Mời các bạn cùng xem lại đoạn video quý quanh cảnh đường phố Sài Gòn 30 năm trước (đầu thập niên 1990). Người quay phim này ngồi trên xe máy đi vòng quanh Sài Gòn qua hầu hết các địa điểm quen thuộc nhất của Sài Gòn, từ các chợ Bến Thành, Bình Tây, chợ Thị Nghè, Tân Định, Bà Chiểu, đến các chùa Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, qua khu trung tâm Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi…
Click để xem video Sài Gòn thập niên 1990
Video này như là chuyến xe thời gian đưa chúng ta trở về Sài Gòn thời quá khứ đầy ắp kỷ niệm để nhìn lại quang cảnh của 30 năm trước, thời điểm Việt Nam đã “đổi mới” được khoảng 7,8 năm, nhưng chưa thực sự mở cửa, chưa bình thường hóa với một số cường quốc và chưa được dỡ bỏ cấm vận. Có thể nói lúc này Sài Gòn đang ở thời điểm giao thời, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên của sự thay đổi toàn diện.
Theo lời của người đăng video này, anh cho biết vô tình tìm được đoạn phim quý này trong băng VHS ở một cửa tiệm, không rõ người quay, không rõ thời gian cụ thể, chỉ biết là trong thập niên 1990. Dựa theo một số chi tiết trong video, như xe máy được sản xuất năm 1993, và băng rôn quảng cáo ca nhạc có tên ca sĩ Nhật Trường, có thể nó được quay vào đầu năm 1993, khi Nhật Trường vẫn còn ở trong nước (ông sang Mỹ năm 1993).
Video được khởi đầu ở đầu đường Lê Duẩn, nơi có Dinh Độc Lập, rồi theo hướng công viên 30/4 dẫn về Nhà Thờ Đức Bà, Bưu Điện Thành Phố, quay cận cảnh dãy hàng bán đồ lưu niệm trước bưu điện. Tiếp theo đó người quay phim ngồi sau xe máy đi về phía đường Đồng Khởi, đi ngang qua công viên Chi Lăng xanh mát, vào thời điểm nó vẫn còn lưu lại được dấu tích xưa, chưa bị dẹp bỏ như hiện nay.
Ở phút thứ 1:55, bên trong công viên Chi Lăng, chúng ta có thể thấy chiếc Honda CB125T bạc, là niềm mơ ước của mọi thanh niên Sài Gòn thời đó, được nhập cảnh về Việt Nam từ Nhật những năm đầu thập niên 1990.
Tiếp theo, video đưa chúng ta về lại Eden Passage trên đường Tự Do cũ, đối diện với nó là khách sạn hạng sang đầu tiên của Sài Gòn là Continental Palace, lúc đó đã hơn 100 năm tuổi. Cách không xa đó là Caravelle Hotel lúc nó chưa được xây nối thêm cao ốc như hiện nay. Bên cạnh cái tên nguyên thủy là Caravelle, lúc này nó mang tên Khách sạn Độc Lập.
Nằm chính giữa 2 khách sạn nổi tiếng này, video cho thấy mặt tiền màu vàng của Nhà Hát Thành Phố khi nó chưa được cải tạo lại giống với phiên bản nguyên thủy.
Cảnh tiếp theo là bùng binh Cây Liễu và bên cạnh là tòa nhà ngày nay đã không còn là Thương xá TAX, lúc này mang tên Cửa Hàng Bách Hóa Tổng Hợp, nằm đối diện bên kia là REX Hotel có từ thập niên 1950.
Video tiếp tục con đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) về phía đường Nguyễn Thiệp để nhìn lại nhà hàng – cafe Brodard đã có từ thập niên 1940, sang bên cạnh đó là cửa hàng giày Bata cũng đã có từ thời Pháp thuộc. Tiếp đến là các khách sạn mang tên Bông Hồng, Bông Sen, qua phía đường Mạc Thị Bưởi (xưa là Nguyễn Văn Thinh), Đông Du (xưa là Thái Lập Thành) để đi thẳng ra phía Bến Bạch Đằng, nơi có Majestic Hotel ở đầu đường.
Đoạn tiếp theo quay thuyền ở bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn (phút 5:25) rồi sau đó quay ngược lại phía công trường Mê Linh, nơi có tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo chỉ tay ra sông Sài Gòn. Ở ngay vị trí này, phía bờ sông là hình ảnh khách sạn nổi 5 sao nằm ở đây từ năm 1990 trước khi nhổ neo rời Sài Gòn năm 1997. Thời điểm đầu thập niên 1990, khách sạn này được xem là biểu tượng của sự sang trọng ở Sài Gòn, nơi quen thuộc của giới thượng lưu.
Tiếp theo, video quay cảnh đường Nguyễn Huệ thời điểm vẫn còn dãy kiosk ở hai bên đường, đi ngang qua tháp đồng hồ từng quen thuộc ở ngã tư với đường Ngô Đức Kế, bên cạnh đó là khách sạn Palace Hotel cao 15 tầng, từng là tòa nhà cao nhất Sài Gòn thập niên 1970.
Cảnh tiếp theo, video đưa chúng ta về lại Chợ Cũ Hàm Nghi thời điểm 30 năm trước, nơi mà cảnh buôn bán trên vỉa hè giữa trung tâm thành phố vẫn còn là hình ảnh quen thuộc.
Người quay phim đi qua chợ cũ Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu, Tôn Thất Đạm, qua đến Pasteur, sau đó lại quay ngược ra sông Sài Gòn để quay cảnh Bến Nhà Rồng.
Hình ảnh tiếp theo là cảnh quay cầu Điện Biên Phú, sau đó là chợ Bến Thành, bùng binh quảng trường Quách Thị Trang, chợ Bến Thành, tượng Trần Nguyên Hãn và cảnh buôn bán xung quanh chợ.
Rời khu vực chợ Bến Thành, người quay phim đi vè hướng đường Trần Hưng Đạo, ngang qua rạp Đại Nam, rạp Hưng Đạo (lúc này mang tên Trần Hữu Trang). Đến rạp Lao Động A ở gần chợ Nancy, chúng ta có thể thấy băng rôn quảng cáo tên các ca sĩ Nhật Trường, Mỹ Huyền khi vẫn còn ở Việt Nam, cùng các tên tuổi nổi tiếng nhất đương thời là Vũ Linh, Tài Linh, Bảo Quốc…
Tiếp theo, hướng về Chợ Lớn, cảnh quay đi qua trung tâm Chấn Thương Chỉnh Hình, khu ký túc xá… Đến Nhà Văn Hóa Quận 5 (Đại Thế Giới cũ), chúng ta lại thấy những băng rôn quảng cáo tên nghệ sĩ, tiếp tục có Nhật Trường, Mỹ Huyền, Bảo Quốc, và Thanh Lan, Nguyễn Chánh Tín, Nhã Phương, Cẩm Vâm, Lan Ngọc, Lê Tuấn, Hồng Vân, Ngọc Sơn…
Người quay phim tiếp tục theo đường Trần Hưng Đạo B đi về phía Chợ Lớn, dừng khá lâu ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Tản Đà để quay khách sạn Thiên Hồng, rồi đi tiếp về Bưu Điện Quận 5, theo đường Hải Thượng Lãn Ông ra bến xe lam (nay là bến xe bus Chợ Lớn), rồi đến chợ Bình Tây và khu vực chung quanh.
Các cảnh tiếp theo, video không mang tính nối tiếp nữa, mà lướt qua phía chợ Thị Nghè, cầu Thị Nghè, trước khi ra lại khu trung tâm là đường Lê Duẩn, đi ngang qua tòa đại sứ quán Anh để về ngược lại Nhà Thờ Đức Bà, sang Lê Lợi để về lại bùng binh chợ Bến Thành, có tòa nhà Sở Hỏa Xa, vòng ngược lại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (nhà thương Chú Hỏa), kem Bạch Đằng ở Lê Lợi – Pasteur rồi đi theo đường Pasteur ngược về phía Lê Duẩn, sang đường Phạm Ngọc Thạch để quay cảnh Hồ Con Rùa.
Cảnh tiếp theo là đường Điện Biên Phủ về hướng công viên Lê Văn Tám, rồi theo đường Hai Bà Trưng về hướng Tân Định, với nhà thờ Tân Định, chợ Tân Định.
Từ phút 38:50, người quay phim quay ngược lại đường Điện Biên Phủ bên hông công viên Lê Văn Tám, cho chúng ta thấy lại được chảo parabol một thời quen thuộc với người Sài Gòn nằm phía sau công viên. Từ đây, người quay phim đi thẳng ra tới ngã tư Hàng Xanh, sau đó vòng lại Lăng Ông – Bà Chiểu.
Một số địa điểm nổi bật sau đó là chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi bên cạnh trường Minh Khai (trường nữ Gia Long cũ), trường Lê Quý Đôn, Tòa Đô Chánh, rạp cine Bến Thành (rạp REX cũ). Video kết thúc bằng cảnh chợ hoa Tết Nguyễn Huệ, một đặc trưng lâu đời của Sài Gòn.
Đông Kha – chuyenxua.net
Một video quý giá mang lại nhiều cảm xúc cho những ai đã gắn bó với Sài Gòn qua nhiều năm. Thời điểm quay phim này xe đạp nhiều hơn xe máy. Nhiều cảnh cũ đã không còn. Hy vọng là tác giả của video xem được và nhận ra tác phẩm của mình.