Mời các bạn xem lại những hình ảnh được chụp tròn 100 năm trước ở Sài Gòn (vào thập niên 1920), phần thứ 5. Qua những tấm ảnh đặc biệt này, bánh xe thời gian như là được xoay ngược lại để chúng ta có thể nhìn được về một thế kỷ trước và ôn cố tri tân.
Khách sạn Majestic ở đầu đường Đồng Khởi ngày nay (xưa là đường Catinat và Tự Do) có tuổi đời gần 100 năm, là một trong 2 khách sạn hạng sang đầu tiên của Sài Gòn, chỉ đứng sau Continental Palace.
Năm 1925, công ty Hui Bon Hoa được điều hành bởi những người con của chú Hỏa (ông Huỳnh Văn Hoa) đã mua lại mảnh đất từng là khác sạn Hôtel d’Annam ở đầu đường Catinat để xây dựng khách sạn Majestic, dịch ra tiếng Việt là Hùng Vĩ, đúng với vẻ bề ngoài bề thế và sang trọng của khách sạn.
Ban đầu, khách sạn chỉ có 5 tầng và 44 phòng với một quầy bar trên sân thượng. Trải qua nhiều lần đổi chủ, năm 1965 khách sạn Majestic được chính phủ mua lại và cải tạo nâng cấp, xây thêm 2 tầng lầu theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Mặt tiền của khách sạn được thay đổi theo hướng kiến trúc hiện đại, có thêm một nhà hàng lớn và trung tâm hội nghị quốc tế. Đến nay, sau gần 100 năm ra đời, khách sạn này trải qua thêm 2 lần trùng tu lớn nữa để có diện mạo như ngày nay.
–
Hình bên trên là cảnh dân chúng tụ tập phía trước trụ sở hội đồng Hanh Thông Xã của quận Gò Vấp (tỉnh Gia Định) để chủng ngừa bệnh đậu mùa. Vị trí của tòa nhà này hiện nay có thể là trên đường Nguyễn Văn Nghi, đối diện chợ Gò Vấp. Sau 1975, nơi đây trở thành trụ sở của xã Hanh Thông, sau 1975 là trụ sở công an xã Gò Vấp, sau đó tòa nhà đã bị phá bỏ để xây công trình thương mại khác.
Địa danh Hanh Thông Xã đã có từ đầu thế kỷ 18. Trong bản đồ Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815, sau này được phiên âm ra chữ quốc ngữ, đã thấy có thể hiện Hanh Thông Xã, bên cạnh các địa danh Bình Hòa Xã Phú Nhuận… thuộc Tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương của phủ Tân Bình.
Gò Vấp ngày xưa thuộc địa phận Hanh Thông Xã. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ và quy hoạch Sài Gòn – Gia Định thì địa giới của Gò Vấp ngày càng mở rộng, Hanh Thông Xã lại trở thành 1 làng thuộc quận Gò Vấp. Một ngôi làng khác được tách ra từ làng Hanh Thông Xã, làm ở phía Tây Bắc và được đặt tên là Hanh Thông Tây, sau này được gọi thành Hạnh Thông Tây.
Với ý nghĩa ban đầu, Hanh Thông nghĩa là suôn sẻ, nhưng qua thời gian, chữ này lại bị đọc thành Hạnh Thông. Ngày nay những tên này không còn là tên hành chính chính thức, nhưng vẫn còn tên chợ Hạnh Thông Tây, nhà thờ Hạnh Thông Tây và đình Thông Tây Hội.
–
Đường Catinat 100 năm trước, đây là một trong những con đường sang trọng và đắt đỏ nhất Sài Gòn. Dọc con đường này có những công trình mang tính lịch sử, như trong hình ở bên phải là khách sạn Continental. Ở bên cạnh đó còn có Opera House, sau này mọc thêm tòa nhà khách sạn Caravelle. Ở đường có Majestic Hotel, cuối đường là nhà thờ Đức Bà.
Continental Palace được hoàn thành vào giữa năm 1880, gần như cùng lúc với nhà thờ Đức Bà. Có thể nói đây là khách sạn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng nhất Sài Gòn, vẫn còn lại đến ngày nay sau hơn 140 năm. Kiến trúc và nội thất của Continental Palace được xây dựng và bài trí theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, tạo cảm giác quen thuộc cho du khách Âu châu khi đến Đông Dương từ thời cuối thế kỷ 19.
Sau hơn 140 năm, diện mạo kiến trúc của khách sạn Continental Palace đến nay vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Dù có độ cao khiêm tốn chỉ với một tầng trệt và ba tầng lầu, khách sạn này vẫn nổi bật giữa trung tâm thành phố với mái lợp ngói, tường gạch dày cùng những ô cửa sổ duyên dáng.
Khu nhà bên trái hình chính là tệm thuốc Solirène – một trong những tiệm thuốc tây lớn đầu tiên ở Sài Gòn. Trước đó, thời thế kỷ 19 thì vị trí này là quán “Grand Café de la Musique”. Đến khoảng thập niên 1940, khu nhà này được giải tỏa để xây khu thương xá Eden nổi tiếng.
–
Đại lộ Norodom 100 năm trước, cuối đường là dinh Thống Đốc Nam Kỳ, tên gọi là dinh Norodom, sau này đổi thành dinh Độc Lập.
Có nhiều người đã thắc mắc rằng vì sao đại lộ Norodom là con đường rộng nhất thời điểm nó được xây dựng, dẫn vào tòa nhà của vị quan quyền lực nhất của Nam kỳ thời đó là Dinh Norodom, lại được đặt bằng tên của nhà vua nước Cao Miên.
Để trả lời câu hỏi này, lùi về thời điểm Pháp bắt đầu quy hoạch và xây dựng Sài Gòn. Khi dinh thống đốc Nam Kỳ được khởi công xây dựng vào năm 1868, thì cũng cùng thời điểm đó Cao Miên trở thành thuộc địa của Pháp sau khi vua Norodom ký hiệp ước chấp nhận sự bảo hộ của Pháp trên vương quốc này. Để thể hiện sự ủng hộ dành cho nhà vua Cao Miên, người Pháp lấy tên vua là Norodom để đặt cho dinh thự khởi công ở Sài Gòn. Ngay sau đó, khi con đường trước dinh được mở rộng thì cũng được mang tên là Norodom, như chúng ta đã thấy.
Đây là hình ảnh khác của đại lộ Norodom và dinh Norodom 100 năm trước. So với những con đường nổi tiếng khác của Sài Gòn thời Pháp là Charner, Bonard, Catinat, đại lộ Norodom được xây dựng sau, nhưng to và rộng hơn, là nơi lý tưởng dành cho các buổi diễn binh trong các dịp lễ, kể cả thời Pháp thuộc, thời VNCH hoặc cả sau năm 1975.
–
Khu đất đằng trước Nhà Hát (Opera House), sau năm 1955 được biết đến với cái tên Công Trường Lam Sơn, và tên này vẫn được sử dụng chính thức cho đến ngày nay.
Thời điểm chụp hình này 100 năm trước, công trường này mang tên Francis Garnier, đặt theo tên một nhà thám hiểm, đồng thời là một sĩ quan người Pháp đã chỉ huy đánh chiếm Hà Nội năm 1873. Từ năm 1910, chính quyền Pháp đã cho đặt bức tượng của Francis Garnier tại đây cho đến năm 1955 thì bị dỡ bỏ.
Xung quanh công trường Lam Sơn có những tòa nhà nổi tiếng nhất của Sài Gòn, như là Continental Palace, Opera House, xa hơn có Nhà Thờ Đức Bà, Dinh Xã Tây. Sau này có thêm các công trình Caravelle Hotel, Thương xá Eden, Thương xá TAX, REX Hotel.
–
Bên trong bưu điện thành phố 100 năm trước. Nội thất bên trong bưu điện được thiết kế nhiều vật liệu bằng sắt, vì vậy trong nhiều tấm bưu thiếp xưa đã ghi nhầm đây là một nhà ga xe lửa.
Bưu điện Sài Gòn là công trình kiến trúc kết hợp giữa 2 nền văn hóa Đông – Tây, được trang trí đường nét đặc trưng của tân baroque xen kẽ họa tiết của dân tộc. Tòa nhà bưu điện được xây dựng năm 1886 và hoàn thành năm 1891, là công trình tiêu biểu sau cùng của kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892), người đồng thời đã thiết kế những công trình vẫn còn tồn tại đến hiện nay là Dinh Thượng Thơ, Dinh Gia Long (cùng trên đường Lý Tự Trọng ngày nay), Tòa Pháp Đình (Tòa Án trên đường NKKN ngày nay), Tòa nhà Quan Thuế (được sửa lại từ nhà ông Wang Tai, đầu đường Hàm Nghi ngày nay).
Chỉ một năm sau khi công trình này được hoàn thành (1891) thì kiến trúc sư Foulhoux qua đời (1892), ông được an táng tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Khi đó ông giữ chức Giám đốc sở công trình dân sự.
Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn
Hình ảnh: manhhai flickr