Sau khi chiếm được Nam Kỳ vào năm 1859, các thống đốc quân sự Pháp đã quyết định cho xây dựng khu thương cảng Sài Gòn (Port de Commerce de Saigon) để làm đầu mối thông thương với quốc tế. Việc xây dựng cảng được giao cho hãng vận tải biển Messageries impériales. Các bến cảng đầu tiên được xây dựng tại Bến Thành (đầu đường Hàm Nghi hiện nay).
Tháng 10 năm 1865, tại khu vực bến cảng, ngã 3 sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé, hãng Messageries impériales cho dựng thêm một cột cờ hiệu bằng gỗ dạng cột thuyền buồm, được gọi là cột cờ Thủ Ngữ. Vị trí này từng là đồn dinh quan thủ ngự chuyên chăm lo về thương chính của nhà Nguyễn.
Tên gọi “Thủ Ngữ” có thể hiểu theo nghĩa: thủ = giữ, ngữ = án ngữ, tức cột cờ này án ngữ ngay lối đường thủy ra vào với chức năng báo hiệu cho tàu bè. Cách hiểu này trùng với tên gọi ban đầu người Pháp gọi cột cờ này là “Mât des signaux” (cột tín hiệu).
Đây là công trình đầu tiên ở Sài Gòn dùng để canh tuần tàu biển và treo cờ để tàu thuyền ra vào cảng biết nên vào ngay hay chờ đợi. Trên chóp cột treo cờ bằng vải màu hoặc một quả bóng sơn đen làm hiệu cho tàu thuyền ra vào cảng lúc ban ngày, về đêm thì treo đèn màu trắng, có khi màu đỏ, để làm hiệu.
Ban đầu, cột cờ Thủ Ngữ chỉ có cây cột cùng các dây cáp ra các hướng, sau này đã được sửa chữa qua thời gian, bên dưới chân được xây thêm các công trình phụ khác.
Cột cờ là một bộ phận kỹ thuật có chức năng báo hiệu cho tàu ra vào cảng Nhà Rồng và cũng là tín hiệu để tàu bè đi trên sông Sài Gòn biết nơi đây nếu cần ghé vào để khỏi lạc xuống Cần Giờ hoặc ra Vũng Tàu.
Cho đến nay, cột cờ đã trải qua gần 160 tuổi với nhiều lần được trùng tu và đến nay vẫn còn đứng án ngữ ở bên sông Sài Gòn, là chứng tích của một thời thương cảng sầm uất.
Điểm lại những giai đoạn của cột cờ Thủ Ngữ:
Giai đoạn mới xây dựng 1865: Cột tín hiệu dạng cột thuyền buồm bằng gỗ và không có khối đế. Xung quanh cột cờ là không gian mở, gắn liền với bến tàu phía trước.
Giai đoạn 1867-1911: Cột tín hiệu được dựng lại bằng sắt, cao hơn 40m, có thêm sàn đứng kéo cờ.
–
–
–
Bến tàu trước Cột cờ đã trở nên tấp nập hơn với nhiều hoạt động giao thương, buôn bán. Xung quanh Cột cờ đã hình thành các khối nhà phục vụ cho công tác thuế vụ.
Giai đoạn 1911-1930: Một khối công trình bát giác được xây dưới chân cột tín hiệu. Công trình vừa mang chức năng chính là truyền tín hiệu vừa phục vụ cho các hoạt động giao thương tại đây.
Trạm xe lửa gần cột cờ Thủ Ngữ.
Những năm 1920, một ki – ốt được dựng lên phía trước Cột cờ, hướng ra bờ sông làm quầy giải khát và có tên là Point des Blagueurs (Mũi tán dóc).
Giai đoạn 1930-1960: Khối nhà bát giác dưới chân Cột cờ bị tháo dỡ để xây dựng một khối nhà có quy mô lớn hơn với 2 tầng mái dốc, dùng làm nhà hàng và lấy tên theo kiosk cũ là Point des Blagueurs.
Không gian xung quanh Cột cờ được cải tạo thành một công viên và các tòa nhà thuế vụ được dỡ bỏ.
Những năm 1940-1950, xunh quanh cột cờ có thêm nhiều công trình có tính chất dịch vụ như câu lạc bộ, nhà hàng, điển hình là câu lạc bộ Nautical Club (Thể Thao Dưới Nước) trong hình sau:
Khu nhà này vẫn còn nhìn thấy trong những tấm hình thập niên 1960:
Giai đoạn 1960-1975: công trình dưới chân cột cờ trở thành một nhà hàng có tên là Ngân Đình Tửu Gia. Xung quanh có thêm các nhà hàng nổi ở Bến Bạch Đằng.
Nhà văn Hoàng Hải Thủy từng nhắc tới Ngân Đình Tửu Gia như sau:
Những năm đầu thập niên 1960 trời đất yên bình. Thời tiết Sài Gòn thuần hậu nhất thế giới, quanh năm ấm áp, dễ chịu, dễ thương cả trong những đêm cuối năm trời lạnh nhất. Thời ấy vào khoảng năm, sáu giờ chiều vương tôn, công tử, tiểu thư, mệnh phụ, tay chơi nam nữ Sài Gòn thường đến ngồi ở Ngân Đình Tửu Gia bên sông. Nhà Hàng này có cột cờ do Tây Thực Dân xây lên nên từng được gọi là Cột Cờ Thủ Ngữ. Trước 1954 Tây Đầm Sàigòn là thực khách chính của nhà hàng này nên nhà hàng có tên Tây là Point des Blagueurs — Tụ Điểm của các Tay Đấu Hót — Sau 1956 Tây Đầm xách va-ly về nước, Point des Blagueurs đổi sang tên Việt là Ngân Đình Tửu Gia.
Mai Thảo thường ngồi đây uống rượu, ăn cơm tối. Nhiều văn nghệ sĩ khác cũng hay đến Ngân Đình. Tôi cơm nhà, quà vợ nên chỉ lâu lâu mới đến đấy một tối.
Công trình được cải tạo mở rộng phần cánh bên phải (theo hướng nhìn ra sông Sài Gòn). Khối mở rộng mới có hình thức mái cong theo phong cách kiến trúc của người Hoa.
Những hình ảnh cột cờ Thủ Ngữ thập niên 1960:
Giai đoạn 1975-2010: Công trình trải qua nhiều lần tu sửa, cải tạo, phần mở rộng có mái cong được tháo dỡ. Chức năng của công trình vẫn là nhà hàng trước khi bị bỏ trống không được sử dụng trong một thời gian dài.
Giai đoạn 2010-2019: công trình được trùng tu vào năm 2011 và có chức năng là trung tâm thông tin phục vụ du lịch. Tuy nhiên, ít người sử dụng và thường xuyên đóng cửa.
Năm 2020, cùng với sự cải tạo bến Bạch Đằng, cột cờ Thủ Ngữ lại được trùng tu một lần nữa với các thay đổi là thay toàn bộ cáp, sơn lại cột cờ, điều chỉnh bộ phận kéo cờ, tháo dỡ phần tường bao bên ngoài, thay mái ngói, lát đá nền kiến trúc, sơn lại phần kiến trúc xây dựng và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng.
Một số hình ảnh khác của cột cờ Thủ Ngữ:
–
Hình ảnh sân bên dưới chân cột cờ:
Đông Kha – chuyenxua.net