Đường Công Lý là một trong những con đường quan trọng nhất của Sài Gòn trước và sau năm 1975, vì là con đường trục xuyên Sài Gòn đi từ rạch Bến Nghé qua trung tâm thành đô để về phía sân bay Tân Sơn Nhứt.
Đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) có lẽ mang nhiều tên nhất. Ban đầu khi người Pháp bắt đầu quy hoạch Sài Gòn năm 1862, họ đánh số con đường này là 26, đến nay 1865 đặt tên là Impératrice, năm 1870 đổi thành Mac Mahon (dân Việt gọi thành Mặt Má Hồng). Ngày 28/12/1945, tên đường đổi thành Général De Gaulle (tướng De Gaulle, người sau đó là tổng thống Pháp từ 1959-1969).
Năm 1952, ngay sau khi tướng De Lattre de Tassigny qua đời, chính quyền Quốc Gia Việt Nam cắt đường thành 2, đoạn từ rạch Bến Nghé đến đường Gia Long thành đường tiêng mang tên Maréchal De Lattre de Tassigny, đoạn còn lại vẫn mang tên Général De Gaulle.
De Lattre de Tassigny cũng là một người có quan hệ mật thiết với tướng De Gaulle, sau khi qua đời năm 1952 được truy phong thành thống chế. Từ năm 1950, ông là tổng tư lệnh Quân đội viễn chinh Pháp vùng Viễn Đông, lãnh đạo quân Pháp có những trận thắng trước quân Việt Minh, được tướng Võ Nguyên Giáp thừa nhận là một “đối thủ xứng tầm”. Tuy nhiên khi đang lãnh đạo quân đội, ông bị ung thư và qua đời vào đầu năm 1952.
Ngày 22/3/1955, chính quyền VNCH nhập 2 đường De Lattre de Tassigny và Général De Gaulle thành đường Công Lý. Sở dĩ con đường mang tên này là vì nó đi ngang qua Tòa Pháp Đình Sài Gòn (là nơi gìn giữ công lý).
Đường Công Lý kéo dài từ Bến Chương Dương đến cầu Công Lý (cây cầu bắt qua rạch Nhiêu Lộc). Qua bên kia cầu sẽ là đường Ngô Đình Khôi kéo dài tới đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ), nơi có bộ tổng tham mưu (nay là trụ sở của Quân khu 7).
Sau năm 1963, đường Ngô Đình Khôi đổi tên thành Đại Lộ Cách Mạng 1-11 (kỷ niệm ngày đảo chính Ngô Đình Diệm).
Sau năm 1975, đường Công Lý nhập với đường Cách Mạng 1-11 đổi tên thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đến năm 1985, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lại tách ra làm đôi, đoạn từ cầu Công Lý tới công viên Hoàng Văn Thụ đặt tên là Nguyễn Văn Trỗi, cầu Công Lý cũng đổi tên thành cầu Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên ít người dân nào gọi theo tên mới này mà vẫn quen gọi tên cũ là cầu Công Lý. Vì vậy thời gian gần đây, cây cầu này đã được trở về tên cũ là cầu Công Lý.
Những địa điểm đăc biệt trên con đường này là Dinh Độc Lập, Dinh Hoa Lan, Phủ Phó Tổng Thống, Chùa Vĩnh Nghiêm, trường tư thục Quốc Anh,Thương xá Crystal Palace-Tam Đa, dinh Gia Long…
Dưới đây là những hình ảnh về đường Công Lý ngày xưa và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay, được chụp cùng 1 vị trí, 1 góc ảnh, để so sánh sự thay đổi của con đường này sau hơn nửa thế kỷ.
Đây là góc ngã tư Công Lý – Nguyễn Đình Chiểu trước 1975 (nay là ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Trần Quốc Toản), với các ngôi nhà của Viện Pasteur Saigon.
Lưu ý là đường Trần Quốc Toản hiện nay, trước 1975 tên là Nguyễn Đình Chiểu, còn đường Nguyễn Đình Chiểu hiện nay, trước 1975 là đường Phan Đình Phùng, còn đường Phan Đình Phùng hiện nay (nối dài Hai Bà Trưng) trước 1975 mang tên Võ Di Nguy ở Gia Định (khác với Võ Di Nguy ở Quận 1 – Sài Gòn nay là Hồ Tùng Mậu).
Hình cũ của Mike Huddleston chụp năm 1970, hình của nhacxua.vn thực hiện năm 2019.
___
Phía trước là ngã tư Công Lý – Nguyễn Đình Chiểu (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Trần Quốc Toản), bên phải là Viện Pasteur.
Hình cũ của Eckhard Clausen chụp năm 1969, hình mới của nhacxua.vn chụp năm 2019.
___
Ngã tư Công Lý – Hiền Vương (nay là ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Thị Sáu). Hình chụp năm 1967 và 2019.
___
Góc dưới bên phải của hình là ngã ba Công Lý – Tú Xương (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Tú Xương), đi thêm một chút là tới ngã tư Công Lý – Phan Thanh Giản (Nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Điện Biên Phủ).
Tòa nhà mái ngói bên trái ngày nay là CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH VIỆT NAM TP.HCM (VIETNAMTOURISM HCMC JSC), địa chỉ: 234 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P6, Q3.
Hình cũ của Daniel P. Cotts chụp khoảng 1966-1968, và hình 2019 của nhacxua.vn
___
Trường Regina Mundi, còn gọi là Couvent des Oiseaux, ở góc Công Lý – Phan Thanh Giản (Nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Điện Biên Phủ).
___
Ngã tư Công Lý – Phan Thanh Giản, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Điện Biên Phủ. Dãy nhà bên kia đường là trường Marie Curie được thành lập từ năm 1918.
___
Ngã tư Công Lý – Phan Đình Phùng, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Đình Chiểu. Cây cột điện ở góc ngã tư và hàng rào vẫn còn. Hình của James Honl chụp năm 1968-1969 và của nhacxua.vn năm 2019.
___
Đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) khúc giao với Công Lý. Đoạn này là đường 1 chiều từ trước 1975 cho đến nay. Bên trái là tòa nhà Lê Bảo Minh ngày nay. Bên phải là hướng ra Trần Quý Cáp, Hồng Thập Tự (Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai). Hình chụp năm 1967 và 2019.
___
Đường Phan Đình Phùng gần ngã tư Phan Đình Phùng – Công Lý (nay là Nguyễn Đình Chiểu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Khu vực bên trái ngày nay là siêu thị Coopmart Nguyễn Đình Chiểu. Hình của Meredith, Van Oosten chụp năm 1968-1968 và của nhacxua.vn chụp năm 2019.
___
Khách sạn Duc Hotel (trước năm 1975 cho Mỹ thuê), nay là Victory Hotel ở góc đường Công Lý – Trần Quý Cáp, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần.
___
Ngã tư Công Lý – Trần Quý Cáp (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần), bên phải là trường Jean-Jacques Rousseau (nay là trường THPT Lê Quý Đôn). Hình chụp năm 1967 của Aaon và hình năm 2019 của nhacxua.vn
___
Ngã tư Hồng Thập Tự – Công Lý (nay là Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Bên trái là Dinh Độc Lập, bên phải là trường Lê Quý Đôn. Hình năm 1969 của johnrellis’ photostream và hình 2019 của nhacxua.vn
___
Góc Công Lý – Hồng Thập Tự (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Thị Minh Khai). Tòa nhà trong ảnh là trường Lê Quý Đôn. Phía bên trái là tường rào Dinh Độc Lập. Hình của Lee Baker.
___
Đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) đoạn giao với Công Lý. Đoạn kẽm gai là tường rào Dinh Độc Lập, vì sự kiện Mậu Thân năm 1968 nên thép gai giăng khắp đô thành.
___
Dinh Độc Lập trên đường Công Lý.
___
Dinh Độc Lập lúc đang xây dựng năm 1963 và hiện nay
___
Pháp đình Sài Gòn năm 1964 ở đường Công Lý và Tòa Án năm 2019 ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tòa nhà được xây dựng từ năm 1881, ban đầu có tên gọi Tòa đại hình Sài Gòn (tiếng Pháp: Tribunal de Saigon) nằm trên đường Mac Mahon. Năm 1898, nơi này đổi thành Tòa hình sự Sài Gòn (Cour criminelle de Saigon) kiêm Tòa Thượng thẩm Đông Dương (Cour d’appel de l’Indochine).
Năm 1919 thì đây là Tòa Thượng thẩm Nam Kỳ (Cour d’appel de Cochinchine).
Sau 1955, tòa nhà này giữ chức năng cũ dưới chính thể mới và hoạt động là Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, thường gọi là Pháp đình Sài Gòn. Cũng vì vị trí của cơ sở tư pháp này mà con đường thời Pháp thuộc đổi tên thành đường Công Lý.
___
Đường Công Lý, bên phải là Thư viện Quốc Gia, bên trái là dinh Gia Long.
___
Đường Công Lý, đoạn gần đến ngã 4 đường Lê Thành Tôn, ảnh chụp năm 1967 và 2019
___
Dinh Thống đốc Nam Kỳ (dinh Phó soái), khởi công xây dựng 1885, hoàn tất năm 1890 trên đường De La Grandière. Thời VNCH, nó nằm ở góc ngã 4 đường Công Lý – Gia Long.
Ban đầu tòa nhà này dự định trở thành Bảo Tàng Thương Mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ, nhưng sau khi xây xong nó lần lượt được các thống đốc, phó toàn quyền Đông Dương sử dụng làm tư dinh.
Đầu thập niên 1950, quốc trưởng Bảo Đại đặt tên cho tòa nhà là dinh Gia Long. Sau năm 1955, đường đi qua trước dinh cũng được đặt tên là đường Gia Long (trước đó đường mang tên De La Grandière, ngày nay mang tên Lý Tự Trọng).
Từ khi được đưa vào sử dụng, tòa nhà này trải qua rất nhiều công năng, từ dinh thống đốc, dinh phó toàn quyền, dinh tổng thống tạm thời, dinh quốc khách, dinh quốc phó, trụ sở của Tối cao Pháp viện.
Ngày nay, tòa nhà trở lại công năng nguyên thủy là bảo tàng.
___
Dinh Gia Long, góc Gia Long – Công Lý.(nay là góc Lý Tự Trọng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
___
Góc Lê Thánh Tôn – Công Lý xưa và nay.
___
Chùa Ấn Giáo trên đường Công Lý (gần góc Công Lý – Lê Lợi), nay là đền Subramaniam Swamy ở địa chỉ 98 Nam Kỳ Khởi Nghĩa – P. Bến Nghé.
___
Ngã tư Lê Lợi – Công Lý năm 1967. Bên phải hình là nhà hàng Kim Sơn góc Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực, bên trên nhà hàng Kim Sơn xưa chính là phòng trà Bồng Lai danh tiếng.
Cho đến năm 2019, nơi đây vẫn là một đại công trình, hiện nay đã dần hoàn thành công trình hầm ga metro.
Bài và ảnh: Đông Kha
chuyenxua.net