Có lẽ vẫn còn nhiều người nhớ thời bé đã từng hát nhại giai điệu với những câu “chế” ngộ nghĩnh:
“Tò te cây me đánh đu, thằng cu nhảy dù, cao bồi bắn súng. Chết cha con ma nào đây, làm tao hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”…
Bài này còn có những biến thể lời Việt khác, chủ yếu là hát cho vui vẻ chứ không có ý nghĩa cụ thể, thí dụ như:
“Tò te Rô-be đánh đu, Tặc-zăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”.
Câu hát này nhắc đến một số nhân vật nổi tiếng từng làm cho trẻ em miền Nam say mê qua các tập truyện tranh hoặc phim ảnh trước 1975.
Phiên bản tiếng Pháp của bài hát này mang tên là Ce n’est qu’un au Revoir (hoặc Chant des Adieux), đã theo chân người Pháp vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20, sau đó được nhà thơ Thế Lữ chuyển sang lời Việt thành bài hát mang tên Bài Ca Tạm Biệt từ thập niên 1940, thường được hát khi chia tay nhau sau các buổi sinh hoạt tập thể như trại hè hoặc hướng đạo với lời ca như sau:
Vì đâu anh em chúng ta ngày nay sắp cùng bùi ngùi xa cách
Cớ sao ta không còn trông rồi đây có ngày mình còn gặp nhau
Cách nhau nhưng ta hằng vui vì nay biết sau còn ngày sung sướng
Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày lại còn gặp nhau.
Click để nghe Bài Ca Tạm Biệt
Ngoài ra, còn có một phiên bản lời Việt khác nói về chia tay trường lớp, với câu hát đầu tiên là: Hè sang, anh em chúng ta cùng nhau chúc thầy ngàn câu thương mến…
Vì bài hát này được người Pháp mang vào Việt Nam nên nhiều người Việt tưởng đây là bài hát Pháp. Thực ra, bài hát nổi tiếng khắp thế giới này có nguồn gốc từ xứ Scotland (Vương Quốc Anh) với tựa đề là Auld Lang Syne.
Auld Lang Syne trong tiếng Scotland cổ có nghĩa tiếng Anh là “old long since”, hoặc “long long ago”, “in the days gone by”, nghĩa là “ngày xửa ngày xưa”, “những ngày xa xưa”.
Auld Lang Syne được thi hào kiêm nhạc sĩ Robert Burns sáng tác lời và phổ thành nhạc năm 1788 dựa theo một điệu dân ca cổ của của Scotland, sau đó nhanh chóng trở thành giai điệu âm nhạc phổ biến không chỉ ở các nước nói tiếng Anh mà còn nhiều quốc gia trên thế giới, với các phiên bản được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Nếu như ở Việt Nam, bài nhạc tiếng Anh quen thuộc nhất trong dịp đầu năm là Happy New Year của ban nhạc người Thụy Điển – ABBA, thì ở nhiều nơi trên thế giới, bài Auld Lang Syne thường được vang lên trong thời khắc giao thừa để tiễn biệt năm cũ và đón mừng năm mới. Khác với bài Happy New Year có nội dung khá u ám, thì phiên bản tiếng Anh của Auld Lang Syne có nội dung tươi vui phù hợp với ngày đầu năm:
For auld lang syne, my dear
For auld lang syne
We’ll take a cup o’ kindness yet
For auld lang syne.
(Cho những ngày tươi đẹp cũ, bạn thân yêu
Cho những ngày tươi đẹp cũ
Chúng ta cùng nâng ly vì điều tốt lành
Cho những ngày tươi đẹp cũ…)
Bài hát nhắc nhở mọi người là tất cả những điều đã xảy ra đều đáng trân quý. Kết thúc một năm với nhiều buồn vui, trong giờ phút giao thừa này chỉ cần chúng ta còn bên nhau và cùng nâng ly để đón chờ tương lai tươi sáng ở phía trước.
Ngoài ra, Auld Lang Syne cũng thường được sử dụng trong các đám tang, lễ tốt nghiệp, hoặc các buổi lễ khác mang tính chất tạm biệt nhau. Điều đặc biệt của ca khúc này là có thể hát với nhiều phong cách khác nhau: Hát trong nghi lễ, hát vui nhộn, hát tha thiết, hoặc hát trong niềm tưởng tiếc… đều được. Trong buổi lễ bàn giao lãnh thổ Hongkong về cho Trung Hoa đại lục năm 1997, giai điệu quen thuộc của bài hát này cũng được vang lên, mời bạn xem lại sau đây:
Click để nghe
Dưới đây mời các bạn nghe một số phiên bản nổi tiếng khác của Auld Lang Syne:
Click để nghe
Click để nghe
Click để nghe
Click để nghe
Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn