Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trường Kỳ – “Vua Nhạc Trẻ” của Sài Gòn trước 1975


Click để nghe podcast tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp Trường Kỳ

Những người sinh ra vào thập niên 1950 tại miền Nam, yêu thích dòng nhạc trẻ tại Sài Gòn trước năm 1975, có lẽ không ai là không biết đến nhạc sĩ Trường Kỳ, người được mệnh danh là “vua nhạc trẻ”, “hippy chúa”, là một trong những người khởi xướng cho phong trào nhạc trẻ phát triển như một cơn lốc từ thập niên 1960, đầu thập niên 1970, bên cạnh các dòng nhạc trữ tình vốn chiếm lĩnh làng nhạc thời gian trước đó.

Đóng góp của nhạc sĩ Trường Kỳ cho sinh hoạt văn nghệ còn đáng kể ở lĩnh vực báo chí. Ông viết báo từ những năm 1960, rồi sau năm 1975, đặc biệt là vào thập niên 1990, 2000, những bài báo và bài ký sự về các ca nhạc sĩ do Trường Kỳ thực hiện mang tính hệ thống, giúp cho các khán giả yêu nhạc có thể biết thêm về thông tin tiểu sử của nghệ sĩ được công chúng mến mộ, thậm chí những thông tin đó vẫn còn giá trị tham khảo rất lớn cho nhiều bài báo về nhạc sau này.

Nhạc sĩ, nhà báo Trường Kỳ tên thật là Vũ Trường Kỳ, sinh năm 1946 trong một gia đình khá giả ở Hà Nội. Ngay từ thuở nhỏ cho đến lúc trưởng thành ông đều được đào tạo trong môi trường văn hóa Pháp (học trường Tây), hết trường Puginier ở Hà Nội lại đến các trường Aurore, La Salle Taberd tại Sài Gòn.

Cha mẹ của Trường Kỳ là ông Vũ Ngọc Trân và bà Phạm Thị Trọng Yêm, ông được người bác vốn là soạn giả nhiều bộ sách giáo khoa Pháp văn đặt cho cái tên Trường Kỳ.

Theo lời kể của Trường Kỳ, lúc nhỏ chính tay cha của ông đã đi lấy một lá số tử vi cho con trai ở Chợ Đồng Xuân, nói rằng cuộc đời ông sẽ “trọn tuổi hoa niên ngày tháng rong chơi thanh nhàn, suốt đời trà đình tửu quán”. Vì vậy dù ban đầu có ý phản đối con trai quý tử la cà theo bạn rong chơi, mê nhạc, nhưng sau này cũng đành xuôi theo vì có lẽ chấp nhận “định mệnh an bài”.

Về tính tình của Trường Kỳ, theo nhận xét của vợ ông, thì ông là một người rất hiền lành, chịu đựng, không bao giờ hơn thua hay muốn làm mất lòng ai, nhưng cũng không để ai làm lung lay mình. Những điều ông không thích thì làm lơ, sống vô tư không can dự vào chốn thị phi.

Trường Kỳ hoạt động nhiều về âm nhạc, thành công nhất là vai trò tổ chức chương trình. Ngoài ra ông còn là nhạc sĩ chuyên đặt lời Việt cho nhạc ngoại, tuy nhiên cũng theo vợ Trường Kỳ cho biết thì danh xưng mà ông thích được người ta gọi nhất là nhà báo, vì ông mê viết lách hơn mọi thứ khác.

Khi mới được 3 tháng tuổi, cha mẹ không còn chung sống với nhau nên Trường Kỳ được đưa về làng Đồng Nghĩa tỉnh Nam Định cho ông bà nội nuôi dưỡng. Lớn lên, ông được đưa trở về Hà Nội để học trường Puginier cho đến năm năm 1954 di cư vào Sài Gòn cùng gia đình.

Những năm 1960, ở tuổi 15-16, cậu thiếu niên Trường Kỳ đã thể hiện khá rõ niềm đam mê âm nhạc của mình. Cậu sưu tầm rất nhiều lời bài hát ngoại quốc, hình ảnh của những tài tử và ca sĩ nổi tiếng, rồi các tạp chí âm nhạc, sách nhạc nước ngoài. Cũng vì quá đam mê âm nhạc và điện ảnh mà có giai đoạn việc học của Trường Kỳ trở nên sa sút. Ông viết lại trong hồi ký như sau:

“Những con sổ, những công thức của các môn toán hay vật lý, hóa học không thể nào quyến rũ tôi được bằng Elvis Presley hoặc Sandra Dee. Những quyển sách học dày cộm không hấp dẫn tí nào so với những tập sách nhạc, những tạp chí điện ảnh như Cinémonde, Ciné Revue hay Jeunesse Cinéma. Lời thầy giáo, hay các sư huynh giảng bài chán phèo, làm sao bì được với những tiếng hát phát ra từ “hệ thống âm thanh” tối tân của tôi mới có. Kết quả đương nhiên là tôi được các sư huynh mời ra khỏi trường Taberd vào cuối năm 1962”

Việc bị đuổi khỏi ngôi trường trung học danh giá Taberd, mà phải rất khó khăn mới xin vào được, là một điều không thể chấp nhận đối với người cha của cậu quý tử Trường Kỳ. Sau một năm trôi dạt vào trường Đông Tây Học Đường trên đường Hai Bà Trưng, rồi trường Pasteur trên đường Sương Nguyệt Anh, Trường Kỳ cuối cùng cũng cố gắng học hành để được xin được trở lại vào trường Taberd.

Quay lại ngôi trường quen thuộc với bạn bè cũ, Trường Kỳ hào hứng mở một Club lấy tên là Ký Cine Club, quy tụ được hơn hai chục người bạn thỉnh thoảng hội họp, bàn luận và mở mang kiến thức về điện ảnh. Trong số này có cô bạn Catherine Phạm Thái Thanh Lan, tức nữ ca sĩ Thanh Lan sau này.

Sau club “cine” được bạn bè hưởng ứng, Trường Kỳ hứng khởi lập thêm Teenager’s Club tụ họp những thành viên yêu nhạc trẻ không chỉ ở Việt Nam, mà còn kết bạn với rất nhiều bạn trẻ ở Âu Châu thường xuyên trao đổi qua thư từ. Chính nhờ hoạt động này, Trường Kỳ sưu tập được rất nhiều những đĩa nhạc, tạp chí, hình ảnh, poster của những nghệ sĩ, ban nhạc trẻ ở nước ngoài, những thứ rất khó kiếm ở Việt Nam.

Thời gian này Trường Kỳ đã theo dõi âm nhạc bằng cách mở radio nghe đều đặn các chương trình tuyển lựa ca sĩ của đài Phát Thanh. Từ đó âm nhạc từng bước đi vào cuộc sống Trường Kỳ. Ông cũng thường đến phòng trà Anh Vũ, đến rạp Kim Chung và không bỏ sót bất kỳ chương trình Đại Nhạc Hội nào.

Trường Kỳ sớm biết mê tiếng đàn, tiếng trống của ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng, hoặc của ban The Blue Jean Boys. Sau khi được theo học đàn accordéon từ nhạc sĩ Vũ Lung, ông đã có lần trình diễn trước công chúng đầu tiên trên sân khấu trường Lạc Hồng, trước khán giả của ông là các học sinh cấp tiểu học cùng cha mẹ học sinh.

Với những hiểu biết về nhạc trẻ sau thời gian dài đam mê và tìm hiểu, Trường Kỳ mạnh dạn viết một bài báo dài với tựa đề “Sài Gòn Bão Nhạc 64” gửi tờ Kịch Ảnh. Chính từ bài báo này, Trường Kỳ trở thành cộng tác viên của báo Kịch Ảnh, viết các bài báo về phong trào nhạc trẻ Sài Gòn, phỏng vấn và giới thiệu nhiều ban nhạc trẻ thời đó như Lestridents, Lé Fenatiques, The Teddy Bears, Lé Faucons Noirs, The Black Cáp, The Blue Stars, Les Daltons,… Công việc viết lách tuỳ hứng này đã góp phần đẩy cao tên tuổi của Trường Kỳ không chỉ trong làng nhạc mà còn ghi dấu ấn trong làng báo chí.

Nhờ mối quan hệ đó, Trường Kỳ quyết định “khuếch trương” tên tuổi của Teenager’s club bằng việc mở mục “Trang Teenager’s” trên tuần báo Kịch Ảnh, chuyên chọn lựa những nhạc phẩm đặc sắc và mới mẻ nhất để giới thiệu. Đồng thời, Trường Kỳ còn liên hệ với Đài Phát Thanh Quân Đội để thực hiện chương trình nhạc ngoại quốc hàng tuần, giới thiệu những đĩa nhạc ngoại quốc thịnh hành nhất.

Có thể nói, ký giả Trường Kỳ với tiếng nói và uy tín của mình đã bênh vực rất nhiều cho phong trào nhạc trẻ ở giai đoạn thai nghén đầu tiên.

Năm 1964 là năm đánh dấu cột mốc Trường kỳ trở thành… bầu sô. Biết được mối quan hệ của Trường Kỳ với giới văn nghệ sĩ sau thời gian làm ký giả, một ông bầu đã đề nghị Trường Kỳ hợp tác tổ chức Đại Hội Kích Động Nhạc. Và nhiệm vụ của cậu thanh niên 18 tuổi Trường Kỳ khi đó là làm việc với các ban nhạc trình diễn cho chương trình tại rạp Nhà Văn Hoá Đa Kao. Đây chính là bước khởi đầu vào sân chơi âm nhạc rộng lớn của Trường Kỳ.

Thời điểm năm 1965, vẫn chưa có tên gọi Nhạc Trẻ, người ta vẫn thường gọi chung cho các bài hát sôi động mà giới trẻ yêu thích là “kích động nhạc”. Tuy nhiên vì tên này dễ gây hiểu nhầm nên chàng nhà báo trẻ  mới 19 tuổi còn ngồi ghế nhà trường là Trường Kỳ đã đề xướng việc đổi tên thành Nhạc Trẻ, và cái tên này được sử dụng suốt gần 60 năm qua.

Khi đó Trường Kỳ đang là cộng tác cho tờ Kịch Ảnh, ông đã đề nghị với chủ nhiệm báo là Quốc Phong một vấn đề mà sau đó đã mang tính bước ngoặt. Ông viết trong hồi ký như sau, xin trích nguyên văn:

“Trước sự đi lên mạnh mẽ của nhạc trẻ, tôi đề nghị với ông chủ nhiệm Quốc Phong phải “làm một cái gì” để mọi người biết rõ hơn về nhạc trẻ, đừng dựa trên danh từ “kích động nhạc” để tưởng tượng ra đủ mọi thứ xấu xa gán ghép cho nó.

Trước sự đề nghị của anh ký giả nhóc tì – lúc này đã bạo dạn hơn trước rất nhiều, vì dù sao cũng đã chính thức viết lách được một thời gian – ông chủ nhiệm ưng thuận ngay.

Chắc chắn ông ấy cũng chả cần biết tới nhạc trẻ là cái thống chế gì, nhưng thấy món này ăn khứa và đang hợp thời trang nên đã tỏ ra rất bênh vực cho món hàng này. Bàn đi, bàn lại nhiều lần để cuối cùng Kịch Ảnh quyết định tổ chức một buổi họp mặt đại diện một số các ban nhạc trẻ ngay tại tòa soạn.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, kết quả của “Bàn Tròn Nhạc Trẻ” được ghi nhận như sau:

– Đề nghị dùng tên gọi Nhạc Trẻ để thay thế cho Kích Động Nhạc của tôi được tất cả chấp nhận.

– Định nghĩa Nhạc Trẻ là gì đã được bàn cãi sôi nổi để cuối cùng tạm đưa đến một định nghĩa: “Nhạc Trẻ là loại nhạc thích hợp với những tâm hồn trẻ”.

Nó không hẳn phải là nhạc ngoại quốc cũng chẳng phải là loại nhạc chỉ dành riêng cho những người trẻ. Nó dành cho cả những “ông bố, bà via” luôn, miễn là có tâm hồn trẻ trung.

Nhạc trẻ cũng không nhất thiết phải là loại nhạc giựt gân hay thác loạn. Vì có rất nhiều nhạc phẩm êm dịu, tình tứ nhưng được rất nhiều người trẻ tuổi ưa thích. Cái định nghĩa chung chung và rất… ba phải ấy đã được toàn thể hưởng ứng vì chẳng ai có thể tìm ra được một định nghĩa nào kém… ba phải hơn!

Thế là tên Nhạc Trẻ được dùng để thay thế cho Kích Động Nhạc kế từ năm 65. Tên gọi đó được hưởng ứng ngay để trở nên quen thuộc cho đến bây giờ, mặc dù định nghĩa của nó vẫn ở trong tình trạng… ba phải, mù mờ. Báo chí, đài phát thanh từ đó cũng bắt đầu dùng danh từ này với nhiều thiện cảm”.

Năm 1965 còn đánh một dấu mốc son chói lọi cho nhạc trẻ Việt Nam bằng việc lần đầu tiên một đại hội nhạc trẻ được tổ chức, mà lại được diễn ra ở ngôi trường nổi tiếng trang nghiêm, là môi trường có vẻ như là không thích hợp cho không khí của một lễ hội nhạc trẻ, đó là trường Lasan Taberd. Tuy nhiên với sự kiên trì vận động của Trường Kỳ, đại hội nhạc trẻ năm 1965 diễn ra ở ngôi trường này vẫn thành công mỹ mãn, tạo tiền đề cho các đại hội được tổ chức thường niên sau đó, ở trường Taberd lẫn nhiều nơi khác.

Năm 1966, năm cuối cùng Trường Kỳ học ở trường Taberd, ông theo học lớp luyện thi tú tài ban C ở trường văn học của giáo sư Trần Bích Lan (nhà thơ Nguyên Sa).

Thời gian theo học luyện thi ban C ở Văn Học cũng là thời gian phong trào nhạc trẻ lên rất cao, nhạc sĩ Trường chợt có ý định muốn làm một tờ báo về Nhạc Trẻ. Ý kiến này của ông ngay lập tức được bạn bè hoan nghênh. Nói là báo, nhưng thực ra chỉ được quay bằng ronéo trên khổ giấy viết thư gấp đôi. Ngoài giờ học, Trường Kỳ và bạn bè ra tiệm đánh máy chữ mướn ở gần trường Văn Học nhờ nhân viên ở đây phụ giúp việc viết tựa bài vở, đánh máy và trình bày.

Bên dưới tựa báo là Nhạc Trẻ có ghi dòng chữ: Tiếng nói của giới trẻ yêu nhạc, bìa báo bằng giấy dầu màu vàng, để hình ban nhạc The Vibrations (với Tùng Giang, Thụy Ái, Tiến Chỉnh, Mario Cruz và Billy Shane), rửa theo khổ “carte postale”.

Tuy nhiên vì không có kinh nghiệm làm báo nên việc Trường Kỳ và nhóm bạn tự bỏ tiền túi in 300 tờ Nhạc Trẻ bị ế ẩm, tình trạng biếu nhiều hơn bán, dẫn đến lỗ nặng, và đó là tờ Nhạc Trẻ số đầu tiên cũng là số cuối cùng.

Dù không có duyên làm chủ báo, nhưng Trường Kỳ vẫn rất thành công khi làm ký giả viết báo viết thuê cho các báo khác. Năm 1967, ông phụ trách trọn một chuyên mục nhạc trẻ khác trên tuần báo Màn Ảnh (song song với báo Kịch Ảnh)

Đầu thập niên 1970, tướng Nguyễn Cao Kỳ từng gặp nhạc sĩ – nhà báo Trường Kỳ đề nghị hậu thuẫn ông lập một tờ báo dành cho giới trẻ. Có lẽ lúc đó tướng Kỳ đang cần sự ủng hộ của giới trẻ khi ông đang nắm giữ một vị thế cao trong chính trường. Tuy nhiên sau thời gian đó thì tình hình thời cuộc có những thay đổi bất ngờ nên việc đó không còn được nhắc tới nữa.

Theo hồi ký của Trường Kỳ, nhờ tình yêu của một cô hàng xóm tên Mai nhà ở khu Chí Hòa mà ông đã vượt qua được kỳ thi cử căng thẳng để thi đậu trường Đại học Luật Khoa năm 1966. Câu chuyện được ông kể lại đó là khi quen biết Mai, những cử chỉ thân mật nhất mà ông được người yêu chấp nhận chỉ là nắm tay và hôn phớt trên má. Còn hôn môi thì nhất quyết không:

mỗi lần có ý… cắn môi nàng một phát thì y như rằng được nghe lời giáo huấn, đại ý cho biết “anh chưa thi đỗ thì chưa được… cắn” (trích hồi ký Trường Kỳ)

Tuy nhiên đó là tình yêu tuổi trẻ, dần dần sau đó tình yêu cũng phai nhạt mà ông gọi là “mini love”. Ông trải qua thêm những cuộc tình với 3 cô gái cùng tên Mai khác cùng vô số cuộc tình “mini love” trước khi cưới vợ năm 1974.

Trở lại thời điểm năm 1967, về danh nghĩa là học ở Luật Khoa, nhưng Trường Kỳ rất ít khi có mặt ở giảng đường, gần như cả ngày có mặt cùng bạn bè ở các tụ điểm sinh hoạt nhạc trẻ. Ông là công tác viên thường xuyên với 4,5 tạp chí cùng lúc (Kịch Ảnh, Màn Ảnh, Thứ Tư Tuần San, Tinh Hoa…), trở thành bầu sô trẻ tuổi chuyên book show cho các ban nhạc thân quen. Cũng thời gian này, ông được ca nhạc sĩ Jo Marcel thuê phụ trách chương trình Nhạc Trẻ diễn ra vào trưa thứ 7, chủ nhật hàng tuần, bao luôn ăn ở và bia miễn phí tại phòng trà Chez Jo Marcel nằm trong Hotel Catinat trên đường Catinat có mặt tiền bên đường Nguyễn Huệ và Tự Do.

Một buổi tối gần cuối năm 1967, một sự kiện quan trọng trong cuộc đời chàng trai 21 tuổi Trường Kỳ, đó là cậu quý tử con nhà giàu cuối cùng cũng có thể “thoát ly” được khỏi gia đình để theo đuổi đam mê của mình, sửa soạn hành trang lên đường để đến ở tại một căn phòng đẹp đẽ tại Hotel Catinat ở chung với Jo Marcel, tầng bên trên đó là phòng trà Jo Marcel nổi tiếng. Trường Kỳ đã viết như sau:

Với một chiếc va-li và một túi sách nhỏ tôi đã theo Jo bước lên xe trước ánh mắt rưng rưng của bà nội tôi và những cái vẫy tay của các cô chú và các nhỏ em bà con trong nhà. Tôi cũng thấy trong lòng nao nao trước “cảnh biệt ly sao mà buồn vậy” này. Nhưng chợt nghĩ lại thấy vô duyên hết sức vì đâu có phải rời đến một nơi xa xôi, hẻo lánh nào đâu mà ngay ở dưới phố. Rảnh rang phóng xe về thăm nhà mấy hồi. Tự nhủ như vậy và không thấy lương tâm nó cắn, nó rứt gì hết trơn nên tôi phom phom bước lên chiếc xe mầu đen bóng loáng của Jo để tạm biệt căn nhà trên con đường Da Bà Bầu quen thuộc…

(đường Da Bà Bầu là đường Nhật Tảo hiện nay, dân gian gọi tên này vì đầu đường có một cây da, dưới gốc cây có quán của một bà bầu).

Tại phòng trà, vũ trường của Jo Marcel, Trường Kỳ bắt đầu thực hiện chương trình nhạc trẻ mà ông đặt tên là “Hippies À GoGo”. Từ sau đó, ông được ký giả Trần Quân của báo Bút Thép đặt cho biệt hiệu là “Vua Hippy”, bên cạnh biệt danh khác được bạn bè đặt cho là “Vua Nhạc Trẻ”. Có thể là Trường Kỳ xứng đáng với biệt danh này vì chính ông là người đầu tiên đề xướng việc đặt tên cho dòng nhạc này, cũng là một trong những người tiên phong cổ vũ cho sự phát triển của nó tại Sài Gòn. Tuy nhiên trong hồi ký của mình, Trường Kỳ lại cho rằng ông mang “hỗn danh” này (chữ của Trường Kỳ) vì những bài viết, bài báo bênh vực tối đa cho loại nhạc gấy ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với các “bậc phụ huynh” này.

Trong những lần bênh vực cho nhạc trẻ đó, đã có một vài lần xảy ra “bút chiến” dữ dội giữa chàng ký giả trẻ măng Trường Kỳ với những đàn anh trong nghề không có cảm tình với loại nhạc mà họ cho là giựt gân và mất gốc.

Cuối năm 1967, Trường Kỳ tháp tùng The Spotlight – một trong những ban nhạc trẻ nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc đó, ra Đà Nẵng trình diễn cho căn cứ không quân theo lời mời của chỉ huy trưởng là thiếu tướng Nguyễn Đức Khánh. Ban nhạc gồm Đức Huy, Tiến Chỉnh, Mario Cruz và Billy Shane.

The Spotlight tại Đà Nẵng năm 1967

Sau khi lưu diễn cùng ban nhạc này vài chuyến nữa, Trường Kỳ trở về phòng trà Jo Marcel thực hiện chương trình “Hippies À GoGo” đầu tiên diễn ra vào tuần lễ đầu tiên của tháng 1 năm 1968. Tuy bị gián đoạn ngay trong thời điểm bắt đầu vì bị biến cố Tết Mậu Thân, nhưng thời gian sau đó chương trình vẫn được tổ chức đều đặn, đánh dấu một thời kỳ quan trọng cho nhạc trẻ Việt Nam, bắt nguồn cho rất nhiều những chương trình nhạc trẻ khác diễn ra những năm sau đó cho đến tận đầu năm 1975.

Ít người biết rằng trong thời gian phòng trà Jo Marcel bị gián đoạn Tết Mậu Thân 1968 vì chính quyền tạm cấm hoạt động vũ trường, phòng trà vì vấn đề an ninh thì Jo Marcel đã nghĩ ra sáng kiến là tận dụng phòng trà trên lầu cao của khách sạn Catinat để bán… phở.

Nhờ quen biết rộng trong làng báo, Trường Kỳ nhờ bạn bè “lăng xê” cho tiệm phở lấy tên là Jo Marcel. Chỉ một tuần sau đó, người ta đã được đọc những quảng cáo trên một số báo chí ở Sài Gòn về tiệm phở Jo Marcel “với sự cộng tác của Trường Kỳ”, đầu bếp là chị ruột của ông chủ Jo Marcel.

Quán phở Jo Marcel khai trương với sự ủng hộ đông đảo của bạn bè nghệ sĩ và báo chí. Tuy nhiên, với sự điều hành quản lý của những nghệ sĩ thứ thiệt không biết gì về ẩm thực, quán phở chỉ đông đảo trong tuần đầu tiên nhờ sự ủng hộ của bạn bè, rồi sau đó dần vắng khách vì những lý do về chuyên môn. Ế ẩm, tiệm Jo Marcel bán thêm cà phê, nhưng rồi dù có mua về những thứ cà phê thượng hạng cỡ nào thì tiệm Jo Marcel cũng không thể pha được những ly cà phê ngon như các tiệm khác. Chẳng bao lâu thì tiệm ăn Jo Marcel với sự hợp tác với Trường Kỳ gần như dẹp tiệm, chỉ hoạt động cầm chừng chờ ngày phòng trà được cho phép mở lại.

Sau vài tháng đóng cửa, phòng trà được hoạt động lại, chương trình Hippies À GoGo của Trường Kỳ trở lại với sự hoan nghênh nhiệt liệt của khán giả trẻ Sài Gòn, sự tham gia của hầu hết các ban nhạc, ca sĩ trẻ thời đó. Ngoài ra, những ca sĩ Mỹ khi đến Sài Gòn lưu diễn cũng có ghé qua sân khấu của Hippies À GoGo, đó là Tony Sheridan (từng có thời gian ngắn hợp tác với The Beatles), ban nhạc The Surfaris, vang danh với nhạc phẩm hòa tấu “Wipe Out” mà không một ban nhạc trẻ Việt Nam nào không biết tới.

Thành công với chương trình này đưa Trường Kỳ trở thành tên tuổi đáng chú ý nhất trong làng nhạc trẻ Sài Gòn. Khoảng giữa năm 1968, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đến gặp ông và đề nghị thực hiện chương trình Nhạc Trẻ trên đài truyền hình. Lời đề nghị này đối với một chàng trai mới ngoài 20 tuổi là một điều ngoài mong đợi. Sau nhiều lần trao đổi với nhau, Trường kỳ đặt tên cho chương trình của mình là “Giờ Nhạc Trẻ”, dài 30 phút.

Chương trình đầu tiên được sự tham dự của nhiều nghệ sĩ và ban nhạc tên tuổi, trong số có ban nhạc The Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh, ban nhạc The Papa’s… Về phía ca sĩ có Elvis Phương, Pat Lam, Ngọc Mỹ, Thanh Lan, và Jo Marcel.

Theo tự sự của Trường Kỳ thì dù Giờ Nhạc Trẻ được giới trẻ hoan nghênh nhiệt liệt nhưng phải dừng phát sóng sau 7,8 chương trình vì sự phản đối của 1 số người bảo thủ trong ban điều hành đài truyền hình, không muốn đưa lên sóng quốc gia những hình ảnh mà theo họ là nhố nhăng, không thích hợp với thời cuộc.

Thời gian này, gần như Trường Kỳ đã quyết định buông xuôi việc học ở trường Luật, quyết tâm theo nghề báo. Dù vẫn cộng tác với các tạp chí, ông muốn thử sức với các nhật báo, như vậy mới thành một phóng viên thực thụ. Vì thân thiết với họa sĩ Đằng Giao – người giữ vai trò quan trọng trong báo Sống của Chu Tử, đồng thời cũng là người yêu nhạc. Dù chủ trương của báo Sống nặng về chính trị, nhưng với sự thuyết phục của Đằng Giao, nhà văn Chu Tử vẫn chấp nhận ra thêm một phụ trang cho tờ báo vào tháng 10 năm 1968, đặt tên là Sống Chủ Nhật, là trang lớn khổ nhật báo với đề tựa là “Trang Nhạc Trẻ do Trường Kỳ phụ trách”.

Vào thời gian này, miền Trung đang gặp bão lụt nặng nề, Trường Kỳ đề xuất nhật báo Sống đứng ra tổ chức Đại hội Nhạc Trẻ để gây quỹ giúp nạn nhân bão lụt. Đại hội diễn ra ở rạp Đại Nam nhận được sự ủng hộ lớn của đông đảo khán giả trẻ sau nửa năm 1968 ảm đạm vì thời cuộc.

Liên tiếp trong hơn một tháng, Trang Nhạc Trẻ của “Sống Chủ Nhật” đầy ắp những tin tức liên quan đến đại hội cũng như những bài giới thiệu ca sĩ và ban nhạc sẽ có mặt. Rạp Đại Nam đã không còn một chỗ trống trong ngày khai diễn đại hội Nhạc Trẻ do nhật báo Sống tổ chức, với sự tham dự của trên 10 ban nhạc trẻ như The Spotlights, The Top 5, The Sunshine, the Rising Sun, The Hard Stones…

Tuy nhiên, thời kỳ này tình hình thời cuộc trở nên rất căng thẳng, nhất là sau Tết Mậu Thân, lệnh Tổng Động Viên được ban hành, hầu hết các nam nghệ sĩ đều tham gia vào quân ngũ. Vì biết rằng không thể tốt nghiệp được trường Luật, nên Trường Kỳ nghe lời cha thi vào trường CTCT, tốt nghiệp trường này sẽ vào đường binh nghiệp nhưng không phải trực tiếp ra trận địa, chưa gặp phải những cảnh gian nan, cực nhọc hay nguy hiểm đến sinh mạng. Tuy nhiên dù thi đậu nhưng sau đó ông cũng không theo học tại đây nhờ được hưởng chế độ miễn quân dịch vì cận thị nặng (trên 8 độ) sau 4 lần đi trình diện ở Trung Tâm Tâm Nhập Ngũ số 3.

Đầu năm 1969, Jo Marcel dời phòng trà của mình về Queen Bee bên đường Nguyễn Huệ cách đó không xa, nơi có sức chứa rộng lớn hơn (nơi cũ trở thành phòng trà Đêm Màu Hồng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương), chương trình nhạc trẻ của Trường Kỳ cũng di dời theo.

Trong thời gian đầu tiên dời về Queen Bee, những chương trình Hippies À GoGo được diễn ra ở tầng lầu dưới, với sức chứa cao nhất có thể lên đến khoảng 400 người, gấp gần 4 lần “Chez Jo Marcelo” ở Hotel Catinat trước đó.

Jo Marcel và Trường Kỳ ở phòng trà Queen Bee được hơn 1 năm thì chuyển sang xây dựng phòng trà Ritz, trả lại mặt bằng Queen Bee. Ngay lập tức Khánh Ly thuê lại Queen Bee để bắt đầu sự nghiệp làm “bà bầu” khai thác phòng trà, đồng thời Khánh Ly cũng mời nhạc sĩ Nam Lộc thực hiện chương trình nhạc trẻ mang tên Soul Party tương tự như Hippies À GoGo của Trường Kỳ. Lúc đó 2 nhạc sĩ Nam Lộc và Trường Kỳ chơi thân với nhau, và chính Trường Kỳ đã khuyên bạn mình nhận lời thực hiện chương trình, hứa sẽ hỗ trợ thêm, mục đích chính là để cùng nhau phát triển mạnh thêm về phong trào nhạc trẻ.

Hai chương trình nhạc trẻ “HippiesÀ GoGo” và “Soul Party” của 2 phòng trà Ritz và Queen Bee vào đầu thập niên 1970 cùng rất đông khách. Trong các chương trình của mình, nhạc sĩ Trường Kỳ không chỉ cho trình diễn nhạc ngoại quốc mà còn xen kẽ nhạc Việt mới trên thị trường, như Đức Huy với Nếu Xa Nhau, Cơn Mưa Phùn, Mùa Đông Đã Đến Trong Thành Phố… Ông còn mời đôi uyên ương Lê Uyên & Phương đến trình diễn, mang lại một sắc thái mới lạ và rất đặc biệt cho các khán giả trẻ.

Kể từ khi cùng với Jo Marcel chuyển sang phòng trà Ritz, cuộc sống của Trường Kỳ có nhiều thay đổi, ông tiếp xúc nhiều hơn với những ca sĩ tân nhạc khác, trong khi trước đó chỉ giao tiếp hẹp trong làng nhạc trẻ.

Sau một thời gian khai thác vũ trường Ritz, với đà thành công mạnh mẽ, Jo Marcel bắt đầu đứng ra thực hiện những băng nhạc “reel to reel” magnetic (ngày nay gọi là băng cối, băng ma-nhê) – mang nhãn hiệu Jo Marcel, được coi là bán chạy nhất trong thời kỳ này với sự góp mặt của hầu hết những ca sĩ nổi tiếng.

Ngoài ra, Jo Marcel và Trường Kỳ còn bàn nhau làm phim, tựa đề được đặt tên là Thế Giới Nhạc Trẻ, vai nữ chính thuộc về Minh Lý, bạn thân của Trường Kỳ (Minh Lý sau này trở thành 1 trong những người vợ của Jo Marcel), nam chính là Đan Thành (trưởng nam của nhạc sĩ Đan Thọ). Các ban nhạc trẻ The Peanuts Company, The Hammers, The Enterprise, Phượng Hoàng, The Apple Three, The Cat’s Trio… đều rất sốt sắng nhận lời xuất hiện vai khách mời trong phim.

Minh Lý, nữ chính trong phim Thế Giới Nhạc Trẻ

Ông bầu Jo Marcel làm nhà sản xuất, kiêm đạo diễn, kiêm luôn cả cameraman. Trường Kỳ được giao phó nhiệm vụ làm phụ tá đạo diễn, kiêm D.O.P (giám đốc hình ảnh), kiêm luôn phần viết lời thoại. Nhạc sĩ Nam Lộc được mời làm quản lý phim trường, đôn đốc diễn viên, kiêm chuyên viên giao tiếp với các chủ phòng trà, vũ trường và địa điểm quay phim. Còn Như An – vợ thứ nhì của Jo Marcel – được giao phần quản lý tiền bạc, thu chi và làm “script girl”.

Vì làm phim kiểu nghiệp dư (tương tự “vụ án” tiệm phở lần trước”) nên sau khi hoàn thành xong cuốn phim, “đoàn phim” Jo Marcel không thể tìm được rạp phim nào chịu chiếu. Nhờ Jo Marcel quen với chủ rạp Eden nên đây là rạp duy nhất chiếu phim Thế Giới Nhạc Trẻ, đây vốn là rạp trước đó chỉ chiếu phim Âu-Mỹ hoặc vài phim Việt Nam chuyên nghiệp.

Ngày đầu công chiếu, phim của Jo Marcel – Trường Kỳ cũng thu hút được khá lớn giới trẻ nhờ nhiều bài viết ưu ái trên các tạp chí văn nghệ. Dù xảy ra một vài sự cố trong quá trình công chiếu, nhưng nói chung cuốn phim đã có được những thành công nhất định, ngoài mong đợi của “đoàn làm phim” nghiệp dư. Sau đó, công ty phim Bốn Phương còn mua lại cuốn phim để mang đi chiểu ở các tỉnh nhỏ ở miền Tây và cũng được giới trẻ hoan nghênh.

Sau 3 năm liên tục hợp tác với Jo Marcel, tổ chức những chương trình nhạc trẻ lúc nào cũng đầy ắp khán giả, hàng ngày được sống trong bầu không khí sôi động của thứ âm thanh rộn rã, Trường Kỳ bắt đầu cảm thấy có những tâm tư khác lạ. Trong hồi ký của mình, ông nói rằng sau khi đã chứng kiến biết bao thăng trầm của một đời người mang kiếp cầm ca, được nghe rất nhiều mẩu chuyện diễn ra sau hậu trường sân khấu, càng ngày càng thấy rõ hơn mặt trái đằng sau cái nghề mua vui cho thiên hạ. Những chuyện vui thì nhiều, mà chuyện buồn cũng không ít. Chuyện tử tế có, chuyện xấu cũng nhiều, tích tụ thành một nhịp sống đầy phức tạp, không giản dị như nhìn vào từ bên ngoài, được che lấp bởi những hào quang của ánh sáng sân khấu và bằng sự rộn rã của âm thanh.

“Nhiều lúc tôi cũng thấy chán chường cho cuộc đời nghệ sĩ, chỉ vì cái nghiệp đã bám vào thân nên luôn phải níu lấy sân khấu, bám lấy ánh đèn. Tôi đã chứng kiến cảnh một số nghệ sĩ cải lương về già, tên tuổi đã xuống, không còn “ăn khách” như một thuở đã qua. Họ chỉ cần xin làm một chân kéo màn hay một chân chiếu đèn trong đoàn hát cũng đủ để họ được an ủi phần nào. Sân khấu quả thật đã có một sức lôi cuốn kỳ lạ đối với những người một đời sống cho nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ tân nhạc cũng từng tâm sự với tôi về cái nghiệp họ đã đeo đuổi. Rất nhiều lúc họ đã chán nản khi va chạm với những thực tế phũ phàng mà trước kia không nghĩ là có thế xấy ra đối với những đồng nghiệp. Có những trường hợp họ đã bật khóc khi bị khán giả tỏ vẻ thờ ơ, lạnh nhạt. Những giọt nước mắt tủi thân đã chảy xuống khi nghĩ đến một mai sẽ bị khán giả lãng quên. Những sự chán chường tuyệt vọng ấy thật sự chỉ xảy ra một cách nhất thời. Gần như mọi người đều cho rằng, một khi đã có cơ hội đến với khán giả, bước lên bục gỗ và được chiếu sáng bởi những ánh đèn lộng lẫy, người nghệ sĩ rất khó lòng dứt bỏ để cho rằng đã mang cái nghiệp vào thân nên phải theo tới cùng. Có những người từng tuyên bố sẽ rút lui khi đến một số tuổi nào đó để giữ một hình ảnh đẹp trong lòng khán giả. Nhưng thử hỏi đã có mấy người thực hiện được điều đó?” (Trường Kỳ)

Từ những điều đó, Vua Nhạc Trẻ Trường Kỳ không còn giữ được sự nhiệt huyết như ban đầu, không còn tha thiết với việc đứng trên sân khấu giới thiệu chương trình. Ông bắt đầu thấy chán chường khi chứng kiến những gì liên quan đến giới nghệ sĩ xảy ra ở sau rèm sân khấu, nên có ý định tìm một nơi riêng biệt để có một sống riêng tư. Ông nói với Jo Marcel xin rời khỏi căn phòng quen thuộc ở Hotel Catinat đã gắn bó từ thời mới “ra riêng”, nhưng vẫn tiếp tục phụ trách chương trình Hippies À GoGo hàng tuần ở Ritz như thường lệ.

Rời Hotel Catinat, Trường Kỳ thuê một phòng trống ở khách sạn Bồng Lai qua một người quen, chia tiền phòng với vợ chồng ca sĩ Trung Hành. Vì vậy, dù xin “ra riêng” cho yên tĩnh, Trường Kỳ lại bất đắc dĩ phải ở chung phòng với một đôi vợ chồng cùng đứa con sơ sinh, ông nhận lời khi thấy hoàn cảnh éo le của chàng ca sĩ này. Vì bất tiện nên chỉ ở chung với vợ chồng Trung Hành được 1 tháng thì ông dọn ra ở phòng ngay bên cạnh, chia tiền phòng với một người độc thân khác là nhạc sĩ Kỳ Phát. Lầu trên của khách sạn Bồng Lai ở góc đường Nguyễn Trung Trực – Lê Lợi này chính là phòng trà Bồng Lai nổi tiếng một thời, là nơi làm nên tên tuổi của danh ca Lệ Thu.

Căn phòng thuê của Trường Kỳ – Kỳ Phát ở Bồng Lai chỉ khoảng 25m vuông nhưng là nơi thường xuyên lui tới của bạn bè mọi lứa tuổi, là nơi ông thỏa thuận công việc, sắp xếp chương trình… lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt.

Trong những tháng ngày (tiếp tục) ồn ào đó, Trường Kỳ có dịp quen biết với Trịnh Quan, chủ của “kiosque” bán băng nhạc Trịnh Quan trên đường Nguyễn Huệ. Ông Quan là một người mê nhạc trẻ, lại khá giả nên đề nghị cùng với Trường Kỳ và Tùng Giang cộng tác làm báo “cho vui”, lấy tên báo là Hồng, chuyên về nhạc trẻ cùng các sinh hoạt văn nghệ khác là tân nhạc và điện ảnh. Họ mời thêm được ký giả Ngọc Hoài Phương, mời Viên Linh làm tổng thư ký. Nhờ đánh đúng vào thị hiếu của giới trẻ nên ngay từ “Hồng” số ra mắt đầu tiên đã bán hết sạch, được coi như một loại “Salut Les Copains” của Việt Nam, càng ngày càng nổi tiếng, có số phát hành lên rất cao. Báo Hồng phát hành được chưa đầy 2 năm thì bị đình bản do tình hình thời cuộc trong sự tiếc nuối của độc giả trẻ.

Trường Kỳ và Tùng Giang

Đầu năm 1971, thiếu tá Phạm Huấn, người chủ trương tuần báo Diều Hâu đến tìm Trường Kỳ tại Bồng Lai, mời ông tổ chức một Đại Hội Nhạc Trẻ tại sân vận động Hoa Lư, có sức chưa lên đến 15 ngàn khán giả. Đại hội nhạc trẻ lớn nhất diễn ra trước đó (năm 1970) tại sân trường Taberd chỉ có khoảng 5000 khán giả, nhưng đã là thành công và tổ chức rất vất vả.

Trường Kỳ cầm trịch đại hội nhạc trẻ ở sân trường Taberd trên đường Nguyễn Du (nay là trường Trần Đại Nghĩa)

Thấy Trường Kỳ có vẻ lưỡng lự, thiếu tá Huấn trấn an và nói rằng sẽ có sự trợ giúp của quân đội thì việc thiết lập một sân khấu lớn ngoài trời chỉ là chuyện nhỏ. Vấn đề giữ gìn an ninh, trật tự hoặc ngăn chặn những vụ lộn xộn trong đám đông cũng không phải là một vấn đề lớn.

Trước sự thuyết phục đó, Trường Kỳ nhận lời, ông mời thêm những người bạn thân thiết của mình vào ban tổ chức là Jo Marcel, Nam Lộc và Tùng Giang, mời nhạc sĩ Phạm Duy làm cố vấn.

Đại hội được chính thức được lấy tên là “Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời”, tổ chức vào ngày 29 tháng 5 năm 1971 tại sân vận động Hoa Lư.

Sau khi ngày tổ chức đại hội nhạc trẻ được công bố, làn sóng chống đối bắt đầu nổi lên, chủ yếu đến từ những người phe đối lập chính quyền và đối tượng được gọi là “thành phần thứ 3”, khai thác mặt trái của hippy, xuyên tạc nhạc trẻ với những ý nghĩa xấu.

Tuy vậy, sau tất cả những sự chống đối đó, đại hội nhạc trẻ năm 1971 do Trường Kỳ và nhóm bạn tổ chức vẫn diễn ra thành công tốt đẹp. Tham dự chương trình, ngoài tất cả những ban nhạc, ca sĩ nhạc trẻ nổi tiếng nhất Sài Gòn, còn có các ban nhạc Philippines, ban nhạc của quân đội Hoa Kỳ.

Đại hội nhạc trẻ 1971 tại sân vận động Hoa Lư

Trước sự đi lên mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ, Trường Kỳ bắt đầu nảy ra ý định kêu gọi bạn bè, nhạc sĩ trong làng nhạc trẻ cùng sáng tác những ca khúc nhạc trẻ thuần Việt để các ca sĩ trẻ trình bày. Đó là khởi phát của phong trào “Việt hóa nhạc trẻ”, thành công nhất là ban Phượng Hoàng thời gian sau đó với các bài nhạc trẻ Việt Nam thuần túy. Tuy nhiên, việc đánh tan đi thành kiến rằng nhạc trẻ là nhạc ngoại quốc từ lâu đã in sâu trong nhiều người là chuyện không dễ thực hiện. Hơn nữa, từ lâu người ta đã có quan hiệm “sính ngoại”, cái gì của nước ngoài thì mới hay, còn đồ nội thì không tốt bằng, cũng là một trở ngại lớn cho phong trào “Việt hóa nhạc trẻ”.

Việt hóa Nhạc Trẻ được nhiều người hưởng ứng, nhưng không phải là việc một sáng một chiều, mà được làm theo từng bước. Giai đoạn chuyển tiếp là lấy nhạc ngoại quốc nổi tiếng rồi viết ra lời Việt để hát. Đó có thể là dịch sát nghĩa từng câu trong bài nhạc gốc, hoặc giữ nội dung chính bài hát nhưng câu chữ được đổi khác, hoặc là Việt hóa tự do, đổi nội dung bài hát hoàn toàn khác. Đa số các “thợ dịch” chọn cách thứ 2, đó là giữ nguyên nội dung gốc vốn đã rất ý nghĩa, rồi viết lại ca từ thoáng ý theo Tiếng Việt. Người thành công nhất theo cách thứ 3 có lẽ là Nam Lộc với Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu hoặc Mây Lang Thang.


Click để nghe Thanh Lan hát Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu

Riêng nhạc sĩ Trường Kỳ, ông là một trong những người chuyển lời Việt cho nhạc ngoại nhiều nhất, chọn cách thứ 2. Căn phòng thuê ở khách sạn Bồng Lai của ông trở thành một “trung tam Việt hóa Nhạc Trẻ”. Các nhạc sĩ Nam Lộc, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên, Kỳ Phát, Tuấn Dũng, Tiến Chỉnh, Quốc Tai Trí,… lui tới thường xuyên để viết lời Việt, nhiều khi còn “xí phần” một bài ngoại quốc nổi tiếng nào đó để chuyển thành lời Việt Nam. Trong khi đó, nhạc sĩ Phạm Duy cũng rất hưởng ứng phong trào này để tung ra những nhạc phẩm nổi tiếng như: Khi Xưa Ta Bé (Bang Bang), Tình Cho Không Biếu Không (L’Amour C’est pour Rien), Hỡi Người Tình Lara (Dr Zivago), Chuyện Tình (Love Story), Người Yêu Nếu Ra Đi (If You Go Away), Cuộc Tình Tàn (Je Sais), Himalaya, Ngày Tân Hôn (The Wedding)…

Việc thử nghiệm đưa những nhạc phẩm Việt Hóa này lên sân khấu trình diễn đã được giới trẻ hưởng ứng ngay và họ cũng đã tỏ ra rất thích thú trước sự thay đổi mới lạ này.

Đến thời gian “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, một lần nữa vũ trường – phòng trà ở Sài Gòn bị đóng cửa, không một chương trình nào có nhạc sống được phép hoạt động, tình hình trở lại giống như 4 năm trước đó. Giới nhạc trẻ, một số đông vẫn đi trình diễn tại các club Mỹ. Tuy nhiên sang tới năm 1973 thì lính Mỹ rút quân khỏi miền Nam, các club Mỹ đóng cửa, thời gian mà các ban nhạc trẻ ở Sài Gòn thất nghiệp cũng là lúc bạn bè nghệ sĩ của Trường Kỳ thường xuyên hay lên căn phòng của ông ở khách sạn Bồng Lai tụ tập trong lúc phong trào Việt hóa nhạc trẻ lên cao.

Phòng trà Ritz bị đóng cửa, Jo Marcel lại bàn với Trường Kỳ xoay qua làm phim, tiếp tục đề tài về giới trẻ, lấy phóng sự tiểu thuyết “Tuổi Choai Choai” của Trường Kỳ dựng thành phim.

“Tuổi Choai Choai” là tiểu thuyết dài kỳ được đăng tải hàng tuần trên tuần báo Kịch Ánh, sau đó được nhà xuất bản Hiện Đại đứng ra thực hiện và phát hành vào khoảng giữa năm 1972, đối tựa thành “Tuổi Lang Thang”. Cuốn sách rất ăn khách nên Jo Marcel có ý định dựng thành phim, đổi tựa một lần nữa thành Vết Chân Hoang, lần này không là nghiệp dư nữa mà đầu tư phim màu Scope đại vỹ tuyến.

Phim Vết Chân Hoang vẫn tiếp tục do Minh Lý thủ vai nữ chính, và một trong những nhân vật nữ phụ có cô cái 17 tuổi tên Thái Lê Uyên, người bạn mà Trường Kỳ quen tại các chương trình “Hippies A GoGo”. Sau khi phim quay xong, giữa Trường Kỳ và cô nữ sinh này cũng đã nảy sinh tình cảm với nhau một thời gian.

Minh Lý tiếp tục đóng chính phim Vết Chân Hoang. Về sau cô trở thành vợ của Jo Marcel

Sau vài tháng thực hiện, phim Vết Chân Hoang hoàn tất, chỉ có một ấn bản duy nhất vì điều kiện tài chánh không cho phép, nên chỉ chiếu độc quyền tại rạp Eden ngày 1/11/1972. Giới truyền thông Sài Gòn khi đó đã dành cho “Vết Chân Hoang” những cảm tình nồng hậu để khuyến khích nhóm làm phim hoàn toàn là những người nghệ sĩ.

Tuy đây là một cuốn phim không chuyên, không thuộc một tổ chức điện ảnh nào, không hề nhận được sự hỗ trợ của một cơ quan hay tổ chức nào, nhưng đã là một cuốn phim gợi được sự chú ý của những nhà chuyên môn về điện ảnh. Họ đã tỏ ra dễ dãi với những sai sót về kỹ thuật, những lỗi về “văn phạm và cú pháp điện ảnh” nên đã không có phê bình gắt gao nào, ngược lại là những lời khuyến khích trước sự “chơi bạo” chưa từng có của “đoàn làm phim Jo Marcel”.

Ngày khởi chiếu, khán giả đã đứng chật trước cửa rạp trong “hành lang Eden”, chen chúc nhau để đến gần lớp cửa bằng sắt có mắt cáo lớn của rạp Eden.

Hành lang Eden và rạp Eden

Thời điểm đó, “nhạc sống” vẫn chưa được trình diễn trở lại, vì vậy đây là thời kỳ các trung tâm băng dĩa rất đắt hàng. Đầu năm 1973, tập Tình Ca Nhạc Trẻ số 1 gồm 14 ca khúc nhạc ngoại do Trường Kỳ chuyển lời Việt với mẫu bìa rất hippy do họa sĩ Đằng Giao thực hiện được phát hành.

Không đầy một tháng số bán của tuyển tập “Tình Ca Nhạc Trẻ” 1 đã đạt được con số bán kỷ lục, vượt xa những tuyển tập nhạc khác.

Sau thành công này, 9 tuyển tập “Tình Ca Nhạc Trẻ” khác lần lượt được tung ra trong vòng hơn một năm và tất cả đều gặt hái được thành công.

Kể từ “Tình Ca Nhạc Trẻ” 2, nhạc sĩ Phạm Duy đã đóng góp nhiều ca khúc ngoại quốc chuyến lời Việt cùng với tôi và một số nhạc sĩ trẻ khác như Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Cao Giảng, Tuấn Dũng, Trung Hành. Những quyển kế tiếp còn có sự tham gia của Vũ Xuân Hùng, Kỳ Phát, Quốc Trí, Tiến Chỉnh, Ngọc Uyển…

 

Trường Kỳ và nhạc sĩ Phạm Duy

Phong trào Việt Hóa nhạc trẻ đã bước ngay vào lĩnh vực băng nhạc cũng kể từ năm 1973, song song với những tập “Tình Ca Nhạc Trẻ”. Ông Lê Đằng đã bỏ vốn và đề nghị Trường Kỳ cùng Nam Lộc thực hiện băng nhạc trẻ, sau đó băng magnetic (ma nhê) mang tên “Nhạc Hồng” ra đời, được coi là băng nhạc đầu tiên của phong trào Việt Hóa nhạc trẻ với những ca khúc chuyển lời Việt của Nam Lộc và Trường Kỳ do trung tâm Thúy Nga phát hành.

Đây là cuốn băng qui tụ tất cả những giọng ca của làng nhạc trẻ Việt Nam như: Jo Marcel, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Thanh Lan, Minh Xuân, Minh Phúc, Duy Quang, Như An, Julie, Carol Kim, Cathy Huệ, Tuấn Dũng, Trung Hành với các ban nhạc The Dreamers, The Hammers, Schroums… và đặc biệt có sự góp tiếng của Lệ Thu. Sự thành công của “Nhạc Hồng” đã lôi kéo thêm nhiều bằng nhạc khác được thực hiện sau đó như “Tình Ca Nhạc Trẻ”, “Thế Giới Nhạc Trẻ”… do Tùng Giang, Kỳ Phát, Vũ Xuân Hùng, Ngọc Chánh… thực hiện. Tất cả những băng nhạc đó đã khiến cho phong trào Việt Hóa nhạc trẻ được phát triển thật sâu rộng trong quần chúng.


Click để nghe Băng Tình Ca Nhạc Trẻ 1 do Trường Kỳ thực hiện

Sự đi lên mạnh mẽ của phong trào Việt Hóa nhạc trẻ cũng đã gây được sự chú ý của các nhà làm phim, trong số đó có “Cô Hippy Lạc Loài”, phỏng theo tiểu thuyết của nhà văn Nhã Ca, và phim “Tuổi Dại”, có sự xuất hiện của chính cua hippy, vua nhạc trẻ Trường Kỳ.


Click để xem phim Tuổi Dại (1974), phân đoạn có Trường Kỳ xuất hiện, hát Cát Bụi (Trịnh Công Sơn)

Do phòng trà vẫn bị đóng cửa, thời kỳ năm 1972 này những bầu sô như Trường Kỳ, Kỳ Phát nhận thêm công việc dịch sách hình của Tây, như là dùng giấy sáp tô lại hình của những quyển Lucky Luke, Tintin hoặc Schtroumphs… Sau đó là ngồi dịch sang tiếng Việt.

Ngoài ra Trường Kỳ còn viết lời cho một số sáng tác của Tùng Giang như: Biết Đến Thuở Nào, Cuộc Tình Xưa, Ta Hôn Nhau Trong Công Viên…

Tùng Giang và Trường Kỳ

Đến gần giữa năm 73, các vũ trường mới được phép hoạt động trở lại, nhạc sĩ Tùng Giang thỏa thuận với chủ khách sạn Catinat để đứng ra khai thác tại nơi trước đó là phòng trà Jo Marcel, sau đó là Đêm Màu Hồng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, trước khi đóng cửa hè năm 1972. Thấy Trường Kỳ vẫn thất nghiệp, Tùng Giang mời về cùng thực hiện một chương trình được đặt tên là “Disco Party”. Tuy nhiên công việc Trường Kỳ chỉ làm ở đây vài tháng trước khi xảy ra một bước ngoặt của cuộc đời.

Qua sự giới thiệu của người bạn là nhạc sĩ Nam Lộc, Trường Kỳ quen với một cô gái trẻ 20 tuổi tên là Thu Huyền, người sau đó trở thành vợ của ông. Thời điểm quen cô Huyền, Trường Kỳ đã không còn hăng hái như xưa trong những hoạt động về âm nhạc cũng như viết lách vì tình hình xã hội có nhiều xáo trộn. Trong hồi ký, ông nói rằng lúc này đã muốn ngưng tất cả những hoạt động để trở về một với một cuộc sống bình thường. Vì vậy khi quen Huyền, không như vô số những cô gái trước đó, ông đã thật sự tìm được một bến đỗ của cuộc đời.

Thu Huyền và Trường Kỳ

Vợ chồng Trường Kỳ tại hải ngoại

Dù mang tâm trạng chán chường với công việc, nhưng vì vẫn còn một chút vương vấn nên đã nhận lời cùng với bạn bè để đứng ra tổ chức Đại hội Nhạc Trẻ năm 1973 đến 2 lần, một lần đầu năm 1973 và một lần vào 25/11/1973.

Trường Kỳ, Nam Lộc, 2 nữ ca sĩ Thanh Lan – Thái Hiền

Đặc biệt trong lần đại hội nhạc trẻ này đã có dịp “giao duyên” với những tên tuổi lớn của làng tân nhạc Việt Nam là Khánh Ly, Lệ Thu, và nhất là ban hợp ca Thăng Long. Đây là một trong những Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd được coi là thành công nhất kể từ khi được tổ chức ngoài trời.

Sau đó, nhờ có người yêu, sau đó là vợ Thu Huyền luôn khuyến khích, Trường Kỳ còn thực hiện thêm một lần đại nhạc hội nhạc trẻ Taberd vào hè năm 1974.

Lễ cưới của Trường Kỳ và Thu Huyền được tổ chức vào năm 1974, cũng được xem là một Đại hội Nhạc Trẻ, diễn ra tại nhà hàng Lê Lai, với Jo Marcel, Nam Lộc và Thanh Lan cùng dẫn chương trình lễ cưới với phần trình diễn văn nghệ của hầu hết bạn bè thân thiết.

Một số hình ảnh đám cưới Trường Kỳ:

Về hôn nhân của Trường Kỳ – Thu Huyền, họ cưới nhau năm 1974, có một con gái duy nhất là Tú Uyên và sống bên nhau cho đến lúc Trường Kỳ qua đời. Người vợ nói rằng thời trẻ bà không ý thức gì nhiều về yêu đương cũng như chuyện nghề nghiệp của chồng. Bà nhận lời kết hôn vì cảm thấy đi chơi vui, thoải mái, chứ lúc đó còn khờ khạo để tính toán những điều chi li khác. Vì vậy, dù nhiều người thân quen đã “cảnh báo” rằng Trường Kỳ đã từng có rất nhiều người tình, bà cũng để ngoài tai, lý do là vì khờ khạo, chứ không phải là không sợ. Bà nói rằng có lẽ cũng nhờ vậy mà hôn nhân của họ được bền chặt dài lâu.

Trong cuộc sống hôn nhân, không thể tránh được những điều không vừa ý, đặc biệt là với một người chồng nghệ sĩ đam mê công việc như Trường Kỳ. Sau này người vợ Thu Huyền kể lại:

“…càng ngày, công việc càng đòi hỏi thời giờ của anh nhiều hơn thời giờ anh dành cho tôi. Công việc của anh có một thế giới riêng để anh sinh hoạt, anh sống trong thế giới vui buồn đó mà không có tôi, đó là “Thế Giới Nghệ Sĩ”.

Tôi thường bắt gặp cảnh anh ngồi trước computer 2 tay xoa xoa, bấm bấm, gương mặt anh đam chiêu chìm đắm trong cái thế giới vô hình đến nỗi tôi mang dĩa trái cây, ly nước hay sách báo mới nhận được, đưa vào cho anh để ngay bên cạnh, mà anh không hề hay biết, thỉnh thoảng có việc phải hỏi, tôi thường làm anh giật mình.

Nhiều lúc tôi cảm tưởng là anh quên mất sự có mặt tôi bên cạnh anh. Anh chỉ nhớ đến tôi khi bắt đầu thấy đói bụng muốn ăn, Anh chỉ nhớ đến tôi khi bắt đầu thấy đói bụng muốn ăn…”

Sau khi cưới, tưởng như Trường Kỳ sẽ rời xa hoạt động ca nhạc, nhưng với lời mời thiết tha của ban tổ chức, sự khuyến khích của vợ, ông lại cùng các bạn đứng ra thực hiện chương trình cho Đại hội Nhạc Trẻ tại Thảo Cầm Viên vào ngày 29 tháng 12 năm 1974. Đây cũng là chương trình đại hội nhạc trẻ cuối cùng tại Sài Gòn thời điểm trước 1975, diễn ra trong một thời cuộc rối ren, lòng người rối bời, nên không để lại ấn tượng nào đặc biệt.

Ngày 31 tháng 3 năm 1975, người con gái đầu lòng (cũng là duy nhất) của Trường Kỳ – Thu Huyền ra đời, đặt tên là Tú Uyên. Chỉ 1 tháng sau đó, gia đình nhỏ đối diện với những thay đổi thật sự lớn lao.

Thời điểm tháng 4 năm 1975, trong khi lần lượt những người bạn lần lượt rời Việt Nam, vợ chồng Trường Kỳ – Thu Huyền chọn ở lại, dù có cơ hội, vì lúc đó con của họ là Tú Uyên còn quá nhỏ, không thể mạo hiểm vì sợ phải ân hận suốt đời.

Sau đó, Thu Huyền ra trình diện để được đi làm lại, vì khi đó bà đang làm kế toán cho một công ty mỹ phẩm, lúc đó đã bị quốc hữu hóa và hoạt động trở lại, còn Trường Kỳ vẫn ở nhà, cùng những người bạn nghệ sĩ chung số phận thất nghiệp là Kỳ Phát, Nguyễn Long, Tiến Chỉnh, Huy Cường ở nhà tụ tập, và… trông Tú Uyên. Được một năm sau, họ bàn nhau cùng mở một quán cafe ở góc Công Lý – Hồng Thập Tự (đổi tên thành NKKN-NTMK). Nhưng vì mấy chủ quán toàn ngồi nhậu với nhau nên dần quán cà phê thành quán nhậu, rồi ế khách dẹp tiệm.

Đang chưa biết làm gì thì có một người trước đây vốn ngưỡng mộ Trường Kỳ sắp xếp đưa được ông vào làm cho xí nghiệp Xây Lắp Vật Dụng Số 2 ở Thanh Đa, thuộc biên chế nhà nước, phụ trách văn nghệ cho xí nghiệp này. Ông có thời gian rảnh rỗi tiếp tục tụ tập ca hát (như lời tiên tri của tử vi từ thuở mới lọt lòng) cho đến ngày rời Việt Nam cuối tháng 10 năm 1979.

Trường Kỳ quyết định đi trước một mình, chuyến tàu định mệnh đó được tàu hàng của Scotland kéo vào Nhật. Tại đây, vì giỏi tiếng Anh nên Trường Kỳ được làm trưởng trại tị nạn, được phép tự do đi lại, dạy Anh ngữ cho các học sinh trường học nhờ có bà giám đốc trại giới thiệu. Được một thời gian, ông làm thủ tục đi Mỹ, nhưng sau đó nghe nói rằng ở Canada diện bảo lãnh cho vợ con nhanh hơn Mỹ nên đổi qua chọn đi Canada.

Trường Kỳ định cư ở Canada được 3 năm thì đoàn tụ cùng vợ con. Những tháng ngày đầu tiên, Thu Huyền vừa đi làm vừa học sinh ngữ, cuộc sống vất vả, nhưng cả gia đình được đoàn tụ bên nhau thì hạnh phúc không gì bằng được.

Jo Marcel, Tùng Giang, Trường Kỳ, Nam Lộc tại hải ngoại

Năm 2002 tại hải ngoại, Trường Kỳ cho xuất bản tập bút ký ưng ý nhất của mình, cuốn Một Thời Nhạc Trẻ. Sách dày 384 trang bìa màu được trình bày bởi Lê Phan Lân, một giọng ca tài tử rất được mến mộ tại Montréal. Một Thời Nhạc Trẻ được chia làm 4 chương. Mỗi chương mang một tên riêng. Chương 1: Một Thuở Ham Vui. Chương 2: Một Thời Nhạc Trẻ. Chương 3: Những Ngày Tháng Hippy. Chương kết: Một Chốn Bồng Lai.

Gia đình Trường Kỳ sinh sống nhiều năm tại Montreal – Canada, với công việc chính là viết về nghệ sĩ, du lịch và ẩm thực đăng trên các tạp chí ở cả Canada lẫn Hoa Kỳ, Úc, Âu Châu, đồng thời phụ trách phần văn nghệ trên nhiều đài phát thanh, nổi tiếng nhất là đài VOA của Hoa Kỳ.

Khi vẫn đang bận rộn với nhiều công việc như vậy thì Trường Kỳ đã bất ngờ ra đi lúc 13 giờ ngày 22/3/2009 tại Toronto (Canada).

Theo lời kể của Thu Huyền thì thời điểm đó Trường Kỳ vẫn đang theo dõi sức khỏe rất kỹ lưỡng, nên sự ra đi này làm cho mọi người cùng bất ngờ, riêng người vợ trở nên suy sụp.

Phạm Duy, Nam Lộc, Trường Kỳ tại hải ngoại

Trước đó, giữa năm 2008, vì mẹ của Thu Huyền trở bệnh, gọi 2 vợ chồng họ về Việt Nam gặp mặt. Vì bận công việc nên Trường Kỳ ở được 3 tuần rồi quay trở lại Canada, riêng Thu Huyền vẫn ở lại, dành gần hết năm 2008 để chăm sóc mẹ già.

Giữa tháng 1 năm 2009, Trường Kỳ về lại Việt Nam để đón vợ, rồi cùng về lại Montréal khoảng gần cuối tháng 2-2009. Thời gian sau đó ông dồn hết thời gian để làm việc bù cho những ngày đi đi về về giữa Canada – Việt Nam. Có lẽ đang mệt sau chuyến đi dài, rồi vì sức ép dồn dập của công việc nên Trường Kỳ thường hay bị mệt. Trước đó ông có theo dõi sức khỏe rất thường xuyên ở bệnh viện, nhưng lần này có lẽ tinh thần căng thằng nhiều nên tim mạch bất thường, không có vợ bên cạnh thường xuyên để chăm sóc nên từ đó sức khỏe đi xuống mà không đối phó kịp thời.

Sau đây là những lời tâm sự của người vợ Thu Huyền sau sự ra đi của Trường Kỳ:

“…mọi chuyện tang gia, con gái và con rể tôi lo liệu cho bố rất chu đáo. Các em tôi từ Mỹ cũng bay sang luôn ở cạnh bên tôi để an ủi, và lo cho sức khoẻ của tôi, bởi vì trong những ngày tang lễ của anh, không hiểu sao 2 chân tôi cứ bị khuỵu xuống…

Dầu vậy mấy ngày này cũng chưa phải là khủng khiếp, kinh hoàng đối với tôi bằng những ngày tháng kế tiếp sau đó. Khi mà mọi người đã trở về với công việc thường ngày của họ, mọi thứ đều yên ắng, chỉ còn một mình tôi ngồi đối diện với sự trống vắng cô đơn, tôi hụt hẫng, chới với, tôi thực sự bị khủng hoảng với sự lẻ loi này, tôi mất ngủ và thường mơ thấy anh.

Nhiều đêm tỉnh giấc, tôi bàng hoàng hoảng hốt tự hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với mình vậy? Có phải đang nằm mơ không? Rồi sáng mai thức dậy mình làm gì đây? Không có anh, từ nay cuộc sống tôi – sẽ thay đổi hoàn toàn, tôi cảm thấy mình bị lạc mất phương hướng.

Tháng 3 ở Montréal, tuyết đã ngừng rơi nhưng vẫn còn những cơn mưa kéo dài và lạnh, cái lạnh còn sót lại của mùa đông vừa đi qua, cây cối còn tiêu điều sơ xác, nhìn đâu tôi cũng thấy buồn, thấy lạnh, tôi lạnh lắm, tôi đuối sức cả tinh thần lẫn thể xác, hình dáng tôi lúc này chắc tiều tụy lắm, vì người nào gặp mặt cũng đều nói: Huyền không được như vậy, phải kiên cường lên, vững vàng lên chứ, Huyền mà cứ như thế này, anh Kỳ cũng buồn lắm đó.

Biết vậy, nhưng chịu thua, tôi hoàn toàn sụp đổ, tôi đã cố gắng hết sức làm ra vẻ bình thường khi về nhà gặp mặt con cháu hoặc người thân bởi không muốn các con lo lắng nhìn thấy gương mặt sầu ủ rũ suốt ngày của mẹ, nên bù lại, để giải tỏa sự kiềm chế đó, tôi thường lái xe tìm chỗ vắng vẻ, vì trời còn lạnh, tôi đóng kín cửa, tự do gào khóc thỏa thích, không sợ ai nghe, không sợ ai thấy…”

Đông Kha – chuyenxua.net
(biên soạn theo hồi ký của Trường Kỳ và lời kể của Thu Huyền)

Viết một bình luận