Câu chuyện về nhạc sĩ Văn Cao – Từ “Buồn Tàn Thu” đến “Thiên Thai”

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Văn Cao vốn gắn liền và hoà trộn với dòng chảy của lịch sử nước Việt nói chung và tân nhạc Việt Nam nói riêng, với rất nhiều khúc quanh và những biến đổi lớn lao của thời cuộc.

Ngoài vai trò là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc với những bài hát được đánh giá là tuyệt kỹ và tuyệt mỹ, Văn Cao còn là một hoạ sĩ và là nhà thơ nổi tiếng.

Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh năm 1923 tại Lạch Tray (nay là phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền), thành phố Hải Phòng, nhưng quê gốc ở tỉnh Nam Định.

Xuất thân trong một gia đình viên chức, cha của ông vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng. Thuở nhỏ, Văn Cao học ở trường tiểu học Bonnal, sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc.

Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành chung. Ông làm nhân viên trực điện thoại ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ việc.

Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ thế hệ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý… Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng với các nhạc sĩ Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận… và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là Buồn Tàn Thu vào năm mới 16 tuổi, trở thành một tuyệt tác của tân nhạc thời kỳ đầu.

Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, Văn Cao quen với Phạm Duy, người đang là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy, cũng là một trong những ca sĩ hát tân nhạc nổi tiếng nhất thời đó. Trong những chuyến lưu diễn dài ngày theo gánh hát dọc đất nước, chính Phạm Duy đã giúp cho Buồn Tàn Thu trở nên phổ biến khắp nơi. Sau này, nhạc sĩ Văn Cao đã tri ân người bạn của mình khi ghi thêm lời đề tựa cho ca khúc này là: Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn.

Tình bạn của Văn Cao và Phạm Duy, là 2 nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc, sau này vẫn được nhiều người nhắc lại với sự ngưỡng mộ, đặc biệt là khi họ vẫn dành cho nhau sự tôn trọng rất lớn dù sinh sống và phục vụ cho 2 chế độ khác nhau.

Nhận xét về người bạn Văn Cao, nhạc sĩ Phạm Duy viết trong hồi ký như sau:

“…thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. Chắc chắn là đứng đắn hơn tôi. Lúc mới gặp nhau, anh ta chưa dám mày – tao với tôi, nhưng tôi thì có cái tật thích nói văng mạng từ lâu, kết cục, cu cậu cũng theo tôi mà “xổ chữ nho”. Nhưng Văn Cao bản tính lầm lỳ, ít nói, khi nói thì bàn tay gầy gò luôn luôn múa trước mặt người nghe”.

Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant – nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền – và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngoài ra Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy.

Trong thời gian này, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác ra những ca khúc nay nhất trong sự nghiệp của mình, và có lẽ cũng là hay nhất của tân nhạc thời tiền chiến: Thiên Thai (1941), Bến Xuân, Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa (1942), Trương Chi (1943)…

Xen kẽ với những bài hát lãng mạn này, Văn Cao cũng sáng tác 1 số bài hùng ca nổi tiếng, nhưng đỉnh cao nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông vẫn là những nhạc phẩm trữ tình giống như những nhạc sĩ tiền chiến khác. Có một điểm đặc biệt là dù sáng tác tân nhạc mang giai điệu của phương Tây, nhưng nhạc của Văn Cao ít bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà mang nặng âm hưởng phương Đông. Từ ca khúc đầu tay Buồn Tàn Thu, Văn Cao đã sử dụng ngũ cung để viết về một hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật châu Á: người phụ nữ đan áo ngồi chờ đợi.


Click để nghe Thái Thanh hát Buồn Tàn Thu

Nhạc sĩ Văn Cao viết Buồn Tàn Thu khi ông mới 16 tuổi. Trước đó không rõ là có bài hát nào khác hay không, nhưng sau này người ta thường nói Buồn Tàn Thu là sáng tác đầu tay của Văn Cao. Bài hát đầu tay của một thư sinh 16 tuổi, nhưng đã trở thành bất tử, nổi tiếng suốt hơn 70 năm qua. Đây có thể xem là ca khúc đánh dấu một thiên hướng sáng tác riêng biệt của ông trong buổi đầu tân nhạc – Những ca khúc vương nét cổ phong mang một nỗi sầu miên man, nhưng lạ thay lại có thể mang đến cảm giác rất dễ chịu và thăng hoa cho cả người hát lẫn người nghe.

Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngày bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng
Đêm mùa thu chết nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng

Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng

Người ơi còn biết em nhớ mang
Tình xưa còn đó xa xôi lòng
Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên
Chim với gió bay về
Chàng quên hết lời thề

Áo đan hết rồi, cố quên dáng người
Chàng ngày nao tìm đến
còn nhớ đêm xưa kề má say xưa
Nhưng năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần
Thôi tình em đấy như mùa thu chết rơi theo lá vàng

Nghe bước chân người sương gió
Xa dần như tiếng thu đang tàn
Ôi người gió sương em mơ thương ai bao lần
Và chờ tin hồng đến
Đêm mùa thu chết nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng

Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng

Người ơi còn biết em nhớ mang
Tình xưa còn đó xa xôi lòng
Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên
Chim với gió bay về
Chàng quên hết lời thề

Áo đan hết rồi, cố quên dáng người
Chàng ngày nao tìm đến
còn nhớ đêm xưa kề má say xưa
Nhưng năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần
Thôi tình em đấy như mùa thu chết rơi theo lá vàng…

Không ai có thể hiểu được vì sao một chàng thiếu niên 16 tuổi đã có thể cảm nhận thế nào là “kề má say xưa”“tình xưa còn đó xa xôi lòng”, hay có thể nghe được “tiếng thu đang tàn” xa dần vời vợi ngoài sương gió, như nỗi lòng của một người con gái bẽ bàng vấn vương… Chàng Văn Cao nghe được, hiểu được, và chép lại được bằng nhạc, để hơn 70 năm sau, hậu sinh vẫn có thể nghe được tiếng mùa thu đang chết rơi theo lá vàng.

Ở thời điểm mà Văn Cao vẫn còn đang say sưa viết loại nhạc bay bổng lãng mạn, chưa bị nhuốm màu chinh chiến, người ta có thể thấy được cái chất “thần tiên” trong nhạc của ông. Sử dung chất liệu của văn thơ cổ, giống như bài Trương ChiThiên Thai sau này, ca khúc Buồn Tàn Thu mang dấu tích của câu chuyện Chinh Phụ Khúc. Nét cổ phong được thể hiện rõ ở câu hát:

Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên
Chim với gió bay về: chàng quên hết lời thề…

Người chinh phụ đêm đêm chờ chồng, nghe những tiếng bước độc hành trong sương gió ngoài kia. Biết bao lần nàng mong đó là bước chân của người yêu trở về. Nhưng hỡi ôi, những ái ân ngày cũ, những lời hẹn thề xưa nay đã trở thành xa xôi, rồi cũng đã cuốn theo những chiếc là mùa thu cuối cùng đang dần tàn rơi.

Từ bản thu đầu tay này, Văn Cao còn bị “ám ảnh” bởi những mùa thu buồn khác sau này, với Thu Cô Liêu, Suối Mơ. Ông đã chia sẻ cảm nhận của mình về mùa thu như sau:

“Có lẽ cuộc đời sinh ra tôi ở mùa thu. Đấy là những ngày sinh nhật của tôi lại vào mùa thu. Và không hiểu tại sao thơ mà tôi chịu ảnh hưởng thì đều là những bài thơ vào mùa thu. Và với bản thân tôi thì mùa thu nó có cái ấm, có cái se lạnh vào cuối mùa, cũng là những ngày có nhiều tưởng tượng nhất”.

Sau Buồn Tàn Thu, nhạc sĩ Văn Cao còn sáng tác thêm hai ca khúc khác về mùa thu là Thu Cô Liêu Suối Mơ, rồi sau đó là Cung Đàn Xưa, Bến Xuân… nhưng đỉnh cao nhất vẫn là ca khúc Thiên Thai.

Đây là bài hát được nhiều người đánh giá “đỉnh cao của nền tân nhạc Việt Nam”. Hầu hết các nhạc sĩ nổi danh sau này, cùng rất nhiều các nhà phê bình âm nhạc đều dành những lời xưng tụng cao nhất cho Thiên Thai và tài năng thiên phú của nhạc sĩ Văn Cao trong cả 3 lĩnh vực: thi ca, âm nhạc và hội họa, và những tinh hoa nghệ thuật đó đều hội tụ trong tuyệt khúc Thiên Thai.

Bài hát này được nhạc sĩ Văn Cao trình làng vào năm 1941, khi ông mới chỉ 18 tuổi, được phôi thai từ những cảm xúc, rung động tinh khôi, trong trẻo của một thiên tài âm nhạc trước cảnh sắc quê hương xứ Việt, đồng thời mượn hình ảnh cõi đào nguyên trong các tác phẩm Đường Thi xưa.

Khi viết lời đề tựa cho Thiên Thai vào năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao ghi lại như sau: “Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi…”. 

Sông Hương, nơi khơi nguồn mạch cảm xúc cho Thiên Thai

Trước đó, vào năm 1940, nhạc sĩ Văn Cao có dịp ghé thăm sông Hương xứ Huế. Không gian trầm mặc, phong cảnh thơ mộng nơi đây đã khơi những mạch cảm xúc đầu tiên để ông bắt đầu có ý định sáng tác Thiên Thai. Sau đó ông có chuyến đi thuyền trên sông Phi Liệt ở quê hương Hải Phòng, vừa nghe ca trù trên sông nước, vừa ngắm cảnh sắc hoang liêu hữu tình, nhạc sĩ đã tiếp luồng cảm xúc đã nhen lên ở sông Hương để hoàn thành một tuyệt tác được xem là vừa tuyệt kỹ, vừa tuyệt mỹ:

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
theo gió tiếng đàn xao xuyến 

Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền

Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền nan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn 

Bâng khuâng chèo khua nước ngọc tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên 

Mở đầu bài hát, Văn Cao mượn ngay câu chuyện của hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu trong U Minh Lục của Lưu Nghĩa Khánh (đời Tống) đi lạc đến Thiên Thai để kể câu chuyện “đi lạc” của chính mình. Xưa, hai chàng Lưu Nguyễn vì mải mê hái thuốc, đắm chìm trong hoa thơm cỏ lạ mà được dịp nếm đào tiên, đi vào tiên cảnh, vui vầy cùng tiên nữ. Nay, Văn Cao vì mê mẩn theo “tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng” mà “lạc hồn” vào cõi tiên xưa lúc nào không hay.

Nhiều người nhận xét rằng, cái trác tuyệt của Thiên Thai không chỉ nằm ở những giai điệu thần tiên, những khuôn nhạc trầm bổng, hài hoà mà ca khúc còn biến hoá thay đổi tuần tự qua nhiều nhạc cảnh giống như một bản nhạc giao hưởng hay một vở opera. Đoạn hát đầu tiên này chính là nhạc cảnh mở đầu, đưa người nghe cùng đi vào chốn phân giao, chuyển tiếp giữa Thiên Thai và trần đời. Cũng ở đây, ta thấy thoáng những dòng sông Hương, sông Phi Liệt; những câu hò, tiếng hát “vang lừng trên sóng” của những cô gái, chàng trai; những tiếng đàn cầm đưa đẩy, réo rắt trên sông.

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã dành những lời xưng tụng cho bài hát này: “Thiên Thai là một trường ca ấn tượng impressionist tạo cảm xúc cho người nghe nhiều hơn là mô tả một câu chuyện. Tất cả những hình ảnh chính của câu chuyện cổ như hai chàng Lưu Nguyễn, bầy thiên tiên hoặc những cảnh vật như suối hoa đào, chiếc thuyền lan, nước ngọc tuyền đều được mô tả một cách rất mơ hồ… giống như trong một giấc mộng vậy. Ta biết là có con thuyền chở Lưu Nguyễn tới cõi Thiên Thai, ta biết là có bầy thiên tiên múa hát dâng trái đào thơm… nhưng ta không thấy được họ… Trong Thiên Thai cõi mơ của Văn Cao chúng ta không thể nào bước vào cái vườn cấm này được. Ðây là cõi riêng của Người Sông Ngự, cõi riêng của nhạc sĩ Văn Cao”.

Quả thực, Văn Cao đã khởi lên không chỉ những câu hát, những khung hình, mà là cả một thước phim dài ấn tượng với những cảnh sắc mơ hồ, lấp loáng, hư hư thực thực với những rung động, những âm thanh thánh thót xa gần, tưởng như chạm được rồi nhưng lại không thể, tựa như một giấc mơ. Giấc mơ ngàn đời không thể chạm tới của loài người. Và giống như lời nhạc sĩ Phạm Duy, Thiên Thai mãi mãi là một khu vườn cấm mà ta chẳng thể nhìn thấy, chẳng thể bước vào, chỉ có thể ngắm nghía và tận hưởng qua lăng kính của “người sông Ngự”:

Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn 

Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
Đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai
Là cả một Thiên Thu trong tiếng đàn chơi vơi 

Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên
Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần 

Thông thường, những tác phẩm nghệ thuật hay đều được nghệ sĩ lấy cảm hứng, chất liệu từ chính đời sống thực, cảm xúc thật. Chính cái “thực” đó sẽ lôi kéo, thu hút sự đồng cảm và tán dương của người thưởng ngoạn. Riêng với Thiên Thai, Văn Cao chinh phục người nghe bằng một thế giới “phi thực” đầy mê đắm và sắc nét lạ kỳ. Thiên Thai mở ra cho người nghe không chỉ những cảnh sắc, thanh âm thần tiên, mà còn kéo người nghe hoà vào những rung cảm vừa thoát tục, bềnh bồng vừa rất đời thường. Đó chính là “nỗi lòng mong nhớ” quê nhà thấp thoáng đâu đó sau những phút giây choáng ngợp trước cảnh sắc thần tiên, khi những tiệc tùng vui vẻ tạm dừng, khi “đèn soi, trăng êm, nhạc lắng tiếng quyên”. 


Click để Thái Thanh và ban Tiếng Tơ Đồng hát Thiên Thai trước 1975

Gió hắt trầm tiếng ca, tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm

Nhớ quê chiều nào xa khơi
Chắc không đường về, tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao? 

Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên

Trong video âm nhạc “Giấc Mơ Một Ðời Người” thực hiện trước khi mất không lâu, Văn Cao tâm sự: “Tại sao tôi nói đến Thiên Thai là bởi vì một nơi một cõi nào đó người ta coi như đất hứa mà cái đất hứa ấy thì không ai tìm được trên cái cõi thế gian này, đi tìm mãi trong những cái hoài niệm của mình tuổi thanh niên thì nhớ ra rằng có lần tìm ra được”. Phải chăng, Văn Cao cũng như Lưu Nguyễn năm xưa, đã thực sự tìm được cõi Thiên Thai cho mình, nhưng lại chẳng thể ở lại, chẳng thể hoàn toàn thuộc về nơi đó, bởi những vương mang, vướng mắc nơi trần thế không thể phủi bỏ.

Dù ra đời đã tròn 80 năm trước, nhưng đến tận ngày nay Thiên Thai vẫn là một nhạc phẩm đỉnh cao, giữ vị trí độc tôn trong âm nhạc Việt. Theo lời nhận xét của nhạc sĩ Phạm Duy, ngay từ thời điểm ra đời, Thiên Thai đã tạo ra một cuộc bứt phá ngoạn mục:

“Một bài hát, theo tôi thật là tuyệt diệu! Nó vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh. Nếu hình thức ca khúc trong Tân Nhạc Việt Nam cho tới năm 1944 này vẫn còn nằm trong khuôn khổ một đoản khúc được ước định trong một số khuôn nhạc nào đó, với một lối chuyển cung, chuyển điệu công thức nào đó… thì “Thiên Thai” của Văn Cao đã vươn lên một thức rất lớn, chia ra nhiều đoạn, nhiều cảnh, gồm tới con số chín mươi bốn khuôn nhạc, chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu…”

Đông Kha – Niệm Quân (chuyenxua.net)

Viết một bình luận