Năm 1889, tại miền Trung nước Pháp, công ty Michelin ra đời. Năm 1917 Michelin tiên phong trong việc chế tạo lốp xe trên thế giới và vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới. Góp phần cho thành công đó là những đồn điền cao su Michelin rất lớn ở vùng Nam kỳ của Việt Nam lúc đó là thuộc địa của Pháp, cung cấp hàng chục nghìn tấn cao su mỗi năm cho nhà máy ở chính quốc.
Công ty các đồn điền cao su Michelin (Société des Plantations et Pneumatiques Michelin au Vietnam) thành lập năm 1917, đặt trụ sở tại Dầu Tiếng thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương), văn phòng tại số 180 đường Chasseloup Laubat, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai (Sài Gòn). Đến năm 1925, Michelin thành lập thêm đồn điền Phú Riềng, nay là xã Thuận Phú (huyện Đồng Phú, Bình Phước). Đến năm 1930, số lượng công nhân của Michelin đạt đến gần 10.000 người. Đến năm 1943, Michelin chiếm 7% toàn bộ diện tích cao su khai thác và sản lượng bằng 11% tổng sản lượng toàn Đông Dương.
Diện tích cao su của đồn điền Dầu Tiếng đã từng đạt lên đến hơn 9.200ha, cùng với 7.000ha cao su tại đồn điền Phú Riềng và Thuận Lợi, Michelin trở thành một trong bốn công ty khai thác cao su lớn nhất của Pháp tại Việt Nam thời bấy giờ, nhưng cũng là công ty có nhiều tai tiếng nhất về sự ngược đãi công nhân bởi các cai thợ, vi phạm luật lao động do chính quyền Pháp ở Đông Dương ban hành.
Những năm đầu mới thành lập, công ty Michelin sử dụng lao động nhàn rỗi trong nông dân, những người “bán công, bán nông”. Lực lượng này tuy đông nhưng thái độ và thời gian làm việc không ổn định. Vì họ là nông dân tại chỗ, những ngày giáp hạt, thiếu ăn họ vào đồn điền làm công, đến mùa vụ họ trở về với mảnh đất khu vườn của gia đình để sinh nhai.
Những năm sau đó, nhu cầu nhân công càng ngày càng tăng và cấp bách, nên Michelin tuyển phu từ nơi khác đến. Để tránh tranh chấp với các công ty lớn mạnh khác, Michelin tìm nguồn nhân công từ các tỉnh phía Bắc, hoặc mua lại phu của những công ty khác dư thừa. Do tập trung phu từ nhiều nguồn, nên công tác quản lý phu gặp khó khăn. Từ năm 1926 đến năm 1954, chủ đồn điền chiêu mộ được 260.000 người.
Để không cho phu bỏ trốn hoặc bỏ giao kèo, giới chủ quản lý phu rất khắc nghiệt. Công ty các đồn điền cao su Michelin nổi tiếng do thái độ đối xử vô nhân đạo với công nhân và là nơi xảy ra liên tục những cuộc đấu tranh của công nhân chống giới chủ.
Riêng ở đồn điền Phú Riềng của Michelin, năm 1928 có tới 17% phu đồn điền tử vong do làm việc cực nhọc và bệnh, đa số những người sống sót thì chịu các cơn bệnh sốt rét. Đã có những cuộc bạo động của phu đồn điền chống lại sự áp bức bất công của các giám thị, cai thợ ở Phú Riềng và từ đó tiếng vang về cuộc nổi dậy lan khắp nơi.
Ngày 26/9/1927, sau một thời gian dài chịu sự áp bức của cai đồn điền tên là Monteil nổi tiếng hung bạo, các phu đồn điền đã nổi dậy giết tên cai này ở đồn điền Phú Riềng của hãng Michelin. Nhà cầm quyền đã đàn áp dã man các phu đồn điền, cuộc nổi dậy gây tiếng vang ở Nam kỳ và Pháp về đời sống khổ sở của phu đồn điền.
Tin tức về những cuộc bạo động và đời sống của các phu ở các đồn điền cao su, nhất là từ các đồn điền ở Cam Tiên và công ty Michelin ở Phú Riềng đã được lan truyền từ Nam kỳ tới Pháp, buộc chính quyền phải có giải pháp để giải quyết các vấn đề lao động do các công ty cao su gây ra. Năm 1927, Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varanne thuộc đảng Xã hội Pháp đã ra nghị định ngày 25/10/1927 với luật lao động mới, thiết lập bộ phận Tổng thanh tra lao động có trách nhiệm kiểm tra tình hình lao động ở các đồn điền, điều kiện lương bổng và lập ra sổ tiết kiệm cho các công nhân đồn điền.
Tiêu chuẩn luật lao động mới là làm việc nhiều nhất 10 giờ mỗi ngày với các điều kiện vệ sinh tối thiểu và kiểm tra sức khỏe định kỳ, Tết được nghỉ 4 ngày, nghỉ ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch và ngày rằm tháng 7 âm lịch. Phụ nữ sau khi sinh con được nghỉ một tháng có hưởng lương. Luật được áp dụng từ đầu năm 1928, thí dụ như ở đồn điền Long Thành, những phu đồn điền ngoài chỗ ở, mỗi ngày có phần cơm 700g và lương từ 40-60 xu mỗi ngày, săn sóc y tế miễn phí cho họ và gia đình.
Ông giám đốc Berthier ở đồn điền Suzannah cho biết rằng lương tháng của công nhân nơi này vào năm 1926 là khoảng 25 đồng piastres (tiền Đông Dương) trong thời kỳ phát triển cao nhất. Đến sau khủng hoảng cao su cuối thập niên 1920 đầu thập niên 1930 thì lương chỉ còn là 12 đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, mỗi công nhân có sổ tiết kiệm, theo đó 5% lương công nhân được trích ra, cộng với số tiền tương đương mà chủ phải bỏ ra để cho vào quỹ tiết kiệm gửi ở bưu điện. Trên sổ tiết kiệm của công nhân sẽ được gắn các con tem (được gọi là tem pécule do bưu điện phát hành) trị giá tương đương với số tiền gửi. Khi hết hợp đồng (được quy định tiêu chuẩn là 3 năm), công nhân đến bưu cục lãnh ra số tiền từ sổ tiết kiệm pécule của mình. Đây là một hệ thống tiết kiệm phúc lợi công nhân độc đáo duy nhất chỉ có ở Đông Dương, bắt đầu từ năm 1927 cho đến khoảng 1945.
Mặc dầu luật mới có cải thiện tình trạng lao động cho công nhân cao su nhưng các cuộc đình công vẫn xảy ra ở các nơi, như đồn điền Cam Tiêm của phu đồn điền vào ngày 20/9/1928, đòi cải thiện điều kiện ăn ở cho công nhân và chủ không được đối xử ngược đãi với phu, chính quyền tỉnh Biên Hòa đã phải gửi lính tới tái lập lại trật tự.
Hệ thống thanh tra lao động của chính quyền thuộc địa Pháp đã thất bại trong việc bảo vệ quyền lợi của phu đồn điền và tỏ ra không hiệu quả qua các cuộc bãi công đòi cải thiện đời sống và chống lại sự lạm dụng của các cai thợ và chủ đồn điền cao su ở Phú Riềng. Thế lực của các công ty đồn điền cao su lớn như Michelin đã khuynh đảo ở cấp cao trong chính quyền, nên các bản tường trình thanh tra lao động hoặc khi có sự cố xảy ra đã không được chú ý và xử lý đúng mức với những sai phạm của chủ đồn điền Michelin, mặc dầu chính quyền cũng tỏ ra bất bình với những sự vi phạm lớn đó.
Trong hồi ký Phú Riềng Đỏ của Trần Tử Bình (bí thư chi bộ cộng sản ở đồn điền Phú Riềng) có kể lại là khi thanh tra Delamarre tới đồn điền Phú Riềng và ghi lại cẩn thận bản tường trình nhiều sự vi phạm trong luật lao động và chi tiết những hành động tàn nhẫn, nhưng Trần Tử Bình cho rằng thanh tra Delamarre bị chủ đồn điền mua chuộc, sự việc cũng bị che giấu và đây chỉ là trò hề thanh tra. Cuối cùng thì sự việc cũng không đi tới đâu.
Còn trong cuốn Les plantations Michelin au Viêt-Nam, nhà sử học Pháp Eric Panthou thì cho biết bản tường trình của Delamarre ngày 17/7/1928 gởi Toàn quyền Đông Dương về cuộc thanh tra ở đồn điền Phú Riềng và Dầu Tiếng có ghi đúng như những gì Trần Tử Bình nói và chính quyền thuộc địa đã bất bình về những hành động của công ty Michelin, nhưng lại không thấy có hành động gì xử phạt đối với công ty này.
Sau cuộc đấu tranh lớn công nhân đồn điền Phú Riềng lần đó, công ty Michelin cho sáp nhập hai đồn điền Phú Riềng và Thuận Lợi, lấy tên là đồn điền Thuận lợi, xóa bỏ tên đồn điền Phú Riềng mục đích là để người ta quên đi vụ việc tai tiếng, xoa dịu dư luận.
Sau khi quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương năm 1954, các công ty Pháp như Michelin vẫn còn hoạt động ở miền Nam cho tới năm 1975.
Sau năm 1975, đồn điền Michelin bị quốc hữu hóa thành Nông trường Quốc doanh Cao su Dầu Tiếng. Đến năm 1981 chuyển thành Công ty cao su Dầu Tiếng. Cùng với đó, hãng lốp xe Michelin cũng quay lại Việt Nam để bắt đầu công việc kinh doanh mới với một công ty con là Công ty TNHH Michelin Việt Nam thành lập vài tháng 10/2009.
Lịch sử cây cao su ở Việt Nam
Vườn Bách Thảo Sài Gòn (nay là Thảo Cầm Viên) được thành lập năm 1864, nhà thực vật học nổi tiếng của Pháp Jean Baptiste Louis Pierre được mời sang làm giám đốc Vườn Bách Thảo từ năm 1865. Louis Pierre đã nghiên cứu và du nhập nhiều loại cây kinh tế vào Việt Nam, trong đó có cây cao su. Năm 1877, Louis Pierre thử nghiệm trồng hạt cao su đầu tiên ở vườn Bách Thảo Sài Gòn, nhưng không thành công. Nguyên do là hạt giống không nhiều và ít cây sống sót lại bị loại bỏ trong các đợt tu chỉnh Vườn Bách Thảo Sài Gòn vì ảnh hưởng đến cảnh quang nơi đây.
Đến năm 1897, toàn quyền Paul Doumer thành lập hai trung tâm nghiên cứu thí nghiệm ươm giống cây cao su từ hạt tươi. Một ở trạm thực nghiệm Ông Yệm (Bến Cát – Thủ Dầu Một) do E. Raoul (dược sĩ, chuyên nghiên cứu thực vật chí ở vùng nhiệt đới) phụ trách. Một trạm thực nghiệm khác ở Suối Dầu, thuộc viện Pasteur Nha Trang do bác sĩ Yersin chăm sóc. Đa số hạt giống được ươm nảy mầm, tốt nhanh.
Sau đó cây cao su con và hạt cao su cũng đã được gởi đến trồng ở nhiều loại đất khác nhau, ở nhiều nơi như Gò Vấp, Thủ Đức, vườn thực nghiệm ở Huế, ở Tây Nguyên, và tận ngoài miền Bắc… nhưng đa phần cây được trồng đều bị chết vì trồng không đúng đất và khí hậu không thích hợp.
Cho tới năm 1904, việc trồng cây cao su trong các vườn thí nghiệm đều mang lại kết quả khả quan. Bằng chứng là trong vườn thí nghiệm ở Nha Trang, Yersin đã cùng với viên kỹ sư nông nghiệp kiêm kỹ sư hóa học G. Vernet (người đã nghiên cứu rất nhiều về các vấn đề cao su) nêu lên những căn cứ khoa học cho cách trồng tỉa và phương pháp lấy mủ cao su. Sau đó, chính Yersin là người có tiếng nói quyết định trong việc kiến lập nền kỹ nghệ cao su ở Nam Kỳ.
Phát triển công trình nghiên cứu của Yersin, các nhà nông học Pháp đã đi đến kết luận là với những điều kiện đất đai, khí hậu ở miền Đông của Nam Kỳ, cao su có thể phát triển một cách thuận lợi không kém ở vùng đồng bằng sông Amazon.
Các cây cao su phân phối cho các nhà trồng tỉa người Pháp thực nghiệm đã có tác dụng kích thích một số người Pháp xây dựng cơ sở trồng cao su trên vùng đất xám phía Bắc Sài Gòn. Trong số này nổi bật nhất là đồn điền của ông Belland, một viên thanh tra cảnh sát Trung ương ở Sài Gòn, lập ra đồn điền Phú Nhuận năm 1898. Qua nhiều lần ươm thử, đồn điền của ông đạt được 15.300 cây cao su đứng trên diện tích 45 hecta. Năm 1908, Ông bắt đầu cạo mủ với 5.000 cây, bình quân 8 tuổi, đạt 1.500 kg. Năm 1909 cạo 9.500 cây từ 7 đến 9 tuổi, đạt 3.000 kg. Năm 1910 ước tính đạt 6.000 kg với số cây cạo 10.500 cây. Năm 1911 có thể thu 10.000 kg. Đồn điền có xưởng chế biến riêng. Cao su khô được ép, cho vào thùng 100 kg và gởi bán tại thị trường Paris, dưới ký hiệu chất lượng là Parafin với giá khá cao, từ 13 đến 22,75 francs 1 kg, giá thành sản xuất khoản 3 francs và tiền vận chuyển khoản 1 francs/ 1 kg.
Ở Suối Dầu (Nha Trang), Yersin công bố thông tin năm 1904: “kết quả cạo mủ thử ở Suối Dầu rất đáng khích lệ: Các cây cao su cho mủ ngày càng nhiều; có thể sẽ đạt 250 gram mủ khô 1 cây, và đạt 100 kg mủ khô để bán được ít nhất 1.000 francs”.
Kết quả đạt được từ hai nơi thực nghiệm trên đã làm những người trồng cao su vui mừng, khi biết rằng trồng cao su sẽ thu được lãi cao.
Từ kết quả đó của các nhà khoa học Pháp, giới tư bản Pháp đã nhanh chóng áp dụng ngay những thành quả đó vào việc kinh doanh cao su ở Đông Dương nói chung và ở Nam Kỳ nói riêng. Kể từ đó cao su đã gắn chặt đời mình với các vùng đất đỏ Bazan ở Việt Nam.
Cao su là một loại cây chỉ thích hợp với những vùng đất phù sa cũ đất đỏ và xám, loại đất này ở Nam kỳ chạy dài thành một dải theo hướng Bắc Đông Bắc và Nam Đông Nam. Đó là đất sét nhưng dễ làm, rất ít chất đá vôi, thường có nhiều mùn và có một hàm lượng hữu cơ khá lớn. Đất không lẫn cuội và sỏi, ở độ sâu từ 15 đến 40 mét đất vẫn đồng chất. Ở vùng đất đỏ Đông Nam Kỳ, đất không bị cứng, hút nước mưa, không để cho nước chảy thành dòng và giữ được độ ẩm tốt. Các nhà khoa học Pháp đã phát hiện ở miền Đông của Nam kỳ, diện tích đất đỏ tối thiểu là 200.000 hecta tạo thành một dải dài 200 km, rộng từ 2 đến 20 km.
Điều kiện tự nhiên kể trên làm cho cây cao su sớm có mặt và gắn bó với miền Đông của Nam kỳ. Đặc biệt là ở tỉnh Thủ Dầu Một, nơi diện tích cao su lớn gấp 3 lần diện tích trồng lúa nước.
Ở Nam kỳ, đến năm 1918, có 7.000 hecta đất chuyên trồng cây cao su, cho ra sản lượng mủ thô 3.000 tấn tập trung ở ngoại ô Sài Gòn, tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Đến năm 1945, diện tích cây cao su được trồng trên 140.000 hecta và 80.000 tấn sản lượng.
Năm 1939, cao su chiếm 34% tổng giá trị hàng xuất khẩu tử Đông Dương, chỉ đứng sau lúa gạo. Nếu kinh tế lúa gạo ở Nam kỳ đa số nằm trong tay người Hoa thì cao su lại nằm trong tay người Pháp.
Tuy nhiên lợi nhuận từ cao su không phải lúc nào cũng đi lên, nó chỉ đạt được đỉnh cao vào năm 1927 trước khi rơi vào khủng hoảng. Năm 1928, tất cả đồn điền cao su đều giảm lợi nhuận vì giá cao su xuống dốc do thị trường cao su thế giới bị mất cân bằng giữa cung và cầu. Các thuộc địa của Anh và Hà Lan như Mã Lai, Indonesia đã sản xuất tăng vọt hàng loạt.
Khủng hoảng kinh tế thế giới thời kỳ 1929-1933 càng làm tình trạng này thêm trầm trọng, nhiều công ty trồng cao su phá sản.
Đến năm 1934, có một quy ước quốc tế giới hạn diện tích cao su để giữ giá không để cho cung vượt quá mức nhu cầu, vì vậy tới năm 1935 giá cao su tăng trở lại. Đến thời đệ nhị thế chiến, nhu cầu về cao su lại lên cao điểm.
Các công ty đồn điền cao su lớn nhất của Pháp ở Việt Nam thời kỳ nửa đầu thế kỷ 20, ngoài Michelin đã nói ở trên, còn có:
– Công ty nông nghiệp Suzannah (Société Agricole de Suzannah), là công ty cao su lâu đời nhất ở Đông Đương, thành lập từ năm 1907 từ công ty Société d’Études Suzannah (1904). Đồn điền cao su Suzannah cách Sài Gòn khoảng 70km ở vị trí cạnh đường xe lửa và trạm Dầu Giây. Đây là đồn điền nông nghiệp lớn đầu tiên được người Pháp thành lập trồng thử nghiệm các nông sản và nơi được trồng cao su lần đầu tiên dưới sự hướng dẫn của giám đốc vườn Bách Thảo Sài Gòn từ năm 1906.
Sự hình thành của đồn điền Suzannah bắt đầu vào các năm đầu thập niên 1900, khi một số nhân viên giám sát làm đường xe lửa, sở công chính và nhân viên hỏa xa gặp nhau gần bờ suối, tham dự các buổi picnic ăn uống trong các ngày nghỉ cuối tuần cùng gia đình. Họ cùng nảy ra ý tưởng thành lập một nông trại trồng các sản phẩm vùng nhiệt đới, trồng thử nghiệm một số loại cây như cà phê, trà, cam, chanh, ca cao, tiêu, đu đủ, xoài… Trong số những nhân viên hỏa xa có ông Louis Cazeau – giám đốc công ty xe lửa Sài Gòn – Chợ Lớn, và Émile Girard (cựu hạ sĩ quan cơ khí hải quân từng tham gia làm đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho), là hai người đắc lực nhất, được bầu làm chủ tịch và giám đốc trông coi khu đồn điền.
Nhóm bạn hữu đồn điền đặt tên khu đất nông nghiệp thử nghiệm này là đồn điền Suzanne, theo tên con gái của ông Cazeau là Suzanne Cazeau. Sau này tên Suzanne trở thành Suzannah để trở nên “văn vẻ”.
Công ty nông nghiệp Suzannah chính thức được thành lập ngày 27/2/1907, với vốn ban đầu là 150.000 đồng piastres, do những người Pháp ở Nam kỳ góp vào. Qua nhiều đợt nâng vốn để phát triển đồn điền, đến năm 1913 số vốn đầu tư tổng cộng là 1.000.000 đồng. Không lâu sau đó trụ sở chuyển từ Sài Gòn (số 19 rue Vannier, nay là Ngô Đức Kế) đến Paris, và tiền piastres được chuyển qua tiền franc để có thể huy động thêm vốn.
Không chỉ là đồn điền trồng cao su quy mô, lớn vốn nhất vào thời điểm đó, cái tên Suzannah cũng lan rộng nhanh không kém khi ngày càng nhiều hơn những người thượng lưu chọn nơi đây làm ngày nghỉ cuối tuần.
Một thành viên Hiệp hội cựu đồn điền cao su đã viết lại rằng vào những giờ cuối cùng của đêm, tại ga Sài Gòn, luôn có một đoàn tàu sẵn sàng các thực phẩm, đồ uống và cả nhân viên do chính khách sạn Continental cung cấp. Rạng sáng đến ga Dầu Giây, đoàn người “nghỉ dưỡng cuối tuần” này sẽ được trung chuyển đến đồn điền bằng những chiếc xe bò đã cải tiến để giảm xốc.
Sau những vòng dạo bộ dưới các tán cao su mát rượi, họ sẽ tụ tập với nhau về ngôi nhà trung tâm của vườn để vui chơi cho đến tối mới quay trở lại ga Dầu Giây, về lại Sài Gòn. Để tăng thêm tính giải trí và lấp đầy tất cả thời gian của ngày nghỉ quý báu, có người còn đem cả một cây đàn piano ra lắp tại ngôi nhà trung tâm và để lại luôn ở đó.
Đến năm 1910, Suzannah trở thành đồn điền cao su hoàn mỹ, cơ khí hóa hiện đại nhất thời bấy giờ. Lao động chủ yếu là người Việt, và một số là người Hoa. Nhưng họ đã được trang bị cả máy công nông chạy bằng đầu máy hơi nước, có thể cày sâu đến 32cm, cắt cỏ, xới đất, nhổ cỏ và việc trợ lực nhổ các gốc cây to để tạo mặt bằng gieo cây cao su non.
Nhà máy chế biến mủ cũng được xây dựng bên cạnh các tòa nhà rộng lớn đầy đủ tiện nghi, cùng nhiều chỗ ở cho công nhân. Kèm theo đó là cửa hàng, bệnh xá, chuồng ngựa…
Mô hình đồn điền Suzannah đã đánh bước tiên phong cho nhiều đồn điền cao su diện tích “ngàn ha” sau đó. Theo báo cáo của Phòng nông nghiệp Nam Kỳ vào năm 1910, tại vùng đất đỏ miền Đông cuối năm 1909 ngoài đồn điền Suzannah với diện tích 3.314ha đã có thêm đồn điền Xa Trạch rộng 1.200ha ở làng Xa Trạch, tổng Hớn Quản, tỉnh Thủ Dầu Một và đồn điền An Lộc ở Biên Hòa rộng 1.000ha.
Đồn điền Xa Trạch năm xưa nay thuộc Nông trường Xa Trạch của Công ty cao su Bình Long, tỉnh Bình Phước. Còn đồn điền An Lộc đến năm 1935 đã sáp nhập với đồn điền Suzannah và một số đồn điền nhỏ lân cận trở thành Công ty đồn điền cao su Đông Dương cho đến sau năm 1975 được Tổng công ty Cao su Đồng Nai tiếp quản.
Đến năm 1980, lãnh đạo công ty đã có lệnh ngưng khai thác mủ để chăm sóc bảo quản hiện trạng lô 9 của đồn điền Suzannah. Khi tỉnh Đồng Nai lập lô 9 cao su này thành di tích cấp tỉnh vào năm 2009, còn đến 317 cây được trồng từ năm 1906.
– Công ty các đồn điền cao su Đông Dương (Société Indochinoise Des Plantations d’ Hévéas, gọi tắc là SIPH) là một nghiệp đoàn các đồn điện cao su được thành lập năm 1935, bao gồm đồn điền Suzzanah và các đồn điền Dầu Giây, Cam Tiêm, Ông Quế, An Lộc, Đồng Hạp, Bến Củi, Gallia, La Souchère, Helena, Bình Lộc, Cẩm Mỹ (đồn điền Courtenay), Trảng Bom, Cây Gáo, Hàng Gòn… Với diện tích 9.900 ha cao su ở Nam kỳ, SIPH thu về 10.000 tấn cao su khô mỗi năm, đạt một sản lượng tầm cỡ Đông Nam Á. Đến năm 1973, diện tích trồng cao su SIPH có được là 18.000ha.
– Công ty đồn điền Đất Đỏ (Plantations des Terres Rouges, gọi tắt là Terres Rouges, hoặc là SPTR) thành lập năm 1908. Công ty này là sự hợp vốn của nhóm tư bản Rivaud (người Pháp) và Hallet (người Bỉ) được chính quyền Pháp hỗ trợ tài chính và trực tiếp quản lý. Trụ sở chính đặt ở Sài Gòn. Trung tâm đều hành đặt tại Quản Lợi. Sau khi thành lập, Terres Rouges liên tiếp lập ra các đồn điền lớn như: Xa Trạch (năm 1908) với 1.6135,5 ha, Xa Cam (năm 1913): 3.100,63 ha, Quản Lợi (năm 1916): 5.372,35 ha, Xa Cát và sau đó SPTR lớn dần ra nhiều nơi khác ở Biên Hòa (Long Thành), Bà Rịa, sang cả Campuchia (Bình Chăn, Ngọc Bích, Ca Rết, Sa Mua, riêng ở đồn điền Chúp có đến 24.000 ha) Java có 600 ha, Malaysia có 2.994 ha, Sumatra có 4.043 ha.
Vốn đầu tư ban đầu của SPTR là 2.300.000 francs, gồm 23.000 cổ phần, mỗi cổ phần 100 francs. Năm 1923, vố tăng đến 36.000.000 francs. Năm 1925: 46.000.000 francs. Năm 1935: 110.000.000 francs. Công ty này ki ến lập riêng cho mình phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu chuyên canh và sản xuất cao su đặt tại Bàu Ông Yệm (Tỉnh Thủ Dầu Một). Với số vốn đầu tư tăng dần từng năm tạo cho SPTR một sản lượng cao su lớn, chiếm 35-40% sản lượng cao su toàn Đông Dương.
SPTR là công ty lớn nhất trong các công ty cao su có mặt tại Việt Nam. Để có đủ nhân công phục vụ cho sự lớn mạnh của công ty, phu cao su cũng được mộ vào đây từ nhiều nơi. Từ 1914 đến tháng 10 năm 1955 có tới 421.000 người từng làm công nhân cho SPTR.
– Công ty cao su Viễn Đông (Société des Caoutechoues d’extrême-orient), tên thường gọi là CEXO, ra đời năm 1911, là sự hợp nhất giữa công ty cao su Đông Dương (Société des Caoutechoues de l’Indochine) và công ty cây trồng nhiệt đới Đông Dương (Sociéte Indochine des Cultures Tropicales). Trụ sở đặt tại Paris, chủ công ty là De Laland, người Pháp. Công ty này cũng lần lượt mở rộng địa phận lớn ra: Đồn điền cao su Lộc Ninh (gồm cả Bù Đốp) xây dựng năm 1911 với diện tích riêng ở đồn điền Bù Đốp là 810 ha. Năm 1925, mở ra thêm ở Xa Cát với diện tích 3.500 ha. Năm 1927, mở tiếp đồn điền Minh Thạnh, diện tích 3.534 ha và Đakia trên 10.000 ha. Đến 1929, với vốn liếng riêng của mình, CEXO đã xây dựng được con đường xe lửa nối liền Lộc Ninh với Sài Gòn dài 142 km, nhằm mục đích sử dụng đối với vùng cao su Bình Long và vùng biên giới Việt Nam-Campuchia.
Do ra đời sau Suzannah 5 năm, và sau SPTR 3 năm nên CEXO kinh nghiệm hơn trong việc mộ phu. Phòng mộ phu được đặt ngay tại Thái Bình, Lạng Sơn, Hải Phòng ngay năm thành lập 1911. Những tri phủ, tri huyện tay sai thân Pháp đắc lực giúp Pháp trong việc tuyển phu. Năm 1925 đến năm 1954 CEXO mộ được 218.000 người.
Vốn đầu tư ban đầu của CEXO cũng khá lớn: 1.500.000 francs, gồm 15.000 cổ phần, mỗi cổ phần 100 francs. Vốn cũng tăng dần từng năm, 1912: 4.500.000 francs, 1917: 6.000.000 francs, 1920: 8.000.000 francs, 1934: 28.000.000 francs.
– Công ty cao su Đồng Nai (Le Caoutchouc du Dona, gọi tắc là LCD) thành lập từ năm 1908, trụ sở chính ở Paris. Tiền thân của nó là Công ty kỹ nghệ và rừng Biên Hòa. Đối tượng kinh doanh của LCD là khai thác đồn điền cây cao su, cây có dầu và nứa ở Đông Dương. Số vốn ban đầu là 500.000 francs gồm 5.000 cổ phần, mỗi cổ phần là 100 francs. Năm 1911 vốn tăng 2.000.000 francs, năm 1919 tăng lên 6.000.000 francs. Năm 1926, LCD bắt đầu khai thác cao su. Năm 1938 LCD khai thác được 904 tấn mủ, sang năm 1939 khai thác được 1.184 tấn, và tiếp tục mở rộng thêm đồn điền Trảng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng. Phu contra được chiêu mộ đến LCD lên tới hàng vạn người.
– Công ty cao su Tây Ninh hình thành từ 1908 do hai anh em Jousset và Deleurance de Bellesme trồng 27 ha cao su đầu tiên tại Vên Vên (Gò Dầu Hạ), sau đó có phát triển ra các đồn điền Trà Vỏ, Hiệp Thành, Cầu Khởi với tổng diện tích 2.600 ha. Công ty này hoạt động bằng đồng vốn tự có, không thuộc nhóm ngân hàng tài chính Pháp, không tìm cách và cũng không đủ sức thôn tín các đồn điền kế cận quanh vùng. Nhân công ở đây chủ yếu là lực lượng “bán công bán nông” trong vùng.
– Sở cao su Phước Hòa (Société des Caoutechoues de Phuoc Hoa) hay còn gọi là đồn điền Labbé (Plantation de Labbé) được nhóm tư bản Pháp thành lập và quản lý, đặt trụ sở ở Phước Hòa, Huyện Châu Thành, Tỉnh Thủ Dầu Một. Labbé bắt đầu khai thác từ năm 1927, với diện tích ngày càng mở rộng gần 2.000 ha đất cao su tính đến năm 1933 phủ trên vùng đất xám và một ít đất đỏ.
Ngoài ra còn có các sở cao su nhỏ của tư sản người Việt, người Hoa, người thân Pháp. Trong tập thống kê năm 1931 của nghiệp đoàn các nhà trồng cao su Đông Dương có khoản 60 chủ sở hữu cao su người Việt Nam có dưới 100 ha (gọi là tiểu điền) đất trồng cao su và có 12 sở có diện tích từ 100-499 ha trồng cao su (gọi là Trung Điền), chủ yếu là của các nhà chức trách có quyền thế hoặc thuộc những người thân Pháp có thế lực như quan tòa Đỗ Hữu Trí, nhà kinh doanh công nghiệp Trương Văn Bền, và các ông Lê Phát Tân, quan phủ Võ Hà Thanh, Đốc phủ sứ Đoàn Hữu Tùng, chủ sở kho bạc Thủ Dầu Một Nguyễn Văn Yên. Ngoài ra, các hộ nông dân gọi là tiểu điền (có từ 99 ha cao su trở xuống) cũng không nhiều. Đa phần họ là chủ nhân của mảnh đất mà ông cha đã khai hoang bằng sức lao động của gia đình hoặc của cả dòng họ để lại. Khả năng mở rộng diện tích các đồn điền thuộc sở hữu tư nhân người Việt bị hạn chế lớn nhất là về tài chính, họ không được ngân hàng cho vay vốn và cũng không được sự ủng hộ nào từ phía tài chính Pháp. Họ tự thân phát triển bằng đồng vốn của mình.
Thời kỳ trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các công ty tư bản Pháp đầu tư vốn vào ngành kinh tế cao su ngày một tăng nhưng đa số cây cao su được trồng chỉ mới ở mức độ thử nghiệm nên diện tích trồng cao su chưa lớn và mức thu hoạch cao su chưa cao. Sau chiến tranh, Pháp và cả Châu Âu đều lâm cảnh thiếu thốn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nhằm phục hồi nền kinh tế đất nước, trong đó nhu cầu cao su thiên nhiên rất cao.
Để bù đắp những tổn thất trong chiến tranh, Pháp ồ ạt tăng đầu tư vào các công ty cao su ở Việt Nam, và việc phát triển diện tích trồng và khai thác cao su được nâng lên thành chủ trương có tính chất “quốc sách”. Chẳng hạn như SPTR có tổng số vốn đầu tư ban đầu đã nêu là 2.300.000 francs, gồm 23.000 cổ phần, mỗi cổ phần 100 francs. Sau đó vốn càng tăng lên: năm 1923 vốn tăng 36.000.000 francs, năm 1925: 46.000.000 francs. Năm 1935: 110.000.000 francs. CEXO với vốn ban đầu: 1.500.000 francs, gồm 15.000 cổ phần, mỗi cổ phần 100 francs. Vốn cũng tăng dần từng năm, 1912: 4.500.000 francs, 1917: 6.000.000 francs, 1920: 8.000.000 francs, 1934: 28.000.000 francs. Cùng với số vốn đầu tư ngày càng khổng lồ thì mức độ tập trung diện tích trồng cây cao su cũng rất lớn.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành kinh tế cao su ở Đông Dương chủ yếu là ở Việt Nam, mà đặc biệt là Nam Kỳ đã đưa giá trị hàng cao su xuất khẩu chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Đông Dương: năm 1936 chiếm 14,3%, năm 1937: 18%, năm 1938: 21,4%, năm 1939 lên tới 34%. Sự phát triển của ngành kinh tế cao su đã góp phần cho cán cân ngoại thương ở Việt Nam có sự thặng dư lớn. Lượng cao su xuất khẩu năm 1939 tăng gấp 7 lần năm 1928, giá trị xuất khẩu của ngành cao su năm 1929 là 11.000.000 francs đến năm 1939 tăng lên 96.000.000 francs.
Đồn điền cao su càng phát triển, nhu cầu về lao động càng trở nên cấp thiết. Để có nhiều nhân công, các chủ đồn điền đã bóc lột sức lao động của công nhân một cách tàn tệ. Nông dân bị bần cùng hóa buộc phải vào làm công ở các đồn điền cao su với thù lao rất thấp. Theo thống kê ở Công ty cao su Đất Đỏ năm 1936, sức lao động của mỗi công nhân tạo ra từ 12.000 francs – 13.000 francs, nhưng chỉ được nhận lương 1.000 francs.
Năm 1939, 19 công ty cao su Đông Dương thu được 309.000.000 francs lợi nhuận, trong khi đó tổng số tiền lương của công nhân trong 19 công ty không đến 40.000.000 francs.
Đi đôi với sự thành lập ồ ạt các đồn điền cao su tại Việt Nam, tập trung nhiều nhất và mạnh nhất ở vùng miền Đông Nam Bộ của tư bản Pháp, các thành phân kinh tế tư bản tư nhân bắt đầu thâm nhập và phát triển mạnh trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Ngành sản xuất và khai thác cao su hình thành và từng bước đóng vai trò kinh tế trọng yếu ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung dưới thời Pháp thuộc.
Cùng với lúa gạo, chè, cà phê…, cao su là một trong những mặt hàng nông sản chiến lược xuất khẩu lớn vào bật nhất từ xưa đến nay. Thời thuộc địa, hoạt động sản xuất, khai thác và xuất khẩu của ngành kinh tế cao su đã từng là nhân tố kích thích tốc độ phát triển của nền kinh tế công thương nghiệp Việt Nam, là động lực phát triển kinh tế xã hội cho toàn khu vực phía Nam Đông Dương.
Vấn đề ngược đãi phu đồn điền cao su được nhắc tới bên trên là phổ biến trong thời kỳ Pháp thuộc, tuy nhiên không phải là tất cả đồn điền đều như vậy. Trong một số tài liệu có ghi nhận một số điểm sáng, thí dụ như đồn điền của bà de la Souchère ở Long Thành, cách Sài Gòn 51km, có diện tích 3.330ha, tronống 700ha là trồng cao su. Bà Souchère sống thường xuyên ở đồn điền. Số phu làm việc là 700, lương từ $0.3 đến $0.5 mỗi ngày. Đồn điền có 1 xe vận tải Peugeot 4 tấn chở hàng và 2 xe Peugeot hiệu Quadrillettes để chở nhân viên. Sản lượng cao su đồn điền là 70 tấn vào năm 1922 và 100 tấn năm 1923.
Trong khuôn viên đồn điền cao su, bà chủ xây bệnh xá, trường mẫu giáo và trường tiểu học cho các công nhân và gia đình họ. Các soeur dòng Saint Paul de Chartres, giáo viên quản lý trường học và dạy các lớp. Ngoài ra còn có một nhà thờ và các chùa. Làng de la Souchère còn có chợ. Năm 1927, bà Souchère đã bỏ tiền xây dựng trạm y tế chữa bệnh ở Long Thành tỉnh Biên Hòa. Theo báo L’Écho Annamitte (19/12/1927), Toàn quyền Pasquier và Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse đã dự buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây phòng câp bệnh ở Long Thành.
Cũng trong năm 1927, lần đầu tiên bà Souchère trở lại Pháp nghỉ hè, mang theo một đứa bé người Việt 6 tuổi, sau này bà nhận làm con nuôi và đặt tên là Charles Bertin Rivière de la Souchère. Về sau, bà nhận thêm ba con nuôi, đặt tên là Jean, Marie Josée và Pierre.
Đầu thập niên 1930, những người trồng cao su đã chứng kiến sự khó khăn về kinh tế. Khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) đã làm nhiều nhà trồng cao su phá sản, gây ra một sự xáo trộn kinh tế trầm trọng không những trong lĩnh vực cao su mà trong tất cả các sản phẩm canh nông như lúa gạo. Khắp Nam kỳ chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, từ các nhà sản xuất cho đến các kỹ nghệ, doanh nghiệp thương mại dẫn đến đời sống cực kỳ khó khăn cho tất cả các tầng lớp xã hội.
Các đồn điền cao su của bà Souchère đã bị ngân hàng Đông Dương thanh lý năm 1933 và bán đấu giá ngày 28/9/1933 với số tiền 100.000 đồng piastres, trong khi trị giá của đồn điền được ước tính là 2.000.000 đồng. Căn biệt thự đẹp và bề thế của bà ở số 169 đường Mac-Mahon (nay vẫn còn, là trụ sở Nhà thiếu nhi TpHCM ở đường NKKN) cũng bị ngân hàng biên tịch.
chuyenxua.net biên soạn
Nguồn: “125 năm cao su” của báo Tuổi Trẻ, sách Lịch sử Doanh nghiệp và công nghiệp của Nguyễn Đức Hiệp