Kỷ niệm Xổ Số Kiến Thiết thời xưa và bài hát của Trần Văn Trạch: “Kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta, xây đắp muôn người, được nên cửa nhà…”

Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Ðược nên cửa nhà

Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng

Triệu phú đến nơi
Năm, muời đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi

Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
của người Việt Nam

Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lê
Xổ số gần đến.

Kiến thiết quốc gia.
Giúp đồng bào ta…

Đó là lời bài hát rất quen thuộc của bài ca Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia được “quái kiệt” Trần Văn Trạch sáng tác và trình bày, đã phát thường xuyên trên đài phát thanh Sài Gòn vào chiều thứ 3 hàng tuần suốt từ năm 1952 cho đến tháng 4 năm 1975.  Mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Trần Văn Trạch hát Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia

Những tờ vé số đầu tiên không chỉ phát hành trên lãnh thổ Việt Nam mà còn chung cho cả 3 nước Đông Dương, gồm cả Campuchia và Lào. Tờ vé số đầu tiên phát hành vào năm 1935 có nhiều điều đặc biệt. Nó được ghi bởi 3 loại chữ viết 3 nước Đông Dương.

Khái niệm “Xổ Số” đã có từ những năm đầu thế kỷ 20, thường được các Hội riêng lẻ mở không thường kỳ, thí dụ như sổ xố của Hội tương tế, của Đông Dương học xá, lớn nhất là có xổ số của Hội đấu xảo. Lúc này vẫn chưa có hình thức “vé số” được phát hành thường kỳ. Sau đây là những bài báo nói về những “cuộc xổ số” vào những năm đầu thập niên 1930:

Tờ vé số như hiện nay lần đầu được phát hành thường kỳ ở Việt Nam là từ tháng 7 năm 1935, được gọi là “cuộc xổ số Đông Dương” (người Pháp gọi là Lotterie), có giá 1 đồng bạc Ðông Dương một vé, một năm mới xổ một kỳ.

Thông báo về thể lện “cuộc xổ số Đông Dương” lần đầu tiên

Vé số trúng độc đắc lên đến 100.000 đồng bạc Ðông Dương, tiếng Nam là Một Trăm Ngàn đồng, tiếng Bắc là Mười  Vạn đồng, một khoản tiền rất lớn thời đó. Ngoài ra, nhiều giải thưởng phụ khác cũng được phát kèm cho người trúng giải.

Đây là tờ vé số duy nhất phát hành mà 1 năm sau mới phát thưởng, bởi vì chỉ 1 năm sau đó (1936), vé số mỗi năm phát hành 4 lần, mỗi lần 900.000 vé, vẫn bán chung toàn cõi Đông Dương, chia đều cho 3 nước, mỗi nước 300.000 vé.

Cuộc xổ số Đông Pháp kỳ thứ 3 của năm 1938
Quảng cáo Loterie Indochinoise ngày 16/9/1940 trên phố hàng Khay ở Hà Nội
Qua thập niên 1940 thì mới có tên tiếng Việt là Xổ Số in trên tờ vé số
Quảng cáo xổ số Đông Pháp trên báo năm 1937

Những tờ vé số Đông Dương phát hành tới năm 1944 thì tạm ngưng. Thời điểm này, do biến động chính trị và chiến tranh, người Pháp đã mất tầm ảnh hưởng ở Đông Dương nên vé số ngừng phát hành tới tháng 12/1951 thì quay trở lại.

Lúc này, vé số vẫn xổ mỗi quý một lần nhưng chỉ trên phạm vi từ Huế trở vào tới Cà Mau, sau đó dần tăng lên mỗi tháng/lần. Đây là những tờ vé số do chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại phát hành ở miền Nam.

XSKT năm 1960 được mở nối tiếp theo nghị định từ năm 1951 của quốc trưởng Bảo Đại ban hành

Lúc này, trên tờ vé số chỉ còn 2 loại chữ, gồm chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Vé số có giá 10 đồng, giải độc đắc là một triệu đồng. Đến thời đệ nhất cộng hòa thì những tờ vé số cũng có chút thay đổi, bắt đầu tăng lên mỗi tuần một lần, xổ vào ngày thứ 3. Nhiều người cao tuổi cho rằng, dù phát hành ở khu vực phía Nam nhưng một số người dân ở Hà Nội thời điểm này vẫn mua và dò kết quả xổ số được.

Tuy nhiên thời đó dân Việt mê số đề hơn, vì chỉ cần 2-3 đồng là đánh được, có thể biết được-mất ngay trong ngày. Vì vậy mà rất ít người mua sổ xố do nhà nước bán (được gọi là Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia).

Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia những năm đầu bị ế. Thậm chí có thời gian cảnh sát Sài Gòn phạt người đi xe vi phạm luật giao thông bằng cách bắt mua vé số Kiến Thiết. Đồng thời để tuyên truyền cho Xổ Số Kiến Thiết, bài hát do quái kiệt Trần Văn Trạch sáng tác và trình bày được phát thường xuyên để “quảng cáo” cho trò chơi này. Bài hát trở nên quen thuộc với mọi tầng lớp và toàn bộ nam-phụ-lão-ấu từng sống ở miền Nam trước 1975.

Phải đến năm 1955, các sòng Kim Chung, Ðại Thế Giới bị chính phủ Ngô Ðình Diệm đóng cửa, không còn trò số đề nữa thì XSKT mới bắt đầu được dân mua nhiều. Ðến năm 1960 thậm chí còn bị tăng giá ngoài luồng. Giá một vé chính thức là 10 đồng, nhưng người mua phải mua với giá 14, 15 đồng.

Tới năm 1975, vé số bị ngưng phát hành cho tới năm 1979 lại được phát hành trở lại với tên xổ số kiến thiết.

Dưới đây, mời các bạn xem lại những hình ảnh về vé số được phát hành đầu thập niên 1960 ở Saigon:

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận