Ca sĩ Hương Lan được xem là 1 trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất của nhạc vàng trước và sau năm 1975. Sở hữu giọng hát ngọt ngào và truyền cảm, Hương Lan không chỉ trình bày thành công các ca khúc nhạc vàng mà còn là còn rất được yêu thích với dòng nhạc quê hương âm hưởng dân ca Nam Bộ. Ngoài ra cô cũng là một trong những ca sĩ Việt Nam thu âm nhiều nhất, với hàng ngàn ca khúc được phát hành trong hơn 50 năm ca hát.
Hương Lan là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi thành công vang dội khi chuyển hướng từ nghệ sĩ hát cổ nhạc trở thành ca sĩ hát tân nhạc nổi tiếng. Ngoài ra, Hương Lan có lẽ cũng là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất có thể đạt được đỉnh cao của sự nghiệp sau khi được gọi là “thần đồng” từ lúc nhỏ. Rất nhiều người, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhỏ được vinh danh là “thần đồng”, nhưng sau đó đã không thoát được khỏi cái bóng quá lớn của hào quang trong quá khứ.
Ca sĩ Hương Lan tên thật là Trần Thị Ngọc Ánh, sinh ngày 9-5-1956 tại Sài Gòn. Cô là con gái lớn trong gia đình, bên dưới còn 4 người em, trong số đó có nữ ca sĩ chuyên hát dân ca – cổ nhạc là Hương Thanh, người đang sống tại Pháp và được mệnh danh là “Sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại Âu Châu“. Gia đình Hương Lan vốn có truyền thống yêu thích và hoạt động nghệ thuật nhiều đời. Cha Hương Lan là nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, nổi danh tại miền Nam từ thập niên 1950, từng đoạt Huy Chương Vàng Giải Thanh Tâm vào năm 1965. Ông nội của cô từng là nghệ nhân đờn ca tài tử, bà nội từng hát trong gánh hát.
Khi Hương Lan còn rất nhỏ, nghệ sĩ Hữu Phước đã phát hiện ra năng khiếu ca hát và khả năng thẩm âm đặc biệt của cô con gái rượu. Hương Lan rất thích bắt chước hát theo cha và hát rất chính xác theo nhịp đàn của cha. Tin tưởng con gái có thể tiến xa trong nghệ thuật, nghệ sĩ Hữu Phước đã sớm bỏ công dạy dỗ, bồi dưỡng cho con gái làm quen với cổ nhạc và đờn ca tài tử.
Năm 1961, khi Hương Lan vừa tròn 5 tuổi, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga trình diễn vở Thiếu Phụ Nam Xương, nghệ sĩ Hữu Phước lần đầu cho Hương Lan lên sân khấu trình diễn. Dù chỉ đảm nhận vai phụ nhưng trước tài năng đặc biệt của Hương Lan, đoàn hát đã quyết định đưa tên cô lên bandroll trước rạp để quảng cáo: “Vở tuồng có sự tham gia của thần đồng Hương Lan, ái nữ của nghệ sĩ Hữu Phước”.
Cái tên Hương Lan của “thần đồng” nhí được cha cô ghép từ tên của 2 nữ nghệ sĩ nổi tiếng khi đó là Thanh Hương và Út Bạch Lan. Bên cạnh sự dạy dỗ của cha, Hương Lan còn được nghệ sĩ Sáu Tửng (cha của nhạc sĩ Huỳnh Anh) và nhiều nghệ sĩ của gạo cội của đoàn hát dìu dắt, dạy dỗ trong những lần đi lưu diễn xa cùng đoàn. Nhiều lần, Hương Lan được giao đảm nhiệm vai diễn là con gái của “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga.
Tuy nhiên, sự nghiệp trình diễn cải lương của “thần đồng” nhí chỉ kéo dài được vài năm rồi giảm dần, phần vì Hương Lan còn phải đi học, không thể đi lưu diễn xa dài ngày, phần vì khi lên trung học, Hương Lan đã quá lớn để đóng các vai em bé, con của các vai diễn chính (gọi là “đào con”), đồng thời cũng chưa đủ lớn để có thể đảm nhiệm các vai đào chánh.
Sau một thời gian chuyển sang hát tân nhạc, vào năm 1973, khi đã 17 tuổi, Hương Lan mới trở lại với sân khấu cải lương. Cô đầu quân vào đoàn cải lương Kim Chung và được giao đảm nhiệm nhiều vai đào chánh. Tại đây, Hương Lan có dịp gặp gỡ và diễn chung với nghệ sĩ trẻ tài danh Chí Tâm. hai người tạo thành cặp đôi ăn ý cả trên sân khấu và ngoài đời, được khán giả Sài Gòn ái mộ qua nhiều vở diễn như: Hán Đế Biệt Chiêu Quân, Nắng Thu Về Ngõ Trúc, Cây Sầu Riêng Trổ Bông,…
Sau 30 tháng 4 năm 1975, Hương Lan tiếp tục tham gia nhiều vở cải lương của đoàn Văn Công như Tình Yêu Và Bạo Chúa, Cây Sầu Riêng Trổ Bông,…
Bừng sáng với tân nhạc
Năm 1965, một biến cố lớn xảy đến với gia đình Hương Lan. Cha mẹ cô quyết định ly hôn. Là con gái lớn nhưng Hương Lan cũng mới chỉ hơn 9 tuổi, 4 người em của cô đều còn rất nhỏ. Kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn khi một mình cha cô vừa phải đi diễn vừa phải chăm lo cho gia đình. Vì vậy, việc Hương Lan đi diễn không chỉ là một cuộc dạo chơi trong nghệ thuật, mà còn là vì sinh kế gia đình, đỡ đần gánh nặng cho cha.
Tình cờ trong một lần ghé thăm nghệ sĩ Hữu Phước, nhạc sĩ Trúc Phương phát hiện ra Hương Lan dù còn nhỏ nhưng có giọng hát tốt, phù hợp với tân nhạc. Lúc này Hương Lan không còn tham gia nhiều các vở diễn cải lương được nữa, nghệ sĩ Hữu Phước bèn nghe theo bạn, chuyển hướng cho cô con gái sang hát tân nhạc. Dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ Châu Kỳ và nhạc sĩ Trúc Phương, Hương Lan được học thêm về nhạc lý, được luyện thanh và được hướng dẫn cách hát, cách luyến láy trong tân nhạc, học cách giũ bỏ được hơi hướm đặc trưng của cải lương khi hát tân nhạc.
Sau một thời gian chuẩn bị, nghệ sĩ Hữu Phước đưa Hương Lan đến gặp ông bầu Duy Ngọc. Lần gặp gỡ này đã giúp Hương Lan có cơ hội được hát tại đại nhạc hội Duy Ngọc ở rạp Quốc Thanh và tham gia chương trình tuyển lựa ca sĩ hàng tuần tại rạp Hưng Đạo. Thời gian này, tiếng hát Hương Lan gắn liền với hai ca khúc nổi tiếng là Những Đồi Hoa Sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh và Ai Ra Xứ Huế của nhạc sĩ Duy Khánh. Giọng hát ngọt ngào và truyền cảm của cô bé 11 tuổi trên sân khấu tân nhạc đã khiến khán giả và báo chí đi từ ngạc nhiên tới yêu thích và cảm mến. Các tờ báo ở Sài Gòn đồng loạt đưa tin và hết lời khen ngợi về giọng ca “thần đồng”. Trước khi Hương Lan lên hát, người dẫn chương trình thường giới thiệu: “Sau đây là màn trình diễn của bé Hương Lan…”
Năm 1968, khi mới 12 tuổi, Hương Lan chính thức bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Cô được Hãng Dĩa Việt Nam ký hợp đồng cộng tác lâu dài, được thu thanh giọng hát vào dĩa nhựa và trở thành người đầu tiên hát những ca khúc mà sau này đều đã trờ thành bất tử: Bông Cỏ May, Ngày Mai Tôi Về, Thành Phố Sau Lưng, Một Người Đi,.. Thời gian này, Hương Lan được nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi bồi dưỡng thêm về thanh nhạc và nhạc lý.
Hương Lan từng tâm sự, nữ danh ca Hoàng Oanh và nam danh ca Duy Khánh là hai thần tượng của cô trong âm nhạc. Khi mới vừa chập chững bước chân vào tân nhạc, Hương Lan đã có cơ duyên thu thanh ca khúc Lá Thư Trần Thế, phát hành trong dĩa hát Việt Nam, cùng với nam ca sĩ thần tượng Duy Khánh và nữ ca sĩ Thanh Tuyền, trong đó Hương Lan đóng vai con gái của cặp đôi này.
Đến năm 1970, khi vừa tròn 14 tuổi, Hương Lan được đích thân danh ca Duy Khánh mời cộng tác cùng ông tại trung tâm băng nhạc Trường Sơn. Giọng hát Hương Lan bắt đầu xuất hiện từ băng nhạc Trường Sơn 4 với 2 ca khúc là Những Con Đường Trắng và Tình Thắm Duyên Quê. Ngoài ra, Hương Lan còn song ca cùng Duy Khánh trong 2 ca khúc là Khúc Ca Đồng Tháp và Đường Về Hai Thôn.
Sau 2 năm hát cho băng nhạc Trường Sơn, Hương Lan trở thành ca sĩ độc lập, cộng tác thu thanh với nhiều hãng băng đĩa khác nhau và đi hát ở các phòng trà tại Sài Gòn, đặc biệt là phòng trà Nam Đô của nhạc sĩ Bảo Thu. Giai đoạn này, song song với việc ca hát, cô dành thêm thời gian để trở lại với sân khấu cải lương.
Hương Lan cũng nhiều lần xuất hiện trên truyền hình trong các chương trình âm nhạc như: chương trình Văn Phụng, chương trình Tiếng Thuỳ Dương của Châu Kỳ,…
Cuối năm 1974, nhạc sĩ Ngọc Chánh lên kế hoạch thực hiện băng nhạc riêng đầu tiên cho tiếng hát Hương Lan, phát hành trong bộ băng nhạc Shotguns nổi tiếng do ông thực hiện. Tuy nhiên, mọi việc còn đang dở dang thì biến cố 30-4 ập đến.
Sau những đổi thay, biến động của thời cuộc, Hương Lan được cha bảo lãnh sang Pháp năm 1979. Trên xứ người, sau thời gian chật vật mưu sinh ban đầu, cô bắt đầu trở lại với con đường ca hát tại hải ngoại, nhận đi hát ở các phòng trà và nhà hàng ca nhạc vào mỗi cuối tuần.
Đầu thập niên 1980, cùng với sự trở lại của trung tâm băng nhạc Thuý Nga, cái tên Hương Lan một lần lại hồi sinh. Cuốn băng cassette đầu tiên của trung tâm Thuý Nga phát hành ở hải ngoại cũng chính là cuốn băng riêng đầu tiên của Hương Lan mang tên “Tiếng hát Hương Lan”, sau này được đổi tên thành CD Hát Cho Một Thời Để Yêu. Cuốn băng này đã đem về con số phát hành kỷ lục thời đó cho trung tâm Thuý Nga với 65 ngàn băng.
Click để nghe CD Hát Cho Một Thời Để Yêu
Đặc biệt, tên tuổi của Hương Lan trở nên nổi danh trong cộng đồng hải ngoại sau khi trung tâm Thuý Nga thực hiện thu thanh và ghi hình cho chương trình Paris By Night số đầu tiên vào năm 1983. Trong băng nhạc này, Hương Lan trình diễn 2 nhạc phẩm là Muộn Màng (Tấn Phát) và Trên Đỉnh Mùa Đông (Trần Thiện Thanh).
Từ sau dấu mốc này, Hương Lan nhanh chóng trở thành giọng ca trụ cột của Thuý Nga cả trong tân nhạc và cổ nhạc. Nhiều người gọi thập niên 80 là “thập niên của Hương Lan” bởi những thành công liên tiếp mà Hương Lan gặt hái được trong thập niên này.
Trong thời gian cộng tác với trung tâm Làng Văn, Hương Lan đã phát hành cuốn băng tạo được hiện tượng rất lớn ở hải ngoại là Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, là bài hát có nội dung thể hiện được nỗi lòng của hàng triệu người tha hương nên rất được yêu thích. Sau đó Hương Lan tiếp tục thể hiện thành công nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ Bắc Sơn, được ông xem như con cháu ở trong nhà. Cũng có thể nói rằng nhờ Hương Lan và nhạc của Bắc Sơn mới đến được với đông đảo quần chúng, nên cô đã đượcnhạc sĩ Bắc Sơn cho “đặc quyền” là có thể sửa lại lời trong ca khúc của ông để phù hợp với giọng hát.
Cuối thập niên 1980, khi danh ca Duy Khánh sang được hải ngoại, thành lập trung tâm Trường Sơn Duy Khánh hải ngoại, Hương Lan đã cộng tác với thần tượng của mình trong nhiều nhạc phẩm song ca được yêu thích: Ngày Xuân Thăm Nhau, Rước Tình Về Với Quê Hương, Đi Từ Đồng Rộng Bao La, Sao Không Thấy Anh Về, Đêm Trao Kỷ Niệm, …
Năm 1996, Hương Lan trở thành là nữ ca sĩ hải ngoại đầu tiên được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam. Từ thập niên 2000 trở về sau, Hương Lan thường xuyên về nước trình diễn, tham gia sinh hoạt văn nghệ cùng lúc ở cả trong và ngoài nước.
Năm 2009, Hương Lan thực hiện liveshow riêng của mình tại Việt Nam với tên gọi Ơn Đời Một Khúc Dân Ca. Dù gặp nhiều sự cố trục trặc khiến liveshow diễn ra không được như ý nhưng Hương Lan vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả yêu nhạc trong nước.
Năm 2019, Hương Lan xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia trong chương trình Ký Ức Vui Vẻ của MC Lại Văn Sâm. Cô trình diễn lại ca khúc nổi tiếng Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang.
Cuộc sống hạnh phúc và viên mãn sau những sóng gió cuộc đời
Hương Lan lập gia đình lần đầu tiên với nghệ sĩ cải lương Chí Tâm, khi vừa tròn 20 tuổi. Hai người đã có khoảng thời gian dài gắn bó trên sân khấu cải lương của đoàn Kim Chung trước khi đi đến hôn nhân vào tháng 12 năm 1975.
Năm 1977, Hương Lan sanh con trai đầu lòng và đặt tên là Henry Bảo Nhi.
Tháng 2 năm 1978, khi đang mang thai người con trai thứ 2 là Patrick Bảo Trang, cả gia đình Hương Lan được cha là nghệ sĩ Hữu Phước bảo lãnh sang Pháp định cư. Nghệ sĩ Hữu Phước vốn có quốc tịch Pháp từ lâu, nên đã sang Pháp định cư theo diện hồi hương trước đó.
Gia đình Hương Lan chuyển sang Pháp chưa bao lâu, thì người con trai thứ 2 chào đời. Khó khăn chồng chất khó khăn. Cả gia đình phải sống tạm bợ trong một căn phòng nhỏ do chính phủ Pháp cấp ở vùng Saint Tolomon, ngoại ô Paris. Mỗi ngày, Hương Lan phải bắt xe lửa vào Paris để đi làm thuê đủ thứ công việc, khi thì làm công việc cuốn chả giò suối 8 tiếng cho một công ty của người Việt, khi thì làm việc tay chân cho một hãng bánh kẹo, nhàn hơn thì có công việc thu ngân trong siêu thị,… Thời gian đầu mới tới Pháp, Hương Lan phải vất vả mưu sinh đủ nghề để vừa lo toan kinh tế gia đình, vừa hỗ trợ chồng học tiếng Pháp và học nghề.
Năm 1979, Hương Lan đỡ vất vả hơn khi nghệ sĩ Chí Tâm tìm được việc làm trong một công ty sản xuất bản mạch điện tử. Khi kinh tế gia đình được ổn định hơn, cả gia đình dọn về Quận 13, Paris. Lúc này thì Hương Lan cũng đã bắt đầu tìm được công việc ca hát tại các phòng trà và nhà hàng ca nhạc vào mỗi cuối tuần, nhưng cũng chính trong thời gian này, đôi vợ chồng nghệ sĩ bắt đầu xuất hiện những rạn nứt không thể hoá giải.
Năm 1980, Hương Lan và Chí Tâm chính thức chia tay sau hơn 4 năm gắn bó. Sau này trong một lần trả lời phỏng vấn, Hương Lan tâm sự: “Thật sự cả hai lúc đó còn trẻ quá chứ đặt vào trường hợp bây giờ chắc không đến nỗi”
Sau khi ly hôn, Hương Lan tiếp tục ở lại Pháp, đến năm 1985 thì đưa 2 con sang Mỹ nhờ bảo lãnh của mẹ (mẹ Hương Lan qua Mỹ từ năm 1975).
Đầu năm 1986, Hương Lan gặp người chồng thứ hai là ông Đặng Quốc Toản trong buổi tiệc sinh nhật của ca sĩ Elvis Phương. Ông Toản là một kỹ sư cơ khí hàng không, từng có thời gian phục vụ trong quân đội VNCH, lớn hơn Hương Lan 10 tuổi, đã có một đời vợ và ba người con riêng trước khi kết hôn với Hương Lan vào năm 1988.
Đầu năm 2020, Hương Lan chia sẻ hình ảnh lễ hôn phối giản dị của hai vợ chồng tại nhà thờ Ba Giồng, Tiền Giang. Khán giả bất ngờ trước hình ảnh Hương Lan rạng rỡ và viên mãn trong bộ áo dài trắng, khăn voan che đầu, hoa hướng dương cầm tay sóng đôi bên cạnh người chồng đã gắn bó cùng cô trong suốt hơn 30 năm.
Nói về cuộc hôn nhân bền chặt này, Hương Lan bộc bạch:
“Ông xã tôi không phải người hoàn hảo, cũng có lúc bay bướm nhưng anh là người cha tốt. Anh đã yêu thương, chăm sóc các con tôi như con ruột. Bởi vậy mà chúng tôi giữ được hạnh phúc gia đình. Có lúc anh làm tôi buồn nhưng sau đó, như bao phụ nữ khác, tôi tha thứ khi chồng biết lỗi. Tôi nghĩ hạnh phúc không tự nhiên mà có. Thành công nào cũng trải qua sóng gió. Giá trị của hạnh phúc và thành công là ở chỗ đó”.
Sau đây là bộ sưu tập hình ảnh Hương Lan từ thuở bé cho đến lúc trở thành ca sĩ nổi tiếng:
Hương Lan có lẽ là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất có thể đạt được đỉnh cao của sự nghiệp ca hát sau khi được gọi là “thần đồng” từ thuở nhỏ.
Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều “thần đồng” trở thành “dân thường” khi đến tuổi trưởng thành, và cũng có rất người có tuổi thơ rất bình thường nhưng khi lớn lại trở thành thiên tài. Còn ca sĩ Hương Lan lại là một trường hợp đặc biệt: Tài năng được bộc lộ từ thuở bé, khi lớn lên đã trở thành một danh ca, rồi giữ mãi được “phong độ” đó khi đã ngoài lục tuần như hiện nay.
Bên trên là hình ảnh nghệ sĩ Hương Lan năm 2 tuổi. Nữ ca sĩ chia sẻ: “Hương Lan được bà nội dẫn đi may áo dài. Hai bà cháu mỗi người một bộ giống nhau. Hương Lan cũng đội khăn cho giống bà nội luôn”.
Hương Lan có thể xem là “con nhà nòi”, cha của cô là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng từ thập niên 1950 là Hữu Phước, người mà cô xem như là một thần tượng từ nhỏ.
Khi Hương Lan còn rất nhỏ, chính nghệ sĩ Hữu Phước đã phát hiện ra năng khiếu ca hát và khả năng thẩm âm đặc biệt của cô con gái rượu. Tin tưởng con gái có thể tiến xa trong nghệ thuật, nghệ sĩ Hữu Phước đã sớm bỏ công dạy dỗ, bồi dưỡng cho con gái làm quen với cổ nhạc và đờn ca tài tử.
Năm 1961, khi Hương Lan vừa tròn 5 tuổi, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga trình diễn vở Thiếu Phụ Nam Xương, nghệ sĩ Hữu Phước lần đầu cho Hương Lan lên sân khấu trình diễn.
Thời gian này, rất nhiều Hương Lan được giao đảm nhiệm vai diễn là con gái của “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga. Cô kể lại rằng lúc đó rất thân với gia đình nghệ sĩ Thanh Nga, thường đòi sang nhà Thanh Nga chơi và ở luôn tại đó.
Sau đây là những hình ảnh hiếm của Hương Lan cùng nghệ sĩ Thanh Nga vào khoảng đầu thập niên 1960, thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga:
Một số hình ảnh khác của Hương Lan trước năm 1975 và hình ảnh trên dĩa nhựa thập niên 1960:
Một số hình ảnh trong bìa dĩa nhựa:
Hình ảnh đẹp sau năm 1975:
Những ca khúc tuyển chọn của ca sĩ Hương Lan:
Sau đây, mời các bạn nghe lại 30 bài nhạc vàng được Hương Lan thu âm trước 1975:
Click để nghe Hương Lan hát trước 1975
Nhắc đến ca sĩ Hương Lan, ngoài những bài nhạc vàng bất hủ, người ta còn nhớ đến những bài nhạc trữ tình âm hưởng dân ca Nam Bộ. Mời các bạn nghe lại sau đây:
- Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè
Nhắc đến những ca khúc nhạc quê hương qua tiếng hát Hương Lan, không thể không nhắc đến Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè của nhạc sĩ Băc Sơn. Ca khúc này được Hoàng Oanh hát lần đầu năm 1974, nhưng chỉ khi được Hương Lan thu âm vào băng nhạc Làng Văn thập niên 1980 ở hải ngoại, ca khúc này mới thật sự trở thành hiện tượng vì nội dung thể hiện được tâm trạng buồn tủi của hàng triệu người phải tha hương ở thời điểm đó.
Sự thành công của ca khúc Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè ở hải ngoại còn dội ngược trở lại về trong nước qua băng đĩa lậu. Nhạc sĩ Bắc Sơn đã gửi thư sang cám ơn Hương Lan vì cô đã làm sống lại ca khúc này, đồng thời đã mang dòng nhạc quê hương của Bắc Sơn đến với công chúng yêu nhạc. Từ đó hàng loạt ca khúc khác của ông đã được Hương Lan hát rất thành công: Em Đi Trên Cỏ Non, Sa Mưa Giông, Bông Bí Vàng, Còn Thương Góc Bếp Chái Hè…
- Điệu Buồn Phương Nam
Trong một lần nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đi công tác ở miền Tây năm 1994, giữa đêm khuya thanh vắng nhìn thấy bóng trăng chiếu rọi trên mênh mông sông nước của vùng Cửu Long, làm ông xúc động và viết 1 ca khúc về khung cảnh phương Nam. Ca khúc này được Hương Lan hát lần đầu năm 1998 trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam số 6 được báo Thanh Niên tổ chức. Mời các bạn nghe lại:
- Quê Em Mùa Nước Lũ
Năm 2000, miền Tây gặp bão lũ nặng nề, ca sĩ Hương Lan đi cứu trợ và xót thương trước những hoàn cảnh của đồng bào, cô đã đề nghị nhạc sĩ Tiến Luân sáng tác 1 ca khúc nói về nỗi khó khăn của người dân trong cơn bão. Ca khúc này được Hương Lan hát lần đầu và thực sự làm lay động lòng người.
- Lý Qua Cầu
Bản thu âm ca khúc này của Hương Lan có thể không quen thuộc với nhiều người, nhưng đã gây ấn tượng với tôi trong những năm đầu bắt đầu biết nghe nhạc. Giọng hát tinh tế và ngọt ngào, sự tha thiết trong giọng hát của Hương Lan đã mô tả rất thành công một câu chuyện tình buồn để lại nhiều luyến tiếc trong 1 ca khúc dân ca quen thuộc. Mời các bạn nghe lại:
chuyenxua.net biên soạn