Theo lời kể của danh ca Bạch Yến, cô có cuộc gặp gỡ định mệnh với chồng là giáo sư Trần Quang Hải vào năm 1978. Năm đó, Bạch Yến vẫn đang sinh sống, hoạt động âm nhạc tại Mỹ và đến Pháp nghỉ hè, còn nhạc sĩ Trần Quang Hải khi đó đang định cư tại Pháp, đã ly dị vợ và có một cô con gái vừa tròn 5 tuổi. Lần gặp gỡ đó, Trần Quang Hải dắt theo cả cô con gái nhỏ đến chào Bạch Yến.
Cô nhớ lại: “Vào lần gặp đầu tiên năm 1961, anh Trần Quang Hải chỉ là một thanh niên chừng 17 tuổi, gầy gò chứ không phát tướng như sau này (cười). Lúc GS Trần Văn Khê chỉ tay giới thiệu “Đây là con trai tôi”, tôi không có nhiều ấn tượng nhưng khi gặp lại anh sau gần 20 năm, tôi vẫn nhận ra và lần gặp lại ở Paris giống như sự sắp đặt của ông trời”.
Ngay sau buổi gặp, giáo sư Trần Quang Hải mời Bạch Yến cùng dùng bữa. Dù cả hai đều chẳng còn son trẻ, Trần Quang Hải đã qua một đời vợ, Bạch Yến cũng đã 34 tuổi, nhưng buổi hẹn hò đầu tiên của họ diễn ra ấm áp và vui vẻ. Bạch Yến kể rằng khi đang trò chuyện, đột nhiên Trần Quang Hải nắm lấy tay cô rồi nói: “Bàn tay Bạch Yến đẹp quá, nếu được cho tôi xin rước về”. Tưởng ông nói đùa, Bạch Yến cũng gật đầu nói: “Dạ”. Nào ngờ hôm sau người đàn ông đó lật đật tiến hành sửa soạn, đưa tin và phát thiệp cưới cho khắp bạn bè. Dù bất ngờ trước hành động gấp rút của Trần Quang Hải, Bạch Yến cũng vội vã sửa soạn theo về nhà chồng và chấp nhận mối lương duyên kỳ lạ đó, có lẽ bởi vì hơn ai hết, cô biết rằng Trần Quang Hải chính là người đàn ông mà mình cần, bất chấp những lời ra tiếng vào của mọi người xung quanh, như lời tâm sự sau này:
“Nhiều người cũng hỏi sao tôi lại lấy Trần Quang Hải trong khi trước đó có biết bao người đeo đuổi. Tôi chỉ cười và trả lời rằng người nào hợp nhất thì mình lấy thôi. Giàu có, danh vọng mà không thương thì sao lấy được. Thú thật, anh Trần Quang Hải rất có duyên, pha trò làm tôi cười quá trời. Chuyện tình của chúng tôi có lẽ là còn hơn cả sét đánh nữa”.
Dù sống và làm việc tại Pháp nhiều năm, đạt được nhiều thành tựu và giải thưởng trong lãnh vực âm nhạc dân tộc, nhưng nhạc sĩ Trần Quang Hải vẫn còn rất nghèo nếu so thu nhập với một ca sĩ nổi tiếng như Bạch Yến, nhưng nữ danh ca này chẳng hề quan tâm tới điều đó. Ngày cưới của họ, Trần Quang Hải viết ca khúc Tân Hôn Dạ Khúc đem tặng Bạch Yến làm quà cưới với những lời yêu thương nồng đượm và hứa hẹn thuỷ chung:
Tối hôm nay ngày vui chúng mình
Hát bên nhau, hạnh phúc dạt dào
Từ nay, từ nay vui sống trăm năm
Ước mơ nay, tình yêu đã thành
Hứa cho nhau, dù bao khổ sầu
Gần nhau, gần nhau, nguyện sống bạc đầu
Thương với nhớ khúc nhạc tình ca
Cùng chung sức kết tạo tương lai ngát say đậm đà
Tình chúng ta tươi thắm như ánh trăng ngà
Khắp muôn nơi, bè bạn đón mừng
Chúc tân hôn, đượm sắc tình nồng
Đời em, đời anh, như đóa hoa mai
Nắm tay nhau, thề yêu suốt đời
Ước mơ sao, tình không đổi dời
Giờ đây, giờ đây, yêu nhau suốt đời
Sau khi kết hôn nhanh chóng chỉ sau 2 tuần từ khi gặp mặt với nhạc sĩ Trần Quang Hải, danh ca Bạch Yến quyết định ở lại Pháp cùng chồng, không trở về Mỹ nữa dù công việc và các show diễn vẫn còn dở dang ở Mỹ. Từ một ca sĩ nổi tiếng chuyên hát tân nhạc và nhạc ngoại quốc, Bạch Yến bắt đầu hình trình “về nguồn”, chuyển sang hát nhạc dân tộc cổ truyền và đi trình diễn khắp nơi trên thế giới cùng với chồng. Sự chuyển hướng đột ngột này dường như cũng bắt nguồn từ tình yêu, từ sự đồng điệu về tâm hồn, sự cảm hoá lẫn nhau của những người yêu nhau và cả sự ngưỡng mộ của Bạch Yến dành cho chồng:
“Anh Hải thuộc diện đàn ông càng sống càng thấy thú vị. Với anh ấy, tất cả mọi vật đều được biến thành nhạc cụ. Anh ấy mê nhạc dân tộc và tìm trong những điều đơn sơ bình dị hàng ngày ra ngôn ngữ âm nhạc như người dân lao động vậy. Chính anh đã cho tôi biết âm nhạc dân tộc quan trọng như thế nào. Chính vì vậy, nửa cuộc đời còn lại, tôi đã dành cho chồng và nhạc dân tộc.” – Trích “Thân Phận & Hào Quang” của Hoàng Nguyên Vũ.
Biết giọng mình mạnh và cứng trong khi nhạc dân tộc lại đòi hỏi sự ngọt ngào và mềm mại, Bạch Yến cố gắng mài giũa lại giọng hát cho phù hợp để có thể biểu diễn cùng chồng. Và kết quả là cô đã cùng chồng đạt được rất nhiều thành công và giải thưởng trong nhiều năm. Đặc biệt nhất phải kể đến là năm 1983, tại Paris, Bạch Yến và Trần Quang Hải được trao giải “Grand Prix Du Disque De L”Académie Charles Cros” dành cho đĩa hát “VIETNAM” do hãng đĩa SM thu thanh. Đây là giải thưởng cao nhất của Hàn Lâm Viện đĩa hát Charles Cros trao tặng.
Có thể nói, trong suốt hơn 40 năm đồng hành, cả hai hầu như chưa từng rời nhau cả trong hôn nhân và sự nghiệp. Bạch Yến luôn sát cánh bên Trần Quang Hải trong công cuộc gìn giữ, phát triển và đưa âm nhạc dân tộc đến với bạn bè các nước. Hai vợ chồng đã cùng nhau đi “khắp thế giới”, đến gần 70 quốc gia, thực hiện hàng ngàn tiết mục biểu diễn, tham gia hàng trăm đại nhạc hội dân tộc quốc tế và phát hành nhiều đĩa nhạc truyền thống.
Trong một lần trả lời phỏng vấn năm 2016, Bạch Yến đã tâm sự: “Chúng tôi là vợ chồng, là bạn và có một tình yêu chung là âm nhạc. Trong 38 năm kết hôn, cả hai gần như không rời nhau nửa bước. Tôi cùng chồng đi hơn 70 nước trên thế giới để giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với mọi người. Chúng tôi nói chuyện với nhau mỗi ngày nếu không được gần nhau. Khi tôi đi công tác, tôi làm gì, đi đâu cũng gửi ảnh cho anh ấy xem qua mạng. Lấy nhau đã lâu mà vợ chồng cứ như một tình nhân mới quen vậy”.
Điều đặc biệt hơn cả là khi quyết định kết hôn với nhạc sĩ Trần Quang Hải, danh ca Bạch Yến không chỉ chấp nhận rời xa phần lớn ánh đèn sân khấu Mỹ, nơi có thị trường âm nhạc sôi động và lượng khán giả đông đảo, cô còn chấp nhận lui về hậu phương, trở thành người vợ hiền, người mẹ đảm cho cô con gái riêng của chồng. Bạch Yến từng tâm sự, do cú sốc tâm lý mất mẹ hồi năm 1975 nên cô bị ảnh hưởng nặng, không thể có con được, nên dù là con chồng, cô vẫn chăm sóc, yêu thương, lo toan còn hơn con đẻ. Hai mẹ con sống chung hoà hợp, tình cảm và ăn ý đến nỗi rất nhiều người lầm tưởng cô gái là con ruột của Bạch Yến. Đến khi con gái đi lấy chồng, trên sân khấu tiệc cưới, Bạch Yến hát tặng cô ca khúc Tân Hôn Dạ Khúc, món quà cưới mà mình đã được nhận năm xưa, như lời nhắn nhủ, dặn dò và cầu chúc cho hạnh phúc của con. Cũng tại hôn lễ của con gái, Bạch Yến cũng xúc động chính thức nói với đông đảo khách có mặt hôm đó rằng dù không phải là con ruột do mình đẻ ra nhưng mọi tình cảm yêu thương cô luôn dành hết cho con.
Trong lễ kỷ niệm 40 năm hôn nhân được tổ chức tại Pháp năm 2018, giáo sư Phương Oanh, một trong những người gieo mầm âm nhạc cổ truyền Việt Nam trên đất Pháp, đã dành tặng cho đôi vợ chồng Bạch Yến – Trần Quang Hải những lời mến mộ rất đẹp: “Anh chị là cặp đôi đẹp nhất trong làng văn nghệ mà chúng tôi biết. 40 năm qua, cả hai đã song hành, cùng mang đến cho khán thính giả nhiều quốc gia trên thế giới rất nhiều dư vị đẹp về âm nhạc dân tộc, về kiến thức văn hoá nghệ thuật, âm nhạc thế giới, nhất là nghệ thuật gõ muỗng, chơi kèn lá độc đáo”.
Nhân dịp này, giáo sư Trần Quang Hải cũng dành cho vợ những lời tri ân yêu thương và trân trọng:
“Khi biết mình bị ung thư máu, thời gian đầu tôi rất sốc. Cứ nghĩ sẽ không còn đủ thì giờ làm những việc cần làm cho bản thân, cho sự nghiệp. Nhưng bên cạnh tôi đã có Bạch Yến, người vợ hiền, người bạn chí cốt đồng hành cùng tôi qua biết bao gian nan, khó nhọc, đã động viên, an ủi để tôi có đủ nghị lực và nguồn sống mới, đối diện với bệnh tật và tìm phương thức điều trị. Bạch Yến lo lắng chu đáo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, lên kế hoạch để chúng tôi tiếp tục làm những công việc cần thiết. Nhờ đó, tôi đã vượt qua, vẫn đi dạy, nói chuyện về âm nhạc dân tộc và biểu diễn giao lưu với bạn bè, khán giả quốc tế. kỷ niệm 40 năm ngày thành hôn là dấu mốc quan trọng với đời người. Bạch Yến đã mang lại nguồn sống cho tôi, giúp tôi vượt qua tâm bệnh để vui sống”.
Giáo sư – tiến sĩ – nhạc sĩ Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại làng Linh Đông Xã, quận lỵ của quận Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định. Ông là con trai trưởng của giáo sư Trần Văn Khê và bà Nguyễn Thị Sương, cựu giáo sư Anh văn trường nữ trung học Gia Long.
Giáo sư Trần Quang Hải là hậu duệ đời thứ 5 của nhạc sĩ cung đình Huế, Trần Quang Thọ (1830-1890), đời thứ tư của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn tỳ bà, Trần Quang Diệm, đời thứ 3 của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn kìm và dây Tố Lan Trần Quang Triều (tự Bảy Triều).
Cha của Trần Quang Hải là giáo sư Trần Văn Khê – là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp, có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, và có công rất lớn trong việc quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.
Đến đời thứ 5, giáo sư Trần Quang Hải nối tiếp sự nghiệp của cha mình, trở thành nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc cổ truyền (ethnomusicologist – ethnomusicologue) chuyên về nhạc Việt, Á châu và hát đồng song thanh từ năm 1968, đồng thời cũng là thuyết trình viên, nhạc sĩ sáng tác, chuyên gia về sư phạm âm nhạc, và thành viên của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS – Centre National de la Recherche Scientifique).
Ngoài ra, giáo sư Trần Quang Hải còn mở ra một hướng đi riêng trong địa hạt trình diễn về nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc tùy hứng, nhạc đương đại cũng như phương pháp nghiên cứu thể nghiệm qua hát đồng song thanh.
Giáo sư Trần Quang Hải ra đời năm 1944. Đến năm 1949, giáo sư Trần Văn Khê quyết định sang Pháp du học về âm nhạc, do hoàn cảnh nên cha mẹ của ông đồng thuận không sống chung nữa, từ đó Trần Quang Hải và các em sống chung với mẹ.
Tại Pháp, để có tiền ăn học, giáo sư Trần Văn Khê lấy nghệ danh là Hải Minh để thu thanh 1 số bài hát cho hãng dĩa Oria của Pháp và đi hát ở quán bar của người Việt tên là Bồng Lai. Hải Minh là ghép từ 2 tên hai người con của ông là Trần Quang Hải và Trần Quang Minh.
Sau đây là những cột mốc trong cuộc đời giáo sư Trần Quang Hải do chính ông ghi lại:
- Từ 1954 đến 1961: Theo học trường trung học Pétrus Ký, Saigon.
- Từ 1955 đến 1961: Học tại trường quốc gia âm nhạc Saigon, tốt nghiệp vĩ cầm (lớp GS Đỗ Thế Phiệt)
- Năm 1961: Sang Pháp du học
- Từ năm 1963 đến 1970: làm việc tại Trung tâm nghiên cứu nhạc Đông phương (CEMO – Centre d’Etudes de Musique Orientale – Center of Studies for Oriental Music, Paris), theo học âm nhạc truyền thống của Ba Tư (Iran), Ấn độ (Inde), Trung Quốc (Chine), Nhật Bổn (Japon), Nam Dương (Indonesie), Đông Nam Á (Asie du Sud-Est), Việt Nam (Vietnam)
- Năm 1963: Học tại trường Ecole du Louvre, Paris
- Năm 1965: Lấy chứng chỉ Anh Văn (certificate of proficiency in English) tại University of Cambridge, Anh quốc.
- Năm 1965: Lấy chứng chỉ văn chương Pháp (certificat de littérature française) tại Université de Sorbonne, Paris.
- Năm 1967: Học cao học dân tộc nhạc học trường cao đẳng khoa học xã hội, Paris
1969, lấy chứng chỉ âm thanh học (certificat d’acoustique musicale) tại Paris. - Năm 1970: Lấy văn bằng cao đẳng nhạc Việt trung tâm nghiên cứu nhạc đông phương, Paris
- Năm 1973: Học tiến sĩ dân tộc nhạc học trường cao đẳng khoa học xã hội, Paris
- Năm 1989: Lấy văn bằng quốc gia giáo sư nhạc truyền thống, Paris.
Ngoài ra, từ năm 1965 đến năm 1966: Theo học lớp nhạc điện thanh (musique électro-acoustique) với giáo sư Pierre Schaeffer, người sáng lập loại nhạc điện tử ở Pháp.
Từ năm 1968 tới 2009, làm việc tại Viện dân tộc nhạc học của Viện Bảo Tàng Con Người (Département d’Ethnomusicologie du Musée de l’Homme) ở Paris (Pháp).
Từ năm 1968 tới 1987, làm việc ở Viện dân tộc nhạc học của Viện bảo tàng nghệ thuật và truyền thống dân gian (Département d’Ethnomusicologie du Musée des Arts et Traditions Populaires) ở Paris (Pháp)
Nghiên cứu sư của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS) ở Paris từ năm 1968. Từng là thành viên của nhiều ê-kíp nghiên cứu (RCP 178 – Recherche coopérative sur programme từ 1968 tới 1973 ; ER 65 – Equipe de recherche từ 1974 tới 1981 ; Laboratoire Associé từ 1974 tới 1987 ; UPR 165 – Unité Propre de Recherche từ 1982 tới 1985 ; UMR 9957 – Unité Mixte de Recherche từ 1986 tới 1997; UMR 8574 – Unité Mixte de Recherche từ 1997 tới 2004 ; UMR 7173 – Unité Mixte de Recherche từ 2005)
Từ 1970 tới 1975: ông là giáo sư đàn tranh của Trung tâm nghiên cứu nhạc Đông phương, Paris.
Trong suốt thời gian 60 năm hành nghề nhạc sĩ chuyên nghiệp, kể từ năm 1961, ông đã trình diễn trên 3.500 buổi cho khán giả Tây phương, trên 1.500 buổi diễn cho học trò trên thế giới do các cơ quan chính thức của Na Uy (Rikskonsertene), Bỉ (Jeunesses Musicales de Belgique), Thụy Sĩ (Jeunesses Musicales Suisses), Pháp (Jeunesses Musicales de France, Association départementale pour diffusion et initiation musicale – ADDIM).
Từ 1971, ông đã làm 15 dĩa 30cm / 33 vòng và 8 CD về nhạc cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là về đàn tranh. Nhiều sáng tác đã đưọc thu vào dĩa và được đăng trong các quyển tự điển Who’s Who in Music (từ năm 1987), Who’s Who in the World (từ năm 1981 ), và Who’s Who in France (từ năm 1997).
Với tư cách nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học, ông đã viết nhiều bài cho các tập san nghiên cứu nhạc học như The World of Music(UNESCO), Journal of Asian Music Society (Cornell University, Hoa Kỳ), Yearbook of the International Council for Traditional Music (ICTM, Hoa Kỳ), Cahiers de Musiques Traditionnelles (Thụy Sĩ ), Koukin Journal(Tokyo, Nhật Bản).
Ngoài ra, ông được mời dạy và thuyết trình tại hàng trăm trường đại học, trung tâm nghiên cứu và viện bảo tàng ở khắp năm châu.
Giáo sư Trần Quang Hải đột ngột qua đời vào một ngày cuối năm 2021, hưởng thọ 77 tuổi. Trước đó ông từng bị ung thư máu và nhiều bệnh khác như sưng phổi, suy thận và tiểu đường mãn tính.
Đôi nét về danh ca Bạch Yến, một trong những tên tuổi tiêu biểu của tân nhạc từ cuối thập niên 1950:
Danh ca Bạch Yến tên thật là Quách Thị Bạch Yến, sinh ngày 9/6/1942 tại quê mẹ là Sóc Trăng, trong gia đình có 8 người con, 3 gái và 5 trai. Cha mẹ cô là những người Việt làm ăn ở Nam Vang, xứ Cao Miên. Vì muốn các con có quê quán ở Việt Nam, mẹ của cô về Sóc Trăng sinh con khoảng vài tháng thì sang lại Nam Vang. Từ lúc nhỏ, Bạch Yến đã yêu âm nhạc và thường hát theo những bài nhạc Việt phát trên đài phát thanh. Dù bị cha ngăn cấm, nhưng cô vẫn được đi hát từ sớm nhờ sự khuyến khích của mẹ.
Tại Nam Vang, cô bé 8 tuổi Bạch Yến đã lần đầu tiên được đứng hát trên sân khấu hát bài Bến Cũ (nhạc sĩ Anh Việt), trong chương trình văn nghệ ủng hộ miền Trung bị lũ lụt của hội đồng hương người Việt tại Cao Miên tổ chức.
Khi Bạch Yến được 9 tuổi, cả nhà cô chuyển về sống ở Cần Thơ. Tại đây cô được theo học tiểu học Trường La Providence, Cần Thơ, và gia nhập đoàn thánh ca nhà thờ.
Năm 12 tuổi, sau biến cố gia đình, Bạch Yến đang từ một tiểu thư lá ngọc cành vàng đi học có xe hơi đưa đón, phải ra đời kiếm tiền phụ giúp mẹ bằng công việc đi hát ở đài phát thanh, sau đó lăn lộn với nghề biểu diễn mô tô bay, một công việc mà hiếm người dám thử. Năm 14 tuổi, cô trở lại đi hát, cố gắng hoá trang cho già dặn, rồi vào vũ trường, phòng trà xin làm ca sĩ. Chỉ một năm sau đó, 15 tuổi, Bạch Yến đã là một tên tuổi được yêu thích với hàng loạt nhạc phẩm lời Việt và cả Pháp, nổi bật nhất là nhạc phẩm Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
19 tuổi, khi đang là một ca sĩ đắt show tại Sài Gòn, Bạch Yến bất ngờ bỏ ngang công việc sang Pháp du học về thanh nhạc. Tại Paris, Bạch Yến vừa đi học vừa đi hát tại nhà hàng, đồng thời được hãng Polydor mời thâu đĩa và đi lưu diễn một số nơi tại Châu Âu. Năm 1963, sau khi hoàn thành khoá học thanh nhạc kéo dài 2 năm tại Paris, Bạch Yến quyết định trở về Việt Nam. Tuy nhiên, mối duyên của bà với khán giả ngoại quốc vẫn không hề dứt. Năm 1965, Bạch Yến lại tiếp tục được mời sang Mỹ biểu diễn cho chương trình Ed Sullivan Show, một show truyền hình ăn khách nhất nước Mỹ thời đó. Khi rời Sài Gòn đến Mỹ, chuyến đi của Bạch Yến chỉ dự định kéo dài trong 2 tuần tuy nhiên khi qua đến Mỹ, Bạch Yến liên tục nhận thêm nhiều lời mời biểu diễn khác biến chuyến đi ngắn ngày của cô thành chuyến đi dài suốt 12 năm lưu diễn khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia Nam Mỹ và Trung Mỹ. Cho đến nay, Bạch Yến là nữ nghệ sĩ Việt Nam duy nhất được mời trình diễn cùng hàng hoạt nghệ sĩ tên tuổi của Mỹ như Bob Hope, Pat Boone, Bing Crosby, Frankie Avalon,… và là ca sĩ người Việt duy nhất từng được mời hát trong phim điện ảnh của Hollywood.
Từ thuở thiếu nữ, Bạch Yến đã được nhạc sĩ tài hoa Lam Phương theo đuổi, trở thành mối tình trong âm nhạc nổi tiếng bậc nhất của làng nhạc Việt Nam với nhiều ca khúc được ra đời: Tình Bơ Vơ, Chờ Người, Thu Sầu… Trong suốt những năm tháng ở Mỹ, danh ca Bạch Yến từng được rất nhiều người đàn ông rất giàu có và quyền chức theo đuổi, săn đón, trong đó có cả người Việt lẫn người nước ngoài. Tuy nhiên, lúc nào Bạch Yến cũng khắc ghi 3 điều dặn dò của mẹ là: “Không được lấy chồng Tây, không được cắt tóc ngắn và cuối cùng là không được mặc bikini, dù là đi tắm”.
Bạch Yến từng yêu nhưng từ chối kết hôn với một người Mỹ là ông chủ của 6 đài truyền hình. Trong một lần trả lời phỏng vấn, cô nói rằng đã từng quyết định huỷ hôn vào phút chót khi thiệp mời cưới đã được phát ra vì không thể tin người mình sắp lấy làm chồng. Tuy nhiên nữ danh ca tài sắc lại nhanh chóng gật đầu với một người đàn ông kém mình 2 tuổi chỉ sau 1 ngày gặp gỡ, đó chính là giáo sư Trần Quang Hải, rồi gắn bó với nhau suốt 43 năm, cho đến khi giáo sư Trần Quang Hải qua đời vào ngày 29/12 năm 2021.
chuyenxua.net