Mê tín là tin theo một cái gì đó quá lắm, đến mê muội. Phàm ở đời, cái gì quá lắm đều không tốt, nhưng nếu như mà mê tín theo học thuật, mê tín theo tấn hóa, thì điều đó không nguy hại bằng mê tín dị đoan, tức là tin theo những điều không có thật, dẫn đến hại mình hại người.
Cái điều mê tín dị đoan ở người Việt không phải là chuyện riêng của xưa hay là nay, mà là chuyện của muôn đời. Trong bài báo xuân cách đây 100 năm, ông chủ bút Nam Kiều của tờ Đông Pháp thời báo đã băng bài về sự mê tín của người Việt như sau:
Nói đến sự mê tín của người nước mình mà so với sự mê tín của người các nước, thì có lắm điều mê tín phản đối nhau [ý tác giả nói là đối lập nhau], ấy cũng vì mê tín phản đối nhau, nên mới phân ra kẻ giàu người nghèo; kẻ khôn người dại; kẻ còn người mất; kẻ được người thua; đều là do một cái duyên cớ mà ra. Máy bay bay trên trời; tàu ngầm lặn dưới biển, không có cánh mà chẳng kém gì chim; không có mang mà chẳng kém gì cá; đó là người các nước mê tín về khoa học; cố ăn ở theo lẽ phải để đặng lên thiên đường, hay bỏ đức thi nhơn để cho tròn quả phúc, đó là người các nước mê tín về đạo học.
Nay thử hỏi người nước ta mê tín cái gì? Thưa rằng: mê tín dị đoan!
Dị đoan! Dị đoan! Ngươi là một loài yêu quái, đã mấy ngàn năm nay, vẫn còn luẩn quất ở đất nước ta; ngươi là chứng bịnh truyền nhiễm, đã rải rác cho hai mươi mấy triệu đồng bào ta, người là thần á phiến, dẫn dụ người một cách rất tài tình; người là khách làng chơi, trúc túi ngươi đã bao nhiêu tiền bạc; nước trên hoàn cầu này hơn sáu mươi nước; dân tộc trên hoàn cầu nầy hơn mấy ngàn triệu dân, nhưng có lẽ không nước nào, dân tộc nào đối với người có một cái tình quyến luyến như nước ta vậy.
Nầy ai chẳng thấy dân tộc ta ngày nay, trừ những nơi đô hội là nơi đã nhiễm chút văn hóa mới thì không kể, còn các nơi thôn ổ, thì phần nhiều vào một nhà nào cũng nghe thấy có chuyện dị đoan, gặp một người nào, cũng thấy nói chuyện dị đoan; nhứt là mấy bác chữ Tây không biết, chữ nho lờ mờ trong tay lại không có nghề nghiệp gì, tự mình không có kế chi sanh nhai, bấy giờ mới chú mục vào những quyển sách coi tướng, coi số, địa lý, pháp thủy, ngọc hạp, cẩm trạch, lại những quyển sát nát của mấy anh Tàu truyền lại tự bao giờ, đối với thời buổi nầy không còn thế nào thi hành được nữa. Vậy mà hễ gặp một người nào, bất kỳ trai hay gái, trẻ hay già, cũng phô trương cái bản lĩnh của mình ra, nào là: “thầy năm nay tuổi… còn ba năm nữa thì làm ăn mới phát tài, mà sang năm là năm hạn, phải giữ gìn cho lắm, kẻo tai vạ đến thân…”, nào là: “tướng cô gặp lắm sự long đong vất vả, nhứt là đường nhơn duyên lại càng rắc rối lắm. Cô chơi với chị em chị hay làm ơn mắc oán; làm bạn thiệt mình; nào là: “ngôi tổ mộ nhà thầy để đó không yên, nên dời đi chỗ khác”, nào là: “hướng nhà thầy ở coi không lợi, nên xây hướng lại”, nào “ngày ấy là ngày thọ tử, làm ăn cái gì cũng phải cử”, nào “giờ ấy là giờ các âm binh đi tuần, không nên xuất hành”; nói rút lại, chơn tay mặt mũi là ở khí huyết cha mẹ mà sanh ra, song tin rằng có một vị nào nắn trước; mình là ông chủ thì giờ của mình, mà tin họa phước có phục sẵn, tên đặt cho quyển sách là “vạn sự bất cầu nhơn”, nghĩa là “muôn việc đều không ở người”.
Than ôi! Người là ông chủ thế gian, người là một giống linh hơn vật, những sự nghiệp ở thế gian do người mà đào tạo nên, những giống vật trời sanh do tay người sai khiến, vậy mà nói rằng “muôn việc không ở người” thì ở ai? Huống chi ở vào thế kỷ hai mươi nầy là cái thế kỷ cạnh tranh kịch liệt; người hơn mà mình kém, mình sẽ bị thiệt thòi, người được mà mình thua, mình sẽ tiêu diệt; vậy mà tự mình không biết lấy mình làm trọng, còn hy vọng ở những ông thánh, ông thần, con ma, con quỉ, lời tiên tri, lẽ tiền định nào, không có gì làm đích xác; không có gì đủ trông cậy; vả lại mình đối mình, mình không đủ trông cậy thì còn trông cậy ai?
Dẫu các nước bên Âu, Mỹ ngày nay, thần học càng ngày càng thạnh, hiện đã phát minh ra nhiều điều mới lạ, khoa học thôi miên càng ngày càng thấy ly kỳ, song đối với người ta là đã dùng hết sức người rồi, mới nghiên cứu tới lẽ trời, nhờ cậy ở thần lực, nhưng hàm việc gì đều có chứng cớ, xem xét đều ở chuyên khoa, chớ có đâu như mấy bác “thầy vườn” của người mình, sách vở đã mơ hồ, tự mình lại không có định kiến, toàn một màu nói hớt nói dựa, cũng thì một tướng người, hễ ai phú quí thì khen rằng tướng phú quí; hễ ai bần tiện thì chê rằng tướng bần tiện; cả đến xem số xem bói, có người vợ chồng thuận đôi vừa lứa, vì tin ở số mà chẳng được đoàn viên, có người tin rằng họa phúc có kỳ, nên cứ tự để mình như con số trên bàn quay, tới đâu hay đó; hỏi đến năm xung tháng hạn làm thế nào cho tai qua nạn khỏi?
Thị các thầy trả lời rằng: “cúng lễ đi!”. Ôi! Những đồ lễ mọn mà có thể mua được lòng thánh thaanfl đổi được số tiền định, thì thánh thần chẳng hóa ra cũng như mấy ông tham quan ăn hối lộ rồi lẽ gian làm ngay, luật trái ra phải đấy ư? Tin bề phong thủy răng để mồ để mả có quan hệ đến đám người sống, vậy thì chỗ nào là “đế vương đại huyệt”, chỗ nào là “ngọa hổ tàng long”; các thầy địa lý có con mắt tinh sao không tự mình chiếm nhận lấy đi, lại để nhường cho người khác? Hay nói rằng: tiên tích đức hậu tầm long (nghĩa là trước ăn ở có đức lành, rồi sau sẽ tìm đất). Vậy thì mình cứ ráng ăn ở có đức lành tự khắc có ngôi đất hay để dành, can chi mà phải cầu? Và xem như các nước Âu, Mỹ, người ta có địa lý đâu, mà sao văn minh hơn mình; giàu mạnh hơn mình. Mà nói cho cùng nữa, cái thân sống ở đời mà không bổ ích cho đời, là cái thân giá áo túi cơm, giá áo túi cơm thì cái thân sống cũng như chết; còn cũng như mất; cái thân sống thân còn không đủ trông cậy, trông cậy chi tới nắm xương mục vùi dưới đáy mả kia!
Tục ngữ ra có câu: “hòn đất nó biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng không còn”, bởi hòn đất không biết nói năng, nên các thầy địa lý chỉ nó là long, chỉ nó là hổ, chỉ nó là gì cũng không dám cãi, mà các thầy mới tự do nói gạt người để kiếm tiền! Lại còn mê tín “giờ ngày tốt xấu” hình như nó đã ăn sâu vào tim phổi người nước ta, đi đâu cũng coi ngày; làm cái gì cũng coi ngày; nhiều khi việc cần cấp vì đó mà trì trệ, sai một li đi một dặm, ở vào cái thế giới cạnh tranh bằng thì giờ này mà còn chấp mê như thế, thì phỏng có tránh khỏi luật đào thảo được chăng?
Xưa ông Lý Tổ là danh tướng nhà Đường có nói rằng: “cúng thì một ngày giáp tý, vua Võ thì thắng mà vua Trụ thì bại”, xem một cái đó, đủ biết ngày lành dữ đều chẳng nên tin.
Vả chăng, người ta càng mê tín dị đoan bao nhiêu; thì càng nhụt lòng tấn thủ bấy nhiêu; nhụt lòng tấn thủ thì không thể sanh tồn ở thế giới cạnh tranh này được. Ngày nay phong hội đongoỉ mới, mà quốc dân đối với con ma dị đoan hình như hãy còn lôi không đứt; dứt không ra; những sự dị đoan ấy có hay không, ta không dám chắc, nhưng ta nhứt định không nên tin, để cho tâm chí của ta vì đó mà lạnh nguội đi.
Gần đây lục châu ta lại nổi lên một cái phong trào “đi âm phủ”, cái phong trào “đi âm phủ” tràn đi bao nhiêu, thì mấy anh thầy Tàu thủ lợi bấy nhiêu. Than ôi! Sống không biết sống, chết không biết chết, cái sự mê tín của người mình thảm hại lắm thay! Tiên nho có câu: “chưa biết sống, biết chi đến chết!” cùng là “đối với người chưa xong; đối với ma quỉ thế nào được!”. Thiệt là đúng lắm!
Hồi tưởng đến dân tộc mình lập quốc hơn bốn ngàn năm, mà chữa thoát ly trong vòng mê tín dị đoan, còn bao nhiêu lợi quyền thì để cho khách, chà chiếm đoạt, cái bịnh “Tàu” nó ăn sâu vào tim phổi người mình, thuốc nào chữa cho hết?
Tác giả: Nam Kiều – chủ bút của Đông Pháp thời báo