Trong làng văn nghệ Sài Gòn trước 1975, đi cùng với sự phát triển ồ ạt của tân nhạc, nhu cầu thưởng thức âm nhạc rất lớn, từ đó có nhiều lớp đào tạo ra sĩ ra đời, như lớp nhạc Lê Minh Bằng, Tùng Lâm, Bảo Thu, Ban Tuổi Xanh, lớp Nắng Hồng… và “lò” đào tạo Nguyễn Đức, nơi xuất thân của những ca sĩ nổi tiếng là Thanh Lan, Hoàng Oanh, Kim Loan và những nàng ca sĩ tên Phương: Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh…
Nhạc sĩ Nguyễn Đức nổi tiếng với “lò” đào tạo ca sĩ thật trẻ (thường dưới 13 tuổi), cho thực tập qua các ban Rạng Đông, Việt Nhi ở đài phát thanh.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức sinh năm 1930 quê ở Bạc Liêu. Năm lên 8 ông đã biết sử dụng mandoline, năm 15 tuổi có thể biểu diễn sử dụng 2 nhạc khí mandoline và harmonica cùng một lúc trong chương trình tuyển lựa tài tử trên đài phát thanh của Pháp.
Năm 1953, khi mới 23 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã bắt đầu dạy hát cho các em nhỏ, ông chọn ra những học trò ưu tú để lập ban nhạc thiếu nhi là Rạng Đông, đa số là các bé gái độ tuổi 12-13, ban Rạng Đông thường xuyên được đến đài phát thanh Pháp Á thu âm và phát thanh. Ngoài ra ông còn chọn 3 học viên xuất sắc nhất để thành lập ban Tam Vân (Bích Vân, Phước Vân và Ngọc Vân). Ban Tam Vân có lối trình diễn rất đặc biệt, vừa nhảy thiết hài (Claquette), vừa sử dụng maraccao, Guiero, Tambourin và hát ba bè.
Ban Tam Vân chính là thành công bước đầu trong sự nghiệp đào tạo ca sĩ của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Tam ca này đã trình diễn trong các chương trình Đại Nhạc Hội và khiêu vũ trường tại Sài Gòn.
Song song với việc thành lập ban Tam Vân, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo thần đồng Phương Lan và ca sĩ Thanh Phong lúc ấy mới 12 tuổi. Sau này, chính nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đưa Thanh Phong về hợp tác với Phương Đại và Duy Mỹ để thành lập Ban Sao Băng đã một thời vang tiếng trên Đài Phát Thanh và Đài Truyền hình Việt Nam trước 1975.
Ca sĩ Thanh Phong tên thật là Đào Công Khanh, sinh năm 1942, là 1 trong những môn sinh đầu tiên của lò nhạc Nguyễn Đức khi vừa mới mở cửa vào năm 1953, và nghệ danh Thanh Phong của ông cũng là được thầy Nguyễn Đức đặt cho. Tham gia lớp nhạc được vài năm, Thanh Phong bắt đầu cộng tác với một số vũ trường lớn ở Sài Gòn và được nhạc sĩ Võ Đức Tuyết hướng dẫn thêm.
Từ thập niên 1960, Thanh Phong hoạt động trong đoàn Văn Nghệ Bảo An và Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Thời điểm này Ban Thăng Long là ban hợp ca nổi tiếng nhất Sài Gòn với những màn trình diễn phối bè rất độc đáo. Thanh Phong rất hâm mộ phong cách trình diễn đó nên có ý định thành một một nhóm 3 người tương tự để hát những bài nhạc vàng đại chúng.
Tại biệt đoàn văn nghệ, Thanh Phong chơi thân với 2 nam ca sĩ khác là Phương Đại và Duy Mỹ, 3 người thỏa thuận cùng nhau thanh một ban tam ca, và nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đặt cho họ cái tên là Ban Tam Ca Sao Băng.
Vừa xuất hiện trong làng nhạc được không lâu, cách hát phối bè mới lạ trong các bài hát như Những Bước Chân Âm Thầm, Thôi, Gót Phiêu Du, Tôi Trở Về Thành Phố… của Ban Sao Băng đã hấp dẫn được công chúng và trở thành một hiện tượng. Ba người với ba phong cách, phối hợp với nhau nhịp nhàng ăn ý cả về tiếng hát, giọng bè, lẫn cử chỉ và cách trình diễn.
Một học trò nổi tiếng khác của nhạc sĩ Nguyễn Đức là nữ danh ca Hoàng Oanh. Trước khi tham gia ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức, Hoàng Oanh đã hát trong Ban Tuổi Xanh của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh từ năm 1958, khi đó Hoàng Oanh được 12 tuổi. Năm 1960, nhạc sĩ Nguyễn Đức cùng với đài phát thanh quốc gia thành lập ban nhạc Việt Nhi, với thành phần từ ban Rạng Đông cũ và một nhóm các học viên mới, và một trong những thành viên mới đó chính là Hoàng Oanh – người tham gia ban Việt Nhi từ thuở mới thành lập. Lúc này Hoàng Oanh đã 14 tuổi, cô hát ở Việt Nhi chỉ 1 năm thì sang hát ở các ban người lớn.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức nói rằng ông thường tập cho các học trò hát được giọng của cả 3 miền, và Hoàng Oanh là một trong những người hát nhuần nhuyễn được giọng Bắc Trung Nam, đó là nhạc vàng – tiền chiến bằng giọng Bắc, hát nhạc về xứ Huế bằng giọng miền Trung, và hát dân ca Nam bộ bằng giọng Nam bộ.
Một nữ ca sĩ khác tham gia ban Việt Nhi trong cùng năm 1960 với Hoàng Oanh là ca sĩ Thanh Lan. Mới 12 tuổi, Thanh Lan trở thành một trong những giọng ca chính trong ban Việt Nhi, thường xuyên được hát trên đài phát thanh Sài Gòn.
Sau Việt Nhi, Thanh Lan tham gia sinh hoạt âm nhạc trong các ban người lớn và gặt hái được những thành công rực rỡ. Nhạc sĩ Nguyễn Đức từng nói rằng lớp học của ông dạy tất cả các thể loại nhạc, từ nhạc vàng, nhạc quê hương, nhạc trẻ, nhạc kích động… và Thanh Lan chính là nữ ca sĩ hiếm hoi thành công ở hầu hết các thể loại nhạc.
Thời điểm này nhạc sĩ Nguyễn Đức đã có tiếng tăm nên các phụ huynh gửi con đến học nhạc ngày càng đông, cứ phát hiện ra em nhỏ nào có tiềm năng là ông đưa vào trong ban Việt Nhi để hát trên đài phát thanh. Một trong những người xin vào học lớp nhạc Nguyễn Đức thời kỳ này là nữ ca sĩ Kim Loan.
Kim Loan sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình thượng lưu và không có ai theo nghệ thuật. Từ nhỏ cô đã mê ca hát, lúc mới 8-9 đã tự xin đến học ở lớp nhạc Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức ở đường Vĩnh Viễn. Nhờ sự nâng đỡ của Nguyễn Đức, dù tuổi còn nhỏ nhưng cô được xuất hiện trên đài phát thanh với ca khúc đầu tiên là Lá Thư Gửi Mẹ.
Năm 16, Kim Loan bắt đầu hát nhạc “người lớn”, lần đầu là ở trong chương trình Đêm Vô Tuyến của Lê Hoàng Hoa, sau đó cô cũng có đi hát nhiều nơi ở tiền đồn để uỷ lạo chiến sĩ. Một bước ngoặt trong sự nghiệp của Kim Loan là trong một đêm tiệc tại tư dinh của thiếu tướng Đặng Văn Quang, cô lên hát bài Ngăn Cách (Y Vân) và được các nhạc sĩ tên tuổi có mặt lúc đó để ý đến, trong đó có nhạc sĩ Duy Khánh, Trần Thiện Thanh… Ca nhạc sĩ Duy Khánh đã mời cô về hát trong băng nhạc Trường Sơn. Từ đó tên tuổi của Kim Loan ngày càng được biết đến, đặc biệt qua 2 ca khúc Căn Nhà Ngoại Ô và Gõ Cửa.
Click để nghe Kim Loan hát Căn Nhà Ngoại Ô trước 1975
Nhắc đến lớp nhạc Nguyễn Đức, không thể không nhắc đến những cô ca sĩ có nghệ danh bắt đầu bằng chữ Phương, như Phương Hồng Quế, Phương Hồng Hạnh, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Ngọc. Có rất nhiều người đã thắc mắc về cách đặt tên này. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đích thân kể một câu chuyện này trên đài RFA.
Đó là khoảng đầu thập niên 1960, ông có học trò tên là Phương, 12 tuổi, xinh đẹp và hát rất hay, là học trò mà ông vô cùng yêu mến. Một hôm Phương xin phép thầy về nhà ở Đà Lạt thăm cha mẹ, 2 tuần sau sẽ trở lại. Tuy nhiên chỉ 1 tuần sau đó thì ông được cha mẹ của Phương gọi báo tin rằng Phương đã mất đột ngột vì bịnh thương hàn. Nhạc sĩ Nguyễn Đức vô cùng đau xót, nên đã đặt tên Phương cho các học viên nữ ưu tú xuất hiện vào giai đoạn đó.
Trong những ca sĩ tên Phương, nổi tiếng nhất là Phương Hồng Quế, người được đặt danh hiệu là “Tivi Chi Bảo”, vì cô là nữ ca sĩ được phát sóng nhiều nhất trên truyền hình thời đầu thập niên 1970.
Ca sĩ Phương Hồng Quế tên thật là Nguyễn Thị Quế, sinh năm 1953 tại Tân Định – Sài Gòn.
Phương Hồng Quế có năng khiếu ca hát từ nhỏ và thần tượng của cô chính là ca sĩ Phương Dung. Cô thường hát theo thần tượng khi nghe trên đài và được một người bạn của cha đàn mandoline để hát theo. Trong một lần có người anh là nghệ sĩ guitar tới nhà chơi, thấy cô bé Nguyễn Thị Quế mới hơn 12 tuổi hát ngêu ngao, nhận thấy được khả năng của cô nên người anh này xin cha mẹ Phương Hồng Quế cho theo học ở lớp dạy hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức.
Nhờ người anh họ giới thiệu, Phương Hồng Quế đạp xe tới lớp nhạc Nguyễn Đức tại số nhà 223/31 trong hẻm trên đường Vĩnh Viễn để xin theo học nhạc.
Khi chính thức bước chân vào làng nghệ thuật ở Sài Gòn, Phương Hồng Quế có thời gian gia nhập Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, sau đó là Tổng Ủy Dân Vận, xung phong đi phục vụ nơi các tiền đồn hẻo lánh.
Lò nhạc Nguyễn Đức là một trong những lớp nhạc nổi tiếng và đào tạo ra nhiều ca sĩ nổi tiếng nhất. Ông cho biết là thích nhận dạy người nào chưa từng biết đến ca hát. Phương pháp dạy nhạc của ông là dạy cách phát âm thật chuẩn trước, vì theo ông hát rõ chữ thì mới thu hút được cảm quan người nghe. Sau đó ông hướng dẫn về ký âm pháp, tối thiểu phải biết nốt nhạc, nhịp phách, trường canh để giữ nhịp cho thật đúng, dạy cách đi đứng trên sân khấu, điệu bộ, cách nói, chào hỏi và cám ơn khi giao lưu với khán giả.
Thời gian từ năm 1972 đến 1975, Phương Hồng Quế hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực như phòng trà, vũ trường và đại nhạc hội, ngoài những lần xuất hiện liên tục trên các chương trình ca nhạc truyền hình và tham gia vào những chương trình truyền thanh trên cả hai đài Quân Đội và Sài Gòn.
Đó cũng là thời kỳ mà Phương Hồng Quế ở tuổi đôi mươi đã đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp, và tiếng hát Phương Hồng Quế đã được thu thanh trên nhiều băng, dĩa nhạc của các trung tâm Nghệ Thuật, Sóng Nhạc, Asia, Dư Âm, Việt Nam,…
Một học trò tên Phương nổi tiếng khác của nhạc sĩ Nguyễn Đức là Phương Hoài Tâm, người được khán giả biết đến nhiều từ trước năm 1975 không phải nhờ ở giọng hát xuất sắc hay truyền cảm, mà chính là nhờ khuôn mặt xinh tươi và khả ái với đôi má lúm đồng tiền và một mái tóc cắt úp, một thời đã được nhiều nữ sinh trước năm 75 xem như kiểu tóc thời trang. Cô cũng là “bóng hồng” trong ca khúc nổi tiếng Giọng Ca Dĩ Vãng của nhạc sĩ Bảo Thu. Với gương mặt thu hút, dễ nhìn, cô từng là người trong mộng của một thế hệ thanh niên thập niên 1970.
Lần cuối cùng Phương Hoài Tâm xuất hiện trên sân khấu là Asia 60 năm 2008, hát liên khúc bài Ly Rượu Mừng và Xuân Miền Nam với Phương Hồng Quế và Phương Hồng Ngọc. Sau đó không ai còn nghe đến tin tức của cô nữa, ngay cả người bạn đồng môn Phương Hồng Quế cũng mất liên lạc với cô. Vài năm trước, Phương Hoài Tâm đã qua đời trong lặng lẽ…
Một nữ ca sĩ tên Phương khác là Phương Hồng Ngọc, có tên thật là Nguyễn Thị Cẩm Hồng, sinh năm 1954 tại Cần Thơ, mang trong mình 3 dòng máu Việt, Hoa và Pháp. Từ nhỏ Cẩm Hồng đã đam mê văn nghệ, tập ca hát với năng khiếu trời cho. Năm 12 tuổi, cô lên Sài Gòn tham gia lò đào tạo của nhạc sĩ Nguyễn Đức.
Còn ca sĩ Phương Hồng Hạnh tên thật là Dương Thị Hạnh, sinh năm 1951 tại Hà Nội. Năm 1962 cô xin gia nhập vào lớp nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức và được tham gia ban Việt Nhi.
Ngoài hát trong ban Việt Nhi, sau này Phương Hồng Ngọc và Phương Hồng Hạnh còn là thành viên của ban hợp ca Sao Băng nữ (để phân biệt với Sao Băng nam) cũng do Nguyễn Đức thành lập gồm Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Phương Minh Châu, Phương Hồng Loan (vợ đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng Hoa), Kim Anh (vợ nghệ sĩ cải lương Thành Được).
Trở lại với nhạc sĩ Nguyễn Đức, sau khi lập ban Việt Nhi năm 1960, ông cũng lập thêm ban Giờ Nhi Đồng, cả 2 qui tụ khoảng 40 ca sĩ “nhí”. Về sau, vì số lượng quá đông, ông có lập thêm “Ban Gia Đình Văn Nghệ Nguyễn Đức” trên làn sóng của Đài Quân Đội. Ban này gồm có 4 ban hợp ca nữ, mỗi ban có 14 ca sĩ và mỗi năm đều có mặt trên màn ảnh thời sự chiếu ở các rạp chiếu bóng để mừng xuân.
Ngoài việc đào tạo ca sĩ và hướng dẫn tài năng trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo xướng ngôn viên cho các đài truyền thanh và truyền hình, đó là các nữ xướng ngôn viên Bạch Yến, Xuân Kiều, Phương Hồng Trinh. Ngoài ra, ông cũng từng là cố vấn văn nghệ cho các đài truyền thanh và truyền hình như Tiếng Nói Thủ Đô, Chương trình Nha Động Viên, Chương trình Người cày có ruộng của Phòng Nông Nghiệp.
Tháng 10 năm 1991, nhạc sĩ Nguyễn Đức được con bảo lãnh sang Toronto, Canada. Lúc này ông đã ngoài 60 và muốn nghỉ ngơi không muốn làm việc nữa, nhưng có quá nhiều bạn bè yêu cầu nên đến năm 1993 ông lại mở lớp đào tạo ca sĩ cho cộng đồng người Việt. Một trong những học trò nổi tiếng nhất của ông tại hải ngoại là Phương Diễm Hạnh (nghệ danh do Nguyễn Đức đặt), chính ông là người giới thiệu nữ học trò này với trung tâm Thúy Nga.
Cái tên Phương Diễm Hạnh có thể không nổi đình nổi đám như những ca sĩ khác, nhưng giọng ca của cô lại mang lại cho những khán giả yêu nhạc vàng những cảm xúc không thể nào quên. Cô được đánh giá là sở hữu giọng ca ngọt ngào, mềm mại, da diết và cuốn hút lòng người.
Phương Diễm Hạnh xuất hiện lần đầu trên Paris By Night số 58 vào năm 2001 với ca khúc Hoa Đào Năm Trước của 2 nhạc sĩ Lê Dinh và Nguyễn Hiền, và gây ấn tượng với các ca khúc Trước Giờ Tạm Biệt của nhạc sĩ Hoài An và Một Người Đi trong cùng năm 2001. Khi đó cô đã 32 tuổi.
Tiếp sau đó, các ca khúc được Phương Diễm Hạnh biểu diễn đều được khán giả rất yêu thích, đó là Hạ Buồn (Thanh Sơn), Tình Hậu Phương (Minh Kỳ), Trăng Tàn Trên Hè Phố (Phạm Thế Mỹ), Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé (Lê Dinh, Anh Bằng)…
Click để nghe nhạc Phương Diễm Hạnh
Nếu để ý, chúng ta có thể thấy tất cả những ca khúc trên đều đã được một học trò trước đó của Nguyễn Đức là danh ca Hoàng Oanh trình bày rất thành công, và có thể nói sự nghiệp của Hoàng Oanh cũng đã gắn liền với những ca khúc này. Vậy mà Phương Diễm Hạnh đã làm được một việc hiếm có ca sĩ trẻ nào làm được: Tạo cho mình dấu ấn riêng khi cover lại những bài hát đã nổi tiếng với các giọng ca thế hệ trước 1975.
Đông Kha – chuyenxua.net