Những năm gần đây, đường Phan Xích Long ở Quận Phú Nhuận (Sài Gòn) được xem là con đường ẩm thực, nơi có nhiều nhà hàng được mở tại đây, và con đường cũng đang được quy hoạch để trở thành phố ẩm thực độc đáo của Sài Gòn.
Cái tên Phan Xích Long được đặt tên cho con đường này từ năm 1955 cho tới nay, và trở nên quen thuộc với tất cả những ai từng sống ở Sài Gòn. Tuy nhiên có lẽ không nhiều người biết về nhân vật lịch sử Phan Xích Long.
Ông tên thật là Phan Phát Sanh tự Lạc, là người tự xưng là Đông cung thái tử, con vua Hàm Nghi, tự phong là Hoàng đế và được tôn làm thủ lĩnh các hội kín Nam Kỳ (Thiên Địa Hội), một phong trào kháng Pháp mang màu sắc tôn giáo và tâm linh tại miền Nam Việt Nam ở cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.
Khi mới 20 tuổi, Phan Xích Long có một năng lực, đặc tính lạ thường để có thể thu phục được rất nhiều người (đa số là trong hội kín), với niềm tin là có thể dùng bùa chú, thần quyền để đánh Pháp khôi phục đất nước của người Việt.
Đặc tính lạ thường đó của Phan Xích Long là gì? bài viết này sẽ giải mã điều đó.
Phan Xích Long, với ý nghĩa Xích là màu đỏ, Xích Long là Rồng Đỏ, tự phong là hoàng đế, xưng là dòng dõi triều Nguyễn và nói rằng đã được Kỳ ngoại hầu Cường Để xác nhận qua bức thư. Với lòng yêu nước và thực tâm muốn đánh đuổi người Pháp, Phan Xích Long dựa vào đạo pháp để thuyết phục người khác tin rằng bùa chú sẽ hộ thân, gươm giáo súng đạn không thể xâm hại.
Thời nhỏ, cậu bé Phan Phát Sanh vốn lười học, làm giúp việc cho một viên cảnh sát người Pháp ở Chợ Lớn. Sau rời quê nhà để đi rong chơi, đến Tân Châu rồi Bảy Núi (Thất Sơn) tìm học bùa phép, cách chế tạo những quả bom cỡ nhỏ.
Khoảng năm 1911, có Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Hiệp là hai thanh niên yêu nước, tình cờ quen được Phan Phát Sanh, rồi cùng mưu cuộc đánh đuổi thực dân Pháp. Để vận động và tuyên truyền cho sự nghiệp chung, Phan Phát Sanh tự xưng mình là Phan Xích Long, con vua Hàm Nghi và cũng tự phong mình là Hoàng đế.
Buổi đầu, Phan Phát Sanh đặt cơ sở đầu tiên ở Cần Vọt (Cao Miên), nhờ tiền quyên góp, ông cho cất một ngôi chùa ở đó để làm nơi tụ họp, lập hội kín, chế tạo lựu đạn, trái phá, in truyền đơn đưa ra tuyên cáo Phản Pháp phục Nam, kêu gọi mọi người chống Pháp… Sau này khi về nước, ông lập căn cứ ở vùng núi Thất Sơn (Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Tháng 7 năm 1911, tại Tân Châu, Châu Đốc, Phan Phát Sanh gặp Nguyễn Hữu Trí (Hai Trí) và Nguyễn Văn Hiệp để cùng bàn lập hội kín và khởi nghĩa chống Pháp. Trí và Hiệp rước một ông già tên là Nguyễn Văn Kế ở làng Đa Phước (Chợ Lớn) và tuyên bố đây là một vị “Phật sống”. Chưa được bao lâu, chức dịch làng Đa Phước đã bắt cả ba người nộp cho quan Tham biện. Tuy nhiên, do không có chứng cớ buộc tội nên cả ba đã được thả. Tháng 11 năm 1911 “Phật sống” được đưa về thành phố Chợ Lớn, ngụ ở đường Thuận Kiều. Tại đây, Hai Trí đã dùng “Phật sống” để thu hút mọi người lui tới nhằm quyên góp tiền bạc.
Tháng 2 năm 1912, “Phật sống” Nguyễn Văn Kế qua đời. Nhân cơ hội này, Nguyễn Hữu Trí lập mưu nói rằng khi sắp lìa trần, “Phật sống” dạy phải tôn Phan Phát Sanh lên làm hoàng đế. Hai Trí và Hiệp đã lãnh trách nhiệm qua Cao Miên đón Phan Phát Sanh về Chợ Lớn để lên ngôi.
Phan Xích Long và Nguyễn Hữu Trí định rằng sẽ dùng lực lượng lớn (đa phần là hội viên hội kín Thiên Địa Hội ở Chợ Lớn và Long An) để đánh chiếm các cơ quan đầu não của Pháp tại Sài Gòn. Theo đó, nhiều hội kín ở các tỉnh cũng sẽ nổi dậy giành lấy chính quyền.
Chuẩn bị xong, đêm 23 rạng sáng 24 tháng 3 năm 1913, ông cho người đặt 6 trái bom tự tạo có hẹn giờ ở một số cơ quan chính quyền tại Sài Gòn và Chợ Lớn, đồng thời chia nhau đi rải truyền đơn và dán bản hịch trong thành phố.
Chẳng may chưa tới giờ bom nổ thì bị chính quyền phát hiện. Đó là ngày 27/03/1913, cảnh sát đã vô hiệu hóa 6 trái bom đặt ở Sài Gòn và Chợ Lớn cạnh dinh Thống đốc, toà án và trạm cảnh sát, sau đó quân khởi nghĩa bị lùng bắt. Không nghe tiếng bom nổ, nhiều toán quân đã kịp rút đi, nhưng cảnh sát vẫn bắt được một số đông khi họ đang đi vào Chợ Lớn, vì kiểu đồng phục “quần đen, áo trắng, khăn trắng quấn cổ” mặc dù tay không cầm vũ khí. (chi tiết về diễn biến cuộc khởi nghĩa sẽ nhắc rõ hơn ở phần dưới)
Kết cuộc, Nguyễn Hữu Trí chạy thoát, Phan Xích Long chạy ra Phan Thiết và bị bắt ở đó, bị đem về giam ở Khám lớn Sài Gòn. Từ ngày ngày 5 đến ngày 12 tháng 11 năm 1913, Tòa án Sài Gòn xử tha bổng 54 người, kêu án 57 người (đều là người Việt ở Chợ Lớn và Long An, chỉ có 1 người Hoa kiều), trong đó có sáu người bị án chung thân khổ sai là: Phan Xích Long, Nguyễn Tri, Nguyễn Hiệp (án hiện diện), Nguyễn Màng, Trương Phước, Nguyễn Ngọ (không bắt được, bị án khiếm diện).
Lãnh án, Phan Xích Long bị giam ở Khám lớn Sài Gòn. Theo Vương Hồng Sển thì việc làm của ông khiến “chấn động những trái tim yêu nước và giới giang hồ mã thượng”. Lý do cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long bị thất bại nhanh chóng, theo tài liệu của Pháp ghi lại, là thực ra mật thám của Pháp đã theo dõi tất cả hoạt động của nhóm Phan Xích Long từ năm 1911.
Trong bài diễn thuyết của công tố viên Gabriel Michel về vụ án âm mưu nổi dậy ở Sài Gòn – Chợ Lớn từ năm 1909 đến 1913 do Phan Xích Long khởi xướng với sự tham gia của các hội viên hội kín Thiên Địa hội, ông Michel cho rằng, nói cho cùng vụ khởi nghĩa này có nguồn gốc là do sự khuyến khích nổi lên chống Pháp của Phan Bội Châu và Cường Để. Như vậy, theo ông Michel, Phan Bội Châu và Cường Để mới là hai thủ phạm chính. Ông Michel cho rằng từ những tư tưởng của Phan Bội Châu và Cường Để mà các hội kín kế tiếp nhau được thành lập khắp Nam Kỳ.
Trở lại với cái ngày Phan Xích Long bị bắt ở Phan Thiết, đó là một trường hợp hy hữu. Những thông tin dưới đây được đăng trong bài của công tố viên trong phiên xử vụ án Phan Xích Long, với tựa đề là Le Complot de Saigon – Cholon (Âm mưu ở Sài Gòn – Chợ Lớn), trên tạp chí luật Revue dé grands proces contemporains (phê bình về các vụ án lớn hiện đại) năm 1914. Đây là những thông tin và nhận xét từ phía chính quyền Pháp về một người chống Pháp là Phan Xích Long, bị chính quyền xem là phản loạn, nên sẽ không tránh khỏi những ngôn từ mang tính chủ quan từ phía thực dân Pháp.
[…]
Từ Sài Gòn ra tới Phan Thiết để trốn sự truy lùng của cảnh sát, Phan Xích Long mặc bộ đồ sang trọng với nhiều trang sức đi trên đường phố và có rất nhiều tiền tiêu xài, điều này làm cho cảnh sát nghi ngờ và phải hỏi giấy tờ Phan Xích Long. Trên người Phan Xích Long lúc đó chỉ mang một tờ giấy thông hành với tên giả là Lạc. Lúc đó viên cảnh sát tên là Benoit không biết Long có phải thuộc giới ăn chơi nhàn rỗi hay không, thì một người đi đường nói lớn lúc đi ngang qua là anh Long quên mang theo lệnh, Long chỉ mỉm cười trả lời là người đi đường phóng đại.
Nhưng sau đó cảnh sát đến khách sạn khám xét thì thấy rằng Long thực sự không phải là một người vô hại. Họ tìm thấy bên trong vali của Phan Xích Long, ngoài các bộ đồ lộng lẫy, còn có các đồ trang sức bằng vàng to lớn có khắc các chữ mang ký hiệu hoàng gia. Những chữ khắc này, lúc thì đề cập đến hoàng đế Phan Xích Long, lúc thì có đoạn nói về đế chế nhà Minh. Phan Xích Long có mang theo một thanh kiếm với các chữ khắc đặc trưng, ghi trên đó là: trước hết phải đánh đổ ông vua bất công, kế đó là đánh các thượng thơ phản loạn. Còn có một con dấu khác mang tên hoàng đế Phan Xích Long, ghi là trời đã ban con dấu ngọc thạch này cho ông. Ngoài ra còn có một vòng tay đeo khắc tên Phan Xích Long trị vì nước Trung Quốc, vòng tay đeo này được nhân dân dâng tặng. Tất cả thứ này đều rất bất thường và đáng ngờ.
Trong các giấy tờ tịch thu từ Phan Xích Long, ngoài những câu thần chú nhằm mang lại chiến thắng trong các trận đánh, có sự hỗn lộn thông tin về vương quốc An Nam, hoàng đế Phan Xích Long và triều đại nhà Minh trong các tư liệu này. Triều đại nhà Minh không hề có liên quan gì đến những đồ trang sức và các dấu ấn này. Điều này chứng tỏ có sự liên quan hay ảnh hưởng từ Thiên Địa hội, phản Thanh phục Minh, những hoạt động và tư tưởng của Phan Xích Long thể hiện qua những thông tin trong các tư liệu trên mình Phan Xích Long.
Khi bị tra hỏi, Phan Xích Long không nói mình muốn chiếm đoạt ngai vàng nhà Nguyễn, và nói rằng các thứ đồ quý báu trang sức này được đào lấy từ các mộ đào được ở Huế. Tiếp theo khi bị tra hỏi cặn kẽ, Phan Xích Long nói là ông đã tìm thấy các đồ này ở trong một hang động. Phan Xích Long khai mình là anh của vua Duy Tân (Khi còn ở Kampot, Phan Xích Long nói mình là con vua Hàm Nghi).
Ngay sau khi Nguyễn Văn Hiệp bị bắt ở Cần Vọt (Kampot) và Phan Xích Long bị bắt ở Phan Thiết, ngày 24 tháng 3 năm 1913, sáu quả bom được đặt ở các nơi trong Sài Gòn và Chợ Lớn. Nhưng chúng được phát hiện và vô hiệu hoá. Các bom này được đặt ở các điạ điểm trọng yếu: cạnh tường của công viên dinh Thống đốc, ở trại lính đầm Ô – ma (Camp des mares), ngay góc bến thương mại (Bạch Đằng) và đại lộ Charner (Nguyễn Huệ), bom đặt khoảng 10cm cách đường rầy xe điện tramway, ngay ngã tư gần khám lớn Sài Gòn, ở thành phố Chợ Lớn bom đặt ở dinh kiểm tra (Inspection, dinh tham biện, cạnh bên toà thị sảnh thành phố Chợ Lớn) và ở các chợ.
Mỗi quả bom này chứa khoảng sáu ký thuốc súng, một ký đạn, ngòi thuốc nổ bằng chất Ferro-cerium và nặng từ 14 đến 16 ký, mặc dầu không hoàn hảo nhưng không kém nguy hiểm. Các trái bom ở Chợ Lớn vì ướt nên không nổ được. Đại uý Madec đã cho làm nổ một quả bom, còn các bom khác được tháo gỡ. Theo ông Madec thì những quả bom này rất nguy hiểm, “không còn nghi ngờ gì về sự nghiêm trọng của các hiểm hoạ tai nạn làm chúng nổ, nhất là giữa đám đông”.
Đặt cạnh một số các quả bom này có các tuyên ngôn chống chính quyền Pháp, và trong cùng đêm đó các tuyên ngôn như trên được dán khắp nơi, trên các đường phố Sài Gòn và Chợ Lớn cũng như trong các chợ và nhà hội đồng ở thôn quê. Những tuyên ngôn chống chính phủ này lan toả rộng rãi trong các tỉnh Tân An, Gò Công, Sóc Trăng và Mỹ Thơ. Các tuyên ngôn này rải tên các đường lộ cho đến tận Phnom Penh. Trong tuyên ngôn cho biết Phan Xích Long phất lên và thách đố vũ khí của Pháp, kêu gọi các nhà buôn nước ngoài và ở các chợ hãy trốn tránh cuộc chiến tranh sắp tới, đổi các giấy tờ giao dịch ra tiền mặt, và bắt đầu từ ngày 3 tháng 4, ở Phan Thiết các tờ giấy bạc 100 đồng bị giảm giá trị theo niêm yết và cáo thị chính thức. Cuối tờ tuyên còn có câu: “Chúng ta hãy đứng lên, giành lại đất nước của chúng ta”.
Những người khởi loạn theo Phan Xích Long quăng vào nhà của Đỗ Hữu Phương, một đốc phủ sứ thân Pháp ở Chợ Lớn cờ hiệu hội kín Phan Xích Long và các sổ mang tước hiệu để thách thức và nhục mạ ông Phương, đã theo giặc Pháp. Ngày 28 tháng 3, 600 nông dân từ nhiều nơi kéo lên Chợ Lớn uỷ dương lực lượng dưới biểu ngữ nổi dậy chống Pháp và mặc đồng phục trắng.
Có những nông dân có cả gia đình và tất cả dân làng ở quê đi bộ suốt đêm, họ đều tập trung về Chợ Lớn. Họ mặc đồng phục trắng, mang khăn thắt ở trước trán, đeo các bùa trên người. Những bùa này được hương trưởng Ngô phân phát. Họ tin tưởng rằng khi đeo bùa họ sẽ không hề chi khi lâm trận. Họ tập trung vào Chợ Lớn, tin là sẽ gặp một tướng lãnh, giống như Đề Thám, bên cạnh hoàng đế mới Phan Xích Long. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ ngây thơ, sẵn sàng quyết tâm đánh Pháp. Những người lãnh đạo có vũ khí, nhà cầm quyền Pháp cho là có ít nhất là 80 thanh kiếm. Ông Trương Ngô, một người lãnh đạo trong tổ chức Phan Xích Long, đi nhiều nơi ở lục tỉnh giảng rằng thế giới sẽ tận thế, thuỷ triều sẽ dâng cao nhận chìm hết xứ sở, núi thay sông, sông thay núi, nạn dịch tả hoành hành và chỉ những người đi theo lời dạy của hoàng đế Phan Xích Long mới được cứu thoát mà thôi.
Nếu Nguyễn Văn Hiệp, một trong những lãnh đạo cương quyết nhất, không bị bắt từ ngày hôm trước, không ai biết những chuyện gì sẽ xảy ra khi tín đồ nghĩa quân vào Chợ Lớn hôm đó. Hơn nữa họ cũng sẵn sàng chiếm của cải, vì họ tụ tập gần các nơi như dinh thanh tra. (Inspection, tham biện), toà ngân khố, dinh thự của ông Tổng đốc Phương.
Năm người bị bắt tại nhà của Tư Phát ở số 12 Rue Thuan Kieu (nay là đường Thuận Kiều, quận 5), một trong nhiều người cầm đầu bị buộc tội. Cha của Tư Phát là Trương Văn Chước cũng là người trong tổ chức Phan Xích Long. Nhà này bên ngoài từ tháng 4 năm 1912 là tiệm sửa xe đạp nhưng được dùng làm tổng hành dinh của cuộc khởi loạn nổi dậy. Tiệm sửa xe đạp sau đó được chuyển đến số 2 quai Testard, Chợ Lớn.
Năm người bị bắt có tên là Nguyễn Văn Thiện, mà 4 ngày trước đó, đã đặt một quả bom ở Chợ Lớn, Ngô Văn Đăng, người làm các thanh kiếm, Trần Văn An, đầu bếp của Tư Phát, cũng là người đã dán 6 hay 7 tờ tuyên ngôn lật đổ Pháp trên các con đường ở Chợ Lớn, anh ra dùng xe đạp để đi đến nơi nhanh, và cuối cùng là Nguyễn Văn Ngân và Phan Văn Khuê. Ngoài ra còn phát hiện trong nhà có chứa khoảng 15 mã tấu và một thanh kiếm, rất nhiều cờ hiệu của cuộc âm mưu nổi dậy, các áo làm lễ, văn bằng phong tước hiệu, danh sách các cấp bậc đã được thảo ra, và một tài liệu chỉ định cờ hiệu cho mỗi vùng lúc cuộc nổi dậy xảy ra: cờ vàng cho vùng Chợ Lớn, cờ có hình rồng cho Gia Định, cờ đỏ cho sáu tỉnh Nam Kỳ và Campốt, và cuối cùng là cờ đen trên các núi.
Lục soát kỹ lưỡng nhà của Tư Phát còn thấy các con dấu triều đình giả hiệu, các khuôn để làm bùa, các bản thảo về chiêm tinh học và nghệ thuật huyền bí, và cuối cùng là danh sách những người đóng tiền tham dự vào âm mưu nổi dậy và danh sách chi tiêu. Ngay dưới giường ngủ của Phan Xích Long có một thùng ngòi thuốc nổ làm bằng Ferro-cerium, giống y như các ngòi nổ dùng cho mấy quả bom đã bị phát hiện. Trong danh sách những người đóng tiền cho tổ chức Phan Xích Long có một người Hoa tên là Hứa Long, tự Song Tôn, đóng số tiền lớn 1.500$. Hứa Long đã nhận từ hương sư Tài giao cho cờ hiệu cách mạng, với ý định sẽ dùng trong ngày nổi dậy để người Hoa của 7 bang sẽ tụ tập chung quanh cờ hiệu mang chữ “Thất Phủ” này. Vì vậy, vai trò của Hứa Long rất là quan trọng trong sự liên hệ giữa tổ chức Phan Xích Long với cộng đồng người Hoa. Chính Hứa Long cũng đã dán hai tuyên ngôn nổi dậy ở các chùa chính của người Hoa Trong Chợ Lớn. Ngoài ra, còn có ông Đặng Tấn Sao, cựu hương trưởng làng Tân Trạch đóng 280$, 1 lượng và 5 chỉ vàng. Số vàng này để làm đồ trang sức cho hoàng đế Phan Xích Long. Nhưng quan trọng nhất là ông cựu hội đồng tỉnh, Nguyễn Văn Tâm, đã lớn tuổi, 67 tuổi tự là Phước Viên Tâm đã đóng 3.720$. Ông Tâm cho rằng mục đích của mình chỉ là tôn giáo chứ không chính trị.
Tổ chức này được thành lập chung quanh Phan Xích Long, gồm một uỷ ban trong đó có Hiệp, Trí, Phước (hương chủ) đang trốn tránh giống như Trí, cựu hương sư Tài, cựu hương trưởng Trương Ngô, và một người lính khố đỏ dự bị tên là Tâm Tâm. Ngoài ra còn có một người nữa tên là Tư Mạnh, cựu công nhân xưởng Ba Son, đang trốn tránh.
Theo kế hoạch do uỷ ban hoạch định cho cuộc nổi dậy chống Pháp thì chương trình là như sau. Phan Xích Long sẽ đi Phan Thiết, lên một vài núi quanh vùng để cầu nguyện. Và từ trên núi, hoàng đế Phan Xích Long. sẽ đi xuống núi trong y phục hoàng đế, sau khi có những sự rối loạn ở trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn gây ra bởi các vụ nổ bom tấn công vào các cơ quan chính quyền.
Trong khi Phan Xích Long đi Phan Thiết thì những người lãnh đạo ở Nam Kỳ sẽ thực hiện cuộc khởi nghĩa. Uỷ ban gởi Tâm Tâm xuống Cần Vọt (Kampot) báo cho Nguyễn Văn Hiệp là giờ hành động đã đến cần phải về Sài Gòn và Chợ Lớn tập hợp dân quân.
Chẳng may là cả Phan Xích Long và Nguyễn Văn Hiệp bị bắt giữ ở Phan Thiết và Cần Vọt. Nếu Nguyễn Văn Hiệp về được Chợ Lớn thì chắc chắn ông sẽ thi hành đúng theo lệnh của Phan Xích Long là ném bom vào các nơi thay vì cài đặt bom, hành động này rất dễ bị phát hiện. Và ông sẽ tổ chức dân quân tụ về Chợ Lớn trong đêm ngay sau bom nổ, thay vì 4 ngày sau khi bom được cài. Và nếu được như vậy, thì sự kêu gọi dân chúng nổi dâỵ của Hiệp và Phan Xích Long đánh đuổi Pháp sẽ có cơ hội thành công.
Kết cuộc là ở Sài Gòn và Chợ Lớn, vụ tấn công bằng bom được thực hiện như sau. Năm trái bom được đặt trên của ông Đặng Tấn Sao cho các mục tiêu ở Sài Gòn, còn bốn trái trên tàu của ông Trương Ngô, Nguyễn Văn Ca, được lệnh cập vào cầu Chà Và, đợi đến lúc nửa đêm sẽ có bốn người đến lấy bom. Trong các trái bom này, thì trái bom đầu tiên là do chính tay Phan Xích Long làm ra. Tư Mang là cựu công nhân xưởng cơ khí Ba Son nên đã giúp đỡ làm các trái bom.
Buổi tối ngày 23 tháng 3, Trí ra lệnh đánh bom ở Sài Gòn và ông Ngô đánh bom ở Chợ Lớn. Trí đương ở nhà của Tư Phát ra lệnh cho Đặng Tấn Sao đưa 5 trái bom đang ở trên tàu cho các cộng sự khi tàu cập ở cầu Ông Lãnh. Vào khoảng giữa 11 giờ và nửa đêm, 5 người đã Trí chỉ định trước lấy bom từ trên tàu xuống. Một trong số họ là Trương Văn Chi, đã ở trên tàu, còn 4 người còn lại đến điểm hẹn bằng xe và đi bộ. Họ mang theo khăn cuộn lớn, mà người Chăm thường dùng, để gói các trái bom. Huỳnh Văn Tinh tự Tư Tinh đi xe ngựa, anh ta để bom trên hai đầu gối. Thầy Huế đi xe kéo, và ba người khác chắc cũng đi như vậy. Sau đó họ đặt bom ở các điạ điểm đã định sẵn: Trương Văn Chi đặt ở đại lộ Charner, Thầy Huế đặt ở trại lính Ô-ma, Tư Tĩnh đặt ở công viên dinh Thống đốc, Tan Thanh, cựu lính pháp binh, đặt ở đường Rue Mac – Mahon (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay), Tư Mang đặt ở gần xưởng Ba Son, ít nhất đó là điều Trương Văn Chi đã nói với Tư Mang, tuy vậy quả bom này không được tìm thấy.
Ba người bị bắt ra trước toà, Trương Văn Chi, Thầy Huế và Tư Tinh. Trương Văn Chi khai rằng ông theo lệnh của ba ông là Phước. Nhưng trước đó Phan Xích Long đã khai là Chi đã đi tìm một người Hoa Quảng Đông, dẫn đến gặp hoàng đế Phan Xích Long, và nhờ người này kêu gọi những người Hoa gia nhập âm mưu khởi nghĩa này.
Thầy Huế là thầy thuốc, anh rể của Ngô, có lẽ là một trong các lãnh tụ, nhưng không có trong uỷ ban lãnh đạo khởi nghĩa. Tư Tinh khai ở toà là ông đặt bom vì ông chống Pháp thực dân.
Bốn người bị bắt ở Chợ Lớn, Nguyễn Văn Thiện, Mười Huân, Bô Hô và Phái Viên Cầu. Họ khai là đã đi xe kéo mang bom đến các địa điểm định sẵn: dinh thanh tra tham biện, bưu điện và các chợ.
Nguyễn Văn Thiện khai là hương sư Tài ở làng đã gởi anh ta đến cầu Xóm Củi ở Chợ Lớn để gặp Ngô và Ngô đã đưa cho Thiện 3$ cùng trái bom để đặt.
Mười Huân đã trả lời làm quan toà bối rối khi được hỏi là lý do gì để đặt bom, ông nói rằng sở dĩ làm vậy vì muốn có thuốc cho người vợ sắp sanh. Ngô đã hứa là sẽ cho công thức để cứu đứa bé sắp sanh được sống vì hai đứa bé trước đã chết.
Còn Bô Hô thì khai là mình đã ngu dại đi theo Ngô và còn nói rằng Ngô đã cho anh ta uống một thứ thuốc làm anh mất tự chủ theo ý của mình.
Phái Viên Cầu khai rằng Trí đã cho ông uống các viên thuốc nói là để chữa bệnh sốt nhưng sau khi uống đã bị mất tự chủ. Ông còn khai thêm là Trí cũng đưa ông 5$ để đặt bom.
Nhưng các trái bom ở Chợ Lớn đã bị ướt và cuộc điều tra cho thấy chúng đã bị thấm nước ở trên tàu của Ngô, và vì thế bom không thể nổ được. Một trong những người bị Pháp bắt là Luân tự du, em của Trí. Luân là cảnh sát ở Chợ Lớn, đã cung cấp cho Phan Xích Long giấy tờ đi lại giả mang tên là Lạc, 17 tuổi, do ông trưởng ty cảnh sát khu vực 1 thành phố Chợ Lớn ký, trong khi Phan Xích Long lúc ấy đã 20 tuổi. Như vậy là ngay trong công quyền, cũng có ngươi theo Phan Xích Long.
Nhưng câu hỏi mà chúng ta (người Pháp) có thể đặt ra điều gì đã khiến cho nhiều người kể cả những người chủ chốt có hiểu biết trong vụ nổi dậy đi theo Phan Xích Long và coi ông là hoàng đế “Rồng Đỏ” Phan Xích Long. Khi bị bắt, hương sư Tài đã nói:
“Tôi tự coi mình là không có cha, nhưng giờ đây tôi đã gặp thầy tôi, đó là hoàng đế Phan Xích Long. Đó là lý do tại sao tôi đi theo tư tưởng của ngài và trở thành tín đồ của ngài”.
Tương tự như vậy, Nguyễn Văn Hiệp cũng đã trả lời quan toà:
“Cho tới ngày mà tôi bị chặt đầu đi nữa, tôi vẫn tin rằng Phan Xích Long là có gốc hoàng tộc, và tôi coi ngài như một vị hoàng đế”
Năm 1916, nhân Pháp bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, khoảng 300 hội viên của các hội kín ở Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Cần Giuộc, Cần Đước…, tìm cách phá ngục cứu Phan Xích Long.
Sau khi chuẩn bị xong, 3 giờ sáng ngày 15 tháng 2 năm 1916, với khẩu hiệu “Cứu Đại ca” (chỉ Phan Xích Long), tất cả hội viên do Nguyễn Hữu Trí đứng đầu, từ hàng chục thuyền buôn đang đậu trên sông cầu Ông Lãnh, giở khoang, vứt bỏ lá ngụy trang, nhảy lên bờ với áo đen, quần trắng, khăn trắng quấn cổ, cổ mang phù chú, tay cầm đủ thứ binh khí (không có súng) chia làm ba nhóm xông lên tấn công dinh Thống đốc và Khám lớn.
Gần tới nơi, ba nhóm nhập lại rồi chia ra thành hai, nhưng cả hai cánh đều bị quân Pháp đánh đuổi… Quân Pháp giết chết tại trận 6 người (có Nguyễn Hữu Trí), làm bị thương nhiều người khác. Và bất kỳ ai mặc quần đen áo trắng buổi sáng ấy, đang ở trong khu vực xảy ra vụ tấn công, đều bị bắt nhốt. Lúc bấy giờ, ngoài lực lượng tấn công, còn có các lực lượng khác ở xung quanh Sài Gòn chờ phối hợp, nhưng vì không thấy có hiệu lệnh như đã định nên rút lui. Nhờ vậy mà nhiều người đã đào thoát được.
Các tư trước đây ghi rằng tòa kết tội tử hình 38 người tại Đồng Tập Trận vào ngày 22 tháng 2 năm 1916, trong đó có Phan Xích Long, khi đó mới 23 tuổi.
Tuy nhiên theo Hồ sơ lưu trữ của Pháp còn lưu lại ở Trung tâm lưu trữ quốc gia 2, một số văn bản của Nha chính trị Bộ Thuộc địa Pháp gửi cho Toàn quyền Đông Dương đã thông báo về các trường hợp tù nhân Đông Dương qua đời trong các nhà tù Pháp ở hải ngoại thuộc địa, trong đó có Phan Xích Long.
Cụ thể, văn bản số 121 ngày 7/3/1923 do Phó Giám đốc Nha chính trị Bộ Thuộc địa Franceschi gởi Toàn quyền Đông Dương báo tin Phan Phát Sinh, tự Lạc, qua đời tại nhà tù Saint-Laurent-du-Maroni, ở thuộc địa Guiana của Pháp ở Nam Mỹ, vào ngày 28/10/1922.
Văn bản số 601 ngày 15/5/1923 của Tham biện Chủ tỉnh Tân An là Renaut gởi Thống đố Nam kỳ có ghi Phan Phát Sanh là tú bị án lưu đày (déporté Phan Phát Sanh).
Như vậy theo các tư liệu này, Phan Phát Sanh không bị án tử hình như các tài liệu trước đây nhầm lẫn. Án lưu đày déporté thời Pháp thường không có thời hạn và chỉ áp dụng đối với những người có hoạt động chống Pháp. Cuối cùng ông qua đời ở vùng Nam Mỹ xa xôi vào ngày 28/10/1922, chứ không phải bị xử bắn ở Đồng tập trận tháng 2/1916.
chuyenxua.net biên soạn
Dựa theo tư liệu của Nguyễn Đức Hiệp