Con đường Alexandre de Rhodes ở khu trung tâm Sài Gòn nghiêng mình nằm bên lề của Công viên Thống Nhứt (nay là công viên 30/4), rất quen thuộc với người Sài Gòn suốt cả thế kỷ qua. Ban đầu con đường này có tên là Rue de Paracels (tức Hoàng Sa). Đến ngày 16/10/1871 thì đổi tên thành Colombert (tên gọi cũ của quần đảo Hoàng Sa).
Trong thời Đệ nhất Cộng Hòa, đường mang tên Alexandre De Rhodes. Đến tháng 4 năm 1985, đường đổi tên thành Thái Văn Lung. Và đến năm 1995 được phục hồi tên Alexandre De Rhodes cho tới ngày nay. Sự kiện đổi lại tên đường hồi 1995 được kể lại với một giai thoại thú vị về cố thủ tướng Võ Văn Kiệt như sau:
Năm 1993, thủ tướng Võ Văn Kiệt có chuyến thăm nước Pháp theo lời mời của Tổng thống François Mitterrand. Ngoài các chương trình làm việc với phía Pháp, ông có đến thăm và gặp gỡ với phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Paris. Tại đây, ông được thông báo là Đại sứ quán có sắp xếp tại trụ sở Đại sứ quán một cuộc gặp mặt giữa ông với ông Hoàng Xuân Hãn – một trí thức, học giả người Việt sinh sống ở Pháp. Nghe đến ông Hoàng Xuân Hãn, ông Kiệt nói ngay:
– Vậy thì tôi sẽ đến thăm học giả Hoàng Xuân Hãn tại tư gia của ông ấy, chứ không phải là chúng ta mời ông ấy đến đây gặp tôi.
Sau đó, ông Kiệt hủy lịch hẹn gặp học giả Hoàng Xuân Hãn tại Đại sứ quán và đề nghị bố trí xe để ông đích thân viếng thăm vị học giả tại nhà riêng.
Khi đến nơi, sau khi thăm hỏi nhau, ông Kiệt đã nói với ông Hoàng Xuân Hãn rằng hôm nay, ông đến đây trước là để thăm gia đình học giả và sau là để nghe ông Hoàng Xuân Hãn nói, về bất kỳ chuyện gì. Sau này, khi kể lại cuộc gặp này với điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, ông Kiệt cười:
“Tôi biết nói với một học giả uyên bác như ông Hãn chuyện gì đây, nên tốt nhất là cứ im lặng lắng nghe ông ấy nói!”
Và ông Hãn đã nói với ông Kiệt rất nhiều chuyện, với tư cách là một học giả Việt kiều góp ý với một vị lãnh đạo của Việt Nam về đất nước, học thuật cũng như thời cuộc. Cuối buổi trò chuyện, ông Hoàng Xuân Hãn đề nghị Việt Nam nên đặt tên đường Alexandre de Rhodes để ghi nhận công lao của vị giáo sĩ người Pháp này trong việc phát triển và hoàn thiện chữ quốc ngữ. Và ông Võ Văn Kiệt đã nhận lời.
Khi về nước, ông Võ Văn Kiệt hỏi những người có trách nhiệm trong chính quyền TP. HCM về việc đặt tên đường Alexandre de Rhodes. Họ trả lời là thời VNCH đã có con đường đó, nằm gần Dinh Độc Lập. Nhưng sau năm 1975, đường Alexandre de Rhodes đã được đổi tên thành Thái Văn Lung.
Nghe xong, ông Kiệt hỏi:
– Vậy bây giờ muốn đổi tên đường này trở lại thành đường Alexandre de Rhodes có được không?
– Dạ thưa bác Sáu, việc đặt tên đường phải lập hồ sơ để hội đồng đặt tên đường của thành phố xét duyệt, rồi phải trình HĐND TPHCM thông qua, rất mất thời gian và nhiêu khê, trong khi Alexandre de Rhodes là một giáo sĩ người Pháp nên sẽ khó khăn hơn trong việc xét duyệt và thông qua.
Ông Kiệt hỏi tiếp:
– Vậy làm một cái bảng tên đường ghi tên Alexandre de Rhodes giống như các bảng tên đường khác mất bao lâu?
– Dạ thưa, chỉ 1 buổi là xong.
– Vậy tháo cái bảng tên đường cũ ra, lắp bảng tên đường mới vào thì mất bao lâu?
– Dạ thưa, chừng mươi phút ạ.
Nghe xong, ông Kiệt bảo: “Vậy hãy cho làm bảng tên đường mang tên Alexandre de Rhodes và chuẩn bị ốc vít đầy đủ”
Sau đó, ông lệnh cho những người thừa hành cho tháo biển tên đường Thái Văn Lung ra, lắp bảng tên đường Alexandre de Rhodes vào con đường trước đây đã mang tên vị giáo sĩ này. Việc được tiến hành âm thầm, đến khi người dân thành phố thấy tên đường Alexandre de Rhodes đã được thay thế cho Thái Văn Lung thì mọi chuyện đã xong.
Sau khi ông Kiệt đổi tên đường, Thành ủy TP.HCM vội vàng chỉ đạo các đơn vị, ban ngành liên quan tổ chức một hội thảo lớn, có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học lịch sử. Tại hội thảo này, mọi người đã đi đến sự đồng thuận chung và cuối cùng tên đường Alexandre De Rhodes được chính thức công nhận như hiện nay.
Đó là một trong những câu chuyện về việc “xé rào” đi trước thời đại của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nằm ngay trung tâm thành phố, đường Alexandre de Rhode cũng tấp nập như những con đường xung quanh nó, nhưng ẩn chứa bên trong những nét thầm kín thú vị. Đó là một con đường nhỏ dài chừng 300m, cái áo ngoài chỉn chu đến sang trọng, với những biệt thự xinh đẹp, những chiếc ô tô nối nhau đậu san sát, hàng cây cao vút tỏa bóng… Nơi đây còn là thế giới riêng của những người yêu thích sự khác biệt do chính mình tạo ra.
Ngày nay, xung quanh khu vực này, và ngay trên đường Alexandre de Rhode có khá nhiều quán cà phê hạng sang nhưng cà phê bệt vẫn là lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Đường không đông người qua lại nhưng trên vỉa hè thì lúc nào cũng đông đúc. Nhất là sáng sớm và chiều tối, hàng trăm thanh niên ngồi bệt dựa lưng vào tường, nhâm nhi ngụm cà phê, tán dóc với bạn bè, hoặc lơ đãng ngắm dòng người lướt nhanh trên đường tấp nập. Từ con đường này trông ra, có những góc nhìn tuyệt đẹp mà hiếm nơi nào khác của Sài Gòn có được. Trước mặt là khoảng xanh mênh mông của công viên, cùng con đường Thống Nhứt, Pasteur chạy ngang, cắt công viên thành những mảng ô vuông. Chếch qua phía bên phải là dinh Độc Lập. Nhìn nghiêng qua trái là khu mua sắm Diamond plaza, Nhà Thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm Thành phố, cùng những tòa nhà cao tầng.
Từ trước đến nay, đường Alexandre de Rhodes vẫn được biết đến như một con đường của sự sang trọng, từ vị trí trung tâm, kết cấu hạ tầng hiện đại, những ngôi biệt thự, những nhà hàng, quán cà phê đẹp. Nhưng nơi đây, cũng là chốn buôn bán của những người nghèo với đôi quang gánh, chiếc xe đạp cà tàng ngồi tạm bên vỉa hè. Nơi đây là địa điểm tụ tập, là chốn kỷ niệm của những người trẻ ưa thích sự lang thang cùng cà phê bệt. Nơi đây có sự giao thoa của lịch sử và hiện đại, của sự giàu có cùng sự vất vả mưu sinh.
Của Caesar phải trả lại cho Caesar thôi !
Sao không thấy đặt tên đường mang tên tui ở Hà Nội?