên “Jardin de la Ville” (công viên thành phố), tuy nhiên người Việt quen gọi là “Vườn Bờ-rô”, có lẽ là phiên âm préau tiếng Pháp nghĩa là “sân lát gạch”, hoặc theo tên gọi cũ là “Vườn Ông Thượng”. Sau 1955, “Jardin de la Ville” đổi tên thành Vườn Tao Đàn, sau 1975 tên là công viên Tao Đàn. Sân thể thao nhắc đến ở trên là 1 phần của “Jardin de la Ville”.
Khi Pháp xâm lược Nam kỳ và đưa người của họ sang làm người cai trị xứ này, họ đã phải tìm cách thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng nhiệt đới. Vì vậy chính quyền thuộc địa khuyến khích người Pháp rèn luyện thể thao.
Trong bối cảnh vẫn chưa có cơ sở thể thao chính thức nào, sân thể thao bên trong “Jardin de la Ville” trở thành nơi duy nhất để người Pháp chơi thế thao trong những năm đầu của Sài Gòn thời thuộc địa Pháp.
Năm 1880, hội thể thao chính thức đầu tiên của toàn Nam kỳ được thành lập bên trong “Jardin de la Ville”, đó là Hội xe đạp Nam kỳ (Cercle Cyclist Cochinchinois). Một sân điền kinh và đua xe đạp được xây dựng bên trong Jardin de la Ville, góc đường Chasseloup và Miss Cawell (nay là MTNK và Huyền Trân Công Chúa).
Đến năm 1902 Cercle Sportif Saigonnais (C.S.S – Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn) được những người chơi môn thể thao đấu kiếm được thành lập, với trụ sở ở góc đường Catinat và de la Grandiere (nay là Đồng Khởi và Lý Tự Trọng). Ban đầu hội này chỉ chơi môn đấu kiếm, bắn súng. Đến năm 1905, Cercle Sportif Saigonnais được hội đồng thành phố cho đất và quản lý các sân thể thao nằm trong Jardin de la Ville, bao gồm của cả Hội xe đạp Nam kỳ (Cercle Cyclist Cochinchinois), vì lúc này sân đua xe đạp có ít người dùng.
Năm 1906, ông Breton – Ủy viên trong Liên hiệp các Câu lạc bộ Thể thao Ðiền kinh Pháp (L’Union des Sociétés Francaises des Sports Athlétiques), là người đầu tiên mang môn đá banh (túc cầu) vào Việt Nam, ông thành lập đội banh Cercle Sportif Saigonnais theo mô hình tại Pháp.
Hội banh (câu lạc bộ) Cercle Sportif Saigonnais được tổ chức quy củ, huấn luyện có bài bản, nên đã liên tiếp thắng nhiều mùa giải trong các năm 1907, 1909, 1910, 1911, 1912, 1916, trước khi nhường ngôi vô địch cho hội banh của người Việt thành lập trễ hơn là câu lạc bộ Ngôi Sao Gia Định vào năm 1917.
Lúc C.S.S được bàn giao sân thể thao này, cơ sở hạ tầng của nó rất khiêm tốn, nên sang năm sau đó, cùng với việc thành lập hội banh, chính quyền thành phố tài trợ để xây dựng 1 sân banh, kèm theo đường chạy cho môn điền kinh, hai sân quần vợt, sân trượt patin. Năm 1910, C.S.S còn mở thêm một khu đua thuyền bên trong Thảo Cầm Viên, chỗ rạch Thị Nghè.
Trong những năm tiếp theo, số lượng thành viên của C.S.S tăng nhanh, nên có đủ tài chính để mở rộng cơ sở.
Hầu hết các tòa nhà hiện nay của Cung Văn Hóa Lao Động là được xây năm 1925. Đó là thời điểm C.S.S có 10 sân quần vợt, một sân banh với khán đài, và tòa nhà chính có phòng đấu kiếm, bi da, phòng giải trí, đọc sách, phòng nhảy.
Thời bấy giờ, C.S.S là nơi của giới thượng lưu, trung lưu khá giả, các chính trị gia, doanh nhân đến giải trí và chơi thể thao. Theo một thông cáo báo chí của Agence économique de l’Indochine (Cơ quan kinh tế Đông Dương), kết luận rằng Sài Gòn có câu lạc bộ thể thao xứng tầm, có thể so sánh với những câu lạc bộ ở Thượng Hải, Hongkong hay Singapore.
Cũng như môn đá banh, môn thể thao quần vợt được chơi ở Sài Gòn lần đầu tiên ở Sài Gòn bắt đầu trong Cercle Sportif Saigonnais. Đây là môn thể thao cá nhân được ưa chuộng trong giới thượng lưu người Việt. Chỉ trong vòng vài năm sau C.S.S, đã có nhiều hội thể thao quần vợt được thành lập ở khắp Nam kỳ.
Một câu lạc bộ thể thao được thành lập sau C.S.S là Cercle Sportif Annamite (C.S.A), ban đầu chỉ chú trọng môn đá banh, nhưng không lâu sau môn quần vợt cũng được lưu tâm, là môn mang lại cho C.S.A nhiều danh tiếng nhất, với sự xuất hiện của 2 huyền thoại quần vợt Việt Nam là Chim và Giao. Thậm chí ông Nguyễn Văn Chim (ghi sai thành Chiêm) còn được đặt tên đường ở Sài Gòn, ngày nay vẫn còn ở tên đường này nằm phía sau Diamond Plaza.
Từ sau đó, với tham vọng biến C.S.S trở thành “nơi gặp gỡ của giới tinh hoa Sài Gòn”, Ban quản trị C.S.S đã phong cho những người nổi tiếng, các chính trị gia, học giả, các nhà tài phiệt… (là các tinh hoa của xã hội) trở thành chủ tịch danh dự của C.S.S, như là một sự ủng hộ về tinh thần.
Tuy nhiên, điều thực sự củng cố danh tiếng của C.S.S, được biết đến như là nơi nghỉ dưỡng của những người giàu có và nổi tiếng nhất của Sài Gòn là việc khai trương một “hồ bơi ngoài trời lộng lẫy” vào tháng 9 năm 1933. Hồ bơi này ngày nay vẫn còn, tên là Hồ Bơi Lao Động.
Hồ bơi nổi tiếng đến nỗi vào năm 1934, “pool party ở hồ bơi tại Cercle Sportif nổi tiếng” đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình cho các tour du lịch đến Sài Gòn của công ty du lịch Vergoz đến trên con tàu du lịch Compiègne.
Một số hình ảnh khác của hồ bơi:
Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến phòng đọc sách bên trong C.S.S luôn có những tờ báo và tạp chí mới nhất được gửi từ Pháp sang. C.S.S cũng phát hành riêng một bản tin mang tên Revue du Cercle định kỳ 2 tháng 1 lần, được phát hành rộng rãi khắp thành phố để quảng bá cho các hoạt động của mình.
Suốt trong nửa đầu thế kỷ 20, C.S.S luôn là nơi tổ chức những buổi chiêu đãi xa hoa khi các đội thể thao nước ngoài đến thăm Sài Gòn và thi đấu giao hữu. Ngoài ra nơi này còn tổ chức lễ hội thường niên mang tên Spring Ball, một trong những hoạt động sôi nổi nhất của Sài Gòn. Số người mua vé vào xem đông đến mức C.S.S phải mở thêm một của hàng bán vé ở địa điểm sau này là chùa Xá Lợi.
Sau khi người Pháp rời Đông Dương, C.S.S vẫn tiếp tục được xây thêm cơ sở, giai đoạn 1955-1975 nó vẫn là câu lạc bộ thể thao hạng sang, vẫn tiếp tục là nơi gặp gỡ của giới thượng lưu Sài Gòn.
Sau năm 1975, C.S.S thuộc công đoàn quản lý, đến năm 1985 đổi tên thành Nhà văn hóa Lao Động, đến năm 1998 đổi thành Cung văn hóa Lao Động (Chữ Cung được dịch từ tên nguyên thủy là Circle).
Một số hình ảnh khác của C.S.S:
Một số hình ảnh Cung Văn Hóa Lao Động hiện nay:
Đông Kha – chuyenxua.net