Đây là tấm không ảnh tuyệt đẹp chụp trung tâm Sài Gòn, phía đầu đường Tự Do, mà có lẽ bạn đã ít nhất một lần được thấy ở đâu đó trong các bài viết của chuyenxua.net đã đăng trước đây.
Bức không ảnh này chỉ là 1 trong số 25 tấm ảnh chụp từ trên phi cơ của nhiếp ảnh gia người Pháp Raymond Cauchetier thực hiện năm 1955, ngay sau khi quân Pháp rút khỏi Đông Dương.
Trước đó, ông Raymond Cauchetier phục vụ trong Lực lượng không quân Pháp trong chiến tranh Đông Dương, và bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh với tư cách là một phóng viên chiến trường ở Việt Nam với chiếc máy ảnh Rolleiflex luôn ở bên người trong hầu hết thời gian của sự nghiệp.
Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, Raymond Cauchetier vẫn tiếp tục ở lại nơi này để chụp ảnh Sài Gòn, Cao Miên vài năm rồi mới trở về Pháp làm phóng viên ảnh cho tới năm 1968. Những tấm ảnh trong bài này được chụp năm 1955, khi ông vẫn còn ở lại Sài Gòn để thực hiện bộ ảnh mang tính lịch sử này.
Raymond Cauchetier sinh năm 1920, và ông qua đời năm 2021 ở tuổi 101 vì đại dịch COVID.
Bên trên là toàn cảnh công trường Mê Linh năm 1955. Đường dọc sông là Bến Bạch Đằng, phía trên là 2 đường Hai Bà Trưng – Thi Sách, những nhân vật lịch sử gắn liền với địa danh Mê Linh từ thế kỷ 1 trong công nguyên.
Ở chính giữa công trường Mê Linh mà chúng ta thấy trong hình là phần đế của một tượng đài. Từ năm 1877 cho đến năm 1954, vị trí này là tượng đài Rigault de Genouilly, và công trường này cũng mang tên là công trường Rigault de Genouilly. Tên này được đặt theo tên của một viên thủy sư đề đốc Pháp mang tên Charles Rigault de Genouilly.
Năm 1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa dỡ bỏ tượng Genouilly, chỉ còn lại phần đế, đồng thời đổi tên công trường Rigault de Genouilly thành Công trường Mê Linh.
Năm 1962, tại phần đế tượng cũ này, chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng tượng đài Hai Bà Trưng, tuy nhiên bức tượng chỉ tồn tại được hơn 1 năm thì bị dỡ bỏ, thay vào đó là tượng đài Trần Hưng Đạo từ năm 1967 cho đến tận ngày nay.
Đại lộ Hàm Nghi phía Bến Bạch Đằng đâm thẳng tới chợ Sài Gòn.
Khu vực trung tâm Sài Gòn phía bờ sông và rạch Bến Nghé, 2 cây cầu Khánh Hội và cầu Mống. Có thể nhìn thấy rõ những con đường thẳng tắp đâm ra sông Sài Gòn là Hàm Nghi, Nguyễn Huệ và Tự Do.
Toàn cảnh Bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn. Tòa nhà màu trắng giữa hình là Majestic ở đầu đường Tự Do.
Sông Sài Gòn và Bến Bạch Đằng. Chỗ những chiếc thuyền đang đậu ngày nay là cầu Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son), đoạn ra đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng).
Cầu Mống nối từ Bến Chương Dương vào cảng Sài Gòn, ngày nay vẫn còn cầu này, dành riêng cho người đi bộ.
Cầu Chà Và cũ bắc qua kinh Tàu Hũ, đường Bến Hàm Tử (nay là Võ Văn Kiệt)
Cầu Ông Lãnh và chợ cầu Ông Lãnh ở Quận Nhứt.
Toàn cảnh Kinh Tàu Hũ (rạch Bến Nghé). Bên phải hình là đại lộ Hàm Nghi.
Rạch Bến Nghé đoạn Chợ Lớn.
Không ảnh chợ Bình Tây ở Chợ Lớn. Đường dọc hình là Tháp Mười phía trước chợ, tên đường giữ nguyên từ thời Pháp thuộc tới nay.
Hình ảnh Kinh Hàng Bàng ở Quận 6 – Chợ Lớn.
Rạch Thị Nghè, bên phải là khu vực Thảo Cầm Viên, góc dưới bên phải là cầu Thị Nghè, bên trái là Chợ Thị Nghè.
Cầu Kiệu bắc qua rạch Thị Nghè, ranh giới của Sài Gòn và Gia Định.
Cầu Kiệu nối Tân Định (bên phải) của Sài Gòn với Phú Nhuận (bên trái) của tỉnh Gia Định.
Hình ảnh cầu Kiệu, đường xéo góc bên dưới là Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng) đâm ra đường Hai Bà Trưng.
Một số ảnh toàn cảnh khác chụp Sài Gòn từ trên cao:
Đông Kha – chuyenxua.net
Hình ảnh: manhhai flickr