Khủng hoảng năng lượng toàn cầu qua bài viết trên báo chí Việt Nam năm 1940

Từ nhiều năm qua, “khủng hoảng năng lượng” là một khái niệm quen thuộc với hầu hết mọi người, đặc biệt là trong tình trạng hiện nay, xăng dầu đang là thứ mà mọi người quan tâm hàng ngày, tầm ảnh hưởng của nó mang tính chất toàn cầu.

Ngoài ra, một khái niệm khác là “năng lượng hạt nhân” đang được nhắc tới hàng ngày và cũng đang có những cuộc khủng hoảng hạt nhân xảy ra trên thế giới.

Từ hơn 80 năm trước (năm 1940), báo chí ở Việt Nam đã nhắc tới những khái niệm bên trên, về mối lo ngại về những cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ diễn ra và ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi người, và sự ráo riết tìm cách khai thác nguồn năng lượng thay thế: Năng lượng nguyên tử. Xin nói thêm rằng thời điểm năm 1940, trên thế giới chưa chính thức tạo ra được điện từ năng lượng nguyên tử, và các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu về nó như là một loại năng lượng tiềm năng, là thứ vô tận nếu khai thác được, có thể thay thế cho xăng dầu, than đá, than trắng… nếu những thứ này bị cạn kiệt.

(Than trắng, hoặc “than đá trắng”, tiếng Pháp là houille blanche, là cách gọi của thủy điện thời đó, là năng lượng từ thác nước).

Vậy hơn 80 năm trước, báo Việt Nam đã nói gì về điện nguyên tử? Xin mời các bạn đọc một bài báo rất thú vị sau đây, đăng trên thời báo Trung Bắc Tân Văn.

Bài viết này giữ nguyên gốc văn phong báo chí quốc ngữ của đầu thế kỷ 20.

Thế giới đến ngày cạn hết cả than lẫn dầu thì sao?

Nhờ có văn minh khoa học đời nay, hầu hết mỗi nhà được hưởng những sự lợi-tiện của máy đèn, máy nước, máy hát điện, cho đến lò sưởi và bấp nấu ăn cũng là điện-khí. Ngoài đường thì xe hơi, tàu hỏa, máy bay, rầm rầm suốt ngày thâu đêm, rút ngắn đường sá và ngày giờ lại gang tấc. Còn biết bao nhiêu vật-dụng chế-tạo bởi cơ-khí. Đời con người ta sung sướng đủ thứ!

Xong chẳng biết có ai chịu khó nghĩ đến một ngày kia, cái ngày tất nhiên phải đến, nhà máy điện-khí phải ngừng, các mỏ dầu cạn hết, một cục than đá than củi gì cũng không còn thì sao? Cuộc đời văn minh lúc ấy sẽ tiêu-tàn ảm-đạm biết sao mà nói.

Tất có người bảo không sợ. Trong ruột trái đất còn chứa vô số mạch dầu và mỏ than, người ta đào lấy đến muôn ngàn đời chưa hết. Ví chăng có cạn dầu hết than, thì cũng còn than đá trắng là những thác nước chảy hùng dũng kia bao giờ hết được, vì còn có mặt trời hút lấy hơi nước biển làm ra mưa xuống núi nón thì còn có thác nước thao-thao bất tuyệt cho người ta tha-hồ lợi-dụng.

Ai tưởng như thế là lầm. Người ta đã bới đào khắp trong gan ruột quả-đất, tính ra than-đá còn được chừng 3.700 năm nữa, nhưng dầu-tây thì chỉ 20 năm nữa là cạn ráo. Ngay đến than trắng cũng chẳng phải là vật muôn năm bất tuyệt đâu, vì lần-hồi đây rồi có các cuộc hỏa-sơn, địa-chấn làm bằng-phẳng mất các núi non và thung lũng cao, tự nhiên sẽ không còn thác ghềnh gì nữa. Thác ghềnh không còn thì làm gì có than trắng?

Có người lại nói:

– Thế bây giờ người ta chẳng chế-tạo ra dầu xăng nhân-tạo được rồi và chẳng dùng hơi than củi để chạy máy được là gì!

Thưa quả có như thế! Nhưng các ngài nên biết cho rằng muốn chế ra dầu xăng nhơn-tạo, tất phải cần than đá làm gốc; muốn dùng hơi than củi thì tất phải có rừng cây cho nhiều. Hai món than đá và rừng cây, lâu nay người ra xài dữ quá, thế tất đến ngày cạn hết thì làm sao?

Bởi vậy, từ lâu, các nhà bác-học đã tiên-liệu cái nguy đến một ngày kia, các nguồn làm nên than trắng – Những thác nước ở trên núi non chảy xuống có sức rất mạnh. Lâu nay các xứ văn-minh đã tìm được cách thâu dụng cái sức mạnh thiên-nhiên ấy để chạy máy này máy kia, gọi là than-đá-trắng.

Sức mạnh đều khô hết cả, thì máy gì cũng hết chạy, xe tàu gì cũng phải nằm ụ, các cuộc thông tin và đàn hát bằng vô tuyến điện cũng phải câm.

Nhưng mà đứng trước cái nguy ấy, chỉ có phàm-nhân chúng ta la xo, chứ khoa-học không chịu khoanh tay bất lực. Khoa học cố tìm ra một nguồn sức mạnh khác để thay thế cho than, dầu và điện khí.

Sức mạnh ấy ở đâu cũng có, ở ngay trong một đồng xu con mà đi.

Một đồng xu có sức mạnh kéo nổi 40 toa xe lửa chạy vòng quanh trái đất 6 lần.

Các nhà vật-lý học, từ cuối thế-kỷ trước (thế-kỷ 19) đã tìm ra một nguồn sức mạnh không ngờ.

Té ra mỗi vật-chất gì, cũng bởi không biết bao nhiêu ức ức triệu triệu những cái hết sức bé nhỏ kết-hợp lại với nhau mà tạo nên. Những cái hết sức tinh-vi bé nhỏ ấy, khoa-học đặt tên nó là a-tôm (atomes) hay là nguyên-tử. Nó bé nhỏ đến đỗi trong một nét mực in để in một dấu đánh chấm câu trong bài chư vị độc giả đang đọc đây, cũng chứa không biết mấy ngàn triệu số ngàn triệu nguyên-tử mà nói.

Lạ nhứt là mỗi một nguyên-tử như thế, chính giữa có một cái hột tâm trụ cột, chung quanh cái hột ấy có hằng-hà sa-số điện-tử bao vây luân chuyển, y như mặt trời đứng giữa mà chung quanh có những tinh-tú bao bọc vậy.

Sau khi tìm kiếm cái nguồn sức mạnh thiên-nhiên quái dị ấy, các nhà bác-học mừng quá, gần muốn phát điên:

– “Ủa! té ra mỗi một nguyên-tử chính là một bố máy tự có sức mạnh và chạy mau ghê hồn! Ta có cách gì bắt lấy sức mạnh ấy mà dùng thì lợi biết mấy, chẳng tốn kém mảy may nào, vì bất cứ một vật-chất gì cũng có nó đầy rẫy kia mà”.

Quả thật, sức mạnh ấy nếu ta có cách bắt lấy mà dùng, khi ta hết sạch chẳng còn một cục than, một giọt dầu nào cũng chẳng lo. Đã nói trong vật-chất nào cũng chứa hằng-hà sa-số nguyên tử, tức là hằng-hà sa-số sức mạng. Ví dụ một đồng xu con, sức mạnh chứa trong mình nó bằng đốt 5.000 tấn than-đá, kéo nổi một chuyến xe lửa 40 toa, chạy vòng quay địa-cầu 6 lần. Ai bảo đồng xu là một vật bé-nhỏ, như cái dấu đánh chấm câu mới nói trên kia cũng chứa đủ sức mạnh để kéo nổi hai chiếc chiến-hạm khổng-lồ của nước Pháp, là Richelieu và Clémenceau, đặt lên trên chót núi Himalaya (núi ở Ấn-độ, cao nhứt thiên hạ), còn kéo thêm một chiếc tàu tuần dương 20.000 tấn nữa là khác.

Khoa-học đã lần mò ra cái sức mạnh thiên nhiên lạ thường ấy rồi, nhưng đến sự bắt lấy nó mà dùng không phải là dễ.

Ba nhà vật-lý học đại-danh của nước Pháp là ông Becquerel, cùng hai ông bà Pierre và Marie Curie, mấy chục năm trước, đã phát-minh ra phép làm cho nguyên-tử phải nổ bùng ra (radioactivité), hế nó có nổ thì mới bật sức mạnh ra cho người ta dùng.

Nhưng phải làm sao cho bao nhiêu nguyên-từ chứa trong một vật gì bất cứ, đồng thời phát nổ một lượt, mới có sức mạnh để mà dùng; trái lại, nếu cái nổ trước, cái nổ sau thì không có sức mạnh gì đáng kể.

Các bậc tiên-hiền Pierre và Marie Curie đành phải khoanh tay ở chỗ đó.

Vợ chồng Pierre và Marie Curie

Hai ngài qua đời, đã có con gái và chàng rể nối chí, thành-công.

Ấy là bà Irène-Curie và giáo sư Frédéric Joliot, hai nhà bác-học đã được phần thưởng Nobel về khoa vật-lý và nổi tiếng trong khoa-học fiowsi nước Pháp hiện giờ.

Coi chừng sức nóng có thể “rô-ti” cả nhân loại chín như lợn quay

Khoa-học đã tìm ra nguyên-tử và biết rằng hễ nguyên tử nổ bùng ra thì có muôn vàn sức nóng cho người ta dùng để chạy máy này máy kia, vừa nhiều vừa rẻ, chẳng cần gì đến than và dầu nữa. Nhưng chờ cho nguyên-tử tự nó phát nổ ra sức nóng mà dùng thì biết đến bao giờ?

Người ta không có cách gì bắn phá nguyên-tử phải nổ bùng lên ư?

Vợ chồng giáo-sư Joliot nói:

– Có!

Vợ chồng Irène Joliot-Curie và Frédéric Joliot

Từ năm 1934, cặp vợ chồng khoa-học đại danh này đã tìm ra cách dùng nhân-lực bắn nổ nguyên-tử (radioactivité artificielle). Chính hai nhà bác-học ấy chế-tạo ra thứ đạn riêng, bắn vào nguyên-tử, làm cho nguyên-tử nổ bật ra sức nóng.

Sau mấy năm cặm cụi nghiên-cứu, đến ngày 30 tháng 1 năm nay (1939), giáo-sư Joliot đem việc mình bắn phá nguyên-tử của chất ᴜɾaniᴜm trình bày trước viện Khoa-học nghiên cứu (Academic des Sciences) đại khái như sau này:

“Tôi đã thử bắn phá nguyên tử của chất ᴜɾaniᴜm, với những viên đạn gọi là neutrons (mảnh-mún của một chất kim-khí hết sức bé nhỏ, khoa-học có thể chế-tạo ra). Tôi nhìn thấy một hiện tượng rất lạ: Mỗi lần một viên đạn neutron bắn trúng vào một nguyên-tử thì nguyên-tử này nổ tung ra từng mảnh; ngay trong những mảnh ấy, có lẽ cũng chứa những đạn neutrons khác. Thành ra các nguyên-tử khác có thể đồng thời bị bắn trúng mà phát nổ, rồi chính nó đem đạn neutrons chứa sẵn trong mình nó mà bắn phá những nguyên-tử khác nữa cũng phải nổ. Nó bắn lẫn nhau như thế mãi. Thì ra viên đạn mình bắn đầu tiên, giống như một cây diêm, chỉ châm lửa vào một tí, đủ làm cháy bùng cả kho thuốc súng vậy”.

Nhưng, mặc dầu sự phát-minh quan hệ ấy, giáo-sư Joliot không khỏi có chỗ giật mình lo ngại xa xôi.

Lo ngại tất cả các nguyên-tử đồng thời phát nổ, thì thế-giới có thể phát sinh một cái tai hoa hết sức nguy hiểm.

Thật vậy, mình cốt bắn phá nguyên-tử của chất này, nhưng rồi nguyên-tử này lại tự bắn phá các nguyên-tử kia, cứ bắn phá truyền nhau như thế mãi; nó có thể bắn sang nguyên-tử bao nhiêu chất khác trong hoàn cầu, chừng đó sức nóng đồng-thời phát ra, e cả thế-giới nhân loại đều bị đốt tiêu nướng chín thì nguy.

Nhà khoa-học lo xa như thế, không phải là vô-lý.

Độc-giả đã nghe chuyện vua nước Ba-tư (roi des Perses) với hột lúa chưa? Chuyện lý thú lắm.

Anh Sessa sáng tạo ra bàn đánh cờ người (đây nói về jeu d’échces của Tây) [ngày nay gọi là cờ vua] rất hay, vua xứ Ba-tư thích lắm, ngài phán hỏi anh ta muốn được ban thưởng cách gì, tùy ý chọn lựa, để ngài ban thưởng cho.

Sassa nói:

– Tâu bệ-hạ, tiểu nhân chỉ xin bệ-hạ cho để vào ngăn thứ nhất của bàn ờ 1 hột lúa mì, ngăn thứ hai 2 hột, ngăn thứ ba 4 hột, ngăn thứ tư 8 hột v.v… cứ mỗi ngăn gấp đôi số lúa, cho hết 64 ngăn trong bàn cờ thì thôi.

Vua Ba-tư mừng rỡ, chịu liền, tưởng là sự ban thưởng ấy dễ dàng và không tốn kéo cho ngài bao nhiêu.

Một lát, các quan coi kho hốt hoảng chạy vào quỳ tâu:

– Bẩm Ngài-ngự, không thể nào ban thưởng Sassa bằng cách đó được, vì đến những ngăn sau cùng, tất cả lúa gặt trong địa-cầu cũng không đủ.

Thật vậy, nếu cứ nhân đôi số lúa ở mỗi ngăn của bàn cờ, thì đến ngăn thứ 64, phải để bấy nhiêu hạt lúa, biết là mấy ngàn ngàn triệu triệu:

18.446.744.073.709.551.615

Giả-tỉ một thước khối (métre-cube) có 20 triệu hột lúa mì, thì vua Ba-tư phải cho Sessa tới 922.337.203.685 thước khối, nghĩa là 8 lần nhiều hơn số lúa mì sản xuất trong Địa-cầu 1 năm, ấy là nói tất cả mặt đất đều trồng lúa mì thì mới được thế.

Ấy, việc bắn phá nguyên-tử mà giáo-sư Joliot phải xo la, cũng như vậy đó. Đầu tiên, mình bắn phá hột nguyên tử thứ 1, nó nổ tung ra nhiều mảnh mín, chính những mảnh mín ấy tự bắn phá bao nhiêu hột nguyên-tử khác nó cứ bắn truyền và nổ bùng liên tiếp như thế, chỉ trong khoảnh khắc của một cái tích-tắc đồng hồ, sức nóng phát lên gớm ghê, khí-hậu bỗng chóc tăng cao nhiệt-độ thế-gian dẽ bị nung nấu và cháy tàn hết còn gì!

Người ta đã nói một viên đạn nguyên tử của giáo-sư Joliot bắn ra có thể phá tan đốt cháy cả nước Đức, không phải là nói quá đáng. Có điều làm sao ngăn rào chung quanh nước Đức để nguyên-tử đừng bắn chuyền nhau mà cháy cả thiên-hạ.

Nay mai xe tàu máy móc đều chạy bằng nguyên tử.

Bởi vậy, muốn lợi-dụng được sức nóng của nguyên-tử và tránh cái tai-họa ghê gớm như đã nói trên, hiện nay Khoa-học đang tìm cách nào chứa giữ lấy sức nóng ấy mà dùng vào cơ-khí.

Việc này, tất nhiên khoa-học sẽ thành công kết quả.

Một ngày kia, chắc hẳn không lâu, sẽ thấy người ta trữ được sức nóng nguyên-tử để dùng nấu nồi sốt-de, quay các guồng máy và làm ra điện khí, khỏi cần đến than đá và dầu xăng như ngày nay nữa.

Người ta sẽ cất lên nhiều kho chứa nguyên-tử dể chuyển hơi nóng cho nhà máy này, nhà máy kia.

Lúc ấy, những tàu bể khổng lồ, những máy bay chở khách, những đầu máy xe lửa, các xưởng chế-tạo xong rồi giao trả những người đặt mua, đồng thời lại giao luôn mấy tấn ᴜɾaniᴜm để người ta đem về bắn phá nguyên-tử trong chất ấy ra lấy sức nóng mà chạy máy, có lẽ dùng đến mấy chục thế-kỷ cũng chưa hết. Chắc hẳn xe tàu máy móc hư hỏng trước, mà nguyên-tử chứa trong mấy tấn ᴜɾaniᴜm chưa hao hớt bao nhiêu!

Đã nói sức nóng thiên nhiên này ở đâu cũng có, vừa nhiều vừa rẻ hết sức. Chừng đó, chiếc tàu khổng lồ như Normandie chạy qua biển Đại-tây chỉ tốn kém một chút xíu nguyên-tử như ta bây giờ đổ mấy giọt dầu xăng vào trong một cái máy vậy thôi.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận