Ngày xưa, lúc chưa có bàn ủi điện, người ta dùng loại bàn ủi than, thường gọi là bàn ủi con gà. Hồi đó không phải nhà ai cũng có bàn ủi, mà thường chỉ những nhà khá giả và nhà nào có con gái ngày nào cũng mặc áo dài đi học thì mới sắm một bàn ủi con gà để trong nhà.
Bàn ủi con gà xuất xứ sản xuất tại Pháp, được đúc bằng đồng để giữ nhiệt khi chứa than cháy nóng ở bên trong. Gọi là bàn ủi con gà vì ở trên đầu nắp bàn ủi của nó có gắn hình con gà để làm chốt khóa mở ra hoặc khóa lại. Đặc biệt “con gà” này chế tạo bằng loại đồng lạnh để không hấp nhiệt từ than nóng ở bên trong, để khi cầm vào đầu con gà để mở hoặc đóng nắp, người dùng sẽ không bị bỏng tay.
Bàn ủi con gà sử dụng nhiệt từ than nóng đỏ được bỏ vào phía bên trong, nếu trong quá trình ủi bớt nóng thì mở nắp và tiếp tục bỏ than vào, và chốt hình con gà trước mũi bàn ủi là dùng để mở và đóng mỗi khi muốn bỏ than vào, lấy than ra.
Hồi xưa còn bé, cái con gà ở trên nắp bàn ủi là con vật ngộ nghĩnh đã làm cho tôi phải thích thú. Mới ban đầu loay hoay mãi mà không làm sao mở chốt ra được, lấy làm lạ hỏi dì tôi thì dì trả lời một cách bí hiểm: “Bộ không biết cho gà ăn lúa hả?”. Thằng bé tôi liền nghĩ ra khi ăn lúa là con gà chúi mỏ xuống đất để mổ, vậy là tôi cầm cái đầu con gà cho nói “mổ lúa” mấy lần mới ra được cái chốt khóa nắp bàn ủi.
Mỗi lần mấy dì ủi đồ là tôi có nhiệm vụ quạt than đến mỏi tay, mỗi khi bàn ủi nguội dần là dì để bàn ủi trên cái đế kê dưới đất, sai thằng tôi cầm cái quạt mo bằng cả hai tay quạt kế ngoài những lổ thông hơi nằm dưới phần đế của bàn ủi.
Đến thập niên 1980, dù ở thôn quê, nhà tôi cũng có sắm một bàn ủi con gà, bàn ủi này sản xuất tại Việt Nam, làm bằng gang rồi xi bên ngoài lớp sơn màu đồng nên bàn ủi nhẹ và độ tinh xảo không bằng bàn ủi của Pháp hồi xưa. Nhà luôn có cái bếp nấu bánh chưng để đi bỏ mối, nên than hồng luôn luôn cháy sẵn trong bếp, chỉ cần gắp bỏ vào bàn ủi, không phải tốn công mồi củi quạt than như những nhà khác
Ở thôn quê ít nhà nào có được bàn ủi con gà. Nên mỗi bận Tết đến hoặc trúng ngày lễ cưới hỏi, nhà nào không có phải đi đến nhà có bàn ủi để mượn. Vì vậy nên mỗi lần như vậy cái bàn ủi con gà được chuyền tay từ nhà này san nhà khác, là hình ảnh của không khí ấm áp tươi vui của lễ hội mỗi năm mới có một lần.
Bây giờ, bàn ủi con gà đã trở thành cổ vật để trưng bày và chỉ còn trong ký ức về đồ dùng của một thời của nhiều người. Các loại bàn ủi con gà được giới sưu tầm truy lùng với giá từ vài trăm ngàn đồng cho đến hàng tỷ đồng, giá cả tùy thuộc vào độ hiếm, sự nguyên bản. năm sản xuất và chất liệu của bàn ủi.
Hầu hết những chiếc bàn ủi được rao bán trên thị trường với giá vài trăm ngàn đồng chỉ là bằng đồng thường chứ không phải là đồng lạnh nguyên chất. Nếu như là bàn ủi bằng đồng lạnh sẽ có giá hàng chục, hàng trăm và thậm chí lên đến hàng tỷ đồng một chiếc. Những chiếc bàn ủi bằng sắt thì có giá trị rẻ hơn nhiều so với bằng đồng lạnh. Hiện nay, chúng được rao bán trên thị trường với giá khoảng 380.000 đến 900.000 đồng tùy thuộc vào độ mới của bàn ủi.
Bàn ủi quý hiếm và có giá trị cao nhất được xem là loại bàn ủi nguyên bản của Pháp sản xuất năm 1914, được gọi là bàn ủi 1914. Phía dưới nắp trên của bàn ủi này được khắc chữ Made in France, 1914.
Loại bàn ủi con gà này có hình tam giác, trọng lượng khoảng trên 7kg, phía trên sẽ có quai cầm rất đẹp, có nắp khóa đóng mở hình con gà rất tinh xảo và bắt mắt. Thiết kế bàn ủi con gà của Pháp đẹp hơn rất nhiều so với hàng Việt Nam, đường nét vô cùng sắc sảo và bền đẹp.
Bài: Trương Đình Tuấn – chuyenxua.net
dưới quê em vẫn còn giữ cái bàn ủi này nè ?
Em có một con ạ
คุยังมีไหมไก่ตัวนี้1914