Danh ca Thái Thanh được nhiều tầng lớp khán giả và hầu hết các nghệ sĩ, giới nghiên cứu âm nhạc xưng tụng là tên tuổi lớn nhất trong số những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam. Ngay từ đầu thập niên 1970, Thái Thanh đã được nhà văn Mai Thảo gọi là “Tiếng hát vượt thời gian”, và danh hiệu này đã đi liền với cuộc đời và sự nghiệp của bà. Ngoài ra, Thái Thanh cũng được xưng tụng là “đệ nhất danh ca” của âm nhạc Việt Nam.
Click để nghe bài đọc về cuộc đời và sự nghiệp danh ca Thái Thanh
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bất kỳ ai cũng thấy Thái Thanh hát hay, thậm chí là ngược lại, có kha khá người “không nghe nổi” trọn một bài hát nào của Thái Thanh. Như vậy có nghĩa là danh xưng “tiếng hát vượt thời gian” hay là “đệ nhất danh ca” đó không thuyết phục được tất cả mọi người, mà chỉ đúng với những ai yêu mến giọng hát Thái Thanh.
Nói cách khác, theo lời của tác giả Ấu Lăng trong một bài viết, thì có lẽ giọng hát của nữ danh ca này chỉ thích hợp cho những người chuộng các “âm tần cao” và quen với sự “cường độ biểu cảm (đặc biệt là bi cảm) lớn”.
Click để nghe nhạc Thái Thanh trước 1975
Tiếng hát Thái Thanh thường được những người lớn tuổi tán thưởng, đó là những người cùng thời, hoặc ít nhất là đã từng quen với không khí âm nhạc Sài Gòn trước 1975. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là giới trẻ không yêu thích giọng hát Thái Thanh. Có rất nhiều người thuộc thế hệ 8x, 9x, thậm chí là 2k sau này vẫn xem bà là một thần tượng, và phần lớn trong số đó cũng nói rằng ban đầu đã từng không thích, hoặc không thể nghe được Thái Thanh hát, nhưng khi đã nghe được, thấm được, thì bắt đầu say mê giọng hát vút cao đó. Một số người còn nói rằng nếu đã nghe qua Thái Thanh hát một ca khúc nào đó rồi thì sẽ không thấy người khác hát bài đó hay nữa.
Tiếng hát Thái Thanh có thể ví như một “đặc sản”, ai yêu thích thì sẽ nghiện, còn nếu đã không có sự đồng điệu thì không thể gượng ép để mà nghe được, dù chỉ là một câu, một nốt nhạc.
Vì vậy, không thể phủ nhận là có khá nhiều người “chê” giọng hát Thái Thanh, tuy nhiên số lượng người yêu mến bà thì lớn hơn gấp nhiều lần, và trong số đó không bao giờ thiếu những tên tuổi lớn, bao gồm cả những người trong nghề, am hiểu nhạc thuật, hoặc là nghiên cứu lâu năm về âm nhạc, đó là những tên tuổi lớn như nhạc sĩ Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Nguyễn Đình Toàn, nhạc sư Nghiêm Phú Phi…, các nhà văn, nhà thơ lớn như Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Du Tử Lê, Nguyên Sa… Đó đều là những “cây đa, cây đề” của làng nghệ thuật miền Nam, lời nói của họ có trọng lượng rất lớn, và không phải ngẫu nhiên mà tất cả họ đều nhất loạt ca tụng danh ca Thái Thanh, nếu như giọng ca ấy không xứng đáng với điều đó.
Để giải thích thêm về vấn đề này, xin trích một đoạn trong bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh nhan đề: “Thái Thanh – Tạ ơn tiếng hát khai tâm” như sau:
Tiếng hát của Thái Thanh không những là những bài học về thưởng thức tinh tế cho nhiều thế hệ, mà còn là lời khai tâm cho tình dân tộc, đủ sức âm vang đến tận mai sau. Nghe và cảm nhận được tiếng hát Thái Thanh không dễ dàng, cũng tương tự như để sống là một người Việt đủ nghĩa chưa bao giờ là chuyện đơn giản.
Ngay cả trong giới sinh viên Nhạc viện, thậm chí là sinh viên thanh nhạc, cũng không phải ai cũng tiếp nhận được tiếng hát Thái Thanh. Để thưởng thức nhanh, những người học nhạc chúng tôi thường chia nhau giọng hát của những người thuộc hàng con cháu của bà như Thái Hiền, Duy Quang, Khánh Hà hoặc Ý Lan… chứ không thể bước ngay vào thánh đường âm nhạc của bà. Giọng hát của Thái Thanh kiêu hãnh như vậy đó. Hoặc để người tìm tới và chiêm ngưỡng, hoặc là cứ bước qua vô tình chứ không thể nhận mình tiếng hát giải trí đơn giản.
Trong làng nhạc Việt Nam, ngoài Thái Thanh ra, có lẽ là không còn ai khác có được sự ngưỡng mộ tuyệt đối từ hầu hết những ca sĩ khác. Người ta thường nói “con gà tức nhau ở tiếng gáy”, và những cô ca sĩ đôi khi không tránh khỏi việc có những sự tị hiềm với nhau, nhưng nhắc tới Thái Thanh, thì tất cả mọi ca sĩ khác, từ vô danh đến bậc danh ca, đều bày tỏ sự ngưỡng mộ của họ.
Năm 1970, nhân chuyến tham dự khai mạc Hội Chợ Osaka, Nhật Bản, danh ca Lệ Thu đã trả lời phỏng vấn của báo chí như sau: “Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục!”.
Còn Khánh Ly cũng đã từng nói đại ý rằng: “Thái Thanh là ngọn hải đăng của tôi… Ngày ấy, mọi ca sĩ đều kính nể và tôn trọng chị Thái Thanh”.
Một lần khác, cũng Khánh Ly, đã nói: “Kể ra, trên thế giới, diva không nhiều lắm đâu, còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh”.
Những ca sĩ như Khánh Ly hay Lệ Thu, dù là danh ca bậc nhất, nhưng xét cho cùng thì cũng là thế hệ sau của Thái Thanh, nên cũng khó có thể so sánh. Còn nếu như nhìn lại những danh ca cùng thời với Thái Thanh, như là Châu Hà, Kim Tước, Mộc Lan, Ánh Tuyết, hoặc thế hệ trước đó, như Minh Đỗ, Ái Liên, rồi Minh Trang, Minh Diệu, dù đều là những danh ca được ngưỡng mộ, nhưng tất cả họ đều không thể so với Thái Thanh về vị thế trong làng tân nhạc Việt.
Về mặt kỹ thuật thanh nhạc, thì các nữ danh ca thế hệ thập niên 1940-1950 kể trên đều ở mức thượng thặng, họ đều sở hữu giọng hát chuẩn mực và hát tốt dòng nhạc thính phòng, nên khó có thể so sánh là ai hát kỹ thuật hơn ai. Nhưng nếu xét về vấn đề cảm xúc, thì có thể khẳng định Thái Thanh làm tốt nhất việc thể hiện được tình cảm ngập tràn trong từng câu chữ, thậm chí đôi khi có phần thái quá, nên mạch cảm xúc thường được đẩy lên đến cao trào, người nào nghe không quen thì thấy không thích. Nhưng một khi đã quen với điều đó rồi, thì khán giả sẽ thấy rằng mình không chỉ là đang nghe nhạc bằng tai, mà còn cảm được bài hát bằng cả trái tim, và dường như là tất cả những tâm tình mà nhạc sĩ muốn nói đều được người ca sĩ truyền tải một cách trọn vẹn nhất.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Thái Thanh là người tiên phong trong việc kết hợp giữa hai cách hát “đóng – mở” của Á và Âu. Đó là kiểu hát Bel Canto hay kiểu hát phô diễn âm giọng của những nghệ sĩ Opera, cùng với kiểu hát nỉ non, da diết, diễm tình của âm nhạc dân tộc. Có lẽ vì sự kết hợp độc đáo này mà rất nhiều nhạc phẩm qua sự thể hiện của Thái Thanh trở nên vừa diễm tình, vừa kiêu hãnh và truyền cảm.
Click để nghe tuyển tập Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy trước 1975
Danh ca Thái Thanh không chỉ được ngưỡng mộ ở tài năng, giọng hát, mà người ta còn nể trọng lối sống chuẩn mực, không bị khuất phục trước cường quyền, cũng như phong thái, cách ứng xử chân tình với đồng nghiệp và thế hệ đi sau. Ở ngoài đời, Thái Thanh là một người chỉn chu, khá kiệm lời, và ở trên sân khấu hoặc trong phòng ghi âm, bà là một người cực kỳ khó tính, luôn đòi hỏi những điều thật hoàn hảo. Đã có nhiều người từng hợp tác trong công việc kể về sự khó tính đó của Thái Thanh, nhưng chưa thấy ai nói rằng họ cảm thấy không hài lòng với sự khó tính đó, vì ai cũng biết rằng nhờ khó tính như vậy mà giọng hát của bà tiệm cận đến sự hoàn hảo và có giá trị lâu dài với thời gian.
Sau đây xin trích dẫn những lời nhận xét của những người nổi tiếng nói về tiếng hát Thái Thanh:
Trích Nẻo về của ý – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
…Rồi mấy tuần sau đó, tại đường Doudeauville Ba Lê, họp mặt với các bạn sinh viên bên đó, tôi được vặn cho nghe vài bản nhạc Việt Nam của ban Thăng Long trình diễn. Và trong một giây phút nào đó, nghe giọng cô Thái Thanh, tôi bỗng thấy hiện ra rõ rệt tất cả những cordes vocales nơi cổ họng của cô ca sĩ nổi tiếng mà tôi rất ưa chuộng.
Tôi thấy được hết những hạch tuyến nơi cổ họng, những tế bào, những bộ phận lớn nhỏ đã phụ họa với nhau để phát ra những âm thanh trong, ấm, thanh tao và diệu kỳ kia.
Nhạc sĩ Phạm Duy:
Thái Thanh khởi sự làm mê hoặc lòng người bằng giọng hát hãy còn rất mỏng của cô bé 17 tuổi. Bước vào nghề hát ở tuổi dậy thì, dù chẳng theo học một lớp dạy hát nào, Thái Thanh rất thông minh để không phát âm theo kiểu rung mạnh (giọng lồng ngực) như Minh Đỗ hay kiểu đổ hột (giọng cổ họng) như Ái Liên. Thái Thanh có lối hát rất Việt Nam, nghĩa là nhấn giọng vào từng chữ, giống như lối hát dân ca, hát chèo, hát chầu văn. Giọng cô là giọng Thương Huyền được tăng trưởng vì bao trùm 2 bát độ đứng giữa 2 giọng nữ cao và nữ trung, nghĩa là có rất nhiều khả năng hơn tất cả các nữ ca sĩ đương thời. Hát Tình Ca, Tình Hoài Hương của tôi âm vực rất rộng, tôi soạn ra cốt để cho Thái Thanh hát và chỉ có cô mới hát nổi những nốt trầm (sòn) hoặc rất cao (són) của hai nhạc phẩm này. Từ đó trở đi, đa số ca khúc của tôi đều dựa vào khả năng giọng hát Thái Thanh.
Giọng hát Thái Thanh, một giọng hát diễm tuyệt: Tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước.
Nhà nghiên cứu Thụy Khuê:
Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Ðạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ. Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ.
Thái Thanh, ngoài giọng hát điêu luyện phong phú mở rộng trên nhiều cung bậc, còn có nghệ thuật làm nổi bật lời ca trong nhạc khúc và tạo ra một khí hậu, một tâm cảnh chung quanh bài hát. Nghe Thái Thanh hát là thưởng thức một khúc nhạc, một bài thơ, trong một thế giới nghệ thuật trọn vẹn. Giọng hát xoắn sâu, xoáy mạnh vào tâm tư người nghe, khi lâng lâng, khi tê buốt, sai khiến tâm tư vươn lên, hay lắng xuống.
Nhạc sĩ – nhà văn Nguyễn Đình Toàn:
Trong một nửa thế kỷ qua, tiếng hát Thái Thanh đã gắn liền với vận mạng của xứ sở. Người ta nghe tiếng hát ấy trong mọi hoàn cảnh, vui cũng như buồn. Có thể nói, âm nhạc Việt Nam biến đổi theo lịch sử đến đâu, có tiếng hát Thái Thanh đến đó…
(…)
Có người cho rằng nếu Thái Thanh được cơ hội may mắn là có Phạm Duy viết nhạc để cổ trình bày, thì ngược lại, giọng ca Thái Thanh cũng chính là giọng ca đã làm cho nhạc Phạm Duy lên cao và bay xa.
Tình ca của một người đối với người yêu còn đó hay đã mất, gói kín trong những ca khúc này đã đốt ấm giọng ca Thái Thanh, làm cho nó trở nên có hơi thở, có da thịt của đời sống, chứ không phải chỉ có trí óc và tưởng tượng…
Nhà văn Mai Thảo viết năm 1971:
Tốt tươi và phơi phới, bay bổng và cao vút, tiếng hát Thái Thanh hai mươi năm nay là một hơi thở bình minh, ở đó không có một dấu vết nhỏ của tháng năm và quá khứ đè nặng. Đã là một giòng sông đầy, nó vẫn còn là cái thánh thót, cái trong vắt của một giòng suối, nước reo thủy tinh, sỏi lăn trắng muốt. Như một bông hoa không nở và tàn trong một buổi sáng, mà hoa đã mãn khai, vẻ hàm tiếu vẫn còn. Tiếng hát trẻ trung vĩnh viễn, không tuổi, không quá khứ là vì nó tạo mãi được cho người nghe cái cảm giác mát tươi đầu mùa như vậy. Cái não nùng, cái thê thiết rũ rượi là những cái làm già. Thái Thanh không hát cái chết bao giờ, trong cả những ca khúc nói về cái chết. Tiếng hát không bao giờ là một tiếng khóc, nó là đời sống, tiếng cười, và mặt trời. Những cái đen, những cái tối, gì là vũng lầy, gì là vực thẳm, ở ngoài tiếng hát Thái Thanh.
Georges Etienne Gauthier:
Sau khi nghe nàng hát, có khi chúng ta cảm thấy nơi chính mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là niềm “nhớ nhung cõi trời” -mà Beaudelaire đã nói- dù sao giọng hát Thái Thanh vẫn không phải là giọng u buồn. Giọng Thái Thanh là một giọng ca hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng hát của hạnh phúc nói chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng nghe… Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu. ”
Nhà văn Hồ Trường An:
Tiếng hát của Thái Thanh trong và tỏa ngời ánh sáng. Bản chất giọng hát của nàng là kim cương quý báu: Âm lượng dồi dào, âm sắc bén ngót và ngọt ngào, làn hơi dũng mãnh, phong phú… Giọng hát đó cộng thêm sự diễn tả truyền cảm đã làm nên một tên tuổi Thái Thanh.
Ca sĩ Quỳnh Giao:
Thái Thanh có tiếng hát đẹp, như trường hợp của Kim Tước hay Ánh Tuyết, Mộc Lan, Châu Hà. Nhưng Thái Thanh lại khác hẳn mọi người ở khả năng phát âm rất rõ lời. Thái Thanh có sự bén nhạy thiên phú để hát mạch lạc từng câu từng chữ, với âm sắc hoàn toàn Việt Nam. Cái “hồn Việt” chúng ta nói đến trong tiếng hát của bà được bắt gặp trước tiên ở cách hát cho rõ lời. Cũng vì vậy, đòi Thái Thanh hát nhạc ngoại quốc là chưa bắt được cái “thần” của bà. Thái Thanh là người hoàn toàn Việt Nam từ cốt tủy, và hát hay nhất các ca khúc về mẹ.
Lời tự sự của Thái Thanh:
Người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa, miền Trung, miền Nam, miền Bắc.
Đầu thập niên 1970, nhạc sĩ Văn Phụng thực hiện các băng nhạc chủ đề Tơ Vàng, cuốn số 4 của băng Tơ Vàng có chủ đề tiếng hát Thái Thanh cùng với lời bạt của nhà văn Mai Thảo. Đọc lại lời giới thiệu này của Mai Thảo, độc giả sẽ hình dung được phần nào tầm ảnh hưởng của giọng ca Thái Thanh tại miền Nam vào thời điểm năm 1971, khi Thái Thanh đã đi hát được khoảng 20 năm.
[…]
Click để nghe giọng hát Thái Thanh trong Băng Tơ Vàng 4
Bao nhiêu năm nay, mỗi lần nghe tiếng hát Thái Thanh, từ một ca khúc tiền chiến như hơi thở tuyệt vời duy nhất còn lại của một thời đã mất, đến những bài hát mới, phản ảnh sinh động cái hơi thở trăm lần đầm ấm hơn của âm nhạc bây giờ, tôi không khám phá mà chỉ thấy trở lại trong tâm hồn và thẩm âm của mình một số rung động và liên tưởng cố định.
Những rung động ấy đã có từ lâu, những liên tưởng ấy từ đầu đã có. Chúng có từ Thái Thanh với bài hát thứ nhất, và nguyên vẹn như thế cho đến bây giờ. Chẳng phải vì con người thưởng ngoạn âm nhạc trong tôi không có những thay đổi. Cũng chẳng phải vì tiếng hát Thái Thanh là một thực thể âm nhạc bất biến và bất động, không có những thay đổi.
Đã hai mươi năm Thái Thanh hát. Lịch sử âm nhạc ta đã được đánh dấu bằng cái hiện tượng khác thường, duy nhất, là Thái Thanh tiếng hát hai mươi năm. Nếu mỗi con người, mỗi vật thể đều được thực chứng như một biến thái thường hằng trước va chạm khốc liệt dữ dội với đời sống mỗi ngày là một khuôn mặt mới, một tiếng hát, dẫu vượt thời gian như tiếng hát Thái Thanh cũng vậy. Bằng chứng là Thái Thanh của những năm bảy mươi, Thái Thanh của bây giờ không thể và không còn là Thái Thanh của những năm tháng khởi đầu.
Mọi người dễ dàng nhận thấy như tôi là, chuyển lưu không ngừng qua nhiều vùng trời âm điệu khác biệt, hòa nhập không thôi vào mọi không khí, trào lưu âm nhạc và trình diễn thay đổi từng năm, từng mùa như mưa nắng, chính tâm hồn và ý thức người hát, trong mối liên hệ mật thiết một đời với nhạc, thế tất có những biến chuyển. Tiếng hát vì thế cũng đổi thay theo. Nói Thái Thanh hát bao giờ cũng vậy là sai. Lấy một bài hát bây giờ, một bài hát trong mười bốn ca khúc của băng nhạc Tơ Vàng chẳng hạn, cùng nghe với một bài hát cũ, ta thấy ngay, trên cái tiến trình và thành tựu rực rỡ của hai mươi năm đi tới không ngừng, tiếng hát Thái Thanh đang đích thực được lồng đựng trong một kích thước, một tinh thần mới. Sự thay đổi đó không ngẫu nhiên, chẳng tình cờ. Nó biểu hiện cho cái nỗ lực chính yếu của người hát tuyệt nhiên không bao giờ muốn ngủ yên trên những thành công đã có.
Hát với Thái Thanh là một tình yêu muốn cháy đỏ một đời, phải được làm mới từng ngày. Lối hát, cách hát, từ kỹ thuật trình bầy một ca khúc đến cái khó nhận thức hơn, vì ở bên trong, nhưng không phải là không thấy được, là trạng thái tâm hồn Thái Thanh gửi cho âm nhạc, cái phải có và phải thế nào cho tiếng hát của mình bây giờ, trước trưởng thành vượt bậc của âm nhạc và thưởng ngoạn hiện tại, thảy đều dẫn tới một minh chứng: Thái Thanh của những năm bảy mươi đã bỏ lại thật xa ở sau lưng và trong quá khứ, Thái Thanh của thời kỳ khởi nghiệp. Không nhận thấy nỗ lực thay đổi, làm mới này, đó chỉ là vì những người yêu nhạc đã nghe Thái Thanh đều đặn, không đứt quãng, suốt hai mươi năm. Nhìn thấy hoài một khuôn mặt quen thuộc, giản đơn là ta khó thấy những thay đổi của khuôn mặt ấy.
Điểm đặc biệt đáng nói, theo ý tôi, là nếu một mặt, tiếng hát Thái Thanh đã và đang còn vươn phóng rực rỡ tới bắt gặp những chân trời âm điệu mới, phía thưởng ngoạn và tiếp nhận ở rất nhiều người, trong đó có tôi, lại bất biến, từ đầu, không thay đổi. Hai mươi năm, chúng ta vẫn chỉ thấy có một Thái Thanh. Sự ngạc nhiên lại chính là cái hiện tượng muôn vàn quen thuộc. Tại sao như vậy? Tìm hiểu tiếng hát Thái Thanh, cái bởi đâu khiến cho tiếng hát hàng đầu này tồn tại suốt hai mươi năm, trong khi những tiếng hát khác đã tiếp nối nhau lặn chìm và tàn tạ. Cái tại sao, khiến cho sau hai mươi năm, khối lượng cảm tình của khán giả yêu nhạc cả nước dành cho Thái Thanh vẫn đầy ắp như một bát nước đầy, tìm hiểu đó phải được khởi đi từ cái hiện tượng khác thường của thưởng ngoạn tôi vừa nói tới. Nó giải thích được cho cái trường hợp thành tựu duy nhất trong âm nhạc ta. Của một tiếng hát.
Ở một bài giới thiệu ngắn trong một chương trình Nhạc Chủ Đề thực hiện trước đây trên làn sóng điện đài Saigon, nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã nhận định về tiếng hát Thái Thanh như một giọng ca không có tuổi. Táng láng, hồng tươi, không quá khứ. Nhận định này chỉ nói đến một sự thực hiển nhiên. Tốt tươi và phơi phới, bay bổng và cao vút, tiếng hát Thái Thanh hai mươi năm nay là một hơi thở bình minh, ở đó không có một dấu vết nhỏ của tháng năm và quá khứ đè nặng. Đã là một giòng sông đầy, nó vẫn còn là cái thánh thót, cái trong vắt của một giòng suối, nước reo thủy tinh, sỏi lăn trắng muốt. Như một bông hoa không nở và tàn trong một buổi sáng, mà hoa đã mãn khai, vẻ hàm tiếu vẫn còn. Tiếng hát trẻ trung vĩnh viễn, không tuổi, không quá khứ là vì nó tạo mãi được cho người nghe cái cảm giác mát tươi đầu mùa như vậy. Cái não nùng, cái thê thiết rũ rượi là những cái làm già. Thái Thanh không hát cái chết bao giờ, trong cả những ca khúc nói về cái chết. Tiếng hát không bao giờ là một tiếng khóc, nó là đời sống, tiếng cười, và mặt trời. Những cái đen, những cái tối, gì là vũng lầy, gì là vực thẳm, ở ngoài tiếng hát Thái Thanh. Ở ngoài. Không đột nhập.
Nhưng nếu chỉ nói đến cái hiện tượng không có tuổi nằm trong một phía duy nhất là tiếng hát, không đủ. Không có tuổi còn ở phía đối diện, phía người nghe. Nghe Thái Thanh lúc nào cũng vậy, phút rất vui cũng như phút thật buồn. Nghe Thái Thanh ở một nơi chốn nào cũng thế, tiếng hát hàm chứa và phát hiện trong nó một hiệu lực đồng hóa, khiến cho tình yêu của hàng trăm ngàn người gửi cho tiếng hát Thái Thanh có thể thâu tóm toàn vẹn trong một người, trở thành cái có một. Trên dàn nhạc một phòng trà kín bưng mịt mùng khói thuốc, trên thảm cỏ một chương trình từ thiện ngoài trời, ngày nào dưới cái vòm cao vút của Nhà Hát Lớn Hà Nội, bây giờ dưới những đêm sao rực rỡ miền Nam, trên băng nhạc 1800 “phít” hay trên dĩa nhựa 45 vòng, tiếng hát gửi đến, gián tiếp, hay người hát đối diện trực tiếp với đám đông, bằng nhạc Văn Cao, Phạm Duy hay nhạc Hoài Bắc, Cung Tiến, hiệu năng đồng hóa và hiệu lực dẫn độ của tiếng hát Thái Thanh, vĩnh viễn phát xuất từ một khởi điểm tình cảm cố định. Nó dẫn dắt rung động người nghe hát tới những xúc cảm, những liên tưởng cố định. Không một người nào “lỡ” tiếng hát Thái Thanh. Đã gặp một lần là trùng phùng mãi mãi. Chẳng phải vì Thái Thanh đã hát hai mươi năm, còn hát, chỉ đơn giản là chúng ta đã nghe bằng cái trạng thái thuần túy, trong suốt nhất của thưởng ngoạn, nghe bằng cái không tuổi thênh thang phơi phới của mình. Tôi gọi vùng cảm xúc và liên tưởng cố định ấy là quê hương tiếng hát Thái Thanh. Như cây kim trong địa bàn chỉ xoay về hướng bắc, người nghe nào cũng gặp lại, bằng và với tiếng hát Thái Thanh, một thứ quê hương tình cảm muôn thuở trong mình. Chúng ta nói tiếng hát này gợi lại kỷ niệm, đánh thức trí nhớ, đâu phải vì tiếng hát Thái Thanh chỉ hát những bài hướng về kỷ niệm. Chúng ta nói tiếng hát Thái Thanh thân ái, tình nhân, bằng hữu, chỉ là người nghe đã thân ái, bằng hữu, tình nhân với chính mình, từ tiếng hát. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân xâu xa đích thực nhất giải thích chu đáo cho khối lượng cảm tình đằm thắm, vững bền, không lạt phai, không lay chuyển, mà quần chúng yêu nhạc ba miền đã dành cho Thái Thanh từ hai mươi năm nay.
Đặt vào tiến trình và hình thành của âm nhạc Việt Nam những năm bảy mươi, tiến trình đó nhất định phải đưa tới một đoạn tuyệt hoàn toàn với những giòng nhạc cũ, hình thành đó tất yếu sẽ nâng đẩy âm nhạc tới những biểu hiện sinh động bay múa nghìn lần hơn cõi nhạc quá khứ, tiếng hát Thái Thanh, hơn mọi tiếng hát khác ở điểm này, hội đủ điều kiện cho một thăng hoa và một hòa nhập lý tưởng. Bởi sau hai mươi năm, nó vẫn là một ra khơi, một lên đường, của những năm bảy mươi và cho những năm bảy mươi, âm nhạc đang được định nghĩa lại, từ phía sáng tác, trình diễn, đến phía thưởng ngoạn. Trước đòi hỏi của một lớp người yêu nhạc càng ngày càng vươn tới những vùng nghệ thuật đích thực, những bước tiến lớn lao ghi nhận được về nghệ thuật hoà tấu, kỹ thuật hoà âm chúng ta thấy thể hiện trong một băng nhạc bây giờ, là những dấu hiệu mở đầu cho một trưởng thành toàn diện.
Tiếng hát Thái Thanh là một đồng nghĩa toàn vẹn với hiện tượng trưởng thành này. Không phải là trong quá khứ, mà bây giờ mới vẹn toàn tiếng hát Thái Thanh. Trên tinh thần này, và trước viễn tượng sáng tươi của âm nhạc Việt Nam những năm bảy mươi, tôi không nghĩ Thái Thanh đã tới, mà nói Thái Thanh mới bắt đầu. Đừng đặt câu hỏi là sau hai mươi năm, bao giờ Thái Thanh vĩnh viễn giã từ âm nhạc. Mùa nhạc này, chúng ta mới chỉ đang nghe những bài hát thứ nhất của Thái Thanh, những bài hát đánh dấu cho một khởi hành mới, những bài hát mở đầu cho một sự nghiệp thứ hai. Những người yêu mến tiếng hát Thái Thanh từ hai mươi năm nay, chắc đều nhận thấy với tôi như vậy.
Đông Kha biên soạn