Ngày nay, con đường Trương Định nối Quận 1 với Quận 3 là một con đường đặc biệt. Đây là một con đường xanh mát bậc nhất Sài Gòn, đi xuyên qua công viên Tao Đàn, nên 2 bên đường là hàng cây cổ thụ vốn từng là 1 phần của vườn Ông Thượng, tức vườn Bờ Rô ngày xưa. Vườn Ông Thượng cũng từng là 1 phần của mảng xanh nối liền với khu vực vườn trong Dinh Toàn Quyền (Dinh Norodom), nay là Dinh Độc Lập.
Cùng với quá trình phát triển của thành phố Sài Gòn, khu vực này cũng có những biến đổi để hình thành nên diện mạo như ngày nay.
Cùng tìm hiểu về lịch sử đặc biệt của con đường Trương Định ngày nay, về những con đường tiền thân của đường Trương Định, cùng những hình ảnh tuyệt đẹp ngày xưa.
Quay ngược thời gian trở về thời điểm trước năm 1957, khi mà con đường Trương Định của ngày nay vẫn là 2 con đường riêng biệt, không đi xuyên qua công viên như ngày nay. Nghĩa là lúc đó, vườn Tao Đàn (nay là Công viên Tao Đàn) nằm chắn giữa 2 con đường, một bên là đường Trương Công Định, một bên là đường Đoàn Thị Điểm. Điều đó có thể thấy trong bản đồ Sài Gòn năm 1956 sau đây.
Sau 1957 thì chính quyền đô thành Sài Gòn quyết định mở 1 con đường băng ngang qua công viên để nối 2 đường Trương Công Định và đường Đoàn Thị Điểm (sau 1975, 2 con đường này cũng nhập thành 1, trở thành đường Trương Định như ngày nay).
Xin nói cụ thể hơn về 2 con đường Trương Công Định và đường Đoàn Thị Điểm, tiền thân của đường Trương Định hiện tại.
Trước năm 1955, đường Trương Công Định tên là đường Admiral Roze, đoạn phía bên đường Taberd (sau 1955 là đường Nguyễn Du). Trước khi ga xe lửa được xây dựng trước chợ Bến Thành thì đường Admiral Roze nối liền với Bourdais (nay là đường Camette). Sau năm 1917 thì đoạn này tách thành đường riêng là Admiral Roze, sau năm 1955 mang tên Trương Công Định.
Trước 1955, đường Đoàn Thị Điểm tên là đường Lareyniere, cắt vườn Tao Đàn tại đường Chasseloup Laubat (nay là NTMK).
Từ khoảng năm 1957, đường Trương Công Định được nới rộng thêm, đi xuyên qua công viên để nối với đường Đoàn Thị Điểm, như chúng ta có thể thấy trong hình dưới.
Trong các tấm bản đồ Sài Gòn xưa, ngay chỗ con đường Trương Công Định đi xuyên qua công viên, có một hình tròn, đó chính lạ vị trí trung tâm của Vườn Bờ Rô ngày xưa (tên chính thức là công viên Maurice Long). Tâm hình tròn từng là vị trí đặt bức tượng Gambetta, như trong hình bên dưới:
Đến tận ngày nay, dấu tích về hình tròn này vẫn còn, dù đường Trương Định đi xuyên qua tâm hình tròn này.
Tháng 8 năm 1945, cách mạng tháng 8 nổ ra, chủ tịch ủy ban kháng chiến là Trần Văn Giàu đã ra quyết định cho giật đổ nhiều bức tượng Pháp, trong đó có tượng Gambetta nằm trong Vườn Bờ Rô. Trước đó bức tượng này đã được dựng ở nhiều vị trí khác, trước khi mang về chỗ này. Bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết bên dưới.
Trở lại với đường Trương Định, sau năm 1975, đường Trương Công Định và Đoạn Thị Điểm nhập thành 1 đổi tên thành Trương Định như ngày nay. Tuy nhiên có một thời gian đoạn đường đi xuyên công viên lại bị rào lại, phải tới khoảng năm 2003 mới mở ra để lưu thông như trước năm 1975. Lúc này đường Trương Định là con đường một chiều, đi xuyên qua Công Viên Tao Đàn – nơi có rất nhiều cây xanh bóng mát.
Trương Định hay là Trương Công Định đều là tên của một người, là vị anh hùng chống Pháp thời cuối thế kỷ 19, được biết tới với tên gọi Bình Tây đại Nguyên soái.
Năm 2024, truyền thông trong nước đưa tin, tuyến Metro số 2 (Tham Lương – Bến Thành) có một trạm ở công viên Tao Đàn, vì vậy một số cây xanh (không rõ số lượng bao nhiêu) nằm trên đường Trương Định này sẽ bị đốn hạ để phục vụ cho việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị. Nguyên văn từ báo VnExpress như sau:
Theo chủ đầu tư, trong phạm vi dự án có tổng cộng 453 cây xanh hiện hữu bị ảnh hưởng, nằm dọc các tuyến đường Lê Lai, Trương Định, Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh. Trong số này có 404 cây bị chặt hạ, còn lại di dời. Những cây này thuộc loại sao đen, bằng lăng, bàng, dầu, giá tỵ, me chua, sọ khỉ, me tây, lim sét…
Tuy nhiên, có điều khó hiểu là tuyến Metro số 2 này đi dọc theo tuyến đường Trường Chinh – CMT8 tới Ngã 6 Phù Đổng rồi quẹo qua Phạm Hồng Thái, Lê Lai để tới thẳng nhà ga Metro Bến Thành, vì sao cây trên đường Trương Định lại bị ảnh hưởng.
Sau đây mời các bạn xem lại hình ảnh xưa và nay của đường Trương Định:
Một vài hình ảnh công viên Tao Đàn khác ở đoạn Nguyễn Du – Trương Công Định:
Hình ảnh ngày nay:
chuyenxua.net biên soạn
đoạn đường này lúc xưa được lưu thông hai chiều…