Phần thứ 2 của loạt bài về những tấm hình thú vị được chụp để so sánh góc ảnh tại cùng 1 vị trí của Sài Gòn, tại 2 thời điểm cách nhau tròn 100 năm, đó là hình xưa thập niên 1920, và hình chụp năm 2022.
Qua những bức ảnh này, có thể thấy rằng những công trình xưa của Sài Gòn vẫn đứng vững qua thời gian, xóa nhòa đi ranh giới của khoảng cách trăm năm.
Đây là tòa nhà Trụ sở Hiến Binh Thuộc Địa (La Gendarmerie Coloniale) nằm trên đường Rue de La Grandière (đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng), gần đối diện với Dinh Thượng Thơ.
Lực lượng hiến binh này ở Đông Dương thời thuộc địa Pháp là một tổ chức an ninh quân sự, có nhiệm vụ kiểm soát quân đội, kiểm soát dân sự về hành chính và tư pháp.
Sau 1955, khi VNCH tiếp quản lại chính quyền, tòa nhà này là trụ sở của Quân Cảnh (cảnh sát quân đội), một lực lượng gần giống với lực lượng hiến binh thời thuộc địa. Sau năm 1975, nơi này trở thành Doanh trại QĐND của “lực lượng kiểm soát quân sự”, tên gọi khác của “quân cảnh” thời trước 1975.
Hiến binh, quân cảnh, hay là lực lượng kiểm soát quân sự, đều có chức năng gần giống nhau, thường là đơn vị chấp pháp của quân đội, có chức năng giúp người chỉ huy duy trì kỷ luật quân đội, Pháp luật của Nhà nước, quy tắc trật tự an toàn xã hội đối với mọi quân nhân và các phương tiện giao thông quân sự ở ngoài doanh trại.
–
Con đường này khi mới xây dựng mang tên là du Gouveneur, tiếng Pháp nghĩa là Thống đốc. Sở dĩ mang tên này vì con đường đi ngang qua Dinh Thống Đốc Nam Kỳ (tức dinh Gia Long, nay là bảo tàng thành phố). Sau đó con đường này đổi tên thành Grandière (theo tên của một thống soái Nam Kỳ vào thế kỷ 19). Từ năm 1952, dinh Thống Đốc Nam Kỳ được quốc trưởng Bảo Đại đổi tên thành dinh Gia Long, và con đường mang tên Grandière cũng được đặt tên là đường Gia Long. Từ năm 1955-1976, con đường này vẫn mang tên này, trước khi đổi tên thành Lý Tự Trọng cho đến nay.
Tòa nhà bên phải hình là ở số 229 – Catinat, là trụ sở của Enregistrement et Domaines (Sở Trước bạ và Nhà đất). Thời kỳ 1955-1975, tòa nhà này vẫn giữ chức năng cũ, là Sở Trước Bạ của VNCH, vẫn ở số 229, tên đường đổi thành đường Tự Do. Ngày nay, tòa nhà này vẫn còn, là trụ sở của Chi cục bảo vệ môi trường ở địa chỉ 227 – Đồng Khởi.
Bên trái hình là Dinh Thượng Thơ, là tòa nhà sẽ được nói đến chi tiết hơn ở bên dưới.
–
Hình ảnh Dinh Thượng Thơ (Hôtel de L’Interieur) 100 năm trước và hiện nay. Tòa nhà này là một công trình được kiến trúc sư nổi tiếng Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892) thiết kế. Ông cũng là tác giả của những công trình vẫn còn tồn tại đến hiện nay là Bưu Điện Sài Gòn, Dinh Gia Long, Tòa Pháp Đình (Tòa Án trên đường NKKN ngày nay), Tòa nhà Quan Thuế (được sửa lại từ nhà ông Wang Tai, đầu đường Hàm Nghi ngày nay).
Tiền thân của tòa nhà Dinh Thượng Thơ bên trên là tòa nhà cũ có quy mô khiêm tốn hơn, đặt trụ sở của Hôtel de la direction de l’intérieur (Nha giám đốc Nội vụ), được xây dựng rất sớm, từ năm 1864. Nơi đây từng là trung tâm quyền lực ở toàn Nam kỳ (chỉ đứng sau Dinh Thống Đốc), có vai trò điều hành trực tiếp của các thanh tra sự vụ bản xứ về toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa.
Đến năm 1875, do nhu cầu cần có trụ sở lớn hơn, giám đốc xây dựng công cộng lúc đó là Foulhoux được chỉ định thiết kế và xây một tòa nhà trụ sở mới cho cơ quan Nội vụ. Năm 1881, tòa nhà có đợt tân trang lớn và mang kiến trúc hình dạng chữ U vẫn còn cho đến ngày nay.
Đến năm 1888, chức năng của Nha giám đốc Nội vụ được nhập vào Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ ở góc đường Catinat – d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) sát bên Dinh xã Tây (Tòa Đô Chánh), bản đồ năm 1890 cho thấy một tòa nhà quy mô lớn hơn được xây dựng như hiện nay, thành một khối nhà liền kề với Dinh Xã Tây. Vào đầu thế kỷ 20, cơ quan này còn có tên là Văn phòng Chính phủ.
Từ sau năm 1955, nơi này là trụ sở Bộ Kinh tế của chính quyền VNCH. Ngày nay, tòa nhà này nằm ở địa chỉ số 59-61 Lý Tự Trọng, trụ sở của Sở Thông Tin – Truyền Thông.
–
Ảnh xưa là thành Ông Dèm, đọc trại từ chữ Pháp onzième (nghĩa là thứ 11). Sở dĩ có tên gọi như vậy là do thành này là nơi đồn trú của Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 11 của Pháp, được xây dựng trên nền cũ của 2 thành Quy, thành Phụng đã có từ thời nhà Nguyễn.
Từ năm 1955 đến 1963, thành Ông Dèm đổi thành thành Cộng Hòa, là nơi đồn trú của Tiểu đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống (sau thành Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống).
Ngày nay, 2 khối nhà 2 bên từng là thành Ông Dèm (thành Cộng Hòa) này là một phần của các trường đại học Y Dược và KHXH&NV.
Ở hình cũ, chúng ta có thể thấy chính giữa là cổng đi vào trại lính chứ không có đường đi xuyên qua 2 khối nhà như ngày nay (đường Đinh Tiên Hoàng). Con đường từ Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng) nối liền với Đinh Tiên Hoàng chỉ có kể từ năm 1963, sau khi thành Cộng Hòa được cải tạo thành các cơ sở trường đại học từ giữa thập niên 1960 cho đến nay.
–
Trụ sở Hỏa Xa, ban đầu là trụ sở công ty Chemins de fer de l’Indochine (CFI – Công ty đường sắt Đông Dương), được xây dựng từ năm 1910 và khánh thành năm 1914, cùng thời điểm với Chợ Bến Thành, dùng để làm văn phòng điều hành mạng lưới xe lửa ở phía Nam.
Tháng 5 năm 1952, tòa nhà trở thành trụ sở Hỏa Xa Việt Nam nằm dưới sự quản lý của bộ công trình công cộng và vận tải.
Từ sau năm 1975, tòa nhà thuộc quyền quản lý của Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam, hiện nay là nơi làm việc của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn; phòng điều hành vận tải đường sắt Sài Gòn; phân ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 3; Ban quản lý đường sắt khu vực 3.
–
Hình ảnh xưa Dinh Xã Tây được xây dựng năm 1898 hoàn thành vào năm 1909, tại vị trí đắc địa và nhộn nhịp nhất của Sài Gòn, ở phia cuối đường Charner (Nguyễn Huệ) nhìn ra sông Sài Gòn.
Thiết kế của tòa nhà này được mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Có thể thấy trước tòa nhà ghi chữ Hotel de Ville, dịch sang tiếng Anh có nghĩa là City Hall, trong tiếng Việt gọi là Tòa Thị Chính.
Thời VNCH thì dinh này được gọi là Tòa Đô Chánh, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô. Hiện nay, đây là trụ sở UBND thành phố.
–
Toà nhà ban đầu mang tên Chambre de Commerce (Phòng Thương Mại), được Pháp xây năm 1928 trên đường Quai de Belgique, góc ngã 3 với đường Mac Mahon. Góc đường này sau năm 1955 đổi tên thành Bến Chương Dương – Công Lý. Hiện nay đổi thành Võ Văn Kiệt – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Toà nhà này được thiết kế theo phong cách tân cổ điển, có chút ảnh hưởng từ cả kiến trúc Chăm và Khơ Me.
Năm 1955, khi quân đội Pháp đã rời Đông Dương, toà nhà này trở thành một trung tâm Hội Nghị và được đặt tên là Hội Trường Diên Hồng, trở thành nơi tổ chức những phiên họp quan trọng thời đệ nhất cộng hoà.
Thời đệ nhị cộng hoà, sau sự thay đổi hiến pháp năm 1967, Quốc Hội chia làm 2 viện, khi Hạ Nghị Viện được đặt ở trụ sở Quốc Hội cũ thì Hội trường Diên Hồng đã trở thành trụ sở Thượng Nghị Viện cho đến năm 1975.
Sau 1975, có một thời gian nơi này trở thành trụ sở của công ty thương mại Imexco. Đến năm 1996, toà nhà được Ủy ban chứng khoán nhà nước tiếp quản.
–
Palais de Justice (Tòa công lý, nay là Tòa Án thành phố) là tòa nhà lớn thứ 2 do kiến trúc sư người Pháp là Marie-Alfred Foulhoux thiết kế. Ông cũng là người thiết kế Bưu Điện Sài Gòn, Dinh Thượng Thơ, Dinh Gia Long, Tòa nhà Quan Thuế (được sửa lại từ nhà ông Wang Tai, nằm đầu đường Hàm Nghi ngày nay), đều là những công trình đã có từ hơn trăm năm và còn lại đến nay.
Palais de Justice mang phong cách tân cổ điển được xây dựng từ năm 1881 đến 1885, có 2 tầng với hành lang 2 bên và hầm bên dưới, nằm ở góc đường Mac Mahon và la Grandiere (nay là NKKN và Lý Tự Trọng). Cũng vì Tòa Công Lý nằm ở đường này nên sau năm 1955, con đường đi ngang qua được đặt tên là Công Lý, trước khi đổi lại thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ năm 1975.
Điểm nổi bật của công trình này là các bức phù điều được kiến trúc sư Jules Bourard thực hiện (Jules Bourard cũng là người xây Nhà Thờ Đức Bà).
Sau năm 1954, Tòa Công Lý trở thành Tòa Án Quốc Gia, sau năm 1975 là Tòa Án Thành Phố.
–
Tòa nhà có tuổi đời trên 100 năm này nằm trên đại lộ Norodom (đại lộ Thống Nhứt, nay là đường Lê Duẩn), sát bên Nhà Thờ và Bưu Điện, đối diện với Diamond Plaza ngày nay.
Thời Pháp, đây là Cercle des Officiers – Câu lạc bộ Sĩ Quan, thời VNCH, tòa nhà trở thành Trụ sở của Bộ tư pháp. Ngày nay, đây là trụ sở của UBND Quận 1.
Đông Kha – chuyenxua.net