Năm 1959, Đại hội Thể thao bán đảo Đông Nam Á chính thức được tổ chức lần đầu tiên tại Bangkok (Thái Lan). Ngay lần đầu đó, đội túc cầu (ngày nay gọi là bóng đá) đại diện cho Việt Nam khi đó là Miền Nam Việt Nam (tức VNCH) đã đạt giải nhất khi thắng đội chủ nhà Thái Lan 4-0 ở vòng loại và 3-1 ở trận chung kết ngày 17/12/1959 để đạt Huy chương vàng.
Thủ quân Phạm Văn Hiếu (giữa) cầm HCV vàng SEAP Games 1959 vừa được trao, Thái Lan HCB bên phải
Tròn 60 năm sau, đội banh nam của Việt Nam mới lặp lại được thành tích đó khi chiến thắng Indonesia 3-0 vào ngày 10/12/2019 trong trận chung kết SEA Games lần 30.
Đại hội thể thao Đông Nam Á lần đầu tiên năm 1959, khi đó chưa mang tên SEA Games, mà mang tên SEAP Games (South East Asian Peninsular Games), tức là Đại hội thể thao của bán đảo Đông Nam Á.
SEAP Games đầu tiên tổ chức năm 1959 tại Thái Lan có mặt VĐV của 6 nước sáng lập là Thái Lan, Myanmar (Miến Điện), Malaysia (Mã Lai Á), Singapore (Tân Gia Ba), Việt Nam và Lào (Ai Lao). Trước đó, tháng 10 năm 1958, quan chức của các nước này đã họp tại Nhật Bản và thống nhất tổ chức thường kỳ đại hội thể thao này. Việt Nam (do miền Nam Việt Nam đại diện) tham dự đủ các SEAP Games từ kỳ 1 đến kỳ 7.
Đến năm 1975, do tình hình chiến sự nên 3 nước Đông Dương đều vắng mặt, SEAP Games 8 tổ chức ở Thái Lan chỉ còn 4 nước dự tranh. Chính vì muốn tăng thêm sức cạnh tranh, Đại hội thể thao của khu vực năm 1977 đã kết nạp thêm 3 thành viên mới nằm ngoài bán đảo Đông Nam Á là Indonesia (Nam Dương), Philippines (Phi Luật Tân) và Brunei.
Cũng vì lý do này, chữ “bán đảo” (tên tiếng Anh là Peninsular) trong tên gọi của đại hội phải bỏ chữ “P” để có tên gọi mới là SEA Games từ Đại hội kỳ 9 tổ chức tại Malaysia năm 1977. Số kỳ 9 của đại hội mang tên SEA Games đầu tiên này được nối tiếp với số kỳ 8 cuối cùng của SEAP Games cũng là mong muốn của những người tổ chức, xem SEAP và SEA Games là một tổ chức thống nhất và hoạt động liên tục từ năm 1959 đến nay. Thực tế, thành tích thống kê về thành tích đồng đội và cá nhẫn lẫn số lần đăng cai tổ chức các nước thành viên đều được giữ từ đầu đến nay.
Khi tham dự SEAP Games năm 1959 và giành chức vô địch, đội banh của Miền Nam Việt Nam không di chuyển bằng máy bay mà đi đường bộ trong 1 ngày 2 đêm mới đến được địa điểm tổ chức là Bangkok – Thái Lan.
Cựu trung phong Hà Tam, một trong những thành viên của đội banh giành vinh quang năm đó kể lại:
“Tối 10/12/1959, đội banh cùng với VĐV các môn khác xuất phát từ Sài Gòn đi Thái Lan bằng đường bộ, đến thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) đoàn dừng ăn sáng rồi đi tiếp đến biên giới Thái Lan khoảng 18 giờ ngày 11 tháng 12. Sau khi ăn tối, tài xế cho xe chạy suốt đêm để 8 giờ sáng 12/12 có mặt ở Bangkok. Tiện nghi của xe đò lúc đó rất kém nên ai nấy đều mệt nhoài, bụi đường đất đỏ lấm đầy cả người và hành lý”.
Ở trên báo Thanh Niên, ông Hà Tam cho biết thành phần của đội tuyển VNCH khi đó rất mạnh với 7 tuyển thủ đã dự vòng chung kết giải túc cầu châu Á 1956 như Phạm Văn Rạng, Nguyễn Văn Cụt, Phạm Văn Hiếu, Lê Văn Hồ (tự Myo), Pierre Trần Văn Nhung, Đỗ Quang Thách và Nguyễn Văn Tư (Tư mũi tên vàng). Ngoài ra đội còn bổ sung 4 cầu thủ có trình độ không hề thua kém là Lê Văn Tỷ, Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Thới Vinh và trung phong Hà Tam (tức Há).
Đội hình thi đấu trận chung kết giành huy chương vàng SEAP Games 1959 – Hàng đầu từ trái: Nhung, Vinh, Há, Thách. Tư – Hàng 2: Thanh, Hiếu, Hồ – Hàng 3: Tỷ, Rạng, Cụt
Đây đều là những cái tên mà bất cứ người hâm mộ môn túc cầu nào ở Sài Gòn thập niên 1960 đều biết đến. Bởi họ đã có một giai đoạn cống hiến huy hoàng cho làng túc cầu của Việt Nam với chiến thuật khi đó là WM, từng quật ngã các đại diện mạnh như Israel, Thụy Điển (khi đó là á quân thế giới năm 1958, thua Brazil của “vua bóng đá” Pelé trong trận chung kết). Ông Hà Tam rất tự hào khi cùng với tập thể này làm nên những chiến công oai hùng.
Quá trình tham dự SEAP Games của đội banh Việt Nam năm 1959 được báo Thanh Niên đăng tải như sau:
Khi đội banh đến Bangkok, dù không có đủ thời gian hồi phục, nhưng bằng trình độ chuyên môn cao cộng với kinh nghiệm và nhiệt huyết, đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan 4-0 và Myanmar 3-0 một cách đầy thuyết phục. Vì đã sớm lọt vào trận chung kết nhờ có 2 chiến thắng cùng hiệu số bàn thắng bại cao (2 đội đứng đầu theo thể thức vòng tròn tính điểm và hệ số phụ giữa 4 đội sẽ tranh chung kết) nên trận cuối vòng bảng với Malaysia chỉ có tính thủ tục. Đội Việt Nam do ảnh hưởng bởi di chuyển đường bộ quá mệt nhọc, chỉ được nghỉ 1 ngày và phải đấu liền 2 ngày liên tiếp nên chủ động dưỡng sức. Kết quả đội Việt Nam thua Malaysia 1-2 nhưng cuối cùng vẫn đứng đầu vòng loại, vào chung kết với đội nhì bảng là Thái Lan.
Trong trận chung kết, tiền vệ Đỗ Thới Vinh đánh đầu mở tỷ số cho đội tuyển Việt Nam, sau đó Thái Lan đã gỡ hòa 1-1. Nhưng tiền đạo Đỗ Quang Thách và hậu vệ Lê Văn Tỷ đã ghi thêm 2 bàn giúp đội tuyển Việt Nam giành chiếc HCV của kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên. Có một chi tiết ít người biết rằng, bên cạnh tấm HCV SEAP Games, đội tuyển Việt Nam thời bấy giờ rất thành công với đội hình thi đấu 4-2-4.
Đỗ Thới Vinh – người mở tỉ số trận chung kết SEAP Games 1959
Chiếm lĩnh 2 vị trí quan trọng ở giữa sân là Nguyễn Ngọc Thanh và Đỗ Thới Vinh, đây cũng chính là 2 danh thủ giúp túc cầu Việt Nam gây tiếng vang trong một thời gian dài, trong đó, có cả chức vô địch Merdeka Cup năm 1966.
Có một điều rất đặc biệt là đội tuyển túc cầu của Việt Nam đoạt HCV ở SEAP Games 1959 khi thi đấu mà không hề có HLV hay chỉ đạo viên. Danh thủ Hà Tam kể lại: “Hồi ấy còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nên làm gì có HLV giỏi để chỉ đạo chiến thuật như bây giờ. Anh em toàn tự bảo ban nhau thi đấu. Trên sân cỏ, đội trưởng là nhân vật có uy tín nhất và cũng là người đưa ra các đấu pháp chiến thuật thi đấu trên sân. Tất nhiên, ý tưởng của những người được đeo băng đội trưởng đều được anh em nhất nhất tuân theo. Đội trưởng ban đầu là Phạm Văn Hiếu, sau là Nguyễn Ngọc Thanh”.
Ông Hà Tam còn kể lại hành trình trở về nước sau khi kết thúc giải như sau: “Đi thì hai đêm một ngày, còn về thì bớt đi một đêm. Nhưng về thì đường cũ vẫn có nhiều ổ gà, xe vẫn bị xốc như lúc đi, chúng tôi phải chia nhau ôm chặt chiếc cúp vàng mới nhận. Ai nấy chuyền tay nhau xem chiếc Cúp như báu vật và không muốn nó bị lọt ra ngoài khi cả đoạn đường dài di chuyển, chiếc xe cứ xốc lên xốc xuống khiến hàng hóa mà mọi người mua về lăn long lóc trên sàn xe. Đến khi xuống xe, ai nấy đều đi không nổi, vì vừa ôm chặt chiếc Cúp, vừa giữ tất cả những kỷ vật kèm theo dành cho chức vô địch cộng thêm hành lý đè lên chân nên … cặp giò của bất cứ người nào cũng bị tê cứng!”
Đội hình đội banh Việt Nam đoạt vô địch SEAP Games 1 – 1959
+ 17 cầu thủ: Gồm 2 thủ môn: Phạm Văn Rạng và Trần Văn Ðực – 2 hậu vệ: Lê Văn Tỷ và Nguyễn Văn Cụt – 4 tiếp ứng: Nguyễn Ngọc Thanh, Phạm Văn Hiếu, Lê Văn Hồ (tự Myo) và Lâm Văn Bon – 9 tiền đạo: Trần Văn Nhung (tự Pierre), Ðỗ Thới Vinh, Hà Tam (tự Há), Đỗ Quang Thách, Nguyễn Văn Tư, Trần Bá Tỷ, Lý Văn Rỏn, Nguyễn Văn Còn và Nguyễn Thành Sự.
Một số cầu thủ miền Nam VN vô địch SEAP Games 1959 – Hàng đứng từ trái: Tỷ (thứ 2), Thanh (3), Rạng (5), Hiếu (7), Hồ (8) – Hàng ngồi: Nhung (2), Thách (3), Vinh (4), Tư (8)
+ Thể thức thi đấu: Môn túc cầu có 4 nước dự là Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Malaysia thi đấu vòng tròn ở vòng loại, 2 đội cao điểm nhất vào đấu trận chung kết.
+ Kết quả vòng loại:
- Malaysia 2 – 1 Myanmar
- Việt Nam 4 – 0 Thái Lan
- Việt Nam 3 – 0 Myanmar
- Thái Lan 3 – 1 Malaysia
- Việt Nam 1 – 2 Malaysia
- Thái Lan 5 – 1 Myanmar
+ Xếp hạng vòng loại:
- Việt Nam
- Thái Lan
- Malaysia
- Myanmar
+ Chung kết tối 17.12.1959: Việt Nam 3-1 Thái Lan
Ngoài chức vô địch SEAP Games năm 1959, một thành tích vang dội khác của đội banh Miền Nam Việt Nam là Vô địch Giải túc cầu Merdeka của Malaysia lần thứ 10 năm 1966 với các trận thắng: Thắng Singapore 2-1, Thắng Nhật 2-0, thắng Đài Loan 3-0 và thắng Miến Điện 1-0 trong trận chung kết. Đội trưởng đội VNCH lúc đó là Phạm Huỳnh Tam Lang – chồng cũ của nghệ sĩ Bạch Tuyết.
Một điều đặc biệt là Huấn luyện viên của đội tuyển VNCH vô địch giải này là ông Karl-Heinz Weigang người Đức, khi đó mới 31 tuổi.
29 năm sau, vào năm 1995, lần thứ 3 đội tuyển bóng đá của Việt Nam thống nhất tái gia nhập SEA Games, và cũng chính ông Weigang đã trở lại và giúp đội Việt Nam giành huy chương bạc SEA Games Chiang Mai năm 1995 – Một giải đấu rất đáng nhớ với người Việt Nam 25 năm trước.
Vào thập niên 1970, do ảnh hưởng của chiến tranh nên đội banh của VNCH không còn mạnh và nhiều lần thất bại trước các đội banh trong khu vực Đông Nam Á.
Lâu nay vẫn có thông tin cho rằng trước năm 1975, đội banh VNCH vươn tầm châu lục, vượt xa các đội Nhật, Hàn… Tuy nhiên công bằng mà nói, đội banh VNCH chỉ thực sự mạnh vào khoảng thập niên 1960 với 2 chức vô địch như đã nói ở trên. Ngoài ra, khi đối đầu với đội banh Nhật Bản, VNCH đã thắng 3 trận nhưng cũng để thua 4 trận, và chưa bao giờ thắng được đội Hàn Quốc. Ngoài trận thắng Miến Điện năm 1966 để giành chức vô địch Merdeka, các trận khác thì VNCH đều bại dưới tay đội Miến Điện. Cụ thể là:
SEAP Games 1961, thua Miến Điện 1-2 ở bán kết.
SEAP Games 1967, thua Miến Điện 1-2 ở chung kết.
SEAP Games 1973, thua miến Điện 2-3 ở chung kết
…
Ngoài chức vô địch SEAP Games năm 1959, đội Miền Nam Việt Nam vẫn tham dự SEAP Games ở các năm tiếp theo nhưng không thể lên ngôi lần nữa, điều đó cho thấy là đội banh VNCH không thể hiện được sự vượt trội so với các đối thủ trong khu vực.
Tuy nhiên, đã có thời điểm đội banh Miền Nam Việt Nam sở hữu những tài năng kiệt xuất và được vinh danh trong các đội hình tiêu biểu của Châu Á. Điển hình là Phạm Huỳnh Tam Lang, Đỗ Thới Vinh, Phạm Văn Rạng…
Phạm Huỳnh Tam Lang và Bạch Tuyết trong ngày cưới
Các thiếu nữ Nhật vây quanh thủ môn Phạm Văn Rặng để xin chữ ký
nhacxua.vn biên soạn
Nguồn: thanhnien.vn, bongdaplus.vn