Khi người Pháp đặt chân lên Sài Gòn năm 1859, thứ ấn tượng đầu tiên trong tầm mắt của họ là một cái chợ tại nơi hợp lưu của kinh Bến Nghé và sông Sài Gòn (vị trí Chợ Cũ hiện nay), gần một ngôi chùa giữa một khu dân cư sống trong các căn nhà lá.
Dọc bến sông (sau này là Bến Bạch Đằng) và kinh Bến Nghé có hai đường phố dài và có nhà lợp ngói hai bên, sau mỗi nhà đều có cửa hàng dựng trên cột lấn ra sông, tất cả các ngôi nhà cũ này đều bị phá thành bình địa khi Pháp quy hoạch và xây dựng lại Sài Gòn. Dọc theo bến sông có Thủy các (nhà sàn cho vua hóng mát) và Lương tạ (nơi vua tắm) được cất trên một bè tre, vị trí sau này là bến tàu Bạch Đằng và bến phà Thủ Thiêm.
Tiếp tục ngược dòng sông lên tới cửa kinh Thị Nghè là vùng đầm lầy có một số kinh đào. Các con kinh này sau khi được lấp đi đã trở thành các đại lộ Somme (nay là Hàm Nghi) và Charner (nay là Nguyễn Huệ). Có một con đường đắp đất đỏ nối bờ sông Sài Gòn với một cái đồ nhỏ tương đối cao ráo, chính là tiền thân của con đường Catinat/Tự Do/Đồng Khởi. Con dốc nối lên đồi đó là công viên Chi Lăng sau này. Cảnh quan chủ yếu của khu vực trũng của Sài Gòn lúc đó là những bụi cây xen kẽ với những mặt nước đầy những cây thủy sinh.
Theo Trương Vĩnh Ký, vùng này vốn là một phần của thành phố thương mại của của nước Đại Nam, lác đác nhà và cửa hàng, nằm trong vùng đất của bốn ngôi làng từ kinh Thị Nghè tới kinh Bến Nghé, đó là làng Hoa Mi, Tân Khai, Long Điền và Trung Hòa, ranh giới nằm ở con đường ngày nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Cảnh tượng người đi lại buôn bán lẻ và số ghe thuyền đậu ở bến đã đem lại cho Sài Gòn bấy giờ một tầm quan trọng nhất định.
Quang cảnh của Sài Gòn lúc đó được ghi nhận là: Ở Chợ Sỏi (nay là đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sát rạch Tàu Hủ): Dọc theo các bờ kè, sông và kinh Bến Nghé khi ấy (1859) là hai đường phố dài, hai bên là những ngôi nhà lợp ngói. Phần sau của mỗi ngôi nhà là dòng nước, có một cửa hàng cất trên cọc và lấn ra sông.
Trên vùng đồi cao phía xa bờ kinh và sông, người ta thấy những lá mênh mông che khuất tầm nhìn: nào là xoài với tán lá dày và óng ánh, những cây đa cổ thụ nơi trú ngụ của các thần linh, mấy ngôi nhà của các công chức, và thành Phụng được Minh Mạng cho xây dựng năm 1836 để thay thế thành Quy, tập trung quân đội và cơ quan hành chánh. Các làng trên đồi có Hàng Dinh (nằm ở góc đường Đồng Khởi và Lý Tự Trọng ngày nay), xóm Vườn Mít (góc đường Nguyễn Du và Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay), cạnh đó là chợ Da Còm. Về phía Nam, hướng Chợ Lớn là xóm Đơm Buồm, nơi người ta làm buồm. Kế đó là một khu mộ rộng lớn tách Sài Gòn và Chợ Lớn.
Tất cả những điều trên tạo nên một quang cảnh không mấy hấp dẫn. Nhà văn – sĩ quan hải quân Léopold Augustin Charles Pallu de la Barrière là phụ tá cho đô đốc Charner (tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam kỳ) vào năm 1861 đã ghi lại như sau:
“Người An Nam, người Hoa, người Hindu, mấy người lính Pháp hay tagals (Philippines) đi đi, lại lại, tạo nên một quang cảnh là lạ, nhưng sau đó thì cảm thấy nhàm chán và không muốn ngó nữa. Ngoài ra chẳng còn gì để xem ở Sài Gòn, trừ những ngôi nhà khá sạch sẽ làm bằng đá. Trong các lùm cây cau dọc kinh Bến Nghé, đôi khi một trại của người An Nam khá duyên dáng nằm ẩn mình. Xa hơn một chút nữa, nơi có một khu đất nhô lên, ngôi nhà của chỉ huy người Pháp, nhà của sĩ quan người Tây Ban Nha, và chỉ có vậy”. Con đường ổ gà này sau đó chính là đường Catinat, các ngôi nhà rải rác đó nằm ở Gia Định thành, chúng ta gọi là Sài Gòn sau này.
Viên sĩ quan người Pháp cũng không quên bày tỏ niềm hy vọng rằng “có thể, một ngày kia, một thành phố đẹp và đông dân sẽ mọc lên thay thế cho ngôi làng An Nam khiêm tốn này”.
Khi quy hoạch và xây dựng Sài Gòn từ ban đầu, người Pháp đã san bằng những chỗ cao, lấp đầy các đầm lầy, đào những con kinh mới, cất những cây cầu, mở đường phố mới, thay thế các bến cũ bằng những bến mới rộng 40m, nhà kiểu Âu thay thế dần đần nhà kiểu Việt, những cây xanh mới thay thế các cây mít um tùm mà người ta phải chặt đi để xây dựng nhà cửa, cầu sắt thay cho cầu cây. Chỉ 5 năm sau đó, Sài Gòn không còn chút vết tích gì của vùng đất cũ.
Sự thay đổi của Sài Gòn – Chợ Lớn đã diễn ra khá nhanh. Dĩ nhiên, điều đó không phải vì lợi ích của người dân bản xứ đã sống ở đây trước khi người Pháp tới.
Những lý do người Pháp chiếm Nam kỳ và chọn Sài Gòn làm thủ phủ
Pháp đụng độ với quân triều đình Đại Nam ở Đà Nẵng năm 1858, nhưng thật sự đặt chân lên được phần đất Việt Nam trước tiên là ở Nam Kỳ. Điều đó có nhiều lý do:
Thứ nhứt, Nam Kỳ ở xa kinh đô Huế, chắc sự phòng bị lỏng lẻo. Thứ nhì, đối với Pháp, Nam Kỳ là vị trí chiếm lược. Chiếm lược Nam Kỳ là khai thông sông Cửu Long để chiếm Miên, Lào và dọn đường đến Hoa Nam. Đó là mục tiêu của Pháp để chạy đua với công ty Đông Ấn Anh đang chiếm Ấn Độ, bành trướng qua Miến Điện, tràn xuống Mã Lai. Sự thành công của Pháp ở Nam Kỳ dễ dàng một phần do nhân tâm ly tán. Nam Kỳ là đất mới, Nho học chưa đủ thời gian để bắt rễ. Khoa cử chỉ mới tổ chức hoàn bị vài khoá tại trường thi Hương Gia Định thì người Pháp đến. Số ông Nghè, ông Cử đại diện cho Nho giáo ở miền Nam rất hiếm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. So với miền Trung và Bắc, dân trí miền Nam thấp hơn, và họ cũng ít hưởng được ơn vua lộc nước như dân ở miền ngoài.
Chiếm được Sài Gòn, Pháp muốn biến Sài Gòn thành những Batavia, Singapore, Hongkong, thành một trạm trung chuyển hàng hải có thể cạnh tranh được với Singapore, tập trung việc buôn bán của các nước châu Âu, của Ấn Độ và của Viễn Đông.
Với người Pháp mới tới, Sài Gòn không có gì hấp dẫn về mặt cảnh quan, chưa phải là một nơi có tiềm năng du lịch. Cái hấp dẫn của Sài Gòn, đối với người Pháp, cũng như đối với các triều đại quân chủ trước đó, chính là những lý do về kinh tế, quân sự, vốn là những lý do sẽ biến Sài Gòn thành một đô thị tầm cỡ trong vùng. Những lý do đó đến từ vị trí địa lý của Sài Gòn.
Nơi này nằm trên một con sông khá sâu, có thể tiếp đón tất cả mọi loại tàu bè và việc di chuyển trên con sông này không có gì nguy hiếm, theo nhận định của kỹ sư địa lý thủy văn Horsburg năm 1859. Sĩ quan Pháp là Francis Garnier còn đưa ra thêm một lý do khác: Sài Gòn là cảng duy nhất tại Đông Dương khá thuận lợi về mặt khí hậu, tránh được các tai họa do thời tiết, bão tố khi gió mùa thay đổi.
Vì những lý do đó, người Pháp chọn Sài Gòn, chứ không phải Mỹ Tho để đặt trung tâm hành chính, vì nó nằm ở vị trí thuận lợi cho cả thương mại lẫn quân sự. Sài Gòn ở nơi dễ bảo vệ, từ mặt biển có Côn Đảo (Poulo-Condor) – là căn cứ tập trung hải quân Pháp. Từ mặt sông thì có nhiều đồn bót. Về đường bộ, phía Đông, một trong các nhánh của sông Soài Rạp, phía Tây là rạch Bưu Điện (de la Poste), gắn Sài Gòn với Biên Hòa và Mỹ Tho, một mặt cho phép liên lạc dễ dàng giữa các trung tâm của thuộc địa, mặt khác giúp tập trung lực lượng quân sự một cách nhanh chóng.
Việc Sài Gòn nằm sâu trong nội địa, trên một con sông khúc khuỷu tạo thuận lợi cho việc phòng thủ: tàu bè tiến vào Sài Gòn dễ dàng bị tấn công hơn, trong khi đó, với Mỹ Tho, việc phòng ngự sẽ khó hơn, vì sông Cửu Long rộng, tàu bè của địch có thể tiến thẳng và nằm ngoài tầm bắn từ bờ.
Người Pháp tập trung nỗ lực để xây dựng Sài Gòn và Chợ Lớn thành thủ phủ của Nam kỳ, đồng thời cũng là thủ đô kinh tế của Đông Dương, là trung tâm kỹ nghệ chế biến, chủ yếu là nông sản, là cảng thứ nhất của Nam kỳ và cả Đông Dương. Năm 1920, người ta đã tính ở đây có hơn 1500 chuyến ra, vào của tàu bè thuộc mọi quốc tích, đặc biệt là Anh, Hoa và Nhật Bản. Con số này lên tới 1800 vào năm 1930. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu là cao su, gạo. Sài Gòn còn có cả một xưởng sửa chữa tàu bè.
Dân số Sài Gòn – Chợ Lớn có sự tăng trưởng rất nhanh ngay sau khi người Pháp quy hoạch thành phố. Theo tư liệu cua, năm 1698 (năm Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam), Sài Gòn – Bến Nghé có 5000 dân, tới này 1859 có 30.000 dân. Một tư liệu khác ước tính dân số Sài Gòn năm 1860 là 10.000 dân và Chợ Lớn có 50.000 người (phần lớn người Hoa). Dân số Sài Gòn – Chợ Lớn tăng nhanh khi người Pháp ổn định được tình hình và tạo công ăn, việc làm tại đây. Sự di cư ồ ạt tới Sài Gòn phát sinh nhiều vấn đề về dân sinh, nên Thống đốc Nam kỳ phải tách Sài Gòn thành hai: một là thành phố châu Âu, dưới sự chế ngự của luật đô thị Pháp, và khu vực người Việt tập trung ở hai vùng ngoại ô, với luật lệ và phong tục riêng của người bản xứ, để tránh những va chạm và tiếp xúc quá trực tiếp sẽ tạo ra những rắc rối giữa hai dân tộc giờ đây bắt buộc phải sống cạnh nhau.
Tờ Illustration số ra ngày 9/4/1864 ghi nhận là riêng tại Sài Gòn (chưa tính Chợ Lớn) có 7000-8000 cư dân. Năm 1865, người ra đưa ra con số 50.000 cho cả Sài Gòn lẫn Chợ Lớn. Năm 1866, dân số Chợ Lớn là 40.000, dân số Sài Gòn khoảng 10.000.
Năm 1887, dân số của riêng Sài Gòn đã là 35.000. Con số này tăng gấp đôi vào năm 1894. Dân số Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1900 ước tính là 217.618.
Từ năm 1907, các cuộc điều tra dân số trở nên thường xuyên hơn. Năm 1909, cư dân Nam kỳ là hơn 3 triệu người, trong đó tập trung ở các đô thị là hơn 334.000 người. Riêng tỉnh Gia Định có 302.607 dân, trong đó, Sài Gòn có 53.350 dân, Chợ Lớn có 180.0000 dân, tính chung Sài Gòn – Chợ Lớn có 223.000.
Đợt điều tra dân số bổ sung ở Nam kỳ năm 1916 cho con số như sau: dân số toàn Nam kỳ là 3.279.816, tính đến ngày 31/12/1916, trong đó người Việt có 2.773.672, người Minh Hương: 56.540, người Khmer và các tộc ít người khác là 243.157, người Hoa là 173.702, người Pháp và châu Âu: 6.376 (không tính binh lính). Riêng cư dân hai thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn là khoảng 250.000 (tăng 16.000 so với năm 1909).
Cho tới trước năm 1945, dân số Sài Gòn – Chợ Lớn đã lên tới 500.000, tiệm cận mức dân số mà người Pháp quy hoạch cho thành phố hơn 80 năm trước đó.
Tác giả: Nguyễn Nghị