Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo chữ quốc ngữ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy việc phát triển nền báo chí và văn học chữ quốc ngữ tại Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung. Đầu năm 1924, có một bài viết nói về việc chơi Tết của người Việt đăng trên tờ báo này, tựa đề là: Cái Tết thật hay.
Bài báo này mang đậm văn phong chữ quốc ngữ đầu thế kỷ 20, khác với văn phong tiếng Việt ngày nay.
Mới hôm nào đây đầu đàng cuối chợ thành thị thôn quê lớn bé trẻ già rộn rực về cái thời “Tết đến” nên nào mua nào sắm, nào diện, nào chưng, mà nay lại vắng mất cả tiếng xôn xao lời than thở?
Ấy, miễn lo xong câu đỏ đen năm ba ngày tết thì tâm trí mới đặng yên hầu thưởng ba ngày xuân với chúng. Hễ vừa rảnh lo mua sắm thì đã quay đầu sang năm mới…
Ở năm cũ mãn, năm mới sang, nhân vật đều đổi dạng thay hình ngoài sân hoa đua nở, trước ngõ liễn đối đỏ đen, nào ngoài người vui cuộc rượu đám chay, trong kẻ mải tham tiền chúc Phật.
Tiếng pháo nổ rùm tai, ngọn cờ nêu phơ phất, sắp trẻ con khoe sắc áo màu quần, dập dìu [bị mất vài chữ] đi chúc xuân đi làm tuổi: nào khăn đen áo lớn tấm thiệp cầm tay đặng cung hỉ tân xuân bạn quen thân mật…
Hay thay cho cái tục lệ bày ra cái Tết, thật là hay vô cùng: nếu không có cuộc chi hay thì tưởng không cần đặt ra để làm chi cho rộn ràng mà nước nào, dân tộc nào mỗi năm phải có. Nói rằng một lần ăn Tết là một lần tốn, thì dẫu nước nào cũng vậy, tránh sao cho khỏi cái tốn hao nhiều ít. Nói rằng Annam ta mỗi cái Tết thì xài phí lớn hơn các nước, ấy là tại lòng người mình chẳng biết xét gặp Tết thì mong phá hại của tiền chớ lẽ đó cũng không ai buộc ép. Đừng đợi đến Tết mới có mấy lời nói cuộc xài phí to tát của dân tộc mình; ngày thường đây, thử bình tâm mà độ xét ra những sự chơi bời phí của của người mình cũng không phải là không đáng nói. Nào là từ già chí trẻ, con trai con gái, không tiền thì thôi chớ hễ có được bao nhiêu thì cũng dám ăn dám xài, dám mua dám sắm lắm. Thế thì đủ rõ dân tộc nước ta là một dân tộc xài phá lớn luôn luôn. Bao giờ mà muốn được trông thấy cái Tết của mình ăn xài một vừa một phải như nước người thì phải trông cho được cái sự xa xỉ hàng ngày bớt đi.
Đây tôi nhắc lại cái Tết làm sao gọi là hay. Thật vậy, giả như người thành thị, khách phong lưu thì không còn trông chi, dầu Tết cũng vậy, mà dầu ngày thường cũng vậy, sự vui sướng chơi bời không kém mấy; vui chơi trong một đêm thứ bảy, ngày chúa nhựt cũng là đủ thú tấm lòng; còn như người ruộng rẫy đồng điền, tháng ngày tay bùn chưn lấm, đầu tắt mặt tối… nói rằng cũng có thời nghỉ, nhưng sự nghỉ ấy đâu được dài, một người vài kẻ mà vui thú với ai đâu. Thế thì nhờ cái Tết mới được trọn thú trọn vui, đồng đẳng giao thông gián tiếp. Lại vì sự lưu lạc, kẻ xứ nầy người đất nọ, tháng ngày mãn lo bề sanh nhai, thử nếu không đặt ra cái Tết tưởng hiếm người mươi năm chưa về được một lần, đợi cho danh phận rỡ ràng… ôi! có lẽ da dùn tóc bạc – vậy nhờ nghe qua cái Tết, dường ai thúc giục lòng người, như khêu như gợi mối cảm tình: kìa tổ quán, nọ tử phần, chốn ấy chôn nhao cắt rún, dở hèn chi, ấm lạnh chi cũng phải ráng sức nào âu dặm về nẻo lại, mái nhà xưa hội hiệp đôi ngày!
Mới trong vài điều, đã thấy lắm vẻ hay về trong một hội Tết. Ấy vậy ngày xuân đáng quí, sự Tết cũng nên gọi là xuê xang thay! chánh đáng thay! Nhưng muốn sao cho quốc dân ta đừng lấy cái lẽ Tết hằng năm mà làm sự cực lòng cho thân sống. Nên liếc mắt nghiêng trông mà nhìn kỹ lại cái Tết của các nước người kia. Có lỡ cái Tết rôi, nên chủ tâm cái Tết đến…
Tác giả: Lâm Thanh Trước