Chế Linh kể chuyện về 4 người vợ và 14 người con
Nam danh ca Chế Linh được xem là một huyền thoại của dòng nhạc vàng, là một trong những ca sĩ đầu tiên hát nhạc vàng phổ thông – dòng nhạc vẫn đang được yêu thích cho đến ngày nay. Ông bắt đầu nổi tiếng từ thập niên 1960, sau đó cùng với các ca sĩ – nhạc sĩ Duy Khánh, Hùng Cường và Nhật Trường được xưng tụng là “tứ trụ nhạc vàng”, và trong bộ tứ này hiện nay chỉ còn lại duy nhất ca sĩ Chế Linh, 3 người còn lại đã tạ thế được nhiều năm.
Click để nghe tuyển tập nhạc Chế Linh thu âm trước 1975
Ca sĩ Chế Linh tên thật là Jamlen (Trà – len), là người gốc Chăm tại vùng đất Phan Rang – Ninh Thuận. Ông còn có tên tiếng Việt Là Lưu Văn Liên, sinh ngày 3 tháng 4 năm 1942 trong một gia đình có 3 anh em. Dù gia cảnh khó khăn, cha mất sớm khi mới 4 tuổi, nhưng Chế Linh may mắn được học hành đầy đủ. Lúc nhỏ, khi theo học chương trình tiểu học Pháp tại trường làng, ông được các linh mục người Pháp dạy thêm về nhạc lý căn bản. Lớn lên, Chế Linh theo học trung học tại trường Bồ Đề Phan Rang.
Năm 1958, Chế Linh bỏ làng, rời mảnh đất quê hương quanh năm khô cằn nắng cháy để một mình vào Sài Gòn. Gần đây, trong một lần tự kể về cuộc đời, ông đã kể lý do của việc bỏ làng ra đi này là do làng của ông ở quê với làng kế bên thường xuyên xảy ra xích mích, ẩu đả nhiều lần, ông lúc đó dù còn nhỏ nhưng bị vạ lây, bị thương vài lần. Ngoài ra khi đó vẫn còn sự kỳ thị về sắc tộc giữa các làng với nhau.
Sự việc này, cộng với lý do trước đó từng được Chế Linh kể lại là ông cũng muốn được mở mang tầm mắt, tìm kiếm tương lai tươi sáng hơn và không muốn an phận ở quê nhà. Năm 16 tuổi, Chế Linh trốn gia đình, không cho ai biết, nhờ hai người bạn thân chở tới một trạm xe lửa nhỏ, hành trang mang theo chỉ có một chồng bánh tráng, một bộ đồ gói lại, và 1200 đồng, một số tiền lớn đối với ông. Chế Linh leo lên xe lửa đi Sài Gòn khi vẫn chưa nói rành tiếng Kinh, chưa biết sẽ ở đâu và làm gì để kiếm sống khi đến nơi.
Chế Linh kể tiếp câu chuyện rằng ở ga xe lửa Sài Gòn, khi còn đang lóng ngóng vì lần đầu tiền được đặt chân đến một thành phố đông đúc rộng lớn như vậy, trong hoàn cảnh là một đêm mưa tầm tã, chưa biết sẽ đi đâu về đâu thì có một bác xích lô tới hỏi chuyện. Khi biết Chế Linh ở quê mới đến, không người thân, không nơi ở, ông xích lô tốt bụng cho ngủ nhờ một đêm trên chiếc xích lô, trùm nilon lại để khỏi mưa ướt. Khi được mọi người hỏi dự tính sẽ làm gì để kiếm sống, Chế Linh nói ông sẽ đánh giày hoặc bán báo, dù trước đó ông chưa từng đánh giày bao giờ.
Sáng hôm sau thức dậy, Chế Linh làm quen được với những đứa trẻ đánh giày ở trước phòng trà Hòa Bình (ở ngay trước ga xe lửa), một người đàn anh thấy tội nghiệp nên giúp đỡ, cho mượn một hộp đánh giày để đi làm, tuy nhiên chỉ làm được một lần thì bị khách chê vì không có nghề. Chế Linh sống lay lắt với những đứa trẻ bụi đời được vài bữa thì gặp lại ông 6 xích lô lần trước. Thương tình cảnh của cậu bé xa quê, ông nói rằng có biết một gia đình người Hoa ở Chợ Lớn đang tìm người giữ con, em gái ruột của ông đang làm giúp việc cho gia đình này.
Sau đó Chế Linh được ông xích lô giới thiệu vào làm người ở cho gia đình người Hoa, công việc của ông rất đơn giản, chỉ là đưa đón con của chủ nhà đi học. Thời gian đi và về, ông lang thang trên đường thấy tiệm bán sách cũ nên mua sách, mua đèn dầu, đến ban đêm khi cả nhà ngủ hết thì lén mở đèn đọc sách. Một lần đang đọc sách thì bị bắt gặp, ông chủ nói rằng không được thắp đèn như vậy nữa vì sợ sẽ cháy nhà.
Vài hôm sau, Chế Linh bất ngờ và rất xúc động thì thấy ông chủ mua bàn và mua đèn noen về để vô phòng Chế Linh để đọc sách. Ngoài ra, ông còn được gia đình người Hoa mà ông gọi là bác Ba Chợ Lớn này xem như con, cho đi học ở trường, một buổi đi học một buổi giữ em. Tuy nhiên việc làm thuê như vậy không thể giúp tiến thân, không phải là mục đích khi quyết định rời xa quê, nên Chế Linh muốn tìm hướng đi khác cho cuộc đời, thời gian sau đó ông quyết định rời gia đình “bác Ba” để ra sống một mình.
Thời điểm này Chế Linh chỉ biết tiếng Pháp và tiếng Chăm, thường hát nhạc Pháp và nghe cổ nhạc chứ không nghe tân nhạc Việt. Tuy nhiên vào năm 1960, ông quyết tâm bước chân vào làng nhạc với suy nghĩ rằng chỉ có âm nhạc mới có thể giúp hoà đồng được với cuộc sống ở vùng đất mới. Năm 1962, khi tròn 20 tuổi, Chế Linh có may mắn tình cờ gặp lại vị linh mục người Pháp lúc nhỏ đã dạy nhạc cho mình. Vị linh mục tốt bụng đã nhận nuôi và động viên ông tiếp tục đi học.
Trên bước đường đến với âm nhạc, Chế Linh rất may mắn khi gặp được những nhạc sĩ đàn anh hết lòng hướng dẫn, giúp đỡ trong những năm đầu tiên của sự nghiệp, đó là các nhạc sĩ Châu Kỳ, Trúc Phương, Mạnh Phát, và đặc biệt là Duy Khánh.
Từ trước đến nay, nhiều người cho rằng Chế Linh từng là học trò của danh ca Duy Khánh, và điều này đã chính thức được Chế Linh xác nhận trong một lần nói chuyện. Ông kể rằng bước đầu bước vào làng nhạc, ông gặp và quen biết với nhạc sĩ Châu Kỳ đầu tiên. Khi đó ông chỉ mới là chàng trai mới ngoài 20 tuổi, thường la cà ở các quán bán nhạc trên đại lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ. Một hôm Chế Linh thấy nhạc sĩ Châu Kỳ đến tiệm Minh Phát (là tiệm bán tờ nhạc nổi tiếng bậc nhất Saigon thập niên 1960-1970), lúc đó Chế Linh đã đến khiêng giúp thùng tờ nhạc cho vị nhạc sĩ nổi tiếng, nhờ vậy mà khi xong việc và qua nhà hàng Kim Sơn gần đó uống bia, Châu Kỳ đã rủ Chế Linh theo. Nhà hàng Kim Sơn nằm ở góc đường Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực, tầng trên của Kim Sơn chính là phòng trà Bồng Lai nổi tiếng, bên cạnh đó còn có phòng trà Quốc Tế, ở xung quanh cách đó không xa còn có phòng trà Olympia, Queen Bee, Tự Do, Đêm Màu Hồng (tầng trên của Hotel Catinat, là phòng trà Jo Marcel cũ)… vì vậy nhà hàng Kim Sơn chính là nơi gặp gỡ quen thuộc nhất của giới ca nhạc sĩ Sài Gòn. Nhờ Châu Kỳ giới thiệu, Chế Linh đã đến nhà hàng này và được quen biết với nhiều nhạc sĩ đàn anh khác.
Chế Linh kể rằng tại đây, ông đã được quen biết và thân thiết với nhạc sĩ Trúc Phương, Mạnh Phát, Thu Hồ… và qua sự giới thiệu của Trúc Phương, Chế Linh đã được Duy Khánh nhận làm học trò, thậm chí Duy Khánh còn rủ về ở chung nhà khi biết rằng Chế Linh không có người thân nào ở Sài Gòn. Đó chính là khởi đầu của một trong “tứ trụ nhạc vàng” vẫn còn yêu thích cho đến ngày nay.
Cũng trong năm 1962, đoàn văn nghệ Biệt Chính ở Biên Hòa tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ để bổ sung cho đoàn, Chế Linh đăng ký tham gia, xuất sắc giành được giải nhất và trở thành ca sĩ của Biệt Chính Đoàn, được làm việc chung với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng là Trúc Phương, Bằng Giang, Châu Kỳ,… Từ đó Chế Linh đã có thu nhập tương đối để tự nuôi sống bản thân mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của ai nữa.
Tuy nhiên, đoàn Văn nghệ Biệt Chính chỉ hoạt động được khoảng 2 năm thì giải tán. Các nghệ sĩ đã có sẵn tên tuổi trong đoàn như Châu Kỳ, Trúc Phương,.. đều trở về Sài Gòn, riêng Chế Linh và Bằng Giang thì ở lại Biên Hòa. Vì chưa có tên tuổi, Chế Linh đã nghĩ rằng nếu có trở lại Sài Gòn thời điểm đó cũng khó để có thể cạnh tranh với những giọng hát đã thành danh nên đã cùng người bạn là Bằng Giang đến vùng núi Bửu Long để làm tài xế chở đá thuê, qua sự giới thiệu của một người bạn.
Tuy nhiên Chế Linh cũng xác định đó chỉ là công việc tạm bợ, nên ngoài giờ làm việc, ông dành toàn bộ thời gian rảnh để luyện thanh, đồng thời tìm kiếm một con đường mới cho sự nghiệp, rèn luyện một phong cách riêng biệt, đó chính là cách hát thủ thỉ và nức nở, hát như là tâm sự. Nhạc sĩ Bằng Giang gia đình khá giả, gốc ở Biên Hòa, nhưng ông cùng Chế Linh thuê nhà trọ ở chung, rồi từ đó cùng nhau sáng tác nhiều ca khúc nhạc vàng phù hợp với cách hát của Chế Linh, với mong muốn là sẽ dễ dàng tiếp cận được đa số đại chúng nghe nhạc, đó là các bài hát Đêm Buồn Tỉnh Lẻ, Bài Ca Kỷ Niệm… Khi đồng sáng tác những ca khúc đầu tay này, Chế Linh chọn cho mình bút danh là Tú Nhi, với ý nghĩa là một đứa bé khôi ngô tuấn tú.
Thời gian đó nhạc sĩ Bằng Giang là người luôn ở bên cạnh, biết rõ ý định của Chế Linh nên khi cảm thấy bạn mình đã đủ khả năng thì khuyên sớm trở lại Sài Gòn. Trong lúc Chế Linh vẫn còn đang lưỡng lự thì 2 nhạc sĩ Châu Kỳ và Trúc Phương từ Sài Gòn đã quay lại tìm Chế Linh để khuyên ông sớm gia nhập làng nhạc. Theo yêu cầu của Chế Linh, 2 nhạc sĩ tên tuổi này (cùng với một số nhạc sĩ khác nữa) đã sáng tác một số bài hát mang tính đại chúng, dễ nghe và dễ tiếp cận với phần đông khán giả, phù hợp với cách hát mà Chế Linh đã chọn.
Trở lại Sài Gòn, Chế Linh gặp lại những người nhạc sĩ đàn anh cũ ở nhà hàng Kim Sơn, và trong một lần tới nhà của nhạc sĩ Mạnh Phát, ông đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, giám đốc hãng dĩa Continental. Sau đó, Chế Linh đã ký hợp đồng với hãng dĩa này, nhưng chỉ hát được một bài thì được Hãng Dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên gọi sang ký hợp đồng độc quyền vào cuối năm 1964, với điều khoản đặc biệt là vẫn được quyền thu âm cho các hãng dĩa khác nếu muốn. Chế Linh đã gắn bó với Hãng Dĩa Việt Nam cho đến tận tháng 4 năm 1975. Suốt thời gian đó, với giọng hát gần gũi, tràn đầy tình cảm trong các bài hát được sáng tác riêng cho giọng hát của mình, Chế Linh nhanh chóng trở thành một hiện tượng chưa từng thấy và được xưng tụng là một trong “tứ trụ nhạc vàng”.
Có thế là chính những năm tháng luyện giọng ở trên núi Bửu Long đã giúp Chế Linh khai phá ra một trường phái riêng biệt, giọng hát có nhiều ảnh hưởng đến các giọng ca nam hát nhạc vàng thế hệ sau này.
Năm 1967, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, giám đốc hãng Continental đề nghị Chế Linh song ca cùng với học trò của ông là nữ ca sĩ Thanh Tuyền nhằm tạo ra sự mới mẻ. Giọng hát trầm mềm mại của Chế Linh kết hợp với giọng ca cao vút, thanh mảnh của Thanh Tuyền đã tạo ra một đôi song ca ăn ý, hoà quyện trong các nhạc phẩm viết về tình yêu đôi lứa, được khán giả chào đón nồng nhiệt.
Bài hát đầu tiên mà đôi song ca này thể hiện là Hái Hoa Rừng Cho Em của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, và khi dĩa hát có bài này được tung ra thị trường đã trở nên ăn khách ngoài mong đợi. Chế Linh – Thanh Tuyền trở thành đôi song ca nhạc vàng ăn khách nhất thời đó, hàng loạt nhạc sĩ sáng tác nhạc riêng cho họ. Tuy nhiên được nửa chừng thì Thanh Tuyền đi lấy chồng, là một sĩ quan bộ binh, không thích vợ đi hát, vì vậy Thanh Tuyền tạm nghỉ hát một thời gian. Vắng Thanh Tuyền, Chế Linh đành tìm các nữ ca sĩ khác để song ca những ca khúc đã được lên kế hoạch trước, như là với Ngọc Tuyền, Giáng Thu… cho đến khi tìm được người song ca ăn ý là ca sĩ Thanh Tâm. Đôi song ca Chế Linh – Thanh Tâm một thời cũng được yêu thích không kém Chế Linh – Thanh Tuyền. Thời gian sau đó thì Thanh Tuyền cũng trở lại với âm nhạc, đó là thời điểm Chế Linh có đến 2 người song ca ăn ý, trước khi Thanh Tâm lấy chồng là nhạc sĩ Bảo Thu và nghỉ hát.
Những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 đã đánh dấu thời kỳ hoàng kim của tên tuổi Chế Linh. Đặc biệt là năm 1972, ca khúc Thành Phố Buồn mang đến vinh quang tột bậc cho cả tác giả bài hát là Lam Phương và người trình bày là Chế Linh, bài hát được phát khắp các đài phát thanh lớn nhỏ, đi kèm với đó là khoản lợi về tài chính khổng lồ cho nhạc sĩ Lam Phương. Bài hát này cũng góp phần giúp cho Chế Linh được nhật báo Trắng Đen trao giải Kim Khánh cho nam ca sĩ tân nhạc được yêu thích nhất (Huy chương vàng Đệ nhứt hạng) của năm 1972.
Tuy nhiên, cũng trong năm 1972, giọng hát Chế Linh lại bị chính quyền VNCH cấm hát, cấm phát sóng trên đài phát thanh, và cấm thu âm trong băng dĩa. Chế Linh nói rằng lý do bị cấm được Bộ Thông Tin lúc đó nói rằng cho giọng hát của ông “gây ảnh hưởng xấu cho tâm lý người lính”, vì nó quá tình cảm và ủy mị, và một trong những bài hát như vậy chính là bài đang được yêu thích nhất lúc đó là Thành Phố Buồn. Ca khúc này vừa mang đến vinh quang cho ca sĩ, nhạc sĩ, và cũng 2 lần mang đến tin buồn cho Chế Linh, 1 lần năm 1972, và một lần khác là năm 1978.
Trở lại với thời điểm năm 1972, dù Chế Linh có quan hệ khá tốt với tổng thống đương nhiệm lúc đó là Nguyễn Văn Thiệu (cùng quê Ninh Thuận), tuy nhiên ông nói rằng lệnh cấm này không liên quan đến tổng thống, mà đến từ Tổng trưởng Bộ thông tin Hoàng Đức Nhã. Dù bị cấm trên miền Nam, nhưng Chế Linh vẫn được đi hát ở mặt trên, trên các vùng biên cương, và thời gian từ 1972 đến 1975, ông xuất hiện rất thường xuyên ở các nơi như vậy để hát cho lính nghe.
Sự thật về việc Chế Linh bị VNCH cấm hát
Dù bị cấm hát, bao gồm cấm phát hành băng dĩa, nhưng thời gian khoảng năm 1973 đến 175 Chế Linh vẫn phát hành được 5 băng nhạc dạng băng cối (magnetic) mang tên Chế Linh 1,2,3,4 và Chế Linh – Tình Bơ Vơ. Nguyên do là lúc đó ông gặp nhạc sĩ Ngọc Chánh, chủ hãng băng Shotguns nổi tiếng. Ngọc Chánh mời Chế Linh thu băng, dù biết giọng hát này đang bị cấm. Sau khi hỏi ra, Chế Linh mới biết Ngọc Chánh chơi thân với ông Hoàng Đức Nhã nên có cách để “lách luật”, xin được giấy phép cho băng nhạc Chế Linh. Vì vậy mà hiện giờ chúng ta còn nghe được 5 băng nhạc Chế Linh thu âm thập niên 1970 sau đây:
Click để nghe băng Chế Linh 1 thu âm trước 1975
Click để nghe băng Chế Linh 2 thu âm trước 1975
Click để nghe băng Chế Linh 3 thu âm trước 1975
Click để nghe băng Chế Linh 4 thu âm trước 1975
Click để nghe băng Chế Linh – Tình Bơ Vơ thu âm trước 1975
Sau 1975, Chế Linh bị chính quyền mới cấm hát một thời gian, trước khi cho hát lại ở trong đoàn hát của địa phương. Đến năm 1978, ông bị khép tội phản động vì hát ca khúc bị cấm (theo lời kể của ông thì đó là bài hát Thành Phố Buồn), ông bị bắt ở Sông Mao (Bình Thuận) và biệt giam 18 tháng.
Năm 1980, Chế Linh rời Việt Nam đến Canada và định cư ở đó đến nay. Tại Canada, ngoài việc ca hát, thu âm, đi lưu diễn ở nhiều nước có người Việt Chế Linh còn kinh doanh và mở phòng thu.
Năm 1984, Chế Linh cộng tác với trường đại học Sorbonner của Pháp thực hiện một dự án về văn hoá Chăm. Ông cũng từng ở Pháp suốt 2 năm để nghiên cứu về âm nhạc Chăm.
Năm 2007, Chế Linh trở về nước theo đoàn văn hoá của UNESCO. Tuy nhiên, ông chỉ tham gia biểu diễn giao lưu tại một chương trình riêng dành cho cộng đồng người Chăm, chứ không được cấp phép biểu diễn. Trước đó, ông đã nhiều lần có ý định về nước hát nhưng không được cấp phép. Mãi đến năm 2011, Chế Linh mới được cấp phép biểu diễn trong nước cho đến nay.
Hiện nay ở tuổi tròn 80, Chế Linh vẫn chưa giải nghệ và còn đi hát. Có thể xem ông là một trong những ca sĩ lớn tuổi nhất thế giới vẫn còn hoạt động văn nghệ ở thời điểm hiện tại. Để giữ được giọng hát trong thời gian suốt 60 năm qua như vậy, Chế Linh đã tự đặt ra những nguyên tắc khắt khe cho chính mình, đó là không bao giờ nói chuyện với ai trước mỗi đêm diễn, thậm chí không nói chuyện cả với vợ.
Ngoài ra, danh ca Chế Linh cũng là người rất nghiêm túc và có bản lĩnh trong nghệ thuật. Ông là ca sĩ hiếm hoi nói không với hát nhép trong suốt sự nghiệp của mình, ngoại trừ một số chương trình buộc phải diễn để thu DVD và công khai cho khán giả biết ca sĩ hát nhép (Như trên Paris By Night hay Asia..). Ông chia sẻ: “Tôi không thích hát nhép, chương trình nào có Chế Linh tham gia, tôi cũng bảo ban tổ chức là: Cho Chế Linh hát live, bởi nhiều khán giả chờ đợi mình cả năm trời để nghe nghệ sĩ hát mà nhép thì tội lắm”.
Về cuộc sống gia đình, Chế Linh là ca sĩ nhạc vàng có nhiều vợ (chính thức) và nhiều con nhất với 4 người vợ và 14 người con.
Năm 21 tuổi, Chế Linh lấy người vợ đầu tiên. Họ sống với nhau trong 4 năm và có 5 người con. Sau khi chia tay người vợ đầu, ông cưới người vợ thứ hai năm 1967, có với nhau 4 người con sau 4 năm. Điều đặc biệt là 2 người vợ này là 2 chị em ruột, rất thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.
Khi sáng tác ca khúc nổi tiếng Mai Lỡ Mình Xa Nhau, Chế Linh đã lấy bút danh Lưu Trần Lê, trong đó Lưu là họ trong tiếng Việt của ông, còn Lê là họ của người vợ đầu, Trần là họ của người vợ 2 (là chị em ruột nhưng 1 người mang họ cha, 1 người mang họ mẹ).
Sau khi chia tay người vợ thứ 2 năm 1971, chỉ một năm sau đó ông cưới người vợ thứ ba là Thúy Hằng, lúc đó mới 17 tuổi. Mặc gia đình ngăn cấm, Thúy Hằng vẫn làm vợ Chế Linh có với nhau 2 người con sau 3 năm chung sống.
Cuối năm 1975, Chế Linh tổ chức đám cưới lần thứ 4 và có thêm 3 đứa con. Người vợ thứ 4 này là bà Vương Nga, vẫn gắn bó với Chế Linh cho đến ngày nay.
Chế Linh – nhạc sĩ với bút danh Tú Nhi
Từ thập niên 1960 đến nay, Chế Linh cùng với 3 danh ca nhạc vàng khác là Duy Khánh, Hùng Cường và Nhật Trường được xưng tụng là “tứ trụ nhạc vàng”. Điểm chung của 4 tên tuổi lừng danh này là đều có cả năng vừa hát, vừa sáng tác, trong đó Chế Linh sáng tác với bút danh là Tú Nhi.
Theo lời ông giải thích, Tú Nhi nghĩa là một đứa bé tuấn tú. “Tú” có nghĩa là “tuấn tú”, “Nhi” nghĩa là “em bé”, và từ khi chọn bút danh này cho đến tận bây giờ, ông vẫn luôn mong muốn mình hồn nhiên như một đứa bé thơ.
Click để nghe toàn bộ các ca khúc do Tú Nhi sáng tác và Chế Linh hát trước năm 1975
Một điều đặc biệt là tất cả những bài hát mà Tú Nhi sáng tác thì chỉ có duy nhất Chế Linh hát (hoặc song ca với ca sĩ khác) vào thời gian trước năm 1975.
Sau đây, mời các bạn nghe lại những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Tú Nhi sáng tác, được chính tác giả là ca sĩ Chế Linh trình bày trước năm 1975:
Đêm Buồn Tỉnh Lẻ
Đây là sáng tác đầu tiên của Chế Linh khi ông chập chững bước vào làng nhạc. Đây là thời gian mà ông rất thân thiết với nhạc sĩ Bằng Giang, và bài hát Đêm Buồn Tỉnh Lẻ được Bằng Giang viết nhạc, Tú Nhi đặt lời.
Click để nghe Chế Linh hát Đêm Buồn Tỉnh Lẻ trước 1975
Hoàn cảnh sáng tác của bài này được Chế Linh kể lại: Một hôm ông đi thăm một người bạn đóng quân ở Long Khánh, người này về không về được nên gửi lời thăm về người yêu ở Sài Gòn. Mượn hoàn cảnh của bạn, Chế Linh đã viết những lời hát đầu tiên trong sự nghiệp của mình:
Đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất
Mái trường ơi em tôi còn học nữa hay ra đi từ độ nào
Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi
Mấy năm qua rồi em anh không gặp nữa
Bao yêu thương và nhớ anh xin chép nên thơ
vào những đêm buồn…
Bài Ca Kỷ Niệm
Đây cũng là một trong những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp Chế Linh, và cũng được hợp soạn chung với nhạc sĩ Bằng Giang.
Click để nghe Chế Linh hát Bài Ca Kỷ Niệm trước 1975
Đời còn gì vui hơn trong phút giây được yêu
Đời còn gì đau thương khi lắng nghe tình vỡ
Vì đã trót yêu rồi, thì xin ghi đôi lời
Dù xa cách phương trời…
Đoạn Tái Bút
Ca khúc này được Chế Linh viết chung với Bằng Giang. Ông kể lại về hoàn cảnh sáng tác ca khúc nổi tiếng này như sau:
Khoảng cuối thập niên 1960, một hôm Chế Linh đến phòng thu cùng một cô gái đẹp mới quen thì bị nhạc sĩ Nhật Ngân bắt gặp. Sau đó sự việc này đến tai người vợ sắp cưới của Chế Linh.
Chế Linh kể lại:
“Vợ tôi chạy thẳng tới phòng thu, lúc đó tôi run lắm. Khi tôi ra gặp, vợ chỉ nhìn rồi đi, tôi về năn nỉ nhưng vợ không chấp nhận. Tôi bỏ đi hai tuần mới về Sài Gòn thì nhìn thấy cô ngồi với người đàn ông khác. Tôi buồn vì nghĩ vừa mới xa nhau mà cô ấy đã thay lòng đổi dạ nhưng cũng chấp nhận vì mình có lỗi trước. Lúc đó chúng tôi mới hứa hẹn với nhau chứ chưa kết hôn.
Click để nghe Chế Linh hát Đoạn Tái Bút trước 1975
Tôi về nhà ngồi viết “Đoạn Tái Bút” với câu ‘Tầm tay nào tôi với, tình ta cách xa rồi’. Đến hơn tháng sau, một người đàn anh của tôi mắng là vợ tôi về nhà anh khóc lóc hoài vì chuyện chia tay. Tôi đến chở về với vợ và hứa không quen cô kia nữa, cũng nhận ra mình đã hiểu nhầm vợ vì cô ấy chỉ ngồi tâm sự với bạn chứ không hề phụ mình”.
Ngày Đó Xa Rồi
Chế Linh là người dân tộc Chăm và được miễn quân dịch, tuy nhiên ông cũng sáng tác một số ca khúc về lính, nổi tiếng nhất là bài Ngày Đó Xa Rồi:
Xa nhau, đã cách xa rồi, ta đã xa cách lâu rồi.
Thì thôi, em nhé dù thương yêu hay đau cũng thế thôi.
Ngày xưa, tính hay hờn dỗi nên người mỗi nơi xa rồi,
vấn vương từng phút giây êm đềm cũ người ơi
Kỷ niệm hai đứa anh xin em tìm lãng quên…
Click để nghe Chế Linh hát Ngày Đó Xa Rồi trước 1975
Lời Kẻ Đăng Trình
Đây cũng là một ca khúc nhạc lính nổi tiếng khác của Chế Linh sáng tác:
Đường trần dù trông gai ta đi vì lý tưởng
Đi xây mộng cho đời, quên đi vạn sầu nhớ
Ta cùng mơ ước ngày về thăm đất mẹ
Đẹp tình yêu mến quê…
Click để nghe Chế Linh hát Lời Kẻ Đăng Trình trước 1975
Thương Hận
Khoảng cuối thập niên 1960, khi chưa đầy 30 tuổi, Chế Linh sáng tác ca khúc mang tên Thương Hận mang đầy nỗi sầu hận về tình đời. Bài hát này được thi sĩ Hồ Đình Phương soạn lời, sau đó Chế Linh thâu thanh bài hát này trong Dĩa Hát Việt Nam.
Có ai biết được chỉ mình tôi buồn
Giấu trong tiếng cười ngấn lệ thoảng qua hồn
Để rồi ngưng cung đàn cuối
Khách về khách ấm tình đôi
Tôi về tôi sống đêm dài…
Có thể nói “Thương Hận” là một trong số các ca khúc buồn nhất của nhạc sĩ Tú Nhi, nội dung là sự tiếc thương cho cuộc tình vĩnh viễn chia lìa nhau.
Click để nghe Chế Linh hát Thương Hận trước 1975
Mai Lỡ Hai Mình Xa Nhau
Ít người biết rằng nhân vật chính trong ca khúc này tên là Mai, nên tựa đề bài hát này được viết đúng phải là: Mai, Lỡ Mình Xa Nhau. Chế Linh kể lại về ca khúc này như sau:
“Cô gái trong bài hát tên Mai cho nên tôi mới đặt tựa là Mai Lỡ Mình Xa Nhau. Mai ở đây là cô Mai chứ không phải ngày mai như nhiều người lầm tưởng. Tôi quen cô ấy như một người tình, dĩ nhiên, không phải là người chung sống với tôi. Thời viết ca khúc này tôi có rất nhiều cô gái đến với mình. Họ mang đến cho tôi những thích thú trong sáng tác.”
Click để nghe Chế Linh hát Mai, Lỡ Mình Xa Nhau trước 1975
Mai lỡ hai mình xa nhau
Đừng khóc cho mi hoen sầu
Ghi nhé em chuyện buổi ban đầu
Đừng để tình ta phai tàn mau
Lời nguyền xin khắc sâu…
Đoạn Cuối Tình Yêu
Bài hát này có nội dung lâm ly bi đát, là tâm sự của một đôi tình nhân vào đêm cuối trước lúc cô gái sang ngang, những sự níu kéo đều là vô nghĩa. Chế Linh sáng tác ca khúc này với cảm hứng từ 4 câu thơ của thi sĩ Nhất Tuấn:
Anh biết ngày mai em lấy chồng
Ba năm thề hẹn cũng bằng không
Tập thư ngày trước xin trao lại
Để kẻ sang ngang khỏi bận lòng…
Click để nghe Chế Linh hát Đoạn Cuối Tình Yêu
Nếu Chúng Mình Cách Trở
Đây cũng là một ca khúc có nội dung về tình yêu rất buồn của Chế Linh. Ngay đầy bài hát, người ta có thể cảm nhận được một nỗi buồn rất thống thiết:
Nếu lỡ chúng mình hai đứa xa nhau
Nhìn mưa trên phố em có thương sầu…
Nỗi Buồn Sa Mạc
Đây là ca khúc được Chế Linh hợp soạn cùng nhạc sĩ Hoài Linh (bút danh Tuấn Lê). Ông kể lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc này là vào khoảng đầu thập niên 1970, ông được xem cuốn phim điện ảnh Django của Hoa Kỳ chiếu ở rạp chớp bóng REX. Bị choáng ngợp trước những cảnh sa mạc hùng vĩ trong bộ phim này, nên ông đã có ý tưởng sáng tác một ca khúc có hình ảnh sa mạc vốn rất xa lạ với người Việt Nam:
Đi giữa sa mạc mênh mông
Mơ nước mát một con sông,
Mơ mái ấm một đêm đông
Mơ ánh mắt chờ mong…
Đây là 1 sáng tác có đề tài rất lạ của Chế Linh. Cùng với sự giúp sức của tài đặt lời nhạc của nhạc sĩ Hoài Linh, ca khúc này có nhiều hình ảnh ẩn dụ về thời cuộc, với những lời gửi gắm sâu xa:
Lời hát cho anh hai mươi năm lửa khói
Lời hát cho em nước mắt thôi ngừng rơi
Chế Linh đã song ca bài hát này với ca sĩ Giang Tử, rồi sử dụng hình ảnh sa mạc trong ca khúc này để đặt tên cho đôi song ca là “Hai Con Lạc Đà”.
Click để nghe Chế Linh và Giang Tử song ca Nỗi Buồn Sa Mạc
Một Lần Hiện Diện
Ca khúc này còn được nhiều người biết với tên là Nụ Cười Chua Cay. Trong một lần biểu diễn bài hát này ở trong nước, Chế Linh đã chia sẻ với khán giả về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, đó là một hôm ông được người trong mộng mời đến nhà dự sinh nhật, nhưng đến nơi thì mới hụt hẫng khi biết đó lại chính là ngày Vu Quy của cô. Vì quá buồn nên ông viết bài hát Nụ Cười Chua Cay cho hoàn cảnh đó:
Thôi im đi! Im đi! Xin đừng cười vui
Thôi im đi! Im đi! Vui gì mà cười?
Trong hôm nay, chắc em say men rượu hồng
Cớ sao em mời tôi lại làm chi đây?
Click để nghe Chế Linh hát Một Lần Hiện Diện
Trong Tầm Mắt Đời
Hầu như những người yêu nhạc vàng đều biết đến ca khúc Thói Đời của nhạc sĩ Trúc Phương, bài hát chứa đựng những nỗi niềm cay đắng về cuộc đời, rất được yêu thích với giọng hát của Chế Linh. Sau đó, vì đồng cảm với bài Thói Đời, Chế Linh đã sáng tác một ca khúc khác có nội dung tương đồng và mang tính tiếp nối mang tên Trong Tầm Mắt Đời để tặng cho Trúc Phương. Chế Linh cũng nói rằng ông đã mượn tâm trạng của Trúc Phương để viết thành ca khúc này:
Nhiều khi tôi muốn bỏ đi thật xa.
Bạn thân ngoảnh ngơ như người xa lạ.
Người mình bao năm chăn gối.
Bây giờ còn dối gian nhau.
Mấy ai trong đời hiểu thấu.
Click để nghe Chế Linh hát Trong Tầm Mắt Đời trước 1975
Đông Kha – chuyenxua.net