Cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Ngọc Giàu qua bài báo xưa 60 năm trước

Nghệ sĩ Ngọc Giàu tên thật là Công Tôn Nữ Thị Giàu, sinh năm 1945, xuất thân trong gia đình Huế di cư vào Nam sinh sống ở vùng An Khánh – Thủ Đức, thuộc dòng dõi quý phi Lê Ngọc Bình (công chúa nhà Hậu Lê, sau trở thành hậu cung của Cảnh Thịnh Đế Nguyễn Quang Toản nhà Tây Sơn, và cuối cùng là phi tần của hoàng đế Gia Long).

Nghệ sĩ Ngọc Giàu đã bước chân vào sân khấu từ năm 1953 khi ở tuổi lên 9, được xem là một trong những nghệ sĩ cải lương, cổ nhạc được yêu thích nhất và có giọng hát bền bỉ nhất, tham gia nghệ thuật liên tục suốt gần 70 năm qua.

Nghệ sĩ Ngọc Giàu tuổi 16

Để tìm hiểu về cuộc đời của Ngọc Giàu, cũng như sự nghiệp sân khấu của bà trong những năm đầu tiên, mời các bạn đọc lại các bài báo được xuất bản từ đầu thập niên 1960 (60 năm trước) sau đây:

Bài báo trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn:

Tư liệu của Thùy Trang

Một sắc đẹp khiêm nhường, một thiên tài sớm xuất hiện nhưng vẫn từ tốn, lễ độ, không kiêu căng, không tự mãn. Ngọc Giàu chẳng khác nào đóa hoa đồng nội, tuy thơm ngát một phương trời những vẫn khép nép trên mảnh đất quê hương để giữ vẹn đặc tính thuần khiết, chứ không chịu phô trương kênh kiệu như những loài hoa vương giả để một sớm rồi tàn.

Sanh ra trong một gia đình không được sung túc, Ngọc Giàu lại thiếu cả sự may mắn về đường học vấn. Vậy mà nàng đã tỏ ra một người rất đáng khen ngợi về lễ nghĩa. Không vì danh tiếng mà kiêu căng, trái lại Ngọc Giàu còn tìm đủ cách lấy lòng người chung quanh, nghệ sĩ cũng như khán giả, để đổi lấy những cảm tình triều mến và những điều học hỏi giá trị. Nàng là con út trong gia đình, kiếm được tiền rất sớm, nhưng không vì vậy mà nàng dám tỏ ý tự hào. Một lòng kính mến mẹ cha, trọng anh chị, thương yêu họ hàng, bởi vậy nàng đã được dư luận cũng như báo chí mệnh danh “hiếu nữ”.

Ngọc Giàu bước chân vào nghề là cả một thời gian dài cực khổ, sự thành công của nàng rất xứng đáng với công phu tập luyện thuở ấu thơ. Nhờ anh nàng là nghệ sĩ Thành Tâm nên nàng học ca vọng cổ từ lúc nhỏ. Nàng tâm sự với chúng tôi:

“Em học ca cực lắm anh ơi. Hồi đó còn nhỏ, ở nhà nhờ anh Tâm đờn và tập cho em ca, mỗi lần ca rớt là ảnh đánh liền. Em vừa khóc thút thít là ảnh đã hô “vô”, em vội quệt nước mắt vô liền cho đúng nhịp”.

Ngọc Giàu mỉm cười nói tiếp:

“Mà cũng nhờ cực vậy nên ngày nay mới khá được anh ạ”

Như chợt nhớ điều gì, nàng cười khúc khích một lát sau mới nói:

“Vậy chứ hồi nhỏ em gan lắm nghe anh! Có lần em trốn anh Tâm, em trải chiếu ra ngoài bờ sậy rậm rì thật xa nhà. Ảnh đi kiếm cả ngày mới thấy”.

Ngọc Giàu lúc nào cũng cười vui nhưng nàng lại chứa cả một tâm sự buồn khó tả. Nàng bảo:

“Em buồn nhiều lắm anh ạ, những nỗi buồn không thể nói ra”.

Từ ngày Ngọc Giàu ca vững được ít lâu thì đoàn Kim Phụng mời nàng gia nhập lần đầu tiên. Kế đó đến đoàn Thanh Thanh Văn Khá, rồi Tỷ Phượng, Thanh Tâm, Cửu Long, Ngọc Kiều, Minh Hùng, Mai Lan Phương, Kim Chưởng.

Vừa nghỉ đoàn Kim Chưởng là nàng đoạt giải Thanh Tâm năm 1960, vinh dự huy chương vàng về tài nghệ lẫn đức hạnh.

2 nghệ sĩ Bích Sơn và Ngọc Giàu cùng đoạt giải thưởng Thanh Tâm cao quý năm 1960

Liền đó, nàng được mời gia nhập đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Đứng trên sân khấu đại bang, tài nghệ Ngọc Giàu càng xuất sắc vượt bực. Ở bên cạnh Thanh Nga, Ngọc Giàu được sự giúp đỡ tận tình của người bạn gái đáng quý nên nàng lại càng có cơ hội phát triển tài năng và thiên khiếu. Hỏi về hy vọng tương lai, nàng đáp:

“Em chỉ mong sao diễn xuất và giọng ca của em giữ được cảm tình khán giả mãi mãi để tạo cho em một chỗ đứng vững vàng trong kịch giới. Nhờ đó em sẽ kiếm được nhiều tiền phụng dưỡng cha mẹ và tự kiến tạo một tương lai cho bản thân.”

Chúng tôi hỏi: “Còn về NGƯỜI CHỒNG LÝ TƯỞNG của Ngọc Giàu phải như thế nào?”

Nàng đỏ hồng đôi má, hơi suy nghĩ rồi mới đáp:

“Em thì chưa tính tới chuyện đó. Hiện nay em còn nghĩ nhiều đến mẹ cha, đến nghệ thuật. Nhưng nếu có nghĩ đến chuyện đó thì em cũng mong như phần đông các bạn gái khác là lấy được người chồng hiểu biết, lo cho gia đình, thành thật thương mến vợ con. Nghĩa là em mong có một gia đình hoàn toàn hạnh phúc vậy thôi”.

Trước khi tiễn chúng tôi ra về, nàng còn tâm sự: “Anh ạ, một đêm buồn quá, em nằm khóc và tình cờ đặt được 3 câu vọng cổ. Chừng nào em đặt xong hết 3 câu sẽ hát cho anh nghe”.

Chúng tôi mỉm cười:

“Hân hạnh quá, nhưng Ngọc Giàu nhớ viết ra để tặng toàn thể độc giả Phụ Nữ Diễn Đàn nữa chứ?”

Nàng đáp: “Lẽ dĩ nhiên, em đâu dám quên điều đó”.

Chúng tôi ra về, lòng không khỏi vui khi nghĩ tới Ngọc Giàu: Đóa Hoa Đồng Nội ấy tuy khép nép khiêm tốn nhưng hương thơm vẫn tỏa ngát khắp ngàn phương.

Nàng có thể lừng danh bất cứ trong hoàn cảnh nào, vì nàng là loại vàng thật không bao giờ sợ thử lửa. (Bài báo của Trọng Minh – Bạch Tuyết, báo Phụ Nữ Diễn Đàn)

Sau đây, mời các bạn đọc thêm bài viết của Sĩ Trung về Ngọc Giàu đăng trên Kỷ yếu giải Thanh Tâm hơn 60 năm trước:

Tư liệu của Thùy Trang

Trong số nghệ sĩ trẻ của sân khấu cải lương ngày nay, người ta chú ý đến tài nghệ và triển vọng của một vài cô đào tài hoa có thể tạo cho người yêu kịch nghệ một niềm hy vọng ở tương lai ngành ca kịch.

Con số nhỏ nhoi này, tuy chưa đủ sức kéo lôi ngành nghệ thuật cổ điển ra khỏi tình trạng thấp kém như hiện nay, nhưng cũng đã và đang làm cho giới thanh niên trí thức chú ý đến họ một cách đặc biệt, nghĩa là nhờ có họ mà người ta còn lưu luyến đến sân khấu ca kịch. Chúng tôi không bi quan trước thực trạng của cải lương, nhưng chúng tôi cảm thấy không vui khi hoài công đi tìm những con chim lạ, khám phá những mầm non đầy triển vọng để tìm nhân tố trẻ trung cho nàng nghệ thuật cổ điển nầy.

Tron thời gian theo dõi hoạt động sân khấu ca kịch, chúng tôi chỉ tìm thấy được một vài nữ diễn viên hoặc có thực tài, hoặc có rất nhiều triển vọng ở tương lai, và họ có thể đại diện tương đối cho lớp người trẻ đang phục vụ cho ngành sân khấu ca kịch.

Các cô Thanh Nga, Bích Sơn, Ngọc Giàu, Thanh Thanh Hoa là bộ mặt của ngành sân khấu trẻ trung mà nếu chúng ta khéo khai thác, họ sẽ đủ khả năng làm thỏa mãn cảm quan phức tạp của chúng ta.

Đi lên từ hố thẳm

Ngọc Giàu, hiện là diễn viên khá quan trọng của đoàn hát Thanh Minh bên cạnh Thanh Nga. Trong số các huy chương vàng giải Thanh Tâm, Ngọc Giàu làm chúng tôi chú ý nhiều hơn hết. Không phải vì cô đẹp như Thanh Nga, dễ yêu như kiều nữ Bích Sơn, hay “ngoạn mục” như Thanh Thanh Hoa, cô bình thường lắm, nhưng chỉ vì cô đã tạo được vinh quang ở buổi đầu bằng tất cả cố gắng, tận tụy và hy sinh cho nghề nghiệp ở cái tuổi 16, tuổi ngây thơ chưa vào đời.

4 nữ nghệ sĩ tài danh đã đoạt giải Thanh Tâm: Thanh Nga (1958), Ngọc Giàu (1960), Lan Chi (1959), Bích Sơn (1960)

Năm 1961, ở dêm lãnh huy chương vào giải Thanh Tâm 60, Ngọc Giàu đứng cạnh bên các vì sao sáng: Bích Sơn, Thanh Nga, Lan Chi, giống như người em bé nhỏ nông dân lạc lỏng nơi chốn thị thành đầy ánh sáng. Trông sắc vóc của cô, không ai nghĩ rằng đó là một trong hai cô đào triển vọng của nền ca kịch năm 1960 ấy. Ngọc Giàu, một nữ diễn viên 16 tuổi, quá trẻ mà đã sớm đạt danh vọng.

Trước đó một năm, Ngọc Giàu đã gây cho chúng tôi sự thích thú khi cô thủ một vai đào thương trong vở hát rất kém “Tim Vàng Ai Xẻ làm Đôi” trình diễn trên sân khấu Kim Chưởng. Cô đã vận dụng tài nghệ cá nhân để ngoi lên khỏi cái dở của soạn phẩm; nét diễn linh động, hơi ca phong phú, ngọt ngào của cô đã làm cho người ta quên bẵng đi cái tuôi 16 thơ dại.

Chính ngay sau vở hát ấy, chúng tôi đã đặt nhiều tin tưởng ở Ngọc Giàu và một năm qua nữa, cô đã chiếm Huy chương vàng giải Thanh Tâm 1960 thật vẻ vang bên cạnh kiều nữ Bích Sơn. Mọi người hoan hỉ đón nhận tin ấy và cho rằng đó là một phần thưởng tinh thần xứng đáng ban tặng cho người nữ nghệ sĩ bé nhỏ của làng ca kịch. Nếu người ta biết rõ quá khứ hoặc gia cảnh của cô, sẽ càng ngạc nhiên thích thú hơn khi được biết cô thành công trên đường sự nghiệp.

Là một cô gái của miền sông Hương núi Ngự, Ngọc Giàu đi về Nam, trống rỗng với sự nghiệp cơ hàn của song thân. Thuở ấy không ai ngờ được cô bé gái đen đúa xấu xí ấy sẽ trở thành một nghệ sĩ hữu danh sau nầy, cho đến bây giờ nhìn Ngọc Giàu đêm đê rực rỡ trên sân khấu, dưới ánh đèn mầu, không ai còn nhận ra cô bé Công Tôn Nữ Ngọc Giàu đã mở mắt chào đời giữa mùa binh lửa tại làng An Khánh xa xôi.

Cô thôn nữ Ngọc Giàu đã trải qua những ngày tháng buồn tẻ của một cô sen, nữ tỳ, vai phụ từ đoàn Kim Phụng, Thanh Thanh (Văn Khá), Mai Lan Phương, rồi đến Tỷ Phượng, Cửu Long, Minh Hùng, Ngọc Kiều, Kim Chưởng. Lăn lóc trong 8 năm trời, từ 8 tuổi đến vừa đúng tuổi dậy thì, cô đào trẻ Ngọc Giàu mới đạt được vinh quang, tuy quá sớm nhưng khổ nhọc không phải ít.

Ngay sau khi đạt giải thưởng, Ngọc Giàu được mời về gánh lớn, đoàn Thanh Minh Thanh Nga với một số tiền công tra hằng mấy trăm ngàn đồng với và với số tiền thù lao mỗi đêm những năm trăm đồng. Cái tuổi 17 hãy còn bé bỏng lắm, nhưng Ngọc Giàu đã kiếm ra được số tiền lớn gây hạnh phúc cho cha mẹ, anh em, như vậy hẳn Ngọc Giàu đã được sanh nhầm số đỏ. Cuộc sống ở quá khứ cũng như sắc diện bên ngoài của Ngọc Giàu khiến ai nấy ngạc nhiên thích thú trước cái hiện tại vàng son của cô.

Yếu tố quyết định sự thành công của cô chính là khả năng ca diễn thiên phú, một hiện tượng mâu thuẫn với thực chất người con gái chỉ được có mỗi cái duyên như cô. Trong sắc diện của một thôn nữ chất phác, mộc mạc, tạo hóa đã gửi gắm một hơi ca trầm ấm, ngọt ngào và truyền cảm, một tính tình thùy mị dễ thương. Tinh thần chịu đựng và sự khôn ngoan hiểu rõ vị trí, sở trường sở đoản của mình, đã giúp Ngọc Giàu càng ngày càng tiến dần đến mức trưởng thành của nghệ thuật ca diễn trên sân khấu.

Thật thế, từ ngày về hát cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Ngọc Giàu đã chứng minh được tài nghệ của mình. Đứng bên cạnh Thanh Nga, Ngọc Giàu biết rõ mình thua sút về sắc diện hay địa vị, nên cô đã vận dụng khả năng ca, diễn độc đáo để lấy đầy khuyết điểm của mình.

Ngọc Giàu không từ chối một vai gì dù đẹp hay xấu, dù đau khổ, bi thương hay đanh đá, độc ác, và đặc biệt nhất là trong vai nào cô cũng gặt hái được thành công tốt đẹp. Đó là một ưu điểm mà chúng tôi ít thấy ở các cô đào son trẻ, danh vọng khác. Chúng tôi đã phải ngạc nhiên khi xem cô diễn tả tâm trạng đau khổ, tuyệt vọng của các vai trò trong những vở Hoa Rụng Đêm Khuya, Tàu Ra Xứ Huế, hay Phấn Bụi Phù Dung, hoặc chua ngoa trong vở Vườn Hạnh Sau Chùa. Người ta đã thương tặng Ngọc Giàu danh hiệu là nữ nghệ sĩ của 4 mùa, hay diễn viên của thời tiết; dù ở mùa nào thời tiết Ngọc Giàu cũng chịu đựng và sáng chói như ánh thái dương.

Trong năm qua, Ngọc Giàu đã cố đuổi theo Thanh Nga để củng cố thành tích huy chương vàng của mình. Nhờ kiên nhẫn và cô gắng, nàng đã được Ban tuyển chọn Giải Thanh Tâm 61 trao Bằng danh dự khi Huy chương vàng 61 lọt vào tay Thanh Thanh Hoa.

Chỉ vì thiếu yếu tố quan trọng nhất của người con gái là Sắc Đẹp, Ngọc Giàu chưa vượt qua khỏi các huy chương vàng khác như Thanh Nga hay Bích Sơn, nhưng nghệ thuật ca và diễn Ngọc Giàu vẫn là đối thủ đáng ngại nhất của các nghệ sĩ đồng trang lứa và đồng danh vọng. Chúng tôi nghĩ rằng Tạo hóa đã ban cho cô có hơi ca phong phú, một giọng ca ngọt ngào truyền cảm, sao không tạc nắn cho cô một khuôn mặt của thần vệ nữ; cái duyên thầm kín của cô chưa đủ làm chết lòng những kẻ… si tình.

Tư liệu xưa của Thùy Trang sưu tầm
chuyenxua.net biên soạn

3 bình luận về “Cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Ngọc Giàu qua bài báo xưa 60 năm trước”

  1. Cho hỏi;
    – Có phải trước 1975 gia đình Ngọc Giàu cư ngụ tại Thủ Thiêm ( khu vực đường Lương đình Của, hoặc Trần Não bây giờ)
    Vì theo lời mẹ tôi nói lại- trước đây chúng tôi là hàng xóm với nghệ sĩ NG ,,,

    Trả lời
  2. NG..người ta hay nói cô không đẹp, nhưng tui thấy cô rất có duyên. Còn làn hơi và diễn xuất thì khỏi phải nói. Cô vào vai nào là để đời vai đó. Nhất là những vai về mẹ..

    Trả lời

Viết một bình luận