Cuối tháng 10 năm 2023, khu đất nhà hàng Thủy Tạ ở hồ Xuân Hương (Đà Lạt) được cơ quan chức năng đưa ra đấu giá với giá khởi điểm hơn 3 tỷ đồng/năm. Kết quả một cá nhân ở Hà Nội đã thắng đấu giá với giá hơn 15 tỷ đồng/năm, gấp 5 lần giá khởi điểm.
Thủy Tạ Đà Lạt là tên gọi nhà thủy tạ nằm trên một đảo nhỏ nhô ra gần bờ ở hồ Xuân Hương, nằm sát đường Trần Quốc Toản, liền kề với Công viên Quảng Trường ngày nay. Hầu hết các hình ảnh chụp hồ Xuân Hương ngày xưa đều có thấp thoáng hình dáng nhà thủy tạ này.
Lịch sử hình thành đảo nhỏ này gắn liền với hồ Xuân Hương (tên ban đầu là hồ Lớn), là hồ nước nhân tạo nằm ở trung tâm Đà Lạt. Ở bài viết trước (xem tại đây), chuyenxua.net đã nói chi tiết về quá trình đào hồ, bắt đầu từ năm 1919, tại nơi vốn là một vùng đầm lầy có dòng sông Cam Ly (một con sông nhỏ, người Đà Lạt quen gọi là suối Cam Ly) chảy ngang qua. Hồ Xuân Hương được hình thành từ việc đào, mở rộng suối Cam Ly, qua nhiều đợt, ban đầu vốn chỉ có 1 hồ, sau thành 2 hồ được ngăn với nhau bằng một con đập lớn.
Tháng 3 năm 1932, một cơn bão lớn làm bể đập nước làm cho tràn hồ, gây thiệt hại thảm khốc về người.
Việc đập ngăn bị bể trong trận lụt năm 1932 dẫn tới 2 hồ nhập thành một như ngày nay. Tới năm 1934 – 1935, một kỹ sư người Việt là Trần Đăng Khoa thiết kế và xây dựng một đập lớn bằng đá: đó chính là cầu ông Đạo hiện nay. Đập Ông Đạo được xây dựng kiên cố để đảm bảo rằng thảm kịch năm 1932 không tái diễn thêm lần nào nữa.
Thảm kịch vỡ đập và lũ lụt năm 1932 cũng đã đẩy nhanh tiến độ mở rộng hồ và nạo vét lòng hồ, đồng thời một câu lạc bộ du thuyền được thành lập trên hồ trong thời gian này, mang tên “La Grenouillère”, dịch nghĩa là Đầm Ếch, vì nó có hình dáng tựa một con ếch, cấu trúc nhà sàn trên cột như bay bỗng trên mặt nước. Đây là công trình nổi bật gắn liền với hồ Xuân Hương vẫn còn cho đến nay và được người dân gọi là Thủy Tạ.
Câu lạc bộ thể thao dưới nước này được người Pháp thành lập ở khắp các hồ hoặc sông ở các thành phố lớn thời Pháp thuộc, như ở Hà Nội thì có ở hồ Tây, sông Hương ở Huế, bến Bạch Đằng ở Sài Gòn, và hồ Xuân Hương ở Đà Lạt.
Sau đó, do nhiều nguyên nhân nên phong trào thể thao bơi lội ở Đà Lạt không phát triển được, Câu lạc bộ được giao thầu khai thác như một quán giải khát nhỏ.
Trước nhà Thuỷ tạ là một vườn hoa nhỏ (ngày xưa gọi là vườn hoa Tao Đàn) với nhiều loài hoa đẹp, trong đó có một trong những cây phượng tím (Jacaranda acutifolia) xưa nhất trồng từ năm 1960.
Xem lại những hình ảnh tuyệt đẹp của Thủy Tạ Đà Lạt xưa:
Sau 1975, Nhà Thuỷ Tạ trở thành một nhà hàng nhỏ dưới sự quản lý điều hành của Công ty Du lịch Lâm Đồng. Công trình kiến trúc Nhà Thuỷ Tạ luôn được tô điểm với màu vôi trắng nổi bật trên nền xanh của mặt nước hồ Xuân Hương, đã trở thành một hình ảnh đặc trưng của Đà Lạt.
Cuối tháng 10 năm 2023, truyền thông đưa tin việc một cá nhân trúng đấu giá thuê lại Khu đất Nhà Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương với giá trị 15,15 tỷ đồng một năm, thuê trong 10 năm và phải trả tiền một lần (151,5 tỷ đồng). Tổng diện tích khu đất này hơn 3.800 m2, trên đất có ngôi nhà hai tầng diện tích sàn hơn 260 m2; phần đất còn lại là bồn hoa, khuôn viên, sân bãi. Trong thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá trước đó, UBND TP Đà Lạt cho biết khu đất chỉ sử dụng thương mại, dịch vụ kinh doanh nhà hàng ăn uống. Người thuê phải giữ nguyên hiện trạng, không được xen cấy thêm công trình.
Đông Kha – chuyenxua.net